Trồng cây táo từ hạt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có thể trồng táo bằng hạt, nhưng hãy nhớ rằng cây táo đó có thể không giống như loại táo mà bạn lấy hạt để trồng.[1] Ví dụ, khi trồng hạt táo Granny Smith (táo xanh Mỹ), có thể bạn sẽ không có được cây táo Granny Smith. Có thể có một số loại táo khác nhau có nguồn gốc từ giống táo Granny Smith. Có nhiều điều bạn cần lưu ý để tăng cơ hội thành công nếu muốn trồng táo từ hạt.

Các bước[sửa]

Mô phỏng mùa đông[sửa]

  1. Thu thập hai loại hạt khác nhau. Táo cần được trồng theo cặp để có thể kết trái – cây táo không tự thụ phấn, do đó chúng cần một giống táo khác để thụ phấn chéo. Bạn có thể lấy hạt từ quả táo đang ăn hoặc mua hạt giống táo ở cửa hàng. Nhớ rằng khi trồng táo từ hạt, cây táo mà bạn trồng không đảm bảo là sẽ ra quả hoặc đúng như giống táo mà bạn định trồng. Cố gắng chọn hoặc mua hạt giống táo sinh trưởng tốt trong vùng khí hậu bạn đang ở, bằng không cây táo của bạn có thể sẽ chết khi đem ra trồng ngoài trời.[2]
    • Nếu muốn trồng táo để ăn quả, tốt nhất là bạn nên mua cây táo con từ vườn ươm thay vì trồng táo từ hạt.[3]
    • Khi thử trồng một cây táo từ hạt, bạn cũng cần hiểu rằng cây táo được trồng sẽ không có những đặc tính thu nhỏ (nghĩa là nó sẽ đạt đến chiều cao tối đa khoảng 9 mét). Nếu sân nhà bạn có đủ không gian cho cây phát triển thì tuyệt! Bạn cũng nên nhớ là cây trồng từ hạt có thể mất từ 8 đến 10 năm mới cho quả, trong khi cây con chiết từ cây mẹ sẽ cho quả nhanh hơn nhiều.[4]
  2. Phơi hạt cho khô. Khi lấy hạt ra và loại bỏ hết phần thịt quả dính vào hạt, bạn nên phơi khô hạt. Việc này đơn giản chỉ là để khô tự nhiên đến khi không còn độ ẩm ở lớp vỏ bên ngoài.
  3. Bọc hạt táo trong khăn giấy ẩm. Cho khăn giấy và hạt vào túi ni lông có khóa kéo, lọ có nắp đậy hoặc hộp đựng thực phẩm, quan trọng là phải đậy kín.[5]
    • Bạn cũng có thể dùng rêu than bùn ẩm thay cho khăn giấy nếu có sẵn.
  4. Cho hạt táo vào tủ lạnh. Hạt táo cần một thời kỳ tiếp xúc với độ lạnh gọi là thời kỳ “sau khi chín muồi”. Đây là việc mô phỏng mùa đông cần thiết. Trong suốt thời gian này, hạt táo sẽ mọc rễ và nảy mầm. Chúng cần ở trong điều kiện này từ 70 đến 80 ngày. Duy trì nhiệt độ trong khoảng 4,4 -10 độ C, lý tưởng nhất là 4,4 đến 5 độ C.[6]
    • Nếu có thể, bạn nên thực hiện công đoạn này vào mùa đông để hạt táo sẽ tương thích với mùa khi ra khỏi tủ lạnh. Ươm mầm cây vào đầu xuân sau đợt sương giá cuối cùng sẽ có kết quả tốt nhất.
  5. Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo khăn giấy vẫn ẩm. Khi để hạt trong tủ lạnh, điều quan trọng là duy trì độ ẩm, do đó bạn cần kiểm tra hàng ngày. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng hạt sẽ không nẩy mầm khi vẫn để trong tủ lạnh.

Ươm mầm cây trong chậu[sửa]

  1. Chuẩn bị chậu và đất. Hạt táo cần được trồng trong chậu được chuẩn bị sẵn. Dùng hỗn hợp đất trồng cây chất lượng tốt. Hạt táo sẽ phát triển tốt với độ pH trung bình. Đổ đất vào chậu và đào lỗ cỡ bằng hoặc gấp đôi kích thước hạt đang nảy mầm.[7]
    • Không cho thêm phân bón vì điều này không cần thiết. Tuy nhiên bạn có thể cho thêm lớp phủ lá cây hoặc phân trộn hữu cơ nếu muốn cây con phát triển nhanh hơn.
  2. Đặt hạt vào lỗ. Đặt hạt vào lỗ và phủ đất lên, nhớ vỗ nhẹ cho đất chặt xuống. Tưới nước ngay để đất bao bọc xung quanh hạt và duy trì độ ẩm.[4]
  3. Giữ chậu cây ở nhiệt độ bình thường như trong phòng. Khi trồng trong chậu, hạt và đất cần được duy trì ở nhiệt độ thường hoặc ấm hơn một chút. Hạt cây cũng phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều giờ trong ngày, vì vậy đặt chậu cây ở bệ cửa sổ nơi có ánh nắng chiếu vào là một ý hay.[8]
  4. Quan sát cây con mọc lên. Nhiều tuần sau khi gieo, hạt táo sẽ bắt đầu nảy mầm và ra những chiếc lá nhỏ. Từ đó chúng sẽ mọc cao hơn và khỏe hơn. Để cây trong chậu đến khi chúng có vẻ khỏe mạnh và ngoài trời cũng không còn khả năng xảy ra sương giá. Nếu thấy cây con phát triển quá to so với chậu, bạn hãy chuyển cây sang chậu lớn hơn và tiếp tục tưới nước hàng ngày.[8]

Trồng cây con ngoài trời[sửa]

  1. Chọn một vị trí trồng cây. Có nhiều yếu tố mà bạn cần cân nhắc khi quyết định vị trí trồng cây. Đó là ánh sáng mặt trời, đất và không gian.[3]
    • Ánh sáng mặt trời: Cây táo cần ánh sáng toàn phần. Như vậy nghĩa là mỗi ngày nó sẽ cần nhận ánh nắng trực tiếp từ mặt trời từ 6 tiếng trở lên. Vị trí trồng cây sẽ tùy thuộc vào vị trí nhà bạn. Hướng đông thường là lựa chọn tốt, nhưng hướng bắc cũng ổn.[9] Cân nhắc các vị trí có thể lựa chọn trước khi trồng cây.
    • Đất: Cây táo không ưa đất ướt. Điều này có nghĩa là đất trồng táo cần giữ được độ ẩm nhưng phải thoát nước tốt. Đất phải tương đối màu mỡ và có độ pH trung bình.
    • Không gian: Vì được trồng từ hạt, cây táo của bạn sẽ phát triển hết cỡ (có thể đạt tới chiều cao 6-9 mét). Bạn cần đảm bảo có đủ không gian cho hệ thống rễ của cây phát triển. Nên dự tính trồng cách các cây khác ít nhất 9 mét, đặc biệt nếu bạn muốn trồng hai cây táo cùng một hàng.[10]
  2. Biết khi nào là điều kiện thích hợp để chuyển cây ra ngoài. Khi cây con của bạn đã đủ lớn để không ai có thể vô tình giẫm lên hoặc tưởng nhầm là cỏ dại, bạn hãy chuyển cây ra ngoài., cẩn thận đừng làm đứt rễ. Thời điểm tốt nhất để thực hiện việc này tùy thuộc vào vùng bạn ở - mùa thu có thể là thời điểm tốt nếu bạn sống trong vùng số 8 hoặc những nơi ấm hơn. Nếu ở ngoài vùng số 8, bạn nên trồng vào mùa xuân, khi không còn khả năng xảy ra hiện tượng sương giá.[8]
  3. Nhổ hết cỏ dại trong đường kính 1,2 m ở vị trí định trồng. Đào một hố có đường kính gấp đôi bộ rễ của cây con. Đảm bảo hố phải sâu khoảng 0,6 m. Khi đã đào hố, bạn hãy cố gắng làm tơi đất xung quanh hố - điều này sẽ giúp rễ cây đâm vào đất dễ dàng hơn.[2]
  4. Chuyển cây con ra ngoài. Nhẹ nhàng gỡ rễ cây cho khỏi rối hoặc bị bó chặt trong hố vừa đào. Bắt đầu thay đất xung quanh rễ cây. Khi đã phủ đất lên rễ, vỗ cho đất chặt xuống để loại bỏ hết các túi khí xung quanh rễ cây. Lấp phần hố còn lại bằng đất tơi xốp.[3]
    • Bạn cũng không nên bón thêm phân hoặc phân trộn chưa ngấu xung quanh cây. Phân bón có thể làm “bỏng” bộ rễ của cây non.
  5. Tưới nhiều nước lên cây để loại bỏ các túi khí. Sau khi tưới cây, trải một lớp phủ lên đất để giữ độ ẩm cho cây con. Cỏ khô, rơm hoặc vỏ bào hữu cơ có thể làm lớp phủ thích hợp cho cây táo. Lớp phủ nên trải rộng trong vòng tròn bán kính 0,9 m xung quanh cây. Lớp phủ sẽ giúp giữ độ ẩm và ngăn chặn cỏ dại mọc lên cạnh tranh với rễ cây còn non để giành nước và chất dinh dưỡng.[6]

Chăm sóc cây[sửa]

  1. Tưới nước cho cây. Khi cây còn thấp (khoảng 15-20 cm), cách 10-12 ngày cây cần được tưới một lần. Tuy nhiên bạn có thể giảm số lần tưới khi cây lớn lên, chỉ cần duy trì độ ẩm (nhưng không ướt sũng). Bớt tưới khi cây đã phát triển, nhưng vào mùa hè nên tưới mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần.[11]
    • Vào những thời gian khác trong năm, bạn có thể để thiên nhiên làm công việc còn lại, trừ khi bạn sống trong vùng cực khô. Khi đó bạn cần nhớ là trong năm đầu tiên lượng nước tưới cho cây mỗi tuần khoảng 2,5 -5 cm là lý tưởng nhất. Đảm bảo tưới đẫm nước chứ không chỉ rảy nước lên cây.
  2. Loại trừ loài gây hại. Nếu trong vùng có hươu nai, bạn cần bảo vệ cây non. Hươu nai rất thích gặm chồi non của cây táo, đôi khi chúng còn làm hư hại cả thân cây. Để bảo vệ cây khi chúng đang lớn lên, bạn có thể dùng lưới mắt cáo đủ cao để bảo vệ cây và đủ dài để quây xung quanh cây. Cố định lưới vào cọc và quây tròn. Theo dõi khi cây phát triển để cành cây không bị vướng vào hàng rào.
    • Ở những vùng có áp suất thấp, việc dùng bình xịt thuốc mua ở cửa hàng hoặc pha chế ở nhà cũng có thể đem lại hiệu quả.[3]
    • Nếu trong vùng bạn ở không có hươu nai, bạn vẫn cần ngăn chuột và thỏ bằng cách quây rào quanh gốc cây.
    • Diệt trừ côn trùng. Có thể bạn phải chiến đấu với sâu bọ gây bệnh cho táo. Bạn có thể mua thuốc phun diệt sâu bọ ở vườn ươm hoặc cửa hàng bán đồ làm vườn để diệt trừ sâu bọ.
    • Chiến đấu với giòi hại táo. Chúng là một trong những loài dịch hại thường gặp nhất trên cây táo. Treo một vài quả bóng màu đỏ cỡ bằng quả bóng chày lên các cành cây vào tháng sáu. Bao bọc các quả bóng bằng chất dính như Tangle Trap mua ở vườn ươm hoặc cửa hàng.
  3. Bón phân khi cây đã lớn hơn. Cây táo của bạn cần được bón phân hàng năm vào mỗi mùa xuân. Bón phân cho cây sau khi đợt tuyết cuối cùng đã tan (nếu vùng bạn ở có tuyết), nhưng phải trước khi cây bắt đầu đâm chồi. Bạn nên dùng phân nitrogen và oxide (NPK) 10-10-10. Bón phân dưới tán cây với liều lượng 230 gr cho mỗi 5 cm đường kính thân cây.[2]
    • Luôn kiểm tra đất trước khi bón phân. Dựa vào kết quả kiểm tra đất, có thể bạn cần dùng loại phân hữu cơ giải phóng chậm. Quá nhiều nitrogen sẽ khiến cây chỉ tốt lá và hạn chế ra quả.
    • Không dùng loại vừa làm phân bón vừa để trừ cỏ - những loại phân bón kết hợp này có thể làm hại cây táo của bạn.
  4. Khoan cắt tỉa cây con. Trong năm đầu tiên, hạn chế cắt tỉa để không làm chậm thời gian ra quả của cây. Bạn nên cắt tỉa những cành chết hoặc bệnh. Cây táo cần phát triển thật tốt trước khi chúng ra quả - đó là một cách để tái tạo – do đó bạn hãy để chúng phát triển trước khi kết quả.[2]
    • Loại bỏ các chồi mọc không đúng chỗ trước khi chúng có cơ hội phát triển thành các cành cây mà sau này bạn sẽ phải cắt tỉa.
    • Bạn cũng sẽ cần cắt tỉa cây để tạo “cành chủ”. Nếu có hai cành cùng mọc thẳng đứng, bạn hãy cắt bớt cành nhỏ hoặc cành không đẹp để cây có thể tập trung dinh dưỡng cho cành chủ.
  5. "Huấn luyện" cây. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng bạn cần uốn cành cây để cây có thể cho quả tối đa. Bất cứ cành cây nào tạo thành góc 35 độ trở xuống so với thân cây sẽ phải uốn thành góc thích hợp hơn (lớn hơn 35 độ so với thân cây). Kéo nhánh cây xuống sao cho gần như song song với mặt đất và dùng dây buộc vào các cọc đóng xuống đất hoặc vào những cành cây thấp hơn. Buộc như vậy trong khoảng vài tuần.
  6. Tỉa bớt quả thừa. Cây ra quả quá nhiều thực ra cũng không tốt– số quả thừa có thể khiến cành nặng trĩu và giảm chất lượng quả. Bạn nên tỉa bớt quả để mỗi chùm chỉ còn một hoặc hai quả, và cách nhau ít nhất 15-20 cm.[3]
  7. Cắt tỉa cây trưởng thành hàng năm. Khi cây đã bắt đầu kết quả và tăng trưởng, bạn sẽ phải tỉa cành hàng năm. Thực hiện công việc này vào thời gian cây ngủ đông. Cắt bớt những cành mọc thẳng đứng (thường ở trên ngọn cây cao nhất). Bạn cũng nên tỉa những cành chết, bệnh hoặc gãy, các nhánh mọc hướng vào thân cây hoặc mọc đan vào nhau.[2]
    • Cắt bớt những nhánh mọc quá thấp – nói chung, nhánh cây táo cần mọc cách mặt đất khoảng 45 cm trở lên.
    • Bạn cũng nên tỉa bớt những nhánh con yếu ớt, thường mọc ở mặt dưới các cành cây.

Lời khuyên[sửa]

  • Giữ cây trong chậu cho đến khi cây cao khoảng 40-60 cm.
  • Có lẽ bạn cũng nên chú ý đến thời tiết trong vùng và quan sát cây. Nếu lá cây bắt đầu rủ xuống và không có dấu hiệu sắp mưa, bạn nên dùng vòi tưới cây.
  • Trồng mỗi cây vào một chậu để chúng khỏi phải cạnh tranh ánh sáng và chất dinh dưỡng với nhau.
  • Không bao giờ được để đất khô kiệt; nếu không cây có thể chết.
  • Giữ khoảng cách giữa các cây con; nếu không, chúng sẽ không lớn lên được.
  • Trước khi ăn, bạn cần kiểm tra sâu bọ và các vết thâm trên quả táo.
  • Nếu biết ai đó có trồng cây táo, bạn hãy hỏi thăm vì có thể họ có nhiều kinh nghiệm.
  • Hỏi thăm các trường đại học mở về các tập san hướng dẫn chăm sóc cây táo, hoặc đến thư viện chọn một cuốn sách có thể giúp ích.

Cảnh báo[sửa]

  • Những cây táo trồng từ hạt không đảm bảo là sẽ giống cây bố mẹ - thực tế mỗi hạt trong một quả táo sẽ mọc thành một cây khác nhau. Các chương trình gây giống trồng hàng ngàn cây để tìm ra một hoặc hai giống thương mại mới.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Hạt táo từ hai giống táo khác nhau
  • Đất trồng cây trong chậu
  • Chậu trồng cây
  • Ánh sáng đủ
  • Nước
  • Khăn giấy
  • Không gian rộng để trồng cây
  • Lớp phủ

Nguồn và Trích dẫn[sửa]