Trồng cây từ hạt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một trong các lý do khiến người ta trồng cây từ hạt là do họ có thể chọn nhiều loại cây khác nhau trong hàng loạt các loại hạt giống được bán. Trồng cây từ hạt thường ít tốn kém hơn là mua cây. Quan trọng hơn, bạn có thể chăm sóc và tận hưởng từng giai đoạn phát triển của cây, một điểm nhấn tô điểm cho khu vườn nhà bạn trong nhiều năm sau. Hạt giống rau và hoa là các lựa chọn tốt cho những người mới làm vườn.

Các bước[sửa]

Gieo hạt[sửa]

  1. Chọn hạt giống. Các cửa hàng làm vườn có thể giới thiệu các hạt giống dễ trồng trong vùng khí hậu bạn ở đúng thời điểm trong năm. Các loại rau tuyệt vời cho người mới bắt đầu làm vườn là: đậu xanh, xà lách lô lô và húng quế. Hoa hướng dương, hoa cúc chuồn chuồn và hoa anh túc là những loài hoa dễ trồng bằng hạt nhất.[1][2]
    • Hạt mới có nhiều khả năng nảy mầm hơn hạt cũ.
    • Việc thu thập hạt từ chính các cây hoặc quả của mình khá rủi ro nhưng cũng rất thú vị. Do hiện tượng thụ phấn chéo hoặc ghép cành (ghép cành của cây này vào gốc cây kia), những cây con có thể không giống cây bố mẹ.
  2. Xác định thời điểm trồng. Trong phần lớn các trường hợp, bạn cần bắt đầu gieo hạt trong nhà. Tuy nhiên điều này còn tùy vào từng loại cây. Ví dụ, xà lách và đậu xanh sẽ mọc tốt hơn khi được gieo trồng trực tiếp xuống đất ở ngoài trời. Trường hợp này bạn có thể trồng trước khi những đợt sương giá mùa xuân kết thúc. Các loài cây chịu rét tốt có thể trồng ngoài trời vào cuối đông hoặc đầu xuân. Những cây sinh trưởng tốt trong thời tiết ấm áp cần thời điểm gieo muộn hơn (giữa xuân hoặc cuối xuân) để đến khi trời trở ấm là cây đã sẵn sàng ra ngoài trời.
    • Thông thường thời gian để hạt nảy mầm, phát triển thành cây khỏe mạnh và sẵn sàng ra ngoài trời là từ ba đến sáu tuần, nhưng một số cây có thể mất đến 15 tuần.[3]
  3. Chọn chậu gieo hạt. Hạt gieo ngoài trời thường dễ bị tác động vì sâu bệnh và thời tiết xấu. Tỷ lệ cây sống sót sẽ cao hơn nếu bạn chăm sóc cây con trong nhà. Khay gieo hạt bán tại các cửa hàng làm vườn tất nhiên là thuận tiện, nhưng bạn cũng có thể dùng các chậu nhỏ có lỗ thoát nước.
    • Trước khi sử dụng lại chậu cây cũ, bạn cần cọ rửa kỹ bằng xà phòng và nước. Nhúng chậu vào dung dịch gồm một phần thuốc tẩy gia dụng và chín phần nước nóng, sau đó phơi khô. Bước này sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có thể gây hại cho hạt.[3]
    • Một số cây như xà lách, dưa chuột, dưa hấu và hoa hướng dương có thể bị tổn thương khi được đem ra ngoài trồng nếu rễ bị đứt. Thay vì vậy, bạn có thể gieo hạt những cây này ngoài trời sau đợt sương giá cuối cùng của mùa xuân, hoặc gieo mỗi hạt vào một ô riêng trong khay gieo hạt có lỗ và đặt cả tảng đất xuống khi đem trồng.[4]
  4. Trộn đất gieo hạt. Việc tự pha trộn đất khá đơn giản và ít tốn kém hơn nhiều so với việc mua đất ở cửa hàng. Bạn chỉ cần trộn đá trân châu, đá vermiculite và xơ dừa (hoặc rêu than bùn) với tỷ lệ bằng nhau. Hỗn hợp này xốp và thoát nước nhanh, giúp ngăn ngừa thối rễ và tạo điều kiện cho chồi cây nhô lên mặt đất.[5] Làm ẩm đất gieo hạt và đổ vào khay đến khi cách miệng khay khoảng 0,6 cm. Dùng một vật sạch để nén đất cho chặt và bằng mặt. Để nước thừa thoát đi trước khi tiếp tục bước kế tiếp.[6]
    • Nếu dùng đất mua ở cửa hàng, bạn nên kiểm tra xem đất có chứa phân trộn không. Nếu có, bạn không cần bón phân cho cây con. (Không cố thêm phân trộn vào đất trộn tại nhà trong lần trồng cây đầu tiên – điều này sẽ gây rắc rối hơn là có lợi).
    • Nếu dùng rêu than bùn thay vì xơ dừa, bạn nên thêm vào chút nước nóng để dễ trộn hơn.[5] Vì rêu than bùn có tính a-xít, bạn có thể bón thêm vôi (calcium carbonate) vào vườn để cân bằng lại. Thử pha ¼ thìa cà phê vôi cho mỗi 4 lít hỗn hợp đất trồng.[7]
  5. Gieo hạt. Nếu đất gieo hạt bị khô, bạn cần tưới cho ẩm trước khi gieo. Đọc hướng dẫn trên gói hạt giống để biết chính xác về khoảng cách và độ sâu khi gieo hạt, hoặc làm theo các chỉ dẫn sau:[3]
    • Khay chung, một loại hạt: Rải hạt giống rời và đều khắp khay.
    • Khay chung, nhiều loại hạt: Dùng thước sạch vạch các hàng nông, cách nhau 2,5–5cm. Thả các hạt của từng loại vào từng hàng riêng biệt. Gắn nhãn từng hàng.
    • Chậu riêng hay khay gieo hạt có lỗ: Gieo một hạt to (như hạt dưa chuột hoặc dưa hấu) hoặc hai hạt nhỏ (như hầu hết các loại hạt hướng dương) vào từng chậu.
  6. Lấp đất tùy theo kích thước của hạt. Nguyên tắc nên tuân theo là chôn hạt ở độ sâu gấp đôi đường kính hạt. Phần lớn các hạt nhỏ li ti đều cần ánh sáng để nảy mầm, trong đó có các cây như dã yên thảo, xà lách và hoa mõm sói. Bạn chỉ cần rắc hạt lên bề mặt đất.
    • Đá vermiculite khô hoặc rêu sphagnum nghiền (không phải rêu than bùn) là vật liệu lý tưởng để phủ lên hạt, nhưng bạn có thể dùng hỗn hợp đất gieo hạt để thay thế.[3]
    • Phủ nhẹ một lớp đất lên hạt. Nếu bạn nén quá chặt, chồi cây có thể khó đâm qua lớp đất nén.
  7. Khóa độ ẩm bằng màng bọc ni lông. Hạt giống rất dễ bị ảnh hưởng vì độ ẩm quá cao hoặc quá thấp. Một lớp màng bọc ni lông hoặc túi ni lông phủ lên sẽ giúp giữ độ ẩm trong đất cho đến khi hạt nảy mầm.[6]
    • Hầu hết các khay gieo hạt mua ở trung tâm làm vườn đều kèm màng bọc để giữ độ ẩm bên trong. Nếu không, bạn có thể làm nhà kính tí hon để thay thế hoặc trồng cây con trong bể cá cũ và đậy lại.
  8. Đặt khay hạt ở nơi ấm áp và có ánh nắng gián tiếp. Nếu trên gói hạt không có hướng dẫn cụ thể về nhiệt độ, bạn nên duy trì nhiệt độ ban ngày vào khoảng 18–24ºC, và nhiệt độ ban đêm không thấp hơn 13ºC.[8] Đặt đệm sưởi dưới khay gieo hạt nếu nhiệt độ trong phòng thấp hơn mức nhiệt này. Đa số các loại hạt đều phát triển tốt khi có nhiều ánh sáng, nhưng bạn nên tránh ánh nắng trực tiếp nếu khay được bọc ni lông.
    • Một số loại hạt nảy mầm tốt ở nơi tối hoàn toàn, bao gồm hạt cà chua, hoa phi yến, cúc calendula và rau mùi. Ngăn ánh sáng bằng bọc ni lông đen hoặc bìa các-tông.[9]
    • Nếu muốn tăng tối đa khả năng thành công, bạn có thể tìm hiểu nhiệt độ cụ thể của giống cây muốn trồng. Tuy nhiên, thông thường bạn sẽ mất một số hạt vì nhiệt độ không thích hợp, hoặc hạt lâu nảy mầm hơn.
  9. Kiểm tra độ ẩm mỗi ngày hoặc cách ngày. Nếu hỗn hợp đất trông có vẻ khô, bạn hãy đặt khay gieo hạt vào một khay khác đựng nước. Đất sẽ hút nước từ dưới đáy khay gieo hạt.[10] Cách này ít rủi ro hơn là tưới từ bên trên, vì khi đó hạt có thể bị trôi đi hoặc quá nhiều nước.
    • Như đã nói ở trên, màng bọc ni lông là đủ để giữ độ ẩm trong suốt thời gian hạt nảy mầm. Bước này chỉ là để hỗ trợ.

Chăm sóc cây con[sửa]

  1. Tháo màng bọc sau khi hạt nảy mầm. Phần lớn các loại hạt nảy mầm trong khoảng 2 tuần. Khi mầm đã trồi lên khỏi mặt đất, bạn cần tháo lớp màng bọc (nếu có).
    • Nếu gieo nhiều hàng hạt trong một khay chung, bạn nên cắt các dải ni lông hoặc vải để che lại các hàng chưa nảy mầm.[3]
  2. Cho cây tiếp xúc với ánh sáng mạnh sau khi nảy mầm. Dời khay ra cửa sổ hướng nam (hướng bắc nếu ở Nam bán cầu), nơi có ánh sáng. Nếu điều kiện ánh sáng và nhiệt độ ở bệ cửa sổ quá khác biệt so với chỗ cũ, bạn cần di chuyển theo từng giai đoạn, dần dần tăng cường độ ánh sáng. Sự thay đổi đột ngột có thể giết chết cây.[6]
    • Nếu ngoài trời khá lạnh, có thể bạn cần đặt túi sưởi giữa khay gieo hạt và cửa sổ. Nếu không, nhiệt độ lạnh bên ngoài có thể thấm qua cửa sổ và làm chậm sự phát triển của cây con.
    • Ở các vĩ độ xa phía bắc hoặc nam bán cầu không nhận được nhiều ánh nắng mặt trời, bạn cần mắc đèn cách khoảng 15 cm bên trên các cây con, và để đèn sáng mỗi ngày 14-16 giờ. Di chuyển đèn ra xa khi cây con lớn lên để tránh làm bỏng cây.[3]
  3. Xoay cây mỗi ngày. Cây thường mọc hướng về ánh sáng mặt trời. Nếu ánh sáng chỉ chiếu qua cửa sổ, cây con sẽ nghiêng về phía đó và mọc ra các cành dài và yếu. Mỗi ngày bạn nên xoay một góc tư khay trồng cây để cây phát triển đều.[10]
  4. Duy trì nhiệt độ ổn định. Trừ khi có hướng dẫn khác trên bao bì hạt giống, bạn nên tiếp tục duy trì nhiệt độ ban ngày trong khoảng 18–24ºC, và ban đêm không thấp hơn 13ºC. Nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng trong giai đoạn này có thể khiến cây phát triển không khỏe mạnh, chẳng hạn như các cành cây khẳng khiu, èo uột.[3]
  5. Tưới nước thường xuyên. Đất trồng cây cần được giữ ẩm nhưng không ướt sũng; nếu không, bộ rễ cây mỏng manh sẽ bị thối hoặc ngạt nước (không có khả năng hấp thụ ô-xy). Dùng khay nước đặt dưới chậu cây để nước thấm lên từ dưới đáy là lý tưởng nhất, vì việc tưới nước từ trên có thể làm gãy hoặc tạo điều kiện cho bệnh phát triển.[6]
    • Hạt giống sẽ bị chết nhanh chóng nếu bị khô vào giữa giai đoạn nảy mầm. Bạn nên kiểm tra ít nhất mỗi ngày một lần.
  6. Bón phân khi những chiếc lá thật đầu tiên mọc ra. Cặp lá đầu tiên xuất hiện gọi là lá mầm. Cặp lá thứ hai là những chiếc “lá thật’’ đầu tiên, cũng là dấu hiệu cho thấy cây đã đạt đến độ ”chín” và sẵn sàng cho sự phát triển thực sự. Pha loãng phân bón cân đối với nồng độ bằng ¼ so với nồng độ được khuyến nghị trên nhãn. Rót vào khay rộng và đặt khay trồng cây vào dung dịch phân bón để đất hút phân bón từ dưới lên. Thực hiện mỗi tuần một lần hoặc theo hướng dẫn trên bao bì.[6]
    • Nếu gieo hạt trong đất đã có sẵn phân trộn, bạn không cần bón phân thêm. Chất dinh dưỡng quá nhiều có thể làm cây bị “bỏng’’ hoặc gây nên các vấn đề khác.
    • Bạn có thể bón phân với hàm lượng bằng ½ hàm lượng được khuyến nghị khi cây con đã được chuyển vào các chậu lớn hơn và bón phân với hàm lượng đầy đủ khi cây đã trưởng thành.
  7. Chuyển cây con sang các chậu riêng. Nếu có nhiều cây con trong một khay, có thể chúng cần chuyển sang chậu mới to hơn để khỏi mọc chen chúc. Tuy nhiên không phải loại hạt nào cũng cần chuyển chỗ. Điều này tùy thuộc vào từng loại cây. Nếu cần phải tách cây, bạn nên chờ cho đến khi các cây con có vẻ cứng cáp để có thể chịu được việc di chuyển. Thông thường các nhà làm vườn chỉ chuyển các cây con to và khỏe nhất. Bạn có thể loại bỏ các cây còn lại hoặc dùng làm phân trộn. Sau đây là cách thực hiện:[11][12]
    • Rửa sạch chậu mới bằng nước xà phòng và xả sạch.
    • Đổ đất ẩm ở nhiệt độ thường vào chậu mới. Đào một hốc vừa đủ cho bộ rễ của cây con.
    • Dùng que kem hoặc vật mỏng gạt đất xung quanh rễ cây con.
    • Túm những chiếc lá trên cùng và nhấc cây lên. Không nắm vào thân cây.
    • Đặt cây vào hốc đất. Bạn có thể dùng bút chì để trải rễ cây rộng ra một chút, nhưng đừng lo nếu nó không được như ý.
    • Rắc đất ẩm lên rễ cây cho đến khi cây con được chôn ở độ sâu như trước. Nhẹ nhàng ấn đất xuống.
    • Tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ và ánh sáng ít nhất trong vài ngày đầu khi cây con đang hồi phục.
  8. Luyện cho cây cứng cáp. Đây là quá trình bạn cho cây dần dần tiếp xúc với nhiệt độ dao động và điều kiện thời tiết ngoài trời để cây không bị sốc khi di chuyển. Bắt đầu quá trình này trước ngày chuyển cây ra ngoài trời:
    • Hạ thấp nhiệt độ trong nhà xuống một chút.
    • Tưới ít hơn, nhưng đừng để cây bị khô.
    • Đưa cây ra ngoài trời mỗi ngày một hoặc hai tiếng, tại vùng có bóng râm và khuất gió. Tránh nhiệt độ dưới 7ºC.[3]
    • Tăng khoảng thời gian cây ở ngoài trời lên khoảng một tiếng mỗi ngày. Dần dần cho cây ra chỗ có ánh sáng mặt trời. (Mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tùy thuộc vào từng loại cây và vị trí cây được dời đến).
  9. Chuyển cây con ra ngoài trời. Khi thời tiết ấm áp và cây con đã chịu được ở ngoài trời cả ngày, bạn có thể trồng lại cây vào chậu định trồng lâu dài hoặc xuống đất trong vườn. Tuân theo hướng dẫn cụ thể cho từng cây, vì mỗi loài cây lại có các nhu cầu về nhiệt độ và ánh sáng khác nhau. Những lời khuyên sau đây chỉ là điều cơ bản:[13]
    • Nếu có thể, bạn nên chuyển cây vào buổi sáng không có nắng và ít gió.
    • Làm ẩm đất cả trong chậu cây và hốc đất mới.
    • Cẩn thận chuyển bộ rễ cây vào hốc đất mới. Trải các sợi rễ cây càng rộng càng tốt, cẩn thận đừng làm đứt rễ.
    • Thêm đất vào để cây được chôn dưới đất có độ sâu bằng như trước.
    • "Tưới nhiều nước" để đất tiếp xúc với rễ cây.
  10. Bảo dưỡng cây. Việc chuyển chỗ là khá khó khăn cho cây và có thể phải mất vài tuần cây mới bén rễ. Sau lần tưới đầu tiên, bạn cần giữ đủ độ ẩm cho cây nhưng không để cây bị úng nước. Bảo vệ cây khỏi mưa to và gió mạnh cho đến khi cây có thể tự chống chọi để phát triển khỏe mạnh.

Xử lý sự cố[sửa]

  1. Ngăn ngừa nhiễm nấm ở cây non. Các cây con mới nảy mầm rất thường chết vì nấm đến mức người ta đặt tên cho hiện tượng này là "bệnh chết rạp cây con." Thử gieo hạt lại và áp dụng các biện pháp đề phòng để ngăn ngừa các bào tử nấm rơi vào và phát triển:
    • Khử trùng đất, rửa sạch mọi khay chậu và dụng cụ trồng cây bằng hỗn hợp gồm một phần thuốc tẩy gia dụng và một phần nước.[6]
    • Rắc đá vermiculite hoặc đá trân châu lên bề mặt chậu sau khi trồng.
    • Tránh điều kiện ẩm ướt và mát. Khi bạn nắm một nắm đất mà thấy nước rỉ ra thì nghĩa là nó quá ướt.
    • Để có kết quả tốt nhất, nên xử lý đất với thuốc kháng nấm, đàm bảo tuân theo hướng dẫn trên bao bì.
  2. Tìm hiểu nguyên nhân khiến hạt giống không nảy mầm. Nhiều loại hạt cây, trong đó có cam và táo, cần phải xử lý để kích thích nảy mầm. Để có kết quả tốt nhất, bạn cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn cho từng loài cây. Phần lớn các loài cây này cần một hoặc hai cách xử lý sau đây:
    • Rạch vỏ: Các hạt có vỏ cứng có thể phải bóc vỏ hoặc làm mỏng vỏ. Bạn có thể thử dùng giũa móng tay để mài bớt hoặc dùng dao khía vào vỏ hạt. Thậm chí bạn có thể đun sôi một số loại hạt cứng để làm mềm vỏ.[14]
    • Sự phân tầng (quá trình ẩm – lạnh): Trong tự nhiên, nhiều loại hạt cây nằm trên mặt đất suốt mùa đông và nảy mầm vào mùa xuân. Một vài tuần trong môi trường lạnh, ẩm, mô phỏng điều kiện này sẽ giúp hạt giống "biết" rằng nó cần phải nảy mầm. Thử đặt hạt trong hai chiếc khăn giấy ẩm, bỏ vào túi ni lông và để trong tủ lạnh.

Lời khuyên[sửa]

  • Chọn trước một vị trí trong vườn một thời gian dài trước khi trồng cây; có thể bạn phải điều chỉnh đất hoặc sửa soạn đất cho kịp thời gian hạt nảy mầm.
  • Một số nhà vườn "vuốt ve" ngọn cây con hàng ngày. Động tác này dường như kích thích cho thân cây mọc khỏe hơn, ngắn hơn. Gió thổi nhẹ có tác động ngược là kích thích cây mọc cao hơn nhưng yếu hơn.[15] Trái lại, gió có tốc độ cao sẽ giúp thân cây cứng cáp. Thử đặt quạt máy gần các cây con để tạo gió tốc độ cao.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Hạt giống
  • Đất trồng cây, có thể mua ở cửa hàng hoặc tự pha trộn
  • Nhiều loại chậu trồng cây
  • Phân bón
  • Nước
  • Ánh sáng mặt trời
  • Đệm sưởi (tùy ý)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]