Trồng cây xanh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn có một mảnh vườn ở sân trước hoặc sau nhà, có thể bạn sẽ thích trồng các loại thảm thực vật bao gồm hoa và cây xanh. Cây xanh nói riêng không chỉ đem lại cho bạn và gia đình niềm vui, mà còn tạo thêm nhiều ích lợi khác như làm không khí thêm trong lành, cung cấp oxy, làm đường phố dịu mát, tạo môi trường sống hoang dã và chống xói mòn.[1] Tuy nhiên, trồng cây xanh không đơn giản chỉ là đào một cái hố rồi bỏ cây xuống đó. Bạn cần chú ý đến đất trồng, khí hậu, giống cây phù hợp với khu vực bạn sống, và các yếu tố khác như luật quy hoạch trước khi trồng cây. Dành thời gian suy nghĩ về những yếu tố đó, bạn sẽ có thể trồng cây thành công và tận hưởng một hay nhiều cây xanh trong nhiều năm.

Các bước[sửa]

Quyết định Giống Cây trồng[sửa]

  1. Hãy để tâm tới mục tiêu của bạn. Trước khi bắt đầu quá trình trồng cây, hãy cân nhắc mục tiêu cuối cùng của bạn. Bạn muốn thêm một vài cây xanh vào danh sách tài sản, đặt cây ở lề đường lớn để gia tăng giá trị của căn nhà? Hay có thể bạn đơn thuần chỉ muốn tận hưởng cảm giác ngắm nhìn cái cây phát triển, tạo môi trường hoang dã và thu hút những chú chim tới đậu trên nhành cây. Nếu bạn xác định được điều mình muốn khi trồng cây, bạn sẽ đưa ra được quyết định sáng suốt nhất từ việc chọn giống cây nào phù hợp nhất với nhu cầu của bạn cho tới địa điểm để trồng nó.
  2. Suy tính về khí hậu địa phương. Bạn cần nghĩ về thời tiết ở khu vực bạn sống trước khi trồng cây để chắc chắn rằng bạn chọn một giống cây có thể sống và phát triển trong vườn hay sân nhà bạn. Sử dụng thang đo Vùng Chịu đựng của Thực vật không chỉ giúp xác định khí hậu địa phương mà còn giúp lựa chọn được giống cây phù hợp nhất.
    • Tổ Chức Arbor Day cung cấp một hệ thống xác định khí hậu cho các loài thực vật mang tên Vùng Chịu đựng của Thực vật. Hệ thống này chia Mỹ và Canada thành 11 vùng khác nhau dựa trên sự chênh lệch 10 độ Farenheit của nhiệt độ trung bình tối thiểu hàng năm.[2]
    • Ví dụ, nước Mỹ nằm từ Vùng 2 đến 10.[2]
    • Bạn có thể truy cập Vùng Chịu đựng của Thực vật tại http://shop.arborday.org/content.aspx?page=zone-lookup và tra cứu vùng mình đang sống.
    • Khi biết vùng của mình, bạn sẽ xác định được những giống cây bạn có thể trồng và mong chúng phát triển ở nhiệt độ cực hạn của khu vực bạn đang sống.[3]
    • Biết rằng Vùng Chịu đựng của Thực vật không tính toán đến sự khác nhau của độ ẩm, đất, gió và các điều kiện khác có thể ảnh hưởng tới sự sinh tồn của thực vật.[3]
  3. Chú ý tới đất trồng. Bạn có thể cũng muốn xem xét địa hình khu đất của mình trước khi trồng cây. Các yếu tố như độ dốc, các khu lân cận, độ thoát nước và xói mòn có thể tác động đến sự phát triển của cây.
    • Ví dụ, nếu bạn sống trên đồi hoặc một mảnh đất dốc, thì việc trồng cây không hẳn là một ý kiến hay bởi vì rễ cây khó có thể bám vào đất.
    • Nếu bạn trồng cây để chống xói mòn, bạn nên chọn cây đã có rễ chùm lớn để chúng không bị cuốn trôi bởi mùa mưa sắp tới hay gió bão.
    • Xem xét các cây và thực vật khác xung quanh để chắc rằng cây bạn trồng không chỉ phù hợp với cảnh quan, mà nó phải có đủ không gian để phát triển và không làm ảnh hưởng tới những loài thực vật và cây khác.
  4. Tìm hiểu luật địa phương về đào hố và trồng cây. Hầu hết các khu vực đều có luật quy hoạch về cây và đào hố trong địa phận của họ. Tìm hiểu luật là điều cần thiết để đảm bảo rằng bạn có thể đào hố và trồng cây. Nếu không, địa phương không chỉ ngăn cản bạn trồng cây mà bạn còn có thể phải nộp phạt.
    • Luật quy hoạch về trồng trọt cũng thường liên quan tới việc đào hố gần bốt điện thoại hay cột điện và dây cáp. Bạn cần chắc chắn về vị trí của các dây cáp trước khi đào bới.
    • Có thể bạn cũng muốn làm rõ với các công ty tiện ích địa phương về việc đào hố xung quanh cột và cáp của họ để chắc rằng bạn không làm phiền hay gây hại tới bất cứ ai khi bạn trồng cây cũng như khi những cây này phát triển.
    • Ở Mỹ, bạn có thể gọi 811 trước khi đào hố. Họ sẽ cung cấp vị trí các tiện ích ngầm cho bạn miễn phí, điều này giúp ngăn chặn thiệt hại, thương tích và tiền phạt.
  5. Nói chuyện với chuyên gia. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hay không chắc chắn về vấn đề liên quan tới trồng cây, hãy nói chuyện với chuyên gia về cây trồng ở địa phương. Tham khảo ý kiến của một người hiểu được nguyện vọng của bạn và các điều kiện địa phương có thể giúp bạn tìm được giống cây thích hợp nhất.
    • Bạn có thể đi tới vườn ươm địa phương để tìm chuyên gia về cây trồng hoặc có thể sử dụng công cụ tìm kiếm của Tổ chức Arbor Day để tìm chuyên gia. Công cụ tìm kiếm nằm tại trang http://www.arborday.org/trees/health/arborist.cfm .
  6. Mua cây. Sau khi hoàn thiện các công đoạn xác định khí hậu, đất, và luật quy hoạch, bạn đã sẵn sàng để mua cây về trồng. Hãy mua giống cây thích hợp với vùng, khí hậu và mảnh vườn của bạn.
    • Những giống cây có nguồn gốc từ nơi bạn sống có thể sẽ phát triển tốt, và bạn không nên chọn giống cây có tiềm năng xâm lấn. Sẽ dễ dàng hơn để chăm sóc giống cây có nguồn gốc ngay tại nơi này.[4]
    • Bạn có thể tìm thấy giống cây phù hợp nhất cho khu vực bạn sống. Ví dụ, nếu bạn sống ở phía bắc Canada, trồng một cây cọ có lẽ không khả thi. Tổ Chức Arbor Day có thể giúp bạn chọn giống cây phù hợp nhất, đơn giản chỉ cần nhập mã zip hoặc Vùng Chịu đựng của Thực vật vào công cụ tìm kiếm tại trang http://shop.arborday.org/content.aspx?page=tree-nursery .
    • Như một quy tắc, thực vật rễ trần - rễ không bị bọc trong vải bố hay chậu - phát triển tốt hơn cây trong chậu.

Chuẩn bị Trồng Cây[sửa]

  1. Lựa chọn đúng thời điểm trong năm để trồng cây. Bạn muốn cung cấp cho cây cơ hội tốt nhất để phát triển và tồn tại. Trồng cây đúng thời điểm trong năm chính là yếu tố then chốt. Thời điểm sẽ thay đổi phụ thuộc vào giống cây và khu vực bạn sống.
  2. Bạn sẽ thường muốn trồng cây khi không thấy cây phát triển, ra hoa, trong mùa mát hoặc mùa lạnh của năm. Xin nhắc lại lần nữa, điều này phụ thuộc vào khu vực bạn sống.
    • Nếu bạn không chắc về khoảng thời gian thích hợp nhất trong năm để trồng cây, hãy tham khảo ý kiến của Dịch vụ Đại học Mở rộng tại địa phương hay một dịch vụ khác tương tự. Các bang của Mỹ và nhiều quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ và Kenya đều có dịch vụ này.[5]
    • Nếu bạn sống tại Mỹ, bạn có thể xác định vị trí của Dịch vụ Đại học Mở rộng bằng cách sử dụng bản đồ tương tác trực tuyến của Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia tại trang http://nifa.usda.gov/partners-and-extension-map .
  3. Chuẩn bị cây trồng. Một khi bạn đã mua cây về, bạn cần chuẩn bị trước khi trồng cây. Điều này giúp đảm bảo rằng bạn đã chọn đúng giống cây có thể sống được. Quá trình này sẽ hơi khác một chút nếu kích thước cây thay đổi.
    • Nếu là cây non, nhẹ nhàng dốc ngược cây xuống để lấy cây ra khỏi chậu. Nếu cây được buộc trong bao tải, đợi đến khi bạn trồng cây xuống đất rồi mới cắt bao ra.
    • Nếu cây đã phát triển qua giai đoạn cây non, hãy cắt bỏ phần bọc. Nếu cây được buộc trong bao tải, đợi đến khi trồng cây xuống đất rồi mới cắt bao ra.
    • Nếu rễ cây bị buộc bởi giỏ hoặc dây, hãy lấy kéo cắt dây để chúng không làm ảnh hưởng tới bộ rễ gây chết cây.
    • Giữ lại nhiều đất nhất có thể xung quanh rễ và đừng di chuyển trừ khi cần thiết để rễ cây không bị khô.
    • Đừng bỏ rễ cây ra khỏi chậu hay bao tải quá lâu vì điều này có thể gây hại hoặc làm khô rễ.
    • Nếu bạn quyết định gieo hạt giống thay vì trồng một cái cây đã phát triển rồi, hãy làm theo bước sau. Trồng cây từ hạt giống có nghĩa là gieo hạt giống nảy mầm, gieo vào thời điểm thích hợp và chăm sóc kỹ càng. Phương pháp này sẽ mất công hơn là trồng cây sẵn trong chậu.[6]
    • Để hạt giống nảy mầm, bạn có thể sẽ phải rạch vỏ hạt. Tức là là làm vỡ vỏ hạt giống để độ ẩm có thể thâm nhập vào bên trong giúp phôi thực vật nảy mầm.
    • Một khi các hạt giống đã nảy mầm, trồng chúng vào chậu riêng hoặc khay hạt giống. Đặt khay hoặc chậu tại nơi có ánh sáng và thoáng mát.
    • Mỗi giống cây lại có hạt giống khác nhau với những nhu cầu khác nhau, vì vậy hãy đảm bảo tuân theo những hướng dẫn phù hợp với giống cây mà bạn đang trồng.
  4. Hãy hiểu rằng nếu bạn trồng cây ăn quả, có thể bạn sẽ không thu hoạch được đúng những thứ bạn muốn. Ví dụ, nếu bạn gieo hạt giống táo Golden Delicious, chưa chắc bạn đã có cây táo Golden Delicious. Bạn chỉ biết được điều này cho tới khi cây ra quả.[7]
    • Nếu bạn muốn trồng cây có sản lượng lớn, tốt nhất bạn nên mua một cây từ vườn ươm để đảm bảo rằng cây có bộ rễ tốt và sẽ cho ra chính xác quả mà bạn muốn.

Tiến hành Trồng Cây[sửa]

  1. Quyết định vị trí trồng cây và đánh dấu lại. Khi bạn quan sát mảnh đất và suy nghĩ về mục tiêu của bản thân, bạn có thể quyết định vị trí để trồng cây. Đánh dấu vị trí này bằng một hình tròn lớn và sáng màu.
    • Hãy chắc chắn rằng bạn đã cân nhắc mọi yếu tố như đường dây điện, vị trí của ngôi nhà, đường lái xe, cũng như vị trí các cây khác để rễ cây không gây thiệt hại tới tài sản của bạn khi chúng phát triển.[8]
    • Sử dụng loại sơn đặc biệt để đánh dấu vị trí. Các bình sơn này có vòi phun nên bạn có thể xịt chúng ngay cả khi dốc ngược bình.[9]
  2. Đo phần rễ chùm. Trước khi bạn bắt đầu đào hố để trồng cây, hãy đo phần rễ chùm của cây. Điều này sẽ giúp bạn biết được cần đào hố sâu bao nhiêu.
    • Đến thời điểm này bạn có thể dỡ bỏ bao tải bao quanh phần rễ nhánh, hoặc tại phần rễ kết nối với thân cây.[9]
    • Sử dụng máy xới hoặc xẻng làm vườn, loại bỏ lớp đất bề mặt của rễ cây.
    • Loại bỏ đất vừa đủ để thấy được phần rễ nhánh.[9]
    • Đo chiều cao và chiều rộng của phần rễ chùm, từ mặt đất đến gốc cây, từ bên này sang bên kia.[9]
  3. Đào hố để trồng cây. Sử dụng xẻng để đào hố. Bạn cần đảm bảo rằng hố đủ rộng để chứa cây và cung cấp cho cây đủ không gian để phát triển và bám rễ.
    • Đào một cái hố rộng gấp 2-3 lần và sâu như chiều cao của phần rễ chùm. Nó sẽ cung cấp cho cây đủ không gian để thích nghi và cho phép phần rễ mới phát triển mà không bị gò bó.[10]
    • Cố gắng đào một cái "bệ" nhỏ ở giữa cái hố nơi đặt cây vào. Nên đào sâu hơn ở các góc nhưng vẫn nên có phần bệ đất ở trung tâm để đặt rễ. Phần bệ này để ngăn phần rễ chùm tiếp xúc liên tục với nước. Lượng nước thừa sẽ tự chảy xuống phần đất trũng hơn và rễ có thể hút khi cần thiết.
    • Đo xem hố đã đủ rộng và sâu chưa. Nếu cần thiết, đào thêm đất để đạt được chiều sâu và độ rộng mong muốn.[11]
    • Rắc một lớp mỏng phân bón xuống hố để thúc đẩy rễ cây phát triển khoẻ mạnh.[11]
  4. Đặt cây xuống hố một cách nhẹ nhàng. Cuối cùng cũng tới lúc trồng cây. Sau khi bạn đã đào hố một cách cẩn thận, đặt cây nhẹ nhàng vào ngôi nhà mới của nó. Nếu hố không vừa, hãy nhấc cây ra và điều chỉnh lại kích thước của hố.
    • Hãy chắc chắn rằng hố không quá sâu hoặc quá nông. Gốc cây nên khớp với phần bề mặt đất sau khi hố được lấp đầy.
    • Đừng chôn quá phần gốc đoạn từ phần thân chuyển tiếp sang phần rễ cây, hay bỏ sót bất kỳ phần rễ cây nào.
    • Bạn có thể dùng phần tay cầm của xẻng để làm phẳng hố từ bên này sang bên kia, và xác định xem phần gốc cây đã ngang bằng với miếng hố chưa trước khi lấp.
  5. Đặt cây. Khi đặt cây xuống hố, xác định mặt đẹp nhất của cây và xoay mặt đó về hướng bạn muốn. Thực hiện bước này sẽ bảo đảm việc ngắm cây và cây cũng được trưng bày với mặt đẹp nhất.[10]
    • Vứt bỏ phần bao tải buộc rễ cây ở bước này.[10]
    • Chắc chắn rằng bạn đặt cây thẳng đứng nhất có thể. Cách bạn đặt cây sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cây sau này.
    • Cân nhắc việc sử dụng một công cụ nào đó để kiểm tra xem bạn đặt cây đã thẳng chưa. Bạn có thể nhờ bạn bè hoặc người thân quan sát để cây được đặt thẳng đứng.
    • Sử dụng cọc để giúp cây mọc thẳng đứng nếu cần thiết.
  6. Lấp đầy hố. Sử dụng hỗn hợp phân bón trộn với phần đất bạn đào để lấp đầy hố. Đảm bảo rằng bạn cung cấp cho rễ cây lượng đất cần thiết mà vẫn đủ không gian để rễ phát triển.[12]
    • Lấp 3/4 hố với phần đất hiện có, lấp 1/4 còn lại với phân bón hoặc phân chuồng đã ủ nếu cần thiết.
    • Điều quan trọng là phải đảm bảo không có túi khí nào xung quanh rễ cây khi bạn lấp hố. Để loại bỏ các túi khí, hãy lấp một phần hố và sau đó nhẹ nhàng đầm đất xuống bằng tay hoặc xẻng. Làm tương tự với các lớp đất tiếp theo cho tới khi lấp đầy hố.
    • Khi đầm đất, hãy làm thật nhẹ nhàng và không nên dùng chân vì bạn có thể giẫm lên rễ cây.
    • Sử dụng một chút phân bón hoặc phân chuồng đã ủ nếu cần. Nếu đất không màu mỡ, có tính đất sét hoặc lẫn bụi và cát thì việc rắc phân chuồng hoặc phân bón sẽ đem lại cho cây một khởi đầu tuyệt vời.
    • Nếu phân bón hoặc phân chuồng có mùi nghĩa là phân đã không được ủ đúng cách, không nên sử dụng vì nó có thể "đốt cháy" cây của bạn.
    • Chống lại cám dỗ của phân bón thương mại. Loại phân này có thể thúc đẩy cây một cách quá nhanh chóng và "đốt cháy" hoặc khiến cây không phát triển.
    • Hãy chú ý hơn tới cây ăn quả và cây lấy hạt. Rắc phân chuồng hoặc phân bón là điều cần thiết nếu bạn trồng cây ăn quả hoặc cây lấy hạt.
  7. Đỡ cây bằng cọc nếu cần thiết. Nếu cây của bạn là cây non, hãy sử dụng cọc để giúp cây phát triển trong năm đầu tiên. Cọc sẽ giữ cây không bị gió thổi tạt và giúp rễ được hình thành.
    • Đảm bảo rằng bạn chỉ buộc cọc nhẹ vào thân cây. Đừng thắt chặt vào vỏ cây hay quấn xung quanh thân cây.[10]
    • Bỏ cọc đi khi rễ cây đã được hình thành, khoảng sau một năm.[10]
    • Cây to có thể cần tới hai hoặc ba cọc.[10]

Chăm sóc Cây của bạn[sửa]

  1. Tưới nước cho cây mới trồng. Khi cây đã được trồng, hãy tưới nước cho cây và làm việc đó thường xuyên. Điều này giúp rễ cây được hình thành ở vùng đất xung quanh.
    • Tưới nước cho cây hàng ngày trong vài tuần để hình thành rễ cây. Sau đó, bạn có thể giảm thiểu số lần tưới nước.[10]
    • Nước cũng quan trọng đối với các điều kiện trong khu vực của bạn. Hãy xem xét độ ẩm, lượng mưa, và ánh sáng mặt trời để quyết định khi nào nên tưới cây.
    • Nếu bạn trồng cây ăn quả hoặc cây lấy hạt trong vườn nhà nhỏ, tiếp tục tưới nước hàng tuần trong suốt thời gian sinh trưởng của cây, vì cây trồng phát triển phụ thuộc vào lượng nước phù hợp. Bạn cũng sẽ muốn làm màu đất cho cây ăn quả hay cây lấy hạt hàng tháng, hoặc theo hướng dẫn trên bao bì.
  2. Sử dụng mùn. Hãy cân nhắc việc rắc thêm một lớp mùn xung quanh cây để giúp giữ độ ẩm và loại bỏ cỏ dại.
    • Bao phủ hố trồng cây với 1-3 inches (2,5 cm - 7,6 cm) gỗ vụn hoặc mùn lá. Rắc phần mùn cách thân cây ít nhất khoảng 30cm vì nó có thể gây mục thân cây.[10]
    • Lớp bồi xung quanh cây sẽ bảo vệ cây khỏi bị giẫm đạp và máy xén cỏ, hai tác nhân chính làm chết cây non.
  3. Tỉa cây nếu cần thiết. Nếu cành bị gãy, chết hay có dịch bệnh, cắt bỏ chúng nhẹ nhàng với một con dao hoặc kéo làm vườn. Nếu cây không gặp vấn đề gì thì không cần thiết phải tỉa cây cho tới mùa phát triển đầu tiên.[10]
  4. Tận hưởng cây xanh khi nó phát triển năm này qua năm khác. Trân trọng bóng mát và vẻ đẹp của cây, hãy "cảm ơn" chính bản thân vì đã góp thêm một cây xanh cho thế giới. Bạn sẽ không hối hận và miễn là bạn chăm sóc cây đúng cách, cây sẽ phát triển lâu dài.
    • Cần đảm bảo rằng bạn nhớ tưới cây và giữ cho cây phát triển. Bạn cần đạt được một sự cân bằng khi tưới cây, cung cấp đủ nước để ngấm vào rễ nhưng không làm cây bị úng.
    • Tưới cây với dòng nước ổn định từ vòi tưới trong vườn khoảng 30 giây là đủ. Đất phải luôn ẩm và lớp mùn sẽ duy trì độ ẩm đó.[13]
    • Kiểm tra độ ẩm của đất bằng cách đào sâu khoảng 2 inch (5 cm) dưới bề mặt và dùng ngón tay để kiểm tra xem đất có đủ ẩm. Nếu đất ẩm, bạn không cần phải tưới nước.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Khi bạn trồng cây sẵn trong chậu, hãy nhấc rễ khỏi chậu và trồng vào hố. Nếu rễ lớn quá, hãy cắt bớt. Rễ cây sẽ mọc trở lại. Việc để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với đất trồng là vô cùng quan trọng.
  • Cân nhắc chiều cao và độ lan toả của cây khi trưởng thành. Một cây sồi nhỏ hiện tại, được trồng cách nhà bạn không xa, có thể trở thành một mối nguy hiểm khi có bão sau 30 năm. Hoặc là trồng cây đó cách xa nhà hơn, hoặc trồng một giống cây khác mà khi phát triển sẽ nhỏ hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Không được giẫm chân hay bước vào bề mặt hố đã hoàn thiện. Giẫm chân vào mặt hố có thể gây ra sự nén đất. Lớp mùn sẽ giúp giảm thiểu sự nén đất.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Xẻng
  • Cây
  • Vị trí để trồng cây
  • Kéo (tuỳ chọn)
  • Dao (tuỳ chọn)
  • Bình tưới cây
  • Phân bón tan chậm của một hãng nổi tiếng (tuỳ chọn)
  • Thước đo
  • Phân bón hoặc phân chuồng (có bán túi loại 18.1 kg tại hầu hết các vườn ươm, trung tâm cây cảnh, hay cửa hàng vật liệu)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây