Trồng hoa đỗ quyên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Những đóa hoa đỗ quyên trắng, hồng hay đỏ rực rỡ làm sáng bừng cả khu vườn mỗi khi xuân về. Đỗ quyên khá dễ trồng, và nếu chăm sóc tốt, năm nào bạn cũng sẽ được chào đón bằng những mùa hoa nở lộng lẫy. Các loài hoa đỗ quyên thường xanh sẽ đem lại màu sắc tươi vui cho khoảng sân nhà bạn ngay cả trong những tháng mùa đông. Hãy xem bước 1 dưới đây để học cách trồng hoa đỗ quyên và chăm sóc cho chúng khỏe mạnh trong những năm tiếp theo.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị trồng cây[sửa]

  1. Chọn loài hoa đỗ quyên phù hợp với khu vườn nhà bạn. Hoa đỗ quyên được trồng phổ biến ở miền nam Hoa Kỳ, bởi chúng sinh trưởng tốt trong mùa đông ôn hòa và mùa hè dài. Đỗ quyên là loài cây cứng cáp và ít kén chọn thổ nhưỡng. Nhu cầu của các loài đỗ quyên khác nhau có đôi chút khác biệt, vì vậy bạn hãy chú ý chọn loài cây có thể khiến bạn hài lòng. Hoa đỗ quyên được xếp theo hai loài chính:
    • Đỗ quyên bản địa, mọc như cây leo và không cần cắt tỉa. Chúng là loài cây rụng lá (lá rụng vào mùa đông) và có thể chịu được nhiệt độ ấm hơn.[1]
    • Đỗ quyên châu Á mọc thành bụi và được chia thành hai nhóm, cả hai thuộc loại cây thường xanh:
      • Kurume hybrids. Loại đỗ quyên này có hoa màu đỏ rực và sinh trưởng tốt ở một nơi, có thể trồng trong chậu, chậu nâng nền hoặc trồng trực tiếp xuống đất. Chúng không cao hơn 0,9 - 1,2 m và không cần chăm sóc nhiều.
      • Southern Indian hybrids (Nam Ấn Độ), trái lại, mọc rất cao và to. Loại này có nhiều màu sắc, đặc biệt nhất là màu trắng và hồng rực, có thể dễ dàng mọc cao đến mức có thể che kín cửa sổ hoặc cửa ra vào. Nếu bạn có nhiều không gian thì loại đỗ quyên này có thể là lựa chọn tốt, nhưng thỉnh thoảng bạn phải tỉa cành.
    • Các vườn ươm có thể giới thiệu các loại hoa đỗ quyên trồng trong vùng bạn ở. Có nhiều giống hoa đỗ quyên lai được mô tả trên mạng hoặc các vườn cây và các trung tâm làm vườn. Bạn có thể trồng một loại đỗ quyên hoặc kết hợp nhiều loại để vườn hoa của bạn thêm phong phú.
  2. Chọn nơi trồng có bóng râm. Tìm một nơi trong vườn có bóng nắng “lốm đốm”, vì nhiều loại đỗ quyên rất ưa kiểu ánh sáng này. Sự pha trộn giữa bóng râm và ánh nắng mặt trời là điều kiện hoàn hảo cho cây đỗ quyên. Nếu bạn trồng dưới ánh nắng toàn phần, chúng sẽ không phát triển tốt lắm. Theo những người yêu thích hoa đỗ quyên, loài hoa này nở hoa tốt nhất khi trồng dưới bóng cây.
    • Có những cây đỗ quyên thuộc loài rụng lá sinh trưởng tốt dưới ánh nắng toàn phần, do đó bạn nên tìm hiểu các loài này nếu sân nhà bạn ít bóng râm.
  3. Đảm bảo đất phải thoát nước tốt. Đỗ quyên cần sống trên đất có khả năng thoát nước tốt, không giữ nước sau khi mưa. Để xác định độ thoát nước ở nơi định trồng cây, bạn hãy đào một cái hố trước khi trời mưa và kiểm tra lại sau khi mưa. Nếu hố đầy nước đọng thì đất nơi đó không có độ thoát nước tốt; có lẽ tỷ lệ đất sét quá cao. Nếu nước đã thoát đi hết thì đó là nơi thích hợp để bạn trồng cây đỗ quyên.
    • Nếu đất không có độ thoát nước tốt, bạn có thể pha phân trộn hoặc các chất hữu cơ để đất được tơi xốp. Xới đến độ sâu khoảng 1 mét để đánh tơi đất, sau đó trộn thêm vật liệu có độ thoát nước tốt. Một lựa chọn khác là trồng cây đỗ quyên trong chậu hoặc chậu nâng nền để dễ kiểm soát việc thoát nước hơn.[2]
  4. Xác định độ a-xít trong đất. Đỗ quyên ưa đất có tính a-xít nhẹ với độ pH trong khoảng 5.5 hoặc 6. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy đất có tính kiềm, bạn hãy trộn một ít lưu huỳnh vào đất để cân bằng trước khi trồng cây.
    • Tránh trồng đỗ quyên gần vỉa hè, lối đi hoặc nền bê tông, những nơi có thể có vôi ngấm ra (làm tăng độ pH cho vùng đất xung quanh).[3]

Trồng cây[sửa]

  1. Đào một hốc đất và trồng cây. Dùng xẻng làm vườn để đào một hốc đất sâu vừa đủ để đặt bộ rễ cây và phần dưới gốc cây. Nhấc cây ra khỏi chậu của nó và gỡ tơi bộ rễ. Nếu rễ bị bó (rễ quấn chặt vào nhau), bạn sẽ phải cắt bớt một số rễ. Đào một hốc cây rộng hơn bầu rễ khoảng vài cm và đặt cây thẳng đứng xuống hố sao cho phần trên của bộ rễ nằm trên mặt đất một chút. Rải đất vào hố xung quanh rễ cây. Dùng đầu ngón tay vỗ nhẹ vào đất.
    • Làm ướt cây trước khi trồng. Nhúng bầu rễ vào một xô nước, hoặc dùng vòi nước để làm ướt trước khi trồng cây xuống đất.[4]
    • Nếu bạn trồng nhiều hơn một cây đỗ quyên, nhớ giữ khoảng cách giữa các hốc trồng cây cách nhau hơn 1 mét.
  2. Tưới cây. Tưới cây chậm rãi và cẩn thận. Tưới cây thêm một lần nữa vào ngày hôm sau khi trồng. Đỗ quyên cần phải được tưới ít nhất mỗi tuần một lần, trừ khi bạn trồng cây trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, khi đó bạn cần tưới thường xuyên hơn. Chú ý đừng để cây bị khô nước, nếu không nó sẽ héo úa.
  3. Che phủ kỹ cho cây đỗ quyên. Dùng vỏ cây thông, lá thông, mạt cưa hoặc vỏ bào phủ lên khoảng đất giữa các bụi cây. Lớp phủ sẽ duy trì độ ẩm và nhiệt độ ổn định trong đất, đồng thời cũng giúp ngăn ngừa cỏ dại. Thời điểm thích hợp để rải lại lớp phủ là sau khi hoa tàn.
  4. Chỉ bón phân cho cây đỗ quyên khi cần thiết. Bbạn không cần phải bón phân nếu đất trồng đã đủ màu mỡ và có tính a-xít. Cây đỗ quyên nói chung sống khá tốt mà không cần bổ sung chất dinh dưỡng. Thực ra bón phân quá nhiều còn có hại hơn là không bón phân, vì bộ rễ nông của cây có thể bị tổn hại do phân bón.[5] Nếu thực sự cần bón phân, bạn nên thực hiện vào mùa xuân, ngay sau khi cây nở hoa. Dùng loại phân bón tạo a-xít như bột ngô hạt bông, hoặc chọn loại phân bón riêng cho cây đỗ quyên.
    • Bón phân không đúng cách cũng có thể khiến đỗ quyên nở hoa không đúng thời điểm, vì vậy bạn nhớ chỉ bón phân nếu cần thiết.

Cắt tỉa cây[sửa]

  1. Tỉa những cành chết vào mùa xuân. Tỉa cây sớm sẽ giúp cây dồn năng lượng để đâm chồi mới. Kiểm tra cây để tìm các cành chết và những phần cần tỉa. Dùng kéo cắt cây để tỉa bớt và loại bỏ cành chết.
    • Đừng cắt tỉa quá tay vào đầu mùa. Mỗi nhánh cây khỏe mạnh bị cắt đi là một cành có thể nở ra những đóa hoa tuyệt đẹp vào mùa xuân. Nếu muốn thay đổi hẳn hình dáng của cây đỗ quyên, bạn hãy chờ cho đến mùa hè.
  2. Cắt tỉa chút ít sau khi hoa tàn. Bây giờ là lúc tạo dáng lại cho bụi đỗ quyên nếu bạn muốn. Cắt bớt những cành dài và các chồi mọc lung tung từ các cành chính để giữ lại hình dáng tự nhiên của cây đỗ quyên. Tỉa những phần quá dày để giúp không khí lưu thông và cải thiện hình dáng bụi cây. Đảm bảo cắt tỉa một cách cẩn thận – dù muốn hay không, bạn đừng dùng kéo xén hàng rào để tỉa bụi cây đỗ quyên.
    • Không tỉa cây quá muộn. Tỉa cây không muộn hơn 3 tuần sau khi hết đợt nở hoa – nếu không, bạn sẽ cắt mất các chồi có thể nở hoa vào năm sau.
  3. Cắt tỉa nhiều nếu cần thiết. Nếu cây đỗ quyên của bạn mọc quá rậm rạp và đã cắt tỉa rồi, bạn có thể cắt tỉa cây một cách an toàn trong phạm vi cách mặt đất khoảng 30 cm, cây sẽ mọc trở lại sum suê và đẹp mắt. Thực hiện việc này sau đợt hoa nở vào mùa xuân đã tàn để cây có thời gian phục hồi lại trước khi chuyển sang giai đoạn phát triển tiếp theo.

Lời khuyên[sửa]

  • Đề phòng nhiễm nấm bằng cách dùng thuốc xịt kháng nấm nếu thấy cánh hoa hư hại rõ rệt (cánh hoa chuyển màu nâu và mủn), hoặc lá bị đốm (các bào tử nấm nhỏ màu trắng có thể chuyển thành màu nâu).

Cảnh báo[sửa]

  • Cố gắng duy trì độ a-xít trong đất với độ pH lý tưởng trong khoảng 4.5 -5.5.
  • Không bón phân cho cây đỗ quyên. Việc này có thể khiến cây nở hoa trái mùa.
  • Nhớ rằng cây đỗ quyên có độc. Không những bạn có thể bị ngộ độc khi ăn phải bất cứ bộ phận nào của cây, mà mật ong do những con ong hút mật hoa đỗ quyên làm ra cũng có thể gây ngộ độc![6]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Chậu trồng cây hoặc chậu nâng nền
  • Đất
  • Cây đỗ quyên
  • Nước
  • Kìm cắt cây
  • Lớp phủ

Nguồn và Trích dẫn[sửa]