Trồng lô hội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lô hội vừa được ưa chuộng vừa dễ trồng, miễn là bạn đáp ứng được lượng nước và ánh nắng mặt trời tương tự như vùng khí hậu nhiệt đới mà loài cây này sinh trưởng. Không giống như nhiều loài cây mọng nước khác, cây lô hội không thể trồng bằng lá cắt ra mà thường được nhân giống bằng các cụm cây con tách ra từ gốc cây mẹ hoặc từ bộ rễ liên kết. Các cây con này cần được xử lý cẩn thận như được mô tả chi tiết dưới đây trong phần “nhân giống cây”.

Các bước[sửa]

Trồng hoặc đánh chuyển cây[sửa]

  1. Biết khi nào nên chuyển chậu. Cây lô hội có bộ rễ tương đối ngắn và nhánh lá nặng, do đó người ta thường phải chuyển sang chậu nặng hơn khi cây trở nên “nặng đầu” và các chóp lá vươn ra ngoài. Nếu rễ cây không còn chỗ để phát triển, cây có thể bắt đầu “đẻ” các cây con mà bạn có thể đánh sang trồng ở chậu khác (xem phần “nhân giống cây”). Nếu thích cây mẹ phát triển thay vì trồng cây con, bạn hãy đánh cây sang chậu lớn hơn trước khi bộ rễ của nó bắt đầu bó lại quanh thành chậu.[1]
    • Nếu muốn trồng cây con mọc ra từ gốc cây mẹ, bạn có thể xem phần “nhân giống cây”.
  2. Cung cấp đủ ánh sáng và nhiệt độ cho cây. Lô hội ưa ánh nắng mặt trời 8-10 tiếng một ngày.[2] Mặc dù sinh trưởng tốt nhất trong mùa ấm và khí hậu nóng, nhưng lô hội vẫn sống được qua mùa lạnh trong trạng thái ngủ đông. Tuy nhiên, chúng có thể bị tổn hại ở nhiệt độ -4ºC.
    • Vùng chịu đựng 9, 10, và 11 là thích hợp nhất để trồng lô hội quanh năm ngoài trời.[3] Nếu sống trong vùng khí hậu khác, bạn có thể trồng lô hội ngoài trời phần lớn thời gian trong năm và đem cây vào nhà trước khi sương giá xuống.
    • Cửa sổ nhiều ánh nắng nhất là cửa sổ hướng tây hoặc nam nếu bạn sống ở bán cầu bắc; nếu ở bán cầu nam thì đó là hướng tây hoặc bắc.
    • Mặc dù khả năng thích nghi có thể giúp cây sống trong điều kiện nóng, nhưng sức nóng vẫn có thể làm cháy cây. Dời lô hội ra nơi có bóng mát nếu lá bắt đầu chuyển thành màu nâu.[1]
  3. Trồng lô hội trên đất thoát nước tốt. Lô hội có thể thích nghi để sống ở nơi khô hạn và có thể bị thối rữa nếu đất bị úng nước. Dùng đất chuyên dành cho cây xương rồng, hoặc trộn hỗn hợp gồm đất, cát và sỏi với tỷ lệ bằng nhau.[4]
    • Nếu muốn trồng lô hội trong chậu, bạn cần đảm bảo đáy chậu phải có lỗ thoát nước.
  4. Lấp đất lên bộ rễ khi trồng cây, nhưng không để lá cây chạm xuống đất. Đặt bầu rễ cây chỉ vừa đủ ở dưới mặt đất một chút. Nếu bất cứ chiếc lá dày và xanh nào của cây bị chôn hoặc chạm xuống đất, nó có thể bị thối rữa.[3]
  5. Rải lên mặt đất một lớp sỏi hoặc đá cuội (tùy ý). Đặt một lớp đá cuội xung quanh gốc cây để giữ chặt đất và giảm lượng nước bị bay hơi.[4] Điều này không bắt buộc cho sự sinh trưởng của cây, do đó bạn có thể cứ để mặt đất như vậy nếu thích.
    • Sỏi trắng sẽ phản chiếu sức nóng từ mặt trời xuống gốc cây, và đây là ý tưởng hay nếu bạn không sống trong vùng khí hậu ấm.[2]
  6. Không tưới nước trong vài ngày đầu tiên sau khi trồng cây. Trước khi bắt đầu tưới, bạn cần dành thời gian cho cây sửa chữa lại các rễ có thể bị tổn hại trong quá trình trồng[4]. Rễ bị tổn thương có nguy cơ bị thối rữa nếu bạn tưới nước. Lô hội dự trữ nhiều nước trong lá cây và sẽ không bị tổn hại nếu thiếu nước trong thời gian này. Chỉ tưới ít nước trong một hoặc hai lần đầu tiên nếu bạn muốn đảm bảo an toàn.
    • Để biết các hướng dẫn chăm sóc cây hàng ngày, xem phần "chăm sóc hàng ngày".

Chăm sóc hàng ngày và xử lý sự cố[sửa]

  1. Tưới nước khi đất khô trong suốt mùa cây sinh trưởng. Vào mùa hè hoặc bất cứ mùa nào ấm áp và nhiều ánh nắng, lô hội sẽ phát triển nhanh nhất nếu được tưới thường xuyên. Tuy nhiên, bạn sẽ rất dễ tưới quá nhiều nước hơn là để cây bị khô, vì vậy không nên tưới nước trước khi đất khô đến độ sâu khoảng 7,5 cm bên dưới mặt đất.[3]
  2. Thỉnh thoảng tưới nước trong mùa lạnh. Lô hội thường ngủ đông trong suốt mùa đông hoặc khi thời tiết lạnh kéo dài. Trừ khi để cây trong phòng có sưởi quanh năm, bạn chỉ nên tưới nước mỗi tháng một hoặc hai lần trong mùa lạnh.[4]
  3. Bón phân mỗi năm một lần hoặc không cần bón phân. Lô hội không cần phân bón, và việc bón quá nhiều có thể làm hại cây hoặc khiến cây phát triển không tốt. Nếu muốn kích thích cây tăng trưởng, bạn chỉ nên dùng phân bón có nồng độ ni-tơ thấp, phốt-pho cao, kali thấp, chẳng bạn như loại phân bón 10:40:10 hoặc 15:30:15. Bón mỗi năm một lần vào cuối mùa xuân khi bắt đầu mùa trồng cây.[2][3]
  4. Cẩn thận làm sạch cỏ dại. Không để cây cỏ dại mọc xung quanh cây lô hội. Thường xuyên nhổ cỏ dại nếu bạn trồng lô hội ngoài trời, nhưng phải cẩn thận. Đất trồng lô hội tơi và pha cát, do đó rễ cây dễ bị tổn hại nếu bạn nhổ cỏ quá mạnh.[2]
  5. Tăng lượng ánh nắng mặt trời nếu lá cây thấp và nằm ngang. Khi thấy lá cây mọc thấp và ngả ra, bạn cần tăng lượng ánh nắng mặt trời. Lá cây lô hội phải mọc thẳng đứng và xòe ra, hướng về ánh sáng mặt trời. Nếu chúng mọc sát dưới đất hoặc ngả ra, có lẽ cây không nhận đủ ánh sáng mặt trời.[1] Di chuyển cây ra nơi có ánh nắng. Nếu trồng cây trong nhà, bạn nên cân nhắc đem ra ngoài trời trong thời gian có nắng.
  6. Giảm ánh nắng mặt trời nếu lá cây chuyển màu nâu. Khi lá cây chuyển màu nâu, bạn cần giảm lượng ánh nắng mặt trời. Mặc dù có sức chịu đựng tốt hơn đa số các cây khác khi tiếp xúc với nắng, nhưng lô hội vẫn có khả năng bị cháy lá. Nếu lá lô hội chuyển màu nâu, bạn cần dời cây ra nơi có bóng mát vào đầu giờ chiều.
  7. Tăng lượng nước tưới nếu lá mỏng/quăn. Nếu lá lô hội mỏng và quăn, bạn cần tăng lượng nước tưới. Những chiếc lá dày và nhiều thịt là nơi tích trữ nước để lô hội sử dụng khi thời tiết khô hạn. Nếu thấy lá cây mỏng hoặc quăn lại, bạn cần tưới nước thường xuyên hơn.[1] Cẩn thận, đứng tưới bù quá tay: nước phải thoát ra ngoài nhanh để ngăn ngừa thối rễ, và khi đã thối rễ thì sẽ rất khó chữa.
  8. Ngừng tưới khi lá chuyển màu vàng hoặc rụng. Lá chuyển màu vàng hoặc rụng ra là do thừa nước. Ngừng tưới trong cả tuần kế tiếp (hoặc hai tuần trong mùa cây ngủ đông), và tưới ít hơn khi bắt đầu tưới lại. Bạn có thể loại bỏ các lá bị chuyển màu mà không gây tổn hại nhiều cho cây, tốt nhất là nên dùng dao sạch.

Nhân giống cây[sửa]

  1. Để cây lô hội mẹ phát triển chật chậu cây. Mặc dù bất cứ cây lô hội khỏe mạnh nào cũng đều có thể sinh cây con, nhưng khả năng cao nhất là khi cây chạm đến thành chậu.[1]
  2. Chờ những cây con mọc ra. Cây lô hội của bạn sẽ bắt đầu "đẻ con", các nhân bản của chính nó có chung một số rễ với cây mẹ và có thể cũng dính với gốc cây. Đôi khi chúng xuất hiện bên ngoài lỗ thoát nước, hoặc thậm chí mọc ra từ các rễ cây bò sang chậu bên cạnh![5]
    • Cây con thường có màu xanh nhạt hơn lá cây mẹ, và khi mới mọc lên, chúng không có các cạnh lá có gai như cây mẹ.[6]
  3. Để cho cây con mọc đủ lớn. Cây con sẽ phát triển tốt nhất nếu bạn chờ cho đến khi chúng mọc lớn hơn một chút và trưởng thành đủ để mọc ra rễ riêng của nó. Kích cỡ sẽ khác nhau tùy từng giống và từng cây, nhưng nguyên tắc là những cây con nên cao ít nhất 7,5 cm, tốt nhất là cao được 12,5 cm.[5] Nếu chậu có đủ chỗ, bạn hãy chờ cho đến khi cây cao bằng 1/5 chiều cao của cây mẹ và có một bộ "lá thật".[7]
  4. Dùng dao sắc và sạch để tách cây con. Rửa dao trước để giảm rủi ro nhiễm khuẩn. Gạt bớt đất ở gốc cây con để xem cây có dính vào cây mẹ không. Nếu có, bạn hãy cắt nó ra, nhớ giữ cho cây con còn dính rễ nếu có. Cây con có khả năng sống sót cao hơn nếu đã có rễ riêng, nhưng có thể bạn sẽ không dễ nhìn thấy trước khi tách cây con ra.
  5. Để cây con ngoài trời trong vài ngày. Thay vì trồng ngay, bạn nên để vết cắt trên cây thành sẹo. Nếu mặt cắt được đặt trực tiếp xuống đất, rủi ro nhiễm khuẩn của cây sẽ cao hơn.
  6. Trồng cây vào chậu riêng và chống đỡ cho cây. Đặt cây con lên mặt đất có khả năng thoát nước tốt, không chôn lá xuống đất. Rễ cây còn rất nhỏ (thậm chí chưa có), vì vậy có thể bạn cần chống đỡ cho cây bằng một lớp sỏi và để cây dựa vào một vật khác. Trong vài tuần, hệ thống rễ sẽ phát triển lớn đủ để tự đỡ cho cây.[4]
    • Bạn có thể xem thông tin chi tiết hơn ở phần ‘’trồng cây’’, áp dụng cho cả cây con và cây trưởng thành.
  7. Phun sương vài ngày một lần nếu cây chưa có rễ. Không tưới trước khi cây bén rễ. Chờ ít nhất vài tuần để cây con mọc rễ trước khi tưới. Thay vì tưới, bạn nên dùng bình xịt để phun sương cho cây ba ngày một lần.[4]
  8. Tưới ít nước sau khi cây bén rễ. Lô hội có thể chịu đựng được một thời gian dài không có nước; nếu bạn tưới cây trước khi rễ phát triển đủ, nước có thể sẽ đọng lại và làm thối cây.[4] Nếu cây con đã có rễ, bạn có thể giúp cây bén rễ bằng cách tưới một lần và đặt cây trong bóng mát khoảng 2-3 tuần.[3]
  9. Chăm sóc như cây trưởng thành. Khi đã được trồng trong chậu riêng và rễ đã phát triển, cây con có thể được chăm sóc như cây trưởng thành. Thực hiện theo hướng dẫn ở phần “chăm sóc hàng ngày’’.

Lời khuyên[sửa]

  • Những cây sống một thời gian dài trong bóng râm thường phải có thời gian điều chỉnh dần dần trước khi chuyển ra nơi có ánh nắng mặt trời toàn phần. Dời cây ra nơi có bóng râm một phần trong nhiều tuần trước khi cho cây ra nắng mặt trời.
  • Nếu may mắn được thấy cây lô hội nở hoa và kết quả, bạn có thể giữ lại hạt và thử trồng. Lô hội thường nhờ côn trùng và chim chóc thụ phấn chéo với những giống lô hội khác để tạo thành cây có những đặc tính khác nhau, và việc trồng bằng hạt thường có tỷ lệ thành công thấp hơn trồng từ cây con, do đó việc này hiếm khi được thực hiện. Nếu muốn thử trồng cây từ hạt, bạn nên chọn hạt đen và rải lên mặt đất. Rắc cát và thường xuyên tưới nước cho đến khi cây nảy mầm. Ươm cây dưới ánh sáng gián tiếp và chuyển sang chậu lớn 3-6 tháng sau khi cây nảy mầm[8]

Cảnh báo[sửa]

  • Không giống như nhiều cây thuộc họ cây mọng nước khác, lô hội không trồng được từ lá cắt ra. Bạn phải dùng cây con tách khỏi cây mẹ, tốt nhất là có bộ rễ riêng và có nhiều chồi cây.[9]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Hạt lô hội, cây con hoặc cây trưởng thành
  • Chậu đất sét
  • Nước
  • Đất trồng xương rồng hoặc đất tự pha trộn gồm cát, sỏi và đất

Nguồn và Trích dẫn[sửa]