Trồng lô hội bằng lá

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cây lô hội rất dễ chăm sóc, nhưng để gieo trồng thì hơi phức tạp hơn một chút. Không giống như những cây mọng nước và cây họ xương rồng khác, lô hội rất khó trồng bằng lá. Khả năng lá mọc rễ và phát triển thành cây lô hội khỏe mạnh là rất thấp. Do đó hầu hết những người làm vườn dùng cây con để trồng lô hội vì dễ thành công hơn.

Các bước[sửa]

Trồng từ lá[sửa]

  1. Hiểu rằng lá có thể không ra rễ và phát triển. Tuy rằng lô hội có thể trồng được từ lá, nhưng khả năng lá lô hội ra rễ là rất thấp.[1] Lá lô hội chứa nhiều nước và thường bị thối rữa trước khi có thể mọc rễ. Trồng lô hội từ "cây con" sẽ hiệu quả hơn.[2]
  2. Tìm một lá lô hội dài ít nhất 8 cm.[3] Nếu không phải là cây của bạn, bạn cần xin phép chủ vườn trước.
  3. Dùng dao sắc và sạch cắt rời lá từ dưới gốc cây. Cố gắng cắt thành đường chéo hướng xuống và về phía thân cây. Dao cần phải thật sạch, nếu không lá cây có nguy cơ nhiễm khuẩn.
  4. Đặt lá cây ở chỗ ấm một thời gian đủ để tạo thành lớp màng mỏng bao ngoài vết cắt. Quá trình này có thể mất vài ngày đến hai tuần.[3] Lớp màng bao phủ bên ngoài sẽ giúp vết cắt không bị nhiễm khuẩn từ đất.[4] Lá cây lô hội không thể sống lâu được nếu bị nhiễm khuẩn.
  5. Tìm chậu trồng cây có lỗ thoát nước dưới đáy. Như hầu hết các loại cây khác, lô hội ưa nước nhưng không ưa nước úng. Nếu chậu trồng cây của bạn không có lỗ thoát nước, đất sẽ bị úng nước. Tình trạng này có thể dẫn đến thối rễ và làm chết cây – kể cả cây lô hội đã cứng cáp.
  6. Đổ loại đất trồng xương rồng vào chậu và tưới chút nước cho đất ẩm. Nếu không có đất dành cho xương rồng, bạn có thể tự trộn bằng cách pha một phần cát và một phần đất trồng cây.[2]
    • Cân nhắc rải sỏi xuống đáy chậu trước. Điều này sẽ giúp thoát nước tốt hơn.
    • Độ pH trong đất cần duy trì ở mức 6.0 đến 8.0. Nếu độ pH quá thấp, bạn có thể bón thêm vôi dành cho đất vườn. Loại vôi này có bán ở các cửa hàng làm vườn.
  7. Cắm mặt cắt của lá cây xuống đất. Đảm bảo một phần ba lá nằm trong đất.
    • Cân nhắc nhúng phần gốc được cắt vào chất kích thích ra rễ trước. Nếu không có sẵn, bạn có thể dùng bột quế và mật ong cũng tốt. Cả hai thứ này đều có thể tiêu diệt vi khuẩn.[4]
  8. Đặt cây ở nơi ấm áp, có ánh nắng và tưới cẩn thận. Trong khoảng 4 tuần đầu tiên, bạn sẽ phải giữ cho đất ẩm. Khi chiếc lá đã bén rễ, bạn cần chờ cho đến khi đất khô hoàn toàn trước khi tiếp tục tưới. Để biết thêm về cách chăm sóc cây lô hội, bấm vào đây.
    • Đừng lo nếu chiếc lá co lại hoặc khô khi nó bắt đầu mọc rễ.

Trồng từ cây con[sửa]

  1. Tìm cây con. Cây con là một phần của cây chính. Cây con thường nhỏ hơn và sáng màu hơn. Chúng cũng có bộ rễ riêng. Bạn có thể tìm các cây con ở gốc cây. Sau đây là vài điều cần lưu ý khi chọn cắt cây con:
    • Cây con phải có kích thước bằng khoảng 1/5 cây chính.
    • Chọn cây con có ít nhất bốn chiếc lá và cao được gần chục cm.
  2. Nhấc toàn bộ cây ra khỏi chậu nếu có thể. Như vậy sẽ dễ dàng hơn khi tìm chỗ cây con nối với cây mẹ. Bạn có thể phủi đất bám xung quanh rễ để nhìn cây con rõ hơn. Cây con có thể bám vào cây mẹ nhưng có bộ rễ riêng của nó.
  3. Tách hoặc cắt cây con khỏi cây mẹ, cố gắng giữ bộ rễ. Cây con có thể tách ra dễ dàng. Nếu không, bạn sẽ phải dùng dao sạch và sắc để cắt. Để vết cắt đóng vảy trong vài ngày trước khi dời đi. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn.[5]
    • Cây con cần có một ít rễ bám vào.[1]
    • Khi tách cây con khỏi cây mẹ, bạn có thể trồng cây mẹ trở lại chậu.
  4. Tìm chậu trồng cây có lỗ thoát nước dưới đáy. Điều này rất quan trọng. Như hầu hết các loại cây khác, lô hội ưa nước, nhưng không chịu nước úng. Nếu chậu trồng cây không có lỗ thoát nước, đất có thể bị ngập nước, dẫn đến thối rễ và làm chết cây.
  5. Đổ loại đất trồng xương rồng vào chậu. Nếu không có loại đất trồng xương rồng, bạn có thể trộn một phần cát với một phần đất trồng cây.
    • Cân nhắc rải sỏi xuống đáy chậu. Như vậy đất sẽ thoát nước tốt hơn.
    • Độ pH cần được giữ ở mức 6.0 đến 8.0. Nếu độ pH quá thấp, bạn có thể bón thêm vôi dành cho đất vườn, có bán tại các cửa hàng làm vườn.
  6. Đào một hốc nhỏ trong đất và cắm cây con vào. Hốc này phải đủ sâu để vừa với bộ rễ và ¼ chiều cao của cây (tính từ chỗ bắt đầu mọc rễ trở lên). Nhiều chuyên gia làm vườn khuyên nên nhúng rễ cây vào hormone kích thích tăng trưởng trước để giúp bộ rễ phát triển nhanh hơn.[5]
  7. Vỗ chặt đất xung quanh gốc cây và tưới nước. Tưới sao cho đất vừa đủ ẩm nhưng không ướt sũng. Lô hội là loại cây vùng sa mạc nên không cần quá nhiều nước.
  8. Đặt cây ở nơi có nắng và chờ một tuần trước khi tưới lần nữa. Sau đó bạn có thể tiếp tục tưới cây lô hội như bình thường.[1] Để học cách chăm sóc cây lô hội, bấm vào đây.

Chăm sóc cây[sửa]

  1. Đảm bảo cây lô hội nhận đủ ánh nắng. Tốt nhất là có ánh nắng mặt trời 8-10 tiếng mỗi ngày. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách đặt cây ở cửa số hướng nam hoặc hướng tây. Nếu cần thiết, di chuyển cây từ cửa sổ này sang cửa sổ kia trong ngày.[6]
    • Nếu nơi bạn ở thuộc vùng khí hậu lạnh, ban đêm bạn nên dời cây ra xa cửa sổ. Những khu vực như vậy thường rất lạnh, có thể làm chết cây.[7]
  2. Chờ cho đến khi đất khô hoàn toàn trước khi tưới lại lần nữa. Nên tưới đẫm nước, đảm bảo nước thoát ra từ đáy chậu.[6] Không tưới quá nhiều nước.
    • Cây lô hội thường ngủ đông suốt những tháng mùa đông. Thời gian này cây không cần nhiều nước.[8]
    • Những tháng mùa hè cây cần nhiều nước hơn, đặc biệt khi trời nóng và khô.
  3. Bón phân mỗi năm một lần vào mùa xuân. Phân bón phải là loại gốc nước và có hàm lượng phốt pho cao. Bạn chỉ nên trộn phân bón với một nửa liều lượng.[6]
  4. Chú ý sâu bọ, nấm và bệnh trên cây. Dùng loại thuốc trừ sâu hữu cơ tự nhiên để chống sâu bệnh, chẳng hạn như rệp sáp và rệp vảy. Bạn có thể dễ dàng ngăn ngừa nấm chỉ bằng cách giữ cho đất khô ráo.[9]
  5. Quan sát lá cây. Lá cây là chỉ số chính xác để đánh giá sức khỏe và nhu cầu của cây.
    • Lá cây lô hội phải mập mạp và thẳng. Nếu thấy lá cây mỏng đi và quăn lại, bạn cần tưới thêm nước.
    • Lá lô hội phải mọc thẳng lên cao. Nếu lá rũ xuống nghĩa là cây cần thêm ánh nắng.
  6. Biết xử lý khi cây phát triển quá chậm. Đôi khi, cây lô hội không tăng trưởng tốt. May mắn là bạn sẽ rất dễ đoán ra vấn đề, còn dễ hơn là sửa chữa các vấn đề thông thường.[9]
    • Đất quá ẩm. Bạn cần bớt tưới nước.
    • Cây cần nhiều ánh nắng hơn. Dời cây ra nơi có nhiều ánh nắng nhất.
    • Quá nhiều phân bón trong đất. Chuyển cây sang chậu khác và cho thêm đất.
    • Độ kiềm trong đất quá cao. Bón thêm lưu huỳnh.
    • Không đủ không gian cho rễ cây phát triển. Chuyển cây sang chậu to hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Không dùng lá cây cho đến khi cây đã cứng cáp. Nếu trồng lô hội để chăm sóc sức khỏe, có thể bạn cần phải chờ hai tháng mới có thể sử dụng.
  • Cây lô hội thường mọc hướng về phía mặt trời. Hiện tượng này có thể dẫn đến tình trạng cây mọc nghiêng sang một bên. Bạn nên cân nhắc vài ngày xoay chậu cây một lần để cây mọc thẳng.[9]
  • Lô hội trồng trong nhà không phát triển lớn lắm, trừ khi có ánh nắng trực tiếp và được tưới nước thường xuyên. Nếu được chăm sóc tốt, lô hội trồng trong nhà trung bình có thể mọc cao hơn 60 cm.
  • Chỉ trồng lô hội ngoài trời nếu bạn sống trong vùng khí hậu 9 hoặc 10. Nếu không sống trong vùng khí hậu này, bạn nên để cây trong nhà.[5]

Cảnh báo[sửa]

  • Đảm bảo dao cắt cây con phải sạch và vô trùng.
  • Không tưới quá nhiều nước cho cây lô hội. Chờ cho đến khi đất khô hẳn trước khi tưới lại.
  • Cắt bỏ lá héo bằng dao sạch. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa thối cây và nấm mốc.
  • Cẩn thận khi cắt lá hoặc cây con khỏi cây mẹ. Một số cây có gai rất nhọn.[9]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Chậu cây có lỗ thoát nước
  • Đất trồng xương rồng
  • Dao sắc và sạch
  • Cây lô hội
  • Hormone kích thích ra rễ (tùy ý)
  • Nước

Nguồn và Trích dẫn[sửa]