Trở nên nhạy bén với cảm xúc của người khác

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đôi khi, cuộc trò chuyện với bạn bè có thể trở nên đầy cảm xúc. Ngay cả khi bạn có ý định tốt, bạn vẫn có nguy cơ gây tổn thương cho cảm xúc của người khác. Cách tốt nhất để trở nên nhạy bén với cảm giác của người khác là lắng nghe điều họ nói một cách cẩn thận, và trò chuyện một cách tử tế. Điều quan trọng là bạn cần phải tìm hiểu cách để chăm sóc cảm giác riêng của mình.

Các bước[sửa]

Nhận biết gợi ý xã hội về cảm xúc[sửa]

  1. Chú ý đến vẻ mặt của người đó. Mặt là một bộ phận của cơ thể thường thể hiện cảm xúc. Nếu bạn đang cố gắng xác định xem liệu một người nào đó đang buồn bã, bực bội, cô đơn hoặc đau đớn, bạn chỉ cần quan sát kỹ biểu hiện trên khuôn mặt của họ.[1]
    • Không giống như những lời gợi ý xã hội khác, có bảy biểu hiện cơ bản trên gương mặt được cho là phổ biến nhất trong mọi nền văn hóa.[2] Chúng chính là vui vẻ, ngạc nhiên, ghê tởm, buồn bã và sợ hãi.[2]
    • Biểu hiện trên khuôn mặt thay đổi rất nhanh chóng, và có thể truyền đạt nhiều hơn một cảm xúc trong cùng một thời điểm. Ví dụ, khuôn mặt của người đó có thể chứa đựng cả sự thích thú và sợ hãi nếu một điều gì đó bất ngờ xảy đến.
  2. Tìm hiểu dấu hiệu của nỗi buồn. Khi một người nào đó buồn bã, bạn sẽ có thể nhận thức được điều này trên gương mặt họ. Nó sẽ không giống như nụ cười được vẽ ngược trong phim hoạt hình, nhưng khóe môi của người đó sẽ hơi trĩu xuống, trong khi cằm của họ sẽ nhướng lên trên.[3]
    • Đầu hai lông mày của người đó sẽ cau nhẹ vào nhau, và nhướng lên phía trán.
    • Quan sát vùng da bên dưới lông mày của người đó vì chúng sẽ trông như hình tam giác, với góc trong hướng lên trên.
  3. Cẩn thận trước dấu hiệu sợ hãi. Trở nên nhạy cảm với nỗi sợ hãi của người khác sẽ giúp bạn thay đổi hành vi của mình. Khi một ai đó đang hoảng sợ, miệng của họ sẽ há hốc trong khi môi họ sẽ căng về phía sau. Họ thường sẽ nhướng mày và chân mày họ sẽ tiến lại gần nhau trên một đường thẳng.[3]
    • Quan sát trán của người đó, và xem xét nếp nhăn tại vị trí giữa hai chân mày, chứ không phải quanh trán.
    • Khi người khác hoảng sợ, mí mắt trên của họ sẽ nhướng lên, trong khi mí mắt dưới sẽ căng cứng. Bạn sẽ trông thấy rõ lòng trắng bên trên đôi mắt của họ, chứ không phải bên dưới.
  4. Cân nhắc chuyển động và dáng điệu của họ. Dấu hiệu cho thấy một người nào đó đang kiệt sức sẽ là hạ vai và thả lỏng tay chân. Nếu người đó đang có cảm giác phòng thủ, họ sẽ khoanh tay, hoặc lắc đầu. Nếu bạn chú ý đến những gợi ý này, bạn sẽ dễ dàng nhận thức cảm giác của người khác hơn.[4]
    • Nếu bạn không chắc liệu bạn có diễn giải đúng ngôn ngữ cơ thể của đối phương hay không, bạn có thể trực tiếp hỏi người đó.
    • Tuy nhiên, nếu bản thân người đó không có ý thức trước điều mà họ đang truyền đạt, họ sẽ hồi đáp bằng cách nói với bạn rằng mọi chuyện đều ổn trong khi thật sự không phải như vậy.
  5. Suy nghĩ về giọng điệu. Ví dụ, hầu hết mọi người sẽ điều chỉnh giọng nói của mình sao cho phù hợp với kích thước của căn phòng để người khác có thể nghe rõ họ nói. Nếu bạn đang có mặt tại một căn phòng rộng lớn, và người đó đang nói to, họ chỉ đang cố gắng để người khác lắng nghe mình. Tuy nhiên, giọng điệu tương tự được sử dụng trong một không gian nhỏ sẽ là biểu hiện của sự bực bội, tức giận, hoặc sợ hãi.
    • Nếu người đó cảm thấy khó có thể nói chuyện, có lẽ họ đang bực bội hoặc muốn khóc.
    • Nếu họ trò chuyện với thái độ tinh nghịch, hoặc quá mạch lạc, có lẽ người đó đang mỉa mai. Vì mỉa mai là một dạng trêu chọc, hành động này có thể là dấu hiệu cho thấy người đó đang tức giận nhưng giả vờ rằng họ hoàn toàn bình thường.

Lắng nghe với sự cảm thông[sửa]

  1. Nêu rõ rằng bạn hiểu rõ điều đối phương nói. Tóm tắt hoặc diễn giải lại câu nói của người đó sẽ cho phép bạn chia sẻ rằng bạn hiểu rõ ý người đó muốn nói, cũng như cung cấp cho họ cơ hội để cho bạn biết bạn hoàn toàn hiểu đúng. Nếu bạn không hiểu ý của người đó, phương pháp này sẽ giúp bạn tránh xa hiểu lầm.[5]
    • Bước này có thể trông như nó đang khiến cuộc trò chuyện diễn ra chậm lại. Đây là điều bình thường, vì nó cũng sẽ giúp tránh gây tổn thương cho cảm xúc do hiểu nhầm. Tuy nhiên, bạn cũng có thể yêu cầu đối phương lặp lại điều họ nói. Câu nói theo kiểu “Xin lỗi, bạn nói gì?”, hoặc “Bạn vui lòng lặp lại câu nói đó giúp tôi được không? là cách lịch sự để yêu cầu người khác làm rõ ý.
    • Bạn nên nhớ đây là hành động quan trọng bạn cần phải thực hiện khi trò chuyện về chủ đề nhạy cảm.
  2. Toàn tâm chú ý vào người nói. Chú ý hoàn toàn sẽ làm tăng sự nhạy bén của bạn trước cảm xúc của người khác. Nếu bạn đang nhìn quanh căn phòng, hoặc bị phân tâm bởi hoạt động khác, bạn sẽ khó có thể hòa mình vào cảm giác của đối phương.[5]
    • Nếu bạn đang lắng nghe và cố gắng sửa chữa một vài lỗi lầm mà người đó đang mắc phải, bạn sẽ khó có thể thật sự lắng nghe điều họ muốn nói. Cố gắng giúp đỡ là một dạng phán xét. Để đạt được kết quả tốt nhất, trước tiên, bạn cần phải lắng nghe.
    • Nhiều người có thể gia tăng cảm giác chăm chú lắng nghe khi họ thực hiện hoạt động nào đó với bàn tay của mình, nhưng một vài người khác sẽ nhìn nhận cử chỉ này như sự thiếu chú ý. Nếu bạn cảm thấy rằng duy trì sự bận rộn cho đôi tay sẽ giúp bạn dễ dàng lắng nghe hơn, bạn nên nhớ cho bạn của bạn biết.[6]
  3. Lắng nghe mà không phán xét. Cố gắng cân nhắc quan điểm của người nói khi họ nói, thay vì hồi đáp từ quan điểm của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn cần phải đồng ý với mọi điều người đó nói. Chỉ là bạn nên nhớ khi người đó đang trình bày ý kiến, bạn nên duy trì sự cởi mở cho tâm trí.[7]
    • Ngăn bản thân không phân tích lời nói của đối phương cho đến khi họ đã nói xong.
    • Suy nghĩ về người nói. Nếu bạn thật sự chú ý đến người nói, bạn cũng sẽ có khả năng cân nhắc lý do vì sao họ lại nêu lên những điều này. Ví dụ, nếu người đó là mẹ của một đứa trẻ vị thành niên đang gặp rắc rối, cô ấy sẽ lo lắng và phán xét nhiều hơn đối với hành vi đạo đức.
  4. Cư xử tốt. Trở nên vui vẻ và lịch sự với người khác là biện pháp khá tốt để thể hiện lòng tôn trọng. Hầu hết chúng ta thường dạy con cái phải biết nói “làm ơn” và “cảm ơn” đối với người khác như là cách để bộc lộ thái độ lịch sự. Ghi nhớ rõ phép xã giao căn bản này sẽ giúp bạn không vô tình gây tổn thương cho cảm giác của đối phương.[5]
    • Cách cư xử tốt cũng bao gồm lắng nghe cẩn thận và nhạy bén với cảm giác của người khác. Ví dụ, không ngắt lời đối phương khi họ đang nói, hoặc gật đầu để thể hiện sự đồng tình và thấu hiểu là cách mà hành vi lịch sự bày tỏ lòng tôn trọng dành cho người khác.
    • Chúng ta thường dạy trẻ em theo câu ngạn ngữ, “Nếu bạn không thể nói lên điều tử tế thì bạn nên im lặng”. Mặc dù đây không phải là lời khuyên phù hợp, lời điều chỉnh hợp lý hơn cho nó sẽ là “Nếu bạn không thể nói lên điều tử tế, bạn nên cân nhắc giữ lại lời nhận xét của mình để chia sẻ với người khác sau”.
  5. Nhìn nhận lời nói của đối phương. Bạn có thể thực hiện điều này theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, bạn có thể lặp lại câu nói của người đó, gật đầu để cho thấy rằng bạn đang lắng nghe, hoặc khích lệ người đó bằng cách nói rằng “Vâng”, hoặc “Tôi đang nghe bạn nói đây”. Loại câu nói này sẽ khẳng định với người nói rằng bạn đang tập trung vào cuộc trò chuyện, và bạn xem trọng cảm giác của họ.
    • Thừa nhận điều người khác nói không có nghĩa là bạn cần phải thường xuyên đồng tình với họ. Ngay cả khi bạn hoàn toàn không đồng ý, bạn có thể nhìn nhận quan điểm của đối phương một cách đầy tôn trọng.[5]
    • Điều quan trọng là bạn cần phải trò chuyện một cách lịch thiệp đối với chủ đề nhạy cảm.
  6. Không nên hồi đáp quá nhanh. Nếu bạn đang tham gia vào câu chuyện đầy xúc động, sẽ dễ để bạn đắm chìm trong cảm xúc riêng của mình. Hành động này sẽ làm tăng cơ hội bạn sẽ nói ra một điều gì đó gây tổn thương cho cảm xúc của đối phương. Có thể bạn sẽ nêu lên điều khiến bạn hối tiếc về sau.[8]
    • Thay vào đó, khi bạn cảm thấy bản thân đang nổi nóng, bạn nên hít thở sâu trước khi phản ứng. Đếm nhẩm đến 5.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mạch đập của bạn vượt quá 100 nhịp một phút, bạn đang đưa ra lựa chọn từ ngữ tồi tệ.
    • Nếu bạn có cảm giác rằng bạn không thể bình tĩnh lại, bạn có thể ngừng trò chuyện đôi chút.

Giao tiếp một cách tử tế[sửa]

  1. Nêu câu hỏi. Nêu câu hỏi là cách tuyệt vời để tìm hiểu thêm về quan điểm của đối phương. Câu hỏi cũng sẽ gián tiếp cho người đó hiểu rằng bạn xem trọng suy nghĩ và cảm xúc của họ. Trở nên cởi mở với mọi điều mà họ nói là dấu hiệu của quá trình giao tiếp đầy cảm thông.[5]
    • Bạn nên nhớ bảo đảm rằng câu hỏi mà bạn đưa ra là câu hỏi mở, cho phép đối phương lựa chọn cách để phản hồi. Câu hỏi định hướng, hoặc câu hỏi cố gắng thuyết phục người khác nhận thức sự đúng đắn trong quan điểm của bạn, không thể hiện sự tôn trọng mà bạn dành cho cảm xúc của họ.
    • Nếu bạn nêu lên câu hỏi có thể dễ dàng được trả lời với từ có hoặc không, bạn nên nhớ cho phép người đó có thời gian để làm rõ thêm về câu trả lời của mình nếu họ muốn.
  2. Lựa chọn cách tốt nhất để bộc lộ cảm xúc. Sở hữu cách thức để bộc lộ cảm xúc của bản thân là yếu tố quan trọng, nhưng để trở nên nhạy bén với cảm xúc của người khác, bạn phải cẩn thận khi lựa chọn cách để thực hiện điều này. Bám sát câu nói bắt đầu bằng chủ từ “Tôi”, sẽ giúp bạn nêu lên cảm giác của mình mà không có vẻ như đang đổ lỗi cho đối phương.
    • Ví dụ, câu nói “Tôi cảm thấy buồn vì điều bạn vừa nói, vì nó khiến tôi nhớ lại trải nghiệm mà tôi đã từng có ở thời phổ thông…” sẽ tử tế hơn là “Bạn sai rồi, vì điều này đã từng xảy đến với tôi trong thời phổ thông”.
    • Nếu bạn bày tỏ sự cảm thông với người khác trong cuộc trò chuyện, có cơ hội là họ sẽ đáp lại cảm xúc của bạn bằng sự cảm thông tương tự.
  3. Khẳng định sự tích cực khi trình bày lời chỉ trích. Khi cung cấp thông tin phản hồi, bạn nên nhớ bù đắp cho bất kỳ một sự phê phán tiêu cực nào bằng sự khẳng định tương tự hoặc to lớn hơn về yếu tố mà bạn nhận thấy đối phương thực hiện khá tốt. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm lĩnh vực bạn biết rằng bạn có thể trân trọng nó một cách chân thật, và hãy thận trọng (nhưng trực tiếp) với bất kỳ một lời phê phán nào.[5]
    • Trở nên nhạy cảm với cảm giác của người khác không có nghĩa là bạn phải giả vờ trở thành người khác. Tuy nhiên, trước khi nêu lên quan điểm hoặc ý tưởng của mình về trải nghiệm của đối phương, bạn cần phải nhớ kiểm tra và bảo đảm rằng người đó muốn bạn cung cấp cho họ quan điểm trung thực nhất.
    • Tập trung vào thông tin phản hồi của bạn về hành động của người đó, hơn là bản chất của họ, sẽ giúp phòng tránh cảm giác bị tổn thương.
  4. Không sử dụng lời nói vô vị và xáo rỗng. Nếu người đó đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn, bạn nên tránh nói theo kiểu “Mọi chuyện xảy ra là có lý do của nó”, hoặc “Tôi biết rõ cảm giác của bạn”. Có lẽ bạn có ý tốt, nhưng nói với người khác rằng trải nghiệm tồi tệ của họ có lẽ chỉ là “phước lành đang ngụy trang” sẽ trông có vẻ không nhạy cảm với cảm giác của họ.[9]
    • Thay vào đó, bạn nên nhìn nhận cảm giác của họ. Một vài biến thể của câu nói “Tôi xin lỗi vì điều này đã xảy ra”, thường sẽ được trân trọng, tương tự như “Điều mà bạn đang phải trải qua nghe có vẻ rất khó khăn”.
    • Bạn có thể cho người đó biết rằng bạn không hiểu rõ trải nghiệm của họ. Nếu bạn đã từng trải qua điều tương tự, bạn nên nhìn nhận rằng điều mà người đó đang gặp phải có thể sẽ khác biệt với bạn.
  5. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ sự tôn trọng. Đối với người đó, quá trình giao tiếp phi ngôn ngữ của bạn có thể là yếu tố quan trọng để người đó diễn giải thông điệp hơn là từ ngữ bạn sử dụng. Mặc dù ngôn ngữ cơ thể sẽ thay đổi tùy theo nền văn hóa, nhìn chung, những yếu tố sau thường được xem như là cách để thể hiện lòng tôn trọng:[10]
    • Thường xuyên giao tiếp bằng mắt. Phương pháp này sẽ giúp đối phương nhận ra rằng bạn hoàn toàn chân thành trong việc xây dựng quá trình giao tiếp trung thực. Tuy nhiên, bạn không nên thực hiện hành động này trong một khoảng thời gian dài, hoặc nếu không, nó sẽ được xem như là sự hung hăng.
    • Hướng cơ thể về phía đối phương khi bạn nói.
    • Thỉnh thoảng chạm nhẹ vào mặt ngoài cánh tay của đối phương sẽ thể hiện sự thân thiện và ủng hộ. Bạn không nên nắm tay họ quá chặt hoặc nếu không nó sẽ hình thành cảm giác hung hăng hoặc tán tỉnh. Tốt hơn hết là bạn nên tham khảo ý kiến người đó xem liệu bạn có thể chạm nhẹ vào họ hay không. Sau đó, bạn nên tôn trọng lời phản hồi của họ.
    • Không khoanh tay và nhớ thư giãn.
    • Bảo đảm rằng bạn đang thả lỏng cơ mặt, và mỉm cười nếu bạn có thể thực hiện điều này một cách dễ dàng.

Chăm sóc cảm xúc của bản thân[sửa]

  1. Nhận thức rõ cảm giác của bạn. Nếu bạn muốn trở nên nhạy bén với cảm giác của người khác, điểm tốt nhất để bắt đầu là có ý thức trước cảm xúc của mình. Nếu bạn không biết rõ cảm xúc của bản thân trong suốt cuộc trò chuyện sôi nổi hoặc nhạy cảm, bạn sẽ khó có thể phản ứng một cách nhạy cảm với người khác.
    • Tìm hiểu cách để nhìn nhận dấu hiệu sợ hãi, lo lắng, và buồn bã ở bản thân sẽ giúp bạn dễ cảm thông với cảm giác của người khác hơn.
    • Chú ý đến dấu hiệu cụ thể về cảm xúc của bạn. Ví dụ, nhận thức rõ khi lòng bàn tay của bạn bắt đầu toát mồ hôi, hoặc khi bạn bắt đầu run rẩy. Bạn có bị đau bụng khi mức độ lo lắng tăng cao? Bạn có thở nông hay không?
  2. Tìm hiểu kỹ năng đối phó. Khi bạn nhận thấy bản thân có dấu hiệu cảm xúc mạnh mẽ, bạn cần phải biết cách để quản lý cảm giác của mình để chúng không trấn áp bạn. Cho dù là bạn đối phó với cảm xúc bằng cách hít thở sâu, trò chuyện với nhà trị liệu, với người bạn mà bạn tin tưởng, hoặc phối hợp nhiều cách tiếp cận với nhau, điều quan trọng là bạn phải cho phép bản thân thừa nhận cảm giác của mình theo cách lành mạnh.[11]
    • Bạn nên nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc mạnh mẽ không phải là điều sai trái hoặc tồi tệ. Nếu bạn đang cảm thấy có lỗi vì sở hữu chúng, điều này sẽ chỉ khiến ban căng thẳng hơn.
    • Sở hữu thói quen tập thể dục điều độ cũng sẽ giúp bạn đối phó với cảm xúc mạnh mẽ.
  3. Bảo vệ bản thân. Khi bạn bắt đầu có cảm giác rối ren, bạn có thể nghỉ ngơi đôi chút. Khả năng trở nên nhạy cảm trước cảm giác của người khác sẽ biến mất nếu bạn không thể chăm sóc cảm xúc của bản thân.[12]
    • Nếu bạn không thể tránh xa một vài người hoặc chủ đề nào đó, bạn nên nhớ cho phép bản thân có thời gian và không gian để hồi phục ngay sau đó.
    • Bạn nên biết rằng đôi khi, một số chủ đề sẽ trở nên khó khăn cho bạn vì chú ý đến chúng sẽ giúp bạn nhìn nhận cảm giác của mình theo đúng bản chất của nó.
    • Bạn có thể đi bộ thư giãn, chơi đùa với chú cún, hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian để ngồi một mình và hít thở sâu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]