Trở nên tự chủ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tự chủ là phong thái cân bằng, duyên dáng và lịch thiệp trong các tình huống xã hội. Nếu bạn muốn trở nên tự chủ, bạn cần phải tăng cường sự tự tin, trở thành một người giỏi giao tiếp và học cách để giữ bình tĩnh trong các tình huống khó khăn.

Các bước[sửa]

Tăng cường sự tự tin[sửa]

  1. Tập chấp nhận bản thân. Nếu bạn tự tin, bạn sẽ có phong thái tự chủ; hai điều này bổ trợ cho nhau. Việc chấp nhận bản thân sẽ tăng cường lòng tự trọng của bạn, khiến bạn tự tin và tự chủ hơn.[1][2]
    • Lên danh sách điểm mạnh và những điều bạn muốn cải thiện, bao gồm cả về tính cách lẫn diện mạo. Rà soát danh sách và chấp nhận từng đặc điểm của bản thân bằng lời nói. Hãy nói rằng: “Mình chấp nhận việc mình lắm lời. Mình chấp nhận rằng đôi lúc mình rất nóng tính.”
    • Nhìn chung, bạn có thể dùng những câu khẳng định về bản thân để nói với chính mình, ví dụ như “Mình chấp nhận mọi thứ về bản thân. Mình chấp nhận con người, vẻ bề ngoài, quá khứ, hiện tại và tương lai của mình.”[3]
  2. Tự tin. Cách bạn nghĩ về bản thân sẽ ảnh hưởng tới hành vi và khả năng tự chủ của bạn.[3] Để phát triển sự tự tin, hãy học cách để tin vào chính mình. Điều đó có nghĩa là bạn phải tin mình là người lạc quan, có nhiều điều thú vị để chia sẻ. Điều đó cũng có nghĩa là bạn phải làm những việc khiến bạn tự tin vào bản thân.
    • Mường tượng là một cách hữu ích để tự tin hơn. Nhắm mắt lại và tưởng tượng bản thân ở trạng thái hoàn toàn tự tin và tự chủ. Bạn đang ở đâu? Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn đang nghĩ về điều gì? Bạn đang làm gì?[4]
    • Suy nghĩ tích cực về bản thân. Nếu bạn thấy mình đang lo lắng hoặc suy nghĩ tiêu cực, hãy lật ngược tình thế.[5] Bạn có thể thực hành bằng cách chủ động suy nghĩ: “Mình có thể làm được. Mình có thể hoàn thành bất kì việc gì nếu tập trung. Mình tin vào bản thân.”
    • Thử những tư thế quyền lực. Ngôn ngữ cơ thể của chúng ta có thể định hình những gì chúng ta cảm thấy về bản thân.[6][7] Các tư thế quyền lực sẽ khiến cơ thể bạn có vẻ to lớn hơn (chiếm dụng nhiều không gian hơn) thay vì nhỏ bé đi (thể hiện sự thiếu tự tin). Hãy thử đứng rộng chân ra một chút và chống tay vào hông. Bạn có thể tìm thêm nhiều tư thế quyền lực khác trên mạng.
  3. Tập trung vào điểm mạnh. Chú ý tới những điểm tích cực của bản thân có thể nâng cao khả năng tự tin và tự chủ trong mọi tình huống, nhờ đó, khả năng mọi người chấp nhận bạn cũng sẽ cao hơn.[8]
    • Lên danh sách những thành quả của mình. Bạn có được điểm A bài thi nào không? Bạn có giỏi bơi lội và từng giành được huy chương không?
    • Nghĩ về cách dùng những điểm mạnh để tăng cường sự tự chủ.
  4. Tin rằng đâu sẽ có đó. Dù bạn đang mắc phải tình huống gì, cách bạn suy nghĩ về nó có thể ảnh hưởng tới kết quả (tốt lên hoặc xấu đi).[9] Những người tin rằng những điều tồi tệ sắp xảy ra có thể thực sự góp phần vào việc biến kết quả xấu đó thành hiện thực. Ví dụ nếu bạn lo rằng mình sẽ nói ra điều gì đó ngốc nghếch trong buổi họp, suy nghĩ này có thể khiến bạn thêm lo lắng, dẫn đến việc nói năng nhầm lẫn. Vì thế, bạn là người sẽ tạo nên kết quả mà bạn sợ phải đối mặt nhất.
    • Thay vì nghĩ về những chuyện có thể xảy ra hoặc tình huống xấu nhất, hãy tập trung vào những gì mà bạn thực sự muốn nó xảy ra. Thay vì nghĩ: “Ôi không, mong là mình sẽ không nói nhầm”, hãy chủ động nghĩ tích cực hơn, ví dụ: “Mình muốn phát biểu một cách hiệu quả và rõ ràng. Mình sẽ tập trung vào sự tự chủ và tự tin. Mình có thể làm được." Những suy nghĩ tích cực này sẽ làm giảm cảm giác tiêu cực và làm tăng khả năng diễn ra những kết quả tốt đẹp.
  5. Tìm kiếm sự ủng hộ từ xã hội. Những mối quan hệ mang tính ủng hộ cao sẽ tiếp thêm sức mạnh và tăng cường sự tự tin của bạn. Khi có sự đồng thuận từ người khác, chúng ta sẽ phát triển cảm giác được kết nối, được thuộc về và được chấp nhận.
    • Nếu bạn cảm thấy không vui hoặc không tự tin vào bản thân, hãy trò chuyện với bạn bè hoặc người thân. Có thể họ sẽ giúp bạn nhận ra những điểm tốt về bản thân và thay đổi tâm trạng và suy nghĩ của bạn. Việc đó sẽ khiến giá trị của bạn được công nhận, bạn sẽ thấy tự tin hơn khi biết người khác rất ủng hộ và tin tưởng mình
    • Hãy xem xét các mối quan hệ và tự hỏi xem liệu những người bạn thường ở bên có ủng hộ bạn không. Những mối quan hệ xã hội nên mang lại sự tích cực và nâng đỡ bạn mỗi khi căng thẳng. Nếu có những người khiến bạn cảm thấy buồn bã hoặc tồi tệ, đó là những người không thể giúp bạn trở nên tự tin hơn. Hãy tránh xa những mối quan hệ độc hại và tập trung kết nối với những người biết khuyến khích.

Trở thành một người có tài nói chuyện[sửa]

  1. Có kiến thức ở nhiều chủ đề khác nhau. Tương tác thoải mái với người khác sẽ thể hiện sự tự tin và tự chủ.[10] Bạn sẽ dễ nghĩ ra chủ đề để thảo luận hơn nếu bạn có kiến thức về những kĩ năng và chủ đề đa dạng.
    • Tới thư viện và đọc nhiều sách. Hãy đọc về lịch sử, khoa học, xã hội học, tâm lý học hoặc bất kì thứ gì bạn thích.
    • Lướt mạng và đọc những trang web uy tín để cập nhật những sự kiện mới nhất.
    • Đọc báo (báo mạng hoặc báo in) và nắm bắt được các sự kiện trong cộng đồng và thế giới. Nhờ đó, bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng cách hỏi: “Bạn có biết về ____? Bạn nghĩ gì về điều đó?"
    • Tìm hiểu những sở thích và hoạt động mới. Ví dụ bạn có thể học cách: chơi nhạc cụ, khiêu vũ, yoga, leo núi, nhảy dù, lướt sóng, trượt ván trên tuyết, trượt tuyết, lặn, hội hoạ hoặc thanh nhạc. Nhờ vậy, khi gặp gỡ những người bạn mới, bạn sẽ có rất nhiều hoạt động để thảo luận. Có thể người kia cũng sẽ có cùng sở thích với bạn.
  2. Lắng nghe. Khi tham gia vào sự kiện xã hội, hãy là “người nghe” thay vì là người cầm lái mọi cuộc hội thoại. Mọi người thích được lắng nghe và sẽ tự động bị thu hút bởi một người chịu dành thời gian lắng nghe họ.
    • Thư giãn, hít thở và giả vờ bạn đang nói chuyện với một người mà bạn đã quen từ lâu.
    • Hỏi han và thích thú với những gì họ nói. Chỉ tập trung vào người đó và trải nghiệm của họ thay vì vào những điều bạn định nói. Hãy sống đúng với hiện tại.
    • Hỏi những câu hỏi mở thay vì những câu hỏi chỉ để trả lời “có” hoặc “không”. Việc này sẽ giúp cuộc nói chuyện của bạn được liên tục và luôn tích cực.
    • Sử dụng kĩ năng lắng nghe chủ động để xây dựng sự thấu hiểu và niềm tin. Một cách để thể hiện sự lắng nghe là nhắc lại những điều người đó vừa nói. Bạn có thể làm vậy bằng cách nói: “Tớ vừa nghe thấy cậu kể rằng cậu đang giận em trai, đúng không?"[11]
    • Bạn cũng có thể đưa ra nhận định và đứng về phía người nói. Hãy nói những điều như: “Việc đó nghe thật khó khăn. Có vẻ cậu đã bị tổn thương, và trong tình huống đó thì cũng rất dễ hiểu.”
  3. Tập trung vào mặt tích cực. Nếu bạn nói quá nhiều về những điều tiêu cực, bạn sẽ trở thành một người hay than phiền và thiếu tự chủ. Tuy nhiên, nếu bạn tập trung vào những chủ đề tích cực, mọi người sẽ thấy bạn rất duyên dáng và thu hút.[12]
    • Hãy hỏi những câu tích cực như: “Dạo này cậu có chuyện gì vui? Cậu có đang làm việc gì thú vị không?”
    • Nhìn chung, nên tránh các chủ đề về chính trị và tôn giáo, trừ khi các bạn có chung tinh thần và độ cởi mở về những vấn đề đó.
  4. Giao tiếp dứt khoát. Đó chính là khả năng tôn trọng và cởi mở về cảm giác và suy nghĩ của mình nhưng vẫn duy trì được sự khéo léo và bình tĩnh.[12] Giao tiếp dứt khoát mang tới cảm giác ấm áp, gần gũi và thân thiện.
    • Có một cách để trở nên dứt khoát là: thấu hiểu người khác và hoàn cảnh của họ, tuy nhiên, vẫn tôn trọng và bày tỏ được nhu cầu và mong muốn của bản thân. Ví dụ bạn có thể nói: “Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Nếu chúng ta còn làm theo cách này nữa thì sao?"[12]
    • Thể hiện sự dứt khoát bằng ngôn ngữ cơ thể. Giao tiếp bằng mắt một cách phù hợp (không nhìn chằm chằm nhưng không trốn tránh, thỉnh thoảng lại nhìn xung quanh). Thả lỏng cơ thể; không thu mình lại (so vai) hoặc có tư thế bành trướng (chống tay lên hông).
    • Không giao tiếp một cách lấn lướt bằng cách hạ thấp người khác, gọi họ bằng những cái tên khó nghe hay nói cao giọng.[13]
    • Bày tỏ cảm giác hoặc suy nghĩ của bạn khi đã biết điều đó sẽ làm người khác tổn thương cũng là một dạng giao tiếp lấn lướt; có vài điều mà tốt nhất là bạn không nên nói ra (nhận xét tiêu cực về hành vi hoặc diện mạo của người khác chẳng hạn). Những lời nói và hành động đó sẽ thể hiện sự hung hăng của bạn, khiến người khác thấy rằng bạn không tự chủ.
    • Vài thành phố có tổ chức những chương trình dạy kĩ năng sống cho mọi người.

Giữ bình tĩnh[sửa]

  1. Ngừng lại và hít thở sâu. Một phần trong việc trở nên tự chủ là giữ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn hoặc phiền nhiễu. Thay vì phản ứng tiêu cực như lao ra khỏi phòng hoặc hét vào mặt ai đó, hãy duy trì sự tự chủ bằng cách ngừng lại và hít thở, hoặc rời khỏi hoàn cảnh đó một cách nhã nhặn (ví dụ như xin phép đi vào phòng vệ sinh).[14]
    • Nếu đang ở một mình, bạn có thể luyện tập hít thở sâu để bình tĩnh lại. Hít vào thật sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng. Tập trung vào hơi thở và trải nghiệm khi thở. Cơ thể của bạn sẽ được thả lỏng, và khi đã cảm thấy bình tĩnh, bạn có thể ngừng bài tập hít thở lại.
  2. Quan sát. Để tâm tới những phản ứng của mình là một yếu tố quan trọng trong việc giữ bình tĩnh.[14] Nếu bạn quan sát được chuyện đang xảy ra, bạn có thể bắt đầu thay đổi cách phản ứng với tình huống và trở nên tự chủ hơn.
    • Tự hỏi: “Mình đang phản ứng với điều gì? Mình đang nghĩ gì và cảm thấy gì về tình huống này? Đây có phải là cách mình xử lý tình huống từ trước tới giờ không? Mình đang buồn bực vì tình huống này, hay là vì nó làm mình nhớ tới chuyện cũ nên mình mất bình tĩnh?”
    • Có cái nhìn bao quát hơn. Quan sát tình huống từ xa như thể bạn đang ở trên máy bay trực thăng và nhìn xuống mọi thứ từ trên trời.[15] Đâu là bức tranh toàn cảnh? Chuyện này còn ảnh hưởng gì sau 1 tháng, 6 tháng hay một năm không? Biết đâu bạn đang phản ứng với những chuyện chẳng có ảnh hưởng gì tới mình trong dài hạn.
  3. Thực hiện những điều có ích. Có kế hoạch đối phó với những cảm xúc khó khăn là cách giữ bình tĩnh đảm bảo thành công.[14] Hãy liệt kê những cách phù hợp để xử lý những cảm xúc đó.
    • Ví dụ, nếu bạn thấy mình dễ nổi nóng khi không nhận được sự đồng tình từ mọi người, bạn có thể phát triển một chiến lược để đối phó với tình huống này. Trong đó có thể bao gồm: hít thở sâu, đếm đến 10, hoặc tự nhắc nhở rằng chín người mười ý, và như thế không có nghĩa là họ nghĩ bạn ngốc nghếch hoặc không thích bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng bao giờ thay đổi bản thân nếu bạn không muốn thế.
  • Quan sát những người tự chủ và làm theo họ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://intl-scan.oxfordjournals.org/content/7/3/322.full
  2. http://www.researchgate.net/profile/Roland_Benabou/publication/244299280_SELF-CONFIDENCE_INTRAPERSONAL_STRATEGIES1/links/0c960529d2a101f0f8000000.pdf
  3. 3,0 3,1 http://www.researchgate.net/profile/Zourbanos_Nikos/publication/222428460_Mechanisms_underlying_the_self-talkperformance_relationship_The_effects_of_motivational_self-talk_on_self-confidence_and_anxiety/links/09e41505ab44eb0cc0000000.pdf
  4. http://www.researchgate.net/profile/George_Doganis/publication/247515539_The_Effects_of_a_Mental_Training_Program_on_Juniors_Pre-Competitive_Anxiety_Self-Confidence_and_Tennis_Performance/links/02e7e52d3a9169b59c000000.pdf
  5. http://differentialclub.wdfiles.com/local--files/assigned-topics/Self-efficacy%20as%20a%20mediator%20between%20personality%20factors%20and%20subjective%20well-being.pdf
  6. http://www.ted.com/talks/amy_cuddy_your_body_language_shapes_who_you_are?language=en
  7. http://dash.harvard.edu/bitstream/handle/1/9547823/13-027.pdf?sequence=1
  8. http://webs.wofford.edu/nowatkacm/Abnormal%20Child/6_Peers/krehbiel1986.pdf
  9. http://www.researchgate.net/profile/Steven_Shepherd/publication/51544683_Rewriting_the_Self-Fulfilling_Prophecy_of_Social_Rejection_Self-Affirmation_Improves_Relational_Security_and_Social_Behavior_up_to_2_Months_Later/links/53cfdbd20cf2f7e53cf838fc.pdf
  10. http://fatih.edu.tr/~hugur/self_confident/Personality,peer%20relations,%20and%20self-confidence%20as%20predictors%20of%20happiness%20and%20loneliness.PDF
  11. http://psychcentral.com/lib/become-a-better-listener-active-listening/
  12. 12,0 12,1 12,2 http://www.getselfhelp.co.uk/docs/Assertiveness.pdf
  13. http://www.getselfhelp.co.uk/communication.htm
  14. 14,0 14,1 14,2 http://www.get.gg/stopp.htm
  15. http://www.get.gg/mobile/helicopter.htm