Ung thư đại trực tràng - Yếu tố nguy cơ và phòng tránh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng thứ 4 ở nam giới và đứng thứ 6 ở nữ giới về số ca mắc ở Việt Nam.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8800 ca mắc ung thư đại trực tràng mới, và khoảng 6000 ca tử vong vì loại ung thư này.

Trước đây, các ca mắc ung thư đại trực tràng chủ yếu ở người sau 50 tuổi, nhưng từ khoảng gần 20 năm trở lại đây, tỷ lệ mắc ung thư này đang có xu hướng trẻ hoá.

Các yếu tố nguy cơ (làm tăng nguy cơ) ung thư đại trực tràng gồm có[sửa]

Tuổi tác[sửa]

Người có độ tuổi trên 50 có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao nhất. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hoá đã xuất hiện.

Tiền sử bệnh cá nhân[sửa]

Bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn nếu đã từng mắc:

  • Ung thư đại trực tràng
  • Polyp đại trực tràng (những khối u lành tính trong đại trực tràng, đặc biệt là những khối có kích thước lớn hơn 1cm hoặc có dạng tế bào dị thường khi quan sát dưới kính hiển vi).
  • Ung thư buồng trứng
  • Viêm đường ruột (bao gồm cả viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn)

Nếu bạn đã từng có polyp hoặc bị bệnh viêm đường ruột, bạn nên bắt đầu tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn.

Lưu ý rằng, bệnh viêm đường ruột khác với hội chứng kích thích đường ruột, và hội chứng này không làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Tiền sử gia đình & di truyền[sửa]

Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng gấp đôi nếu trong gia đình cách tối đa 1 thế hệ (cha mẹ, anh chị em, con cái) có người từng bị ung thư này. Nguy cơ thậm chí còn cơ cao hơn nữa ở những gia đình có bệnh nhân ung thư đại trực tràng dưới 45 tuổi, và việc tầm soát sớm và thường xuyên là rất quan trọng trong gia đình này.

Người thân của người có polyp đại trực tràng cũng tăng nguy cơ bị ung thư liên quan.

Người thân của bệnh nhân mắc một số bệnh/hội chứng di truyền hiếm gặp cũng gia tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, cũng như các loại ung thư khác. Các bệnh/hội chứng này bao gồm:

  • Familial adenomatous polyposis (FAP)
  • Nhược độc đa polyp trong gia đình (AFAP)
  • Hội chứng Gardner
  • Hội chứng Lynch
  • Hội chứng Juvenile polyposis (JPS)
  • Hội chứng Muir-Torre
  • Đa polyp liên quan tới MYH (MAP)
  • Hội chứng Peutz-Jeghers hay lồng ruột non (PJS)
  • Hội chứng Turcot.

Nếu trong gia đình gần có người bị ung thư đai trực tràng hoặc polyp đại trực tràng, hoặc các bệnh/hội chứng di truyền trên, bạn nên nói cho bác sĩ biết để xem có cần tầm soát ung thư này trước 50 không, và với tần suất thế nào. Nếu bạn là người bị ung thư hoặc polyp đại trực tràng, bạn cũng cần nói cho người trong gia đình biết để họ hiểu nguy cơ ung thư của mình.

Rượu bia[sửa]

Uống thức uống có cồn được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, cũng như polyp đại trực tràng.

Hút thuốc lá[sửa]

Hút thuốc lá cũng được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư và polyp đại trực tràng. Ở những người đã phẫu thuật cắt bỏ polyp, việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ chúng xuất hiện trở lại.

Thừa cân/Béo phì[sửa]

Tình trạng cơ thể thừa cân hoặc béo phì được chứng minh là có liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Để biết bản thân có thừa cân hay không, xin làm theo quy chuẩn sau:

  • Trước hết, tính chỉ cố BMI của bạn.
  • BMI = khối lượng cơ thể (theo kg) / [chiều cao (theo mét) * chiều cao (theo mét)], tức là lấy khối lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao.
  • Nếu BMI của bạn là từ 25 đến 30, bạn đang bị thừa cân.
  • Nếu BMI của bạn trên 30, bạn đang bị béo phì.

Thịt đỏ và thịt chế biến[sửa]

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thịt đỏ và thịt chế biến có thể gây ung thư đại trực tràng. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận điều này. Xem thêm ở bài viết Những điều cần biết về khả năng gây ung thư của Thịt đỏ & Thịt chế biến.

Chế biến thịt ở nhiệt độ cao[sửa]

Các phương pháp chế biến thịt ở nhiệt độ cao như nướng, chiên, xào, làm sản sinh các chất gây ung thư, từ đó gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Các yếu tố bảo vệ (làm giảm nguy cơ) ung thư đại trực tràng gồm có[sửa]

Vận động thể chất[sửa]

Nhiều nghiên cứu cho thấy vận động thể chất làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Aspirin[sửa]

Uống aspirin mỗi ngày liên tục ít nhất 5 năm sẽ làm giảm nguy cơ và tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, chúng tôi không khuyên bạn áp dụng điều này, nếu không có chỉ định của bác sĩ. Việc uống aspirn hằng ngày sẽ mang lại tác dụng phụ là có nguy cơ cao bị chảy máu trong ruột, dạ dày và não.

Sử dụng liệu pháp thay thế hormone kết hợp[sửa]

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng liệu pháp thay thể hormone (hooc-môn) (thông thường là thuốc tránh thai) dạng kết hợp cả estrogen và progestin làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng xâm lấn ở phụ nữ hậu mãn kinh.

Tác dụng phụ có thể của liệu pháp này bao gồm tăng nguy cơ ung thư vú, bệnh tim, nghẽn mạch máu do máu đông.

Cắt bỏ polyp[sửa]

Đa số polyp đại tràng là dạng adenomas, tức dạng lớn hơn 1cm hoặc hình thái tế bào dị thường. Việc cắt bỏ các adenomas sẽ làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tàng. Tuy nhiên, chưa rõ là việc cắt bỏ các polyp nhỏ hơn có làm giảm nguy cơ này hay không.

Tác hại có thể của việc cắt bỏ polyp thông qua nội soi bao gồm làm trầy, rách niêm mạc đại tràng và chảy máu đại tràng.

Hình ảnh minh hoạ và ảnh nội soi thật về polyp trong đại tràng. Nguồn ảnh: National Cancer Institute

Ăn nhiều chất xơ[sửa]

Việc ăn nhiều chất xơ tự nhiên từ rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám (thực vật nói chung) cho thấy có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Cơ chế của chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư vẫn chưa được hiểu tường tận, nhưng đã có nhiều cơ chế được chứng minh.

Một trong những cơ chế được biết là do đặc tính lý hoá cơ bản của chất xơ. Chất xơ không tiêu hoá được ở ruột non, do đó chúng đi thẳng vào ruột già (đại tràng) và hoạt động như một màng bảo vệ, ngăn chặn bớt thời gian tiếp xúc của ruột già với các chất gây ung thư, đồng thời hấp phụ một số chất này và mang ra ngoài cơ thể theo phân.

Một cơ chế khác được đề nghị là chất xơ khi vào ruột già cũng làm tăng tính trương nở và độ nhớt của sản phẩm tiêu hoá, từ đó làm giảm tốc độ quá trình lên meni protein – quá trình sinh chất gây ung thư ở ruột già.

Cuối cùng, cơ chế được nghiên cứu nhiều nhất là do tác dụng của lợi khuẩn đường ruột. Nhiều vi khuẩn tốt, trong đó có Butyrivibrio fibrisolvens có khả năng tiêu hoá chất xơ, phân giải chúng thành các acid béo mạch ngắn như là butyrate. Nhiều acid béo mạch ngắn có tác dụng chống ung thư một cách chọn lọc, tức chỉ tác dụng lên tế bào ung thư đại trực tràng mà hầu như không tổn hại tế bào thường. Hơn nữa, như đã nói ở trên, các bệnh viêm đường ruột mãn tính là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư, trong khi các acid béo này còn có tính chất chống viêm, do đó cũng là 1 yếu tố làm giảm nguy cơ ung thư.

Do đó, bên cạnh việc ăn nhiều chất xơ, việc bổ sung lợi khuẩn (probiotic) và các chất nuôi lợi khuẩn này, trong đó có chính chất xơ, là cần thiết để bảo vệ đường ruột nói chung và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng nói riêng.

Chất xơ từ thực phẩm chức năng không cho thấy khả năng bảo vệ này.

Các yếu tố chưa rõ tác động thế nào đến nguy cơ ung thư đại trực tràng[sửa]

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid khác Aspirin[sửa]

Chưa rõ là việc sử dụng các thuốc chống viêm không steroid khác Aspirin, hay còn gọi là NSAIDs, như sulindiac, celecoxib, naproxen, hay ibuprofen, có làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng hay không.

Một số nghiên cứu cho thấy việc uống celecoxib làm giảm nguy cơ tái phát sau khi cắt bỏ polyp, nhưng chưa rõ tác dụng này có làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng hay không.

Các tác dụng phụ không mong muốn có thể của NSAIDs bao gồm:

  • Vấn đề về thận
  • Chảy máu bao tử, ruột hoặc não
  • Vấn đề về tim như đau tim, suy tim sung huyết

Canxi[sửa]

Chưa rõ là việc sử dụng thực phẩm chức năng chứa canxi có làm giảm nguy cơ UT DTT hay không.

Tóm lượt[sửa]

Ở trên là những yếu tố có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư đại trực tràng được biết đến, cũng như một số yếu tố chưa rõ ảnh hưởng vẫn đang còn nghiên cứu.

Để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, cần nhớ để tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ, bổ sung các yếu tố làm giảm nguy cơ (nếu được). Cụ thể, những yếu tố mà bạn có thể thay đổi được đó là:

  • Bỏ hút thuốc lá
  • Giảm tối đa rượu bia
  • Theo dõi và duy trì cân nặng hợp lý
  • Tầm soát ung thư đại trực tràng nếu trong gia đình có người mang các bênh/hội chứng như đã kể trên. Khuyến cáo cần tầm soát ung thư đại trực tràng đối với người trên 50 tuổi
  • Vận động thể chất thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Giảm thịt đỏ, thịt chế biến và các món chiên xào nướng
  • Tham vấn bác sĩ để cắt bỏ các adenomas nếu bạn có
  • Ăn nhiều chất xơ tự nhiên & bổ sung, duy trì lợi khuẩn.
Chịu trách nhiệm thông tin: Nguyễn Cao Luân
Lần cuối xem xét y học: 22/03/2016
Lần cuối chỉnh sửa: 22/03/2016

Tài liệu tham khảo[sửa]

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Ruy Băng Tím
  • Nguyễn Cao Luân. Nghiên cứu sinh, phòng Sinh học Phân tử & Tế bào, Phân khoa Khoa học cao cấp về Vật chất, Khoa Khoa học, Đại học Hiroshima, Nhật Bản.

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này