Vượt qua nỗi bất an khi tăng cân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tăng cân là quá trình bình thường của con người. Thật ra, khoa học đã chỉ ra rằng cân nặng của hầu hết mọi người sẽ tự động giảm vào ngày trong tuần và tăng vào ngày cuối tuần.[1] Tuy nhiên, đôi khi, tăng cân không phải chỉ là một biến động nhỏ, và nó gây nên sự khác biệt đáng kể trong ngoại hình cũng như cảm giác của bạn. Bạn sẽ cảm thấy lo lắng về suy nghĩ của người bạn yêu trước việc tăng cân, hoặc lo rằng bạn sẽ không trông hấp dẫn trong mắt người có thể hẹn hò với bạn. Nếu tình trạng tăng cân gần đây đang khiến bạn trở nên bất an, bạn cần phải tìm hiểu cách để ngừng tự nói chuyện với bản thân một cách tiêu cực, và xây dựng hình ảnh cơ thể lành mạnh hơn để có thể cảm thấy thoải mái với chính mình.

Các bước[sửa]

Loại bỏ tiếng nói tiêu cực[sửa]

  1. Nhận thức rõ ảnh hưởng của quá trình tự nói chuyện với bản thân một cách tiêu cực đến bạn. Suy nghĩ mà bạn không ngừng lặp lại với chính mình trong ngày có thể tác động to lớn đến tâm trạng. Cảm giác bất an về tình trạng tăng cân có thể không phải là do người khác đã nói một điều gì đó với bạn, mà là do những lời tự nhủ về cân nặng của chính mình.
    • Một câu tự nhủ thực tế sẽ là "Mình cần phải sớm hoàn thành bài tập", trong khi một câu nói có thể có ý xấu hổ hoặc tự hạ thấp bản thân sẽ là "Mình mập quá. Mình cần phải dành cả ngày tại phòng tập thể dục ".[2]
  2. Lắng nghe lời tự nói chuyện của bạn. Một khi bạn đã nhận thức rõ rằng một vài khía cạnh của tiếng nói trong tâm hồn bạn có thể góp phần đem lại sự bất an cho cơ thể, đã đến lúc bạn cần phải chú ý hơn đến chúng. Tự nói chuyện với chính mình một cách tiêu cực sẽ củng cố thêm cho quá trình này và biến nó thành hiện thực. Cách duy nhất để chấm dứt nó là trở nên có ý thức hơn về nó.
    • Dành một vài phút mỗi ngày để chú ý đến suy nghĩ của chính mình, đặc biệt là suy nghĩ về cơ thể. Có lẽ bạn nên chú ý đến chúng khi bạn đang thay quần áo trước gương hoặc khi bạn đang chuẩn bị bữa ăn.
    • Loại suy nghĩ nào về bản thân đang hiện diện trong đầu bạn. Liệu chúng có giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn và cảm thấy tích cực hơn, hay là chúng chỉ đang khiến bạn có cảm giác tồi tệ hơn về chính mình?
  3. Thách thức những thông điệp này. Để có thể cải thiện khả năng tự nói chuyện với bản thân, bạn cần phải chiến đấu chống lại những câu nói không hữu ích hoặc không thực tế. Sử dụng câu nói "Mình nên dành cả ngày tại phòng tập thể dục", hãy thách thức nó bằng cách:
    • Kiểm tra sự thật: Bằng chứng nào bảo vệ hoặc phản đối nó?. Vì câu nói này rất cực đoan, bạn sẽ khó có thể tìm thấy bằng chứng hỗ trợ ý tưởng là bạn nên dành cả ngày trong phòng tập. Tuy nhiên, bạn có thể tìm bằng chứng cho thấy rằng tập thể dục quá nhiều có thể gây chấn thương hoặc kiệt sức và khiến quá trình giảm cân trở nên khó khăn hơn. Lạm dụng nó quá mức sẽ không giúp bạn giảm cân.
    • Suy nghĩ hướng về mục tiêu: Suy nghĩ theo cách này có giúp giải quyết vấn đề hay không?. Không, tự nói với bản thân điều mà bạn cần phải thực hiện sẽ là hình phạt chứ không phải là giải pháp. Cách tốt hơn để giúp bản thân giải quyết vấn đề là nói theo kiểu "Hôm nay, mình muốn cố gắng đến phòng tập".
  4. Phát triển lời tự khẳng định lành mạnh hơn. Thay vì không ngừng chỉ trích bản thân, bạn nên cố gắng hình thành suy nghĩ tích cực, tràn trề sức sống hơn.
    • Ví dụ, thay vì tự nhủ theo kiểu "Mình mập quá. Mình phải dành cả ngày tại phòng tập thể dục", bạn chỉ cần viết ra giấy một vài từ ngữ khuyến khích bạn cảm thấy tự tin hơn về chính mình và đính nó trên gương (trong túi xách, hoặc trên xe). Chúng có thể là "Mạnh mẽ. Xinh đẹp. Chu đáo". Trông thấy chúng khi bạn thực hiện hoạt động khác trong ngày sẽ giúp bạn phát triển những đức tính này thay vì sự bất an. [3]

Trở nên tích cực hơn đối với cơ thể[sửa]

  1. Viết danh sách về lòng tự trọng. Bạn nên xem nó như là bộ sưu tập về đặc tính cá nhân giúp đem lại cảm giác ấm áp và ảo diệu cho bạn. Tích cực chiến đấu chống lại sự bất an bằng cách viết về chúng và xem xét lại mọi điều tuyệt vời mà bạn và mọi người xung quanh đã nói về bạn.[4]
    • Chúng có thể là đặc điểm ngoại hình của bạn - "Bạn có đôi mắt rất đẹp", hoặc "Bạn luôn biết lựa chọn quần áo một cách cẩn thận" – hoặc về tính cách cá nhân khác như là người biết lắng nghe hoặc luôn tham gia giúp đỡ người khác khi họ cần.
    • Bổ sung thêm một vài gợi ý của bạn bè vào ý tưởng của riêng bạn. Họ ngưỡng mộ một vài đặc điểm tích cực nào ở bạn?
    • Thường xuyên đọc tại danh sách để chống lại sự bất an.
  2. Ở cạnh những người biết nâng đỡ bạn. Bạn nên nỗ lực dành thời gian và năng lượng cho mối quan hệ có ảnh hưởng tích cực đến bạn. Cho dù họ có là một hoặc hai người bạn thân hoặc một nhóm người ủng hộ bạn, bạn nên bảo đảm rằng bạn sẽ thường xuyên gặp gỡ hoặc trò chuyện qua điện thoại với người khiến bạn cảm thấy tốt hơn về chính mình.[4]
  3. Đừng tin vào phương tiện truyền thông đại chúng. Quan điểm của xã hội về hình dáng và kích thước của cơ thể được cho là hấp dẫn nhất sẽ thay đổi theo từng thế hệ. Nhiều thập kỷ trước, TV và phim ảnh tôn thờ dáng người trung bình, sở hữu “đường cong” hấp dẫn như Marilyn Monroe. Ngày nay, nhiều nữ diễn viên và người mẫu rất cao và gầy. Bạn không thể thay đổi dáng người của mình, nhưng bạn có thể lựa chọn không cho phép phương tiện truyền thông điều khiển suy nghĩ của bạn về cái đẹp.[5]
    • Tránh so sánh bản thân với nữ diễn viên hoặc người mẫu trong tạp chí hoặc trên TV. Không nên nghĩ rằng bạn cần phải sống theo những hình ảnh không thực tế, thường đã qua chỉnh sửa ảnh này. Thay vào đó, bạn nên tìm kiếm người tự tin về bản thân trong cuộc sống của bạn, bất kể họ sở hữu kích cỡ và dáng người như thế nào. Hãy xem họ như hình mẫu của bạn.
  4. Trở thành người bạn tốt của cơ thể. Cơ thể bạn không phải là kẻ thù. Nó đưa bạn đến trường hoặc đến công ty. Nó cho phép bạn ôm mẹ bạn hoặc chạy và vui đùa với chú chó nhà bạn. Bạn nên cam kết đối xử với nó một cách tốt hơn.
    • Đối xử với cơ thể tốt hơn có thể bắt đầu bằng cách loại bỏ suy nghĩ tiêu cực về nó. Phương pháp khác để trở thành bạn của cơ thể bao gồm ăn uống cân bằng, thường xuyên vận động, và tham gia hoạt động cho phép bạn nuông chiều cơ thể, chẳng hạn như mát-xa hoặc tận hưởng giấc ngủ trưa có tác dụng giúp trẻ hóa.[6]
  5. Chống lại tình trạng giảm sút trong sự tự tin về mặt tình dục. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của bạn, nhưng cảm thấy không tốt về bản thân vì tăng cân sẽ khiến bạn không hứng thú với tình dục. Nghiên cứu thậm chí đã chỉ ra rằng tăng hoặc giảm cân có thể gây mất cân bằng nội tiết tố và hủy hoại ham muốn của bạn.[7]
    • Bạn có thể vượt qua sự sụt giảm trong ham muốn bằng cách cảm thấy thoải mái hơn với bản thân khi khỏa thân. Trước hoặc sau khi tắm, bạn nên dành một chút thời gian để đi quanh nhà khi đang khỏa thân. Cố ý ngắm bản thân trong gương, chú ý đến toàn bộ cơ thể thay vì vào bắp đùi hoặc bụng. Thường xuyên thực hiện điều này sẽ giúp bạn loại bỏ tình trạng tự nói chuyện với bản thân một cách tiêu cực vào thời điểm bạn không mặc quần áo.
    • Một cách khác để cảm thấy tự tin hơn trong tình dục sau khi tăng cân đó là tự thỏa mãn bản thân. Âu yếm toàn bộ cơ thể của mình với sự trân trọng tương tự như hành động mà người bạn yêu sẽ thực hiện. Bài tập tự thỏa mãn bản thân này sẽ giúp thiết lập tâm trạng cho bạn và cải thiện sự tự tin.

Giải quyết tình trạng tăng cân[sửa]

  1. Suy nghĩ về nguyên nhân gây tăng cân. Cách bạn đối phó với tình trạng tăng cân tùy thuộc vào tác nhân kích thích tăng cân. Bạn cần phải suy nghĩ kỹ càng về lý do trước khi có thể quyết định cách hành động.
    • Nếu tăng cân là do vấn đề y tế, bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ để kiểm tra hoặc thay đổi thuốc.[8]
    • Nếu bạn tăng cân sau khi hồi phục từ tình trạng rối loạn ăn uống, xin chúc mừng bạn. Bạn phải rất can đảm mới có thể tăng cân trong khi mọi phần khác trong cơ thể bạn lại muốn kiểm soát nó. Bạn nên nhớ rằng, quay về với cân nặng lành mạnh là bước quan trọng trong quá trình hồi phục – hãy tiếp tục duy trì.[9]
    • Nếu bạn tăng cân sau khi sụt cân khá nhiều, bạn nên biết rằng ăn kiêng thường sẽ gia tăng nguy cơ khiến bạn quay lại với cân nặng cũ khi bạn trở về với thói quen ăn uống thông thường.[10] Bạn nên phát triển kế hoạch lâu dài, không hạn chế, phối hợp giữa nhu cầu dinh dưỡng của bạn và hoạt động thể chất để đạt kết quả tốt nhất.
  2. Quyết định xem liệu bạn có muốn giảm cân. Tùy thuộc vào trường hợp của bạn, bạn có thể sẽ muốn giảm cân sau khi tăng cân. Nếu bạn lựa chọn thực hiện điều này, bạn nên biết rằng giảm cân lành mạnh sẽ phải tốn một khoảng thời gian. Giảm cân mà không tăng cân trở lại có nghĩa là bạn phải xây dựng lối sống lành mạnh hơn; đây không phải là giải pháp ngắn hạn.[11][12]
    • Trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc thiết lập kế hoạch giảm cân phù hợp với tiền sử bệnh, lối sống, và mục tiêu của bạn.
  3. Cân nhắc về yếu tố di truyền. Khoảng 25% đến 70% cơ thể của chúng ta đã được định trước bởi gien di truyền. Nếu bạn là người có dáng người gầy trong một khoảng thời gian dài và chỉ mới tăng cân gần đây, có thể đây cũng chính là khuôn khổ mà cha mẹ hoặc ông bà bạn đã trải nghiệm. Bạn cần phải hiểu rõ rằng không phải mọi cơ thể hoặc cấu trúc đều thuộc dạng gầy. Bạn nên tập trung vào sức khỏe hơn là kích cỡ, và bạn sẽ nhận thấy bản thân ít cảm thấy bất an hơn về cơ thể của mình.[5]
  4. Tìm mua trang phục tôn dáng. Khi tăng cân, con người sẽ lựa chọn trang phục rộng để che giấu kích thước của mình. Hành động này sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy bất an hơn. Thay vào đó, bạn nên tìm mua quần áo vừa vặn với dáng người và kích cỡ của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc trang phục nhấn mạnh đường nét đẹp nhất của bạn.[13]

Cảnh báo[sửa]

  • Lời khuyên này dành cho người khao khát muốn cải thiện hoặc thay đổi chính mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị trầm cảm, chán ăn, hoặc mắc bệnh tâm thần không thể chữa trị khác, tự mình cố gắng cải thiện bản thân sẽ khá khó khăn. Bạn cần phải trò chuyện với bác sĩ trước tiên.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]