Vượt qua thói nghiện âm nhạc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nếu thường xuyên nghe nhạc, hẳn bạn là một người yêu nhạc chính hiệu. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn để bỏ tai nghe hoặc cảm thấy thiếu sót khi không đeo chúng, có thể nói bạn đã nghiện âm nhạc. Bài viết này sẽ cung cấp mẹo giúp bạn vượt qua thói nghiện của bản thân và có một cuộc sống hạnh phúc mà không cần quá nhiều âm nhạc.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Theo dõi thói quen nghe nhạc của bạn[sửa]

  1. Lấy giấy bút ra viết. Nếu nghiêm túc kiểm soát hành vi của bản thân, bạn cần dành thời gian suy nghĩ và viết ra những nguyên nhân dẫn tới các hành vi đó.[1] Bằng cách này, khi thấy khó khăn để từ bỏ thói quen, bạn có thể đọc lại những điều mình đã viết và nhớ lại lý do ban đầu khiến mình cố gắng. Đôi khi viết ra những điều như vậy sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi niềm mà không bị ai phán xét.
  2. Cân nhắc lý do bạn nghe nhạc. Điều gì ở âm nhạc thu hút bạn tới mức thật khó sống nếu không có âm nhạc? Có thể bạn gặp khó khăn khi kết bạn hay giao tiếp, hoặc âm nhạc nói lên những điều bạn muốn nghe nhưng không thể cất thành lời. Dù là lý do gì đi nữa, bạn cần nhận thức được những nguyên nhân khiến mình có hành vi này.[1]
    • Viết lý do của mình ra giấy. Bạn có thể có nhiều hơn một lý do, hãy liệt kê tất cả.
  3. Tính số giờ bạn nghe nhạc mỗi ngày. Nhận thức được thói quen của mình là bước đặc biệt quan trọng để bạn vượt qua thói quen đó.[2] Dành một ngày để theo dõi thói quen nghe nhạc của bản thân. Hãy ghi lại thời điểm bạn bắt đầu nghe nhạc và thời điểm dừng lại (ví dụ: bắt đầu lúc 7 giờ 45 sáng và ngừng lúc 10 rưỡi sáng). Trước khi đi ngủ, hãy tính tổng số giờ nghe nhạc trong ngày.
    • Bạn cần đặt mục tiêu thay đổi hành vi của mình để thực sự đem đến những thay đổi nhất định. Sẽ dễ dàng hơn để đặt ra những mục tiêu cụ thể khi bạn biết chính xác lượng thời gian mình sử dụng để nghe nhạc.
    • Trong ngày theo dõi thời gian nghe nhạc của bản thân, hãy nghe nhạc như bình thường bạn vẫn làm.
    • Bạn cũng có thể hướng tới kết quả chính xác hơn bằng cách theo dõi thói quen nghe nhạc của mình trong vài ngày. Điều này sẽ cho bạn thấy rõ bức tranh toàn cảnh.

Quản lý việc nghe nhạc của bạn[sửa]

  1. Đặt mục tiêu. Nhiều dẫn chứng cho thấy việc kiểm soát hành vi là một bài tập, có nghĩa là bạn sẽ khá lên qua quá trình rèn luyện.[2] Vì vậy, hãy đặt mục tiêu khách quan, và cố gắng giảm thiểu vài phút nghe nhạc mỗi ngày cho đến khi bạn đạt được mục tiêu đó. Hãy đặt mục tiêu thực tế. Nếu bạn nghe nhạc mười hai tiếng mỗi ngày, một mục tiêu phù hợp sẽ là nghe nhạc mười tiếng mỗi ngày.
    • Khi đạt được mục tiêu đã đề ra, hãy đặt mục tiêu mới.
    • Nếu mục tiêu của bạn quá khó khăn, hãy đặt mục tiêu dễ dàng hơn. Đừng quá khắt khe với bản thân. Cuối cùng, bạn chỉ nên nghe nhạc nhiều nhất ba tiếng mỗi ngày.
  2. Từ bỏ tai nghe. Khi thức dậy mỗi sáng, việc nhìn thấy iPod và tai nghe sẽ chỉ cám dỗ bạn. Nếu cảm thấy tồi tệ khi vứt tai nghe đi hoặc nếu tai nghe đắt tiền, hãy bán chúng hoặc nhờ một người bạn giữ hộ. Bằng cách này, bạn sẽ cần tốn nhiều công sức để lấy lại tai nghe của mình.
    • Hãy nhớ cố gắng giảm nửa tiếng nghe nhạc mỗi ngày (hoặc mỗi tuần nếu công việc đó quá khó khăn với bạn).
  3. Tắt đài. Nếu bạn hay bố mẹ lái ô tô, đài ô tô chắc chắn sẽ được bật lên, nhưng hãy cố gắng hết sức để không mở nhạc. Nếu bạn không lái xe, hãy lễ phép yêu cầu bố mẹ tắt đài và giải thích rằng bạn đang cố gắng dành ít thời gian nghe nhạc hơn.
    • Nếu tất cả các cách thức này đều thất bại, nút tai chặn tiếng ồn là biện pháp thay thế phù hợp.
  4. Để máy nghe nhạc ở nhà. Thông thường, bạn sẽ mang theo iPod hay các thiết bị nghe nhạc khác khi ra ngoài. Đừng cám dỗ chính mình! Thay vào đó, hãy để máy nghe nhạc ở nhà. Nếu bạn đang sử dụng điện thoại có chức năng chơi nhạc và muốn mang theo điện thoại, hãy để tai nghe ở nhà.
    • Kiềm chế ham muốn mua tai nghe mới. Bạn có thể làm điều này bằng cách mang ít tiền hơn và tự nhắc nhở rằng mình sẽ không thể đạt được điều mà bản thân thực sự mong muốn nếu tốn tiền mua tai nghe.
  5. Ra ngoài thường xuyên hơn. Hãy cố tránh những tình huống mà nhiều khả năng bạn sẽ nghe nhạc (như khi bạn ở nhà). Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể thay thế những vấn đề trước đây của mình bằng các thói quen mới mẻ và hiệu quả.[2] Mua một chiếc xe đạp, kết bạn hoặc đi dạo.
    • Dù bạn làm gì, hãy khiến hoạt động đó trở nên vui vẻ. Nếu đang đạp xe, bạn cần tập trung lái xe trên đường, do đó bạn không thể dùng tai nghe. Nếu ở cùng bạn bè, bạn sẽ trò chuyện và cười nói, vì vậy bạn cũng không thể dùng tai nghe. Nếu đang đi dạo, phong cảnh xung quanh sẽ khiến bạn ngừng suy nghĩ về âm nhạc.
  6. Nhớ tới những lợi ích đối với sức khỏe. Nếu thực sự muốn từ bỏ mục tiêu của mình, hãy nhớ đến những điều tốt đẹp mà cuộc sống không có hoặc có rất ít âm nhạc mang tới cho bạn. Đọc lại những lý do khiến bạn muốn nghe nhạc ít hơn để tìm lại động lực cho bản thân.[3]
    • Ví dụ, việc lưu ý tới đường phố hơn khi lái xe hoặc đạp xe thay vì tập trung vào âm nhạc có thể cứu mạng bạn.

Mua Ít sản phẩm âm nhạc hơn[sửa]

  1. Kiểm tra sao kê ngân hàng của bạn trong sáu tháng vừa qua. Nếu bạn thường tải nhạc về từ những cửa hàng trực tuyến như iTunes, Google Play Store hoặc Amazon, bạn sẽ có sao kê thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ ghi chép lại chính xác số tiền mình đã tiêu. Đọc qua sao kê thẻ tín dụng hoặc sao kê ngân hàng để biết số tiền bạn đã sử dụng cho việc mua nhạc.
  2. Liệt kê tất cả những sản phẩm âm nhạc mà bạn đã mua bằng tiền mặt trong sáu tháng vừa qua. Có thể bạn sẽ không thường xuyên mua nhạc bằng thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng. Ví dụ, khi mua đĩa CD hoặc đĩa than tại cửa hàng, bạn sẽ trả bằng tiền mặt. Nếu đây là trường hợp của bạn, hãy viết ra tất cả những album bạn đã mua bằng tiền mặt trong những tháng vừa qua.
    • Nếu bạn có hóa đơn hoặc nhớ giá tiền, hãy viết lại số tiền mình đã thanh toán. Nếu không nhớ, hãy tìm giá hiện hành của album đó trên mạng để áng chừng số tiền bạn đã trả.
  3. Viết hết tất cả những sản phẩm âm nhạc bạn đã tải lậu trong sáu tháng vừa qua. Mong rằng bạn không thực hiện hành vi trên, nhưng nếu có, bạn cần tính thêm cả phần này vào nữa. Hãy viết ra giấy hoặc bảng tính Excel từng bài hát hoặc album bạn đã tải.
    • Tìm kiếm album hoặc bài hát trên iTunes hay Google Play để biết được số tiền mình phải trả nếu tải nhạc hợp pháp. Hãy viết con số này ra.
    • Tại Hoa Kỳ, lưu ý rằng nếu tải nhạc phạm pháp, bạn đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nếu bị bắt quả tang, bạn có thể phải chịu phạt tới 250.000 Đô-la Mỹ và thậm chí là đi tù.[4]
  4. Tính tổng số tiền bạn đã mua nhạc. Tính tổng số bài hát bạn đã mua trong sáu tháng vừa qua, và số tiền tương ứng bạn phải trả. Bạn có đang tiêu quá nhiều vào các sản phẩm âm nhạc thay vì những nhu cầu cần thiết khác trong cuộc sống, ví dụ như thức ăn? Bạn có đang mắc nợ vì mua nhạc không? Hoàn thành những bước trên, bạn sẽ có cách thức tuyệt vời và khách quan để xem xét thói quen của mình.
  5. Tránh mua nhạc bốc đồng. Nếu bạn mua phần lớn các sản phẩm âm nhạc khi chưa thực sự suy nghĩ kỹ về việc này cũng như hậu quả của nó, có một vài bước bạn có thể thực hiện để nhận thức rõ ràng hơn về lần mua album và nhạc sau.
    • Dành vài giây hoặc vài phút để nghĩ kỹ trước khi ra quầy thanh toán. Hít thở thật sâu, đi lòng vòng một chút. Bạn muốn ngừng suy nghĩ về đĩa hát mình muốn mua và tập trung vào mục tiêu của bản thân.[5]
    • Suy nghĩ liệu việc mua nhạc có đang giúp bạn hướng tới mục tiêu của bản thân hay không. Hãy thành thật với chính mình hết mức có thể. Liệu bài hát mới đó có đưa bạn tới gần hơn với mục tiêu của mình – tiêu ít tiền hơn cho các sản phẩm âm nhạc – hay đang kéo bạn xa khỏi mục tiêu?[5]
    • Đánh giá mức độ căng thẳng của bạn. Hãy nhận thức rõ ràng về những căng thẳng bạn đang trải qua, dù liên quan tới việc mua nhạc hay bất kỳ điều gi khác. Nhiều khả năng bạn sẽ mua nhạc một cách bốc đồng khi căng thẳng, vì vậy hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về việc này.[5]
  6. Xóa thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ khỏi tài khoản mua nhạc của bạn. Đừng đưa những thông tin đó lên mạng, nếu đã làm vậy, hãy xóa chúng đi. Các công ty thường khiến việc mua nhạc diễn ra rất dễ dàng chỉ bằng một cú kích chuột. Nếu muốn hạn chế chi tiêu của mình, hãy thay đổi cài đặt để bạn buộc phải nhập thông tin thẻ tín dụng mỗi lần mua hàng.
    • Điều này sẽ giúp bạn có thời gian đánh giá liệu món hàng đó là thứ bạn “muốn” mua hay “cần” mua.[5]
  7. Tự thưởng cho bản thân. Nếu bạn có thể tránh xa cơn mua sắm bốc đồng của mình, hãy tự thưởng bản thân với một món đồ khác mà bạn muốn. Mua cho mình một cốc cà phê, một que kem, hay một chiếc áo với số tiền bạn đã tiết kiệm được.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng quên theo dõi thời gian nghe nhạc của bản thân; tất cả nỗ lực của bạn sẽ bị phí phạm nếu bạn không làm vậy.
  • Hàng ngày, hãy thức dậy và đi ngủ cùng một khung giờ. Điều này sẽ giúp bạn xác định khoảng thời gian mình nghe nhạc mỗi ngày.

Cảnh báo[sửa]

  • Vượt qua thói quen gây nghiện có thể là một trải nghiệm vô cùng khó chịu. Sẽ rất khó để bạn đạt được mục tiêu, và bạn thường muốn bỏ cuộc. Gặp một chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ nếu bạn cần hỗ trợ chuyên sâu để duy trì động lực.
  • Bài viết này không phải là lời khuyên chuyên môn, và dùng từ "thói nghiện" theo nghĩa rộng, không chuyên môn, với ý nghĩa "ám ảnh". Nếu thực sự nghĩ rằng thói nghiện của mình đã trầm trọng tới mức không bài viết nào có thể giải quyết được, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này