Viết nhật ký giấc mơ

Từ VLOS
(đổi hướng từ Viết Nhật ký Giấc mơ)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Giấc mơ ẩn chứa nhiều bí ẩn. Dù đã có một số giả thuyết về việc vì sao chúng ta mơ, nhưng không ai có thể khẳng định ý tưởng nào là đúng hay mỗi ý tưởng đúng đến mức nào. [1][2][3] Nhật ký giấc mơ có thể là bộ nhớ và là nguồn thông tin tuyệt vời về thế giới nội tâm của bạn. Duy trì nhật ký giấc mơ đòi hỏi tính tự kỉ luật. Tuy vậy, một khi đã hình thành thói quen, đó sẽ là nguồn hứng khởi và đem lại sự an lòng trong dài hạn cho bạn.

Nhật ký giấc mơ vô cùng lý tưởng với những ai muốn có những giấc mơ lặp lại, tái hiện giấc mơ nói chung hay những tình tiết quan trọng cần được thấu hiểu. Sau cùng, đó sẽ là một trải nghiệm thú vị giúp bạn hiểu hơn về thế giới trong tiềm thức. Dưới đây là cách để viết nhật ký giấc mơ, nhật ký của tâm hồn.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Sẵn sàng[sửa]

  1. Tìm sổ nhật ký phù hợp.[4] Có vô số nhật ký giấc mơ thiết kế sẵn nhưng chúng không thật sự cần thiết và tự thiết kế sẽ sáng tạo và thú vị hơn. Những điều nên lưu ý khi lựa chọn nhật ký phù hợp bao gồm:
    • Độ dài: Bạn dự định ghi lại giấc mơ trong bao lâu, một năm, lâu hay ngắn hơn? Hãy cân nhắc độ chi tiết mong muốn của mỗi bài viết - cùng với thời gian duy trì nhật ký dự định, điều này sẽ quyết định độ dài sổ nhật ký của bạn.
    • Khả năng sắp xếp các trang: Nếu muốn sắp xếp được các trang thành từng chủ đề (chẳng hạn như "Giấc mơ Lặp lại", "Giấc mơ về những chú chó",…), sổ bìa rời cho phép dễ dàng thay đổi vị trí trang là lựa chọn tốt dành cho bạn. Hãy dùng bìa có chất lượng để lưu giữ sổ được tốt.
    • Ghi chú nhanh: Khả năng bổ sung những nội dung bạn đã viết ở một nơi nào khác có thể cũng quan trọng. Hãy đảm bảo rằng sổ nhật ký đủ chỗ để chèn thêm một vài mảnh giấy…
    • Đừng quên bút màu phù hợp. Nếu muốn dùng màu khác nhau cho những chủ đề riêng biệt hay những diễn giải trùng lặp, đừng quên cân nhắc chúng khi mua bút màu.
    • Cân nhắc sử dụng hộp, giỏ chứa hay vật lưu trữ khác cho nhật ký và bút. Nhờ đó, mọi thứ cần thiết được cất giữ gọn gàng và luôn sẵn sàng sử dụng.
    • Cân nhắc bọc du lịch hay hộp bảo vệ nếu bạn di chuyển nhiều và muốn nhật ký luôn bên mình, bất kể nơi nào.
  2. Thu xếp chỗ đặt nhật ký giấc mơ.[4] Có lẽ, thời điểm tốt nhất để viết nhật ký giấc mơ là lúc mới ngủ dậy. Do đó, ngay cạnh giường ngủ sẽ là vị trí tốt nhất. Vấn đề lớn nhất trong việc tái hiện ký ức để viết là hầu như bạn sẽ quên mất giấc mơ của chính mình ngay chính lúc ấy. Vì vậy, hãy chắc rằng nhật ký luôn trong tầm với của bạn!
    • Nếu có vật đựng như hộp hay giỏ, bạn có thể dễ dàng chuyển chỗ hoặc cất vào ngăn kéo hay tủ đồ khi lau dọn cũng như che khuất khỏi những cặp mắt tò mò.
    • Đặt đèn đọc sách cạnh giường ngủ cũng là một ý không tồi. Nếu thức dậy vào giữa đêm và cảm thấy bị thôi thúc phải viết lại, nguồn sáng tức thời sẽ giúp bạn có thể làm điều đó trước khi giấc mơ trở nên nhạt nhòa.
    • Nếu chọn kể lại và ghi âm bằng máy nghe nhạc, hãy chắc rằng điều đó thuận tiện và đồng thời, tập tin nhật ký được sắp xếp hợp lý và sao lưu thường xuyên. Chuẩn bị sẵn pin dự phòng bên mình cũng hữu ích trong trường hợp cần gấp và quên tắt máy vào buổi tối.
  3. Viết thông tin ngày tháng của lần ghi chép tiếp theo mỗi khi hoàn tất việc ghi chép. Bằng cách đó, bạn không cần tốn thời gian quan tâm đến ngày tháng mỗi khi thức giấc và có thể đi thẳng vào giấc mơ. Một số người viết nhật ký giấc mơ thích viết ngày kế tiếp lên nhật ký sau khi hoàn thành ghi chép vào buổi sáng, một số khác lại thích làm điều đó vào tối hôm trước như một dạng "nghi thức sẵn sàng".[5]
    • Nếu viết ngày tháng vào đêm trước, có thể bạn cũng muốn chia sẻ vài dòng cảm xúc. Cảm xúc có thể ảnh hưởng lớn đến những giấc mơ hôm đó của bạn.[5] Vì vậy, về sau, có thể bạn sẽ có được cảm nhận sâu sắc nhờ những ghi nhanh này. Chúng đặc biệt hữu ích trong việc gợi nhớ tâm trạng của những giấc mơ thất thường, không báo trước kiểu "a-ha!" hay gây "chới với".
  4. Sắp xếp nhật ký phù hợp cho việc viết lại giấc mơ. Không có đúng sai trong chuẩn bị hay ghi nhật ký. Dù vậy, sắp xếp sao cho việc nhận biết mối liên hệ giữa giấc mơ và phần diễn dịch trở nên dễ dàng hơn sẽ có ích cho bạn.
    • Phương pháp cột: Kẻ một dòng chia đôi mỗi trang nhật ký cho phép bạn viết giấc mơ ở một bên và sau đó ghi lại diễn giải tương ứng ở phần còn lại.
    • Viết từ trên xuống: Nếu không muốn nhồi nhét mọi thứ vào cột, hãy đơn giản viết giấc mơ trước và đặt phần diễn giải ở bên dưới. Nhìn chung, giấc mơ là phần nhạy cảm nhất trong hầu hết trường hợp và nên được dành nhiều không gian. Việc cắt nghĩa ít khẩn cấp hơn và có thể chờ đợi.

Ghi chép và Diễn giải Giấc mơ của bạn[sửa]

  1. Mơ. Dùng cách thường dùng để ngủ và mơ. Nhắc nhở bản thân dự định sẽ viết nhật ký giấc mơ vào buổi sáng, và nhờ đó, cố ghi nhớ giấc mơ trong tiềm thức có thể sẽ có ích với bạn.
    • Hãy tham khảo nhiều bài viết về giấc mơ của wikiHow để có ý tưởng về việc mơ, kiểm soát và ảnh hưởng đến giấc mơ của bạn.
    • Báo thức bằng chuông hay tiếng bíp thay vì sử dụng đài hay nhạc là việc nên làm. Giọng nói hay tiếng hát có thể làm sao nhãng tâm trí và khiến bạn quên nội dung giấc mơ. Tự thức giấc không cần hẹn giờ thậm chí còn tốt và bình yên hơn.
  2. Viết lại giấc mơ. Ngay khi thức giấc, hãy bắt đầu ghi lại giấc mơ của bạn. Nếu có thể, hãy vào phòng tắm chỉ sau khi giấc mơ đã được ghi xong bởi bất kì sự gián đoạn nào cũng có thể khiến giấc mơ, hay những điểm quan trọng và then chốt trở nên nhạt nhòa. Một khi đã quen và có nhiều kinh nghiệm hơn, điều này có thể không còn là vấn đề và việc tái hiện giấc mơ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với người mới bắt đầu, càng ít phân tâm càng tốt.[6]
    • Ghi lại mọi thứ bạn có thể nhớ. Mới đầu, quyết định điều cần viết và phân tích những suy nghĩ có thể len lỏi vào tâm trí từ ký ức về những giấc mơ có thể không dễ dàng. Thế nhưng, cùng với thời gian, bạn sẽ sớm có thể tái hiện được thông điệp của những giấc mơ. Chúng gồm nhân vật, biểu tượng, màu sắc, cảm xúc, hành động (chẳng hạn như bay lượn hay bơi), tương tác với người khác, hình thể hay bất kỳ điều gì có trong mơ.[7]
    • Tìm một vài tính từ để miêu tả những hình ảnh cũng như cảm xúc sinh động và ấn tượng nhất đến từ giấc mơ. Chẳng hạn như, nếu mơ về ngôi nhà trong biển lửa, bạn có thể viết: "ngôi nhà bùng cháy đỏ rực, mãnh liệt và kinh hoàng", với cảm xúc "e ngại, sợ hãi, tò mò".
    • Một số người thích vẽ hình ảnh hoặc sử dụng màu sắc để diễn tả cảm xúc hay chủ đề khác nhau của mỗi giấc mơ (Bản thân màu sắc có thể là một phần quan trọng trong diễn giải giấc mơ).[7]
  3. Viết tự do. Đừng cố định hình một câu chuyện khi ghi lại nội dung giấc mơ của bạn. Hãy chỉ tập trung vào việc viết nhanh nhất toàn bộ thông tin mà bạn có thể nhớ được trước khi chi tiết trở nên nhạt nhòa trong trí nhớ. Định hình câu chuyện và diễn giải giấc mơ có thể chờ sau.
  4. Nhận biết khi nào nên dừng lại. Nhật ký giấc mơ không phải một cuộc thi chạy đường trường và chỉ số ít dành cả buổi sáng nằm ghi nhật ký. Cách tốt nhất là lựa chọn một hai giấc mơ ấn tượng hoặc có tác động lớn nhất. Dù sao thì, sau khi ghi lại một hoặc hai giấc mơ đầu, ký ức của bạn sẽ trở nên mơ hồ và do đó, nên chọn giấc mơ sinh động nhất bởi chúng có ý nghĩa và sức cộng hưởng lớn nhất với bạn.
  5. Đặt tên từng giấc mơ. Đặt tên giấc mơ là một thói quen tốt. Khi đặt tiêu đề cho giấc mơ, hãy cố bao hàm cảm xúc hay chủ đề chính trong nó. Nhờ đó, tìm lại giấc mơ trở nên dễ dàng hơn và đồng thời, phản ứng chung về giấc mơ được tóm gọn.
  6. Xem lại quá trình của bạn. Mới đầu, chỉ nhớ đủ để ghi được nhiều hơn vài dòng có thể đã khó khăn. Hãy kiên trì bởi càng viết nhiều, ngày càng nhiều chi tiết được tái hiện một cách dễ dàng hơn cho đến khi đó trở thành một thói quen. Do đó, việc kiên trì ghi nhật ký giấc mơ vào mỗi buổi sáng, kể cả khi đó là giấc mơ buồn tẻ, không sắc nét là rất quan trọng. Đôi khi, những giấc mơ ấy cũng có câu chuyện của riêng mình và chỉ khi ghi lại, bạn mới nhận ra rằng sau cùng, chúng chẳng hề vô nghĩa.[6]
  7. Bắt đầu diễn giải giấc mơ. Không tiến hành diễn giải ngay khi bắt đầu là hoàn toàn ổn. Ghi lại giấc mơ là một kĩ năng mới và là một phần quan trọng. Bạn luôn có thể quay lại và diễn giải sau nếu vài từ thể hiện cảm xúc chính đã được bao gồm trong lúc mô tả giấc mơ. Khi đó, hãy bắt đầu diễn giải giấc mơ bằng kiến thức học được từ sách báo, các trang web trực tuyến và trực giác của chính bạn. Không phải mọi thứ đều rõ ràng nhưng hãy nỗ lực hết mình.[7]
    • Đôi khi, ý nghĩa giấc mơ không trở nên rõ ràng cho đến khi bạn nhận ra được sự trùng lặp và dường như, có điều gì đó diễn ra trong cuộc sống đang cần được chú tâm nhiều hơn. Thực tế là, những thông điệp quan trọng hơn thường có xu hướng lặp lại để có thể truyền tải đến bạn.[5]
    • Đọc bài viết về cách diễn giải giấc mơ để biết thêm về việc diễn giải giấc mơ của bạn.
  8. Cá nhân hóa nhật ký giấc mơ. Sau cùng, cách sử dụng và quản lí nhật ký là vấn đề cá nhân và tùy thuộc vào ý muốn của bạn. Nếu cảm thấy mọi gợi ý ở đây đều không phù hợp và có cách khác thích hợp hơn, hãy kết hợp cách thức của riêng bạn trong việc viết nhật ký giấc mơ. Hãy dùng bất kỳ điều gì có lý và phù hợp nhất với bạn.[8]
  9. Di chuyển cùng nhật ký giấc mơ. Hãy giữ nhật ký bên mình khi trải qua kỳ nghỉ hay phải di chuyển. Nếu sợ làm mất và không muốn đem nhật ký chính theo, hãy dùng phiên bản du lịch nhỏ gọn có thể chèn thêm vào nhật ký chính khi trở về. Hoặc, sử dụng nhật ký điện tử khi đi xa, nếu điều đó phù hợp với bạn. Điều quan trọng là duy trì viết nhật ký, đặc biệt là đi xa có thể đem lại những giấc mơ hoàn toàn khác biệt và đánh thức cảm nhận mới trong bạn, và hiển nhiên, bạn sẽ không muốn bỏ lỡ chúng!
    • Di chuyển hay thay đổi địa điểm cũng có thể khơi lại ký ức về những giấc mơ bạn từng có, lấp đầy khoảng trống. Hãy tận dụng điều đó để viết lại và bổ sung vào danh sách những giấc mơ đáng giá của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn giữ nhật ký và dụng cụ viết cố định cạnh giường, trong tầm với.
  • Nếu di chuyển quá nhiều vào buổi sáng để làm những việc như đánh răng hay chuẩn bị bữa sáng trước, ký ức về giấc mơ có thể sẽ trở nên nhạt nhòa và biến mất.
  • Cố kiềm chế mong muốn chia sẻ những giấc mơ cá nhân. Dù một số thật sự "thấu hiểu" việc diễn giải và mục đích của giấc mơ, nhiều người hoàn toàn không hứng thú với chúng hoặc cảm thấy giấc mơ cá nhân của bạn là quá khả năng tiếp nhận. Hãy giữ chúng cho riêng mình và nuôi dưỡng phần bên trong của bạn như một hành trình xuyên suốt cuộc đời.
  • Nếu có thời gian rảnh trong ngày và nhật ký giấc mơ bên mình, hãy chừa lại không gian dưới tiêu đề để có thể vẽ minh họa. Điều này rất hữu ích nếu bạn là người thích vẽ, hay vẽ trong thời gian rảnh rỗi hoặc đang cạn kiệt ý tưởng.
  • Mua bộ bài đọc giấc mơ. Bộ bài này có những biểu tượng và hình ảnh giúp bạn khám phá ý nghĩa giấc mơ của chính mình. Chúng cũng có thể cho bạn ý tưởng về cách giữ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu có giấc mơ về việc chết đi chẳng hạn, đừng nghĩ rằng đó có nghĩa là bạn sắp chết. Nó có thể là biểu hiện của việc bạn mệt mỏi và cảm giác như đang chết dần. Đồng thời, cái chết cũng có thể là sự buông tay một phần của chính mình hay điều gì đó trong cuộc sống đang giữ chân bạn. Nó cũng có thể ám chỉ rằng bạn đã sẵn sàng để bước sang một giai đoạn mới trong cuộc đời.
  • Nếu cảm thấy dường như bản thân đang ở giai đoạn "cạn kiệt" giấc mơ, hãy kiên nhẫn. Đôi khi, những yếu tố tác động ngoại cảnh như căng thẳng, dược phẩm, chất kích thích, thiếu ngủ hoặc những yếu tố gây đứt quãng chu kỳ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh) khác là nguyên nhân của tình trạng trên. Đôi khi, nó cho thấy bạn cần nghỉ ngơi một thời gian ngắn để trẻ hóa khả năng sáng tạo của bản thân. Hãy bớt lo lắng về điều đó. Một khi không còn bất kì ngoại tác gây căng thẳng nào, những giấc mơ sẽ quay trở lại.
  • Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hay đồng ý về chức năng của giấc mơ. Vì vậy, dù diễn giải giấc mơ có thể thú vị, hãy thận trọng và suy xét hợp lý khi dựa vào chúng để đưa ra quyết định quan trọng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Một quyển nhật ký giấc mơ
  • Bút hoặc bút màu
  • Đèn đọc sách
  • Thứ gì đó để dựa vào (không bắt buộc)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây