Viết resume

Từ VLOS
(đổi hướng từ Viết Resume)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Resume (Sơ yếu lý lịch) là một công cụ để tiếp thị bản thân, khi được viết đúng cách thì nó sẽ thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm, thành tích phù hợp với yêu cầu công việc mà bạn muốn. Bài hướng dẫn này sẽ giới thiệu 3 mẫu resume để bạn tham khảo trước khi viết resume của riêng bạn. Ngoài ra, bạn sẽ học được cách sắp xếp nội dung để làm nổi bật kỹ năng và thu hút người đọc.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Định dạng Resume[sửa]

  1. Định dạng chữ. Điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy trên resume là chữ viết. Vì vậy, việc tạo ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Hãy chọn kiểu chữ chuyên nghiệp với kích thước 11 hoặc 12. Kiểu chữ Times New Roman là kiểu chữ có chân cổ điển (classic serif), còn Arial và Calibri là hai lựa chọn tuyệt vời cho kiểu chữ không chân (sans-serif). Mặc dù kiểu chữ không chân được dùng phổ biến hơn trong resume nhưng Yahoo đã bình chọn kiểu chữ Helvetica là lựa tốt nhất cho resume.
    • Nhiều người cảm thấy Kiểu chữ Times New Roman hơi khó đọc trên màn hình. Vì vậy, nếu bạn gửi resume qua email, hãy thử dùng kiểu chữ Georgia để dễ đọc hơn.
    • Bạn có thể dùng nhiều kiểu chữ cho từng phần trong resume, nhưng hãy cố gắng sử dụng nhiều nhất là hai kiểu. Mặt khác, thay vì đổi kiểu chữ, bạn có thể định dạng chữ in đậm hoặc in nghiêng.
    • Đối với tiêu đề hoặc phần giới thiệu, bạn có thể chọn kích thước chữ 14 hoặc 16. Đừng chọn kích thước chữ lớn hơn.
    • Resume của bạn nên được in bằng mực đen đậm. Do đó, hãy định dạng các đường dẫn (chẳng hạn như địa chỉ email) để khi in sẽ không hiển thị màu xanh biển hoặc một màu tương phản nào đó.
  2. Định dạng trang. Mỗi trang nên có phần lề (Margins) rộng 2,5 cm với khoảng cách dòng (Line spacing) là 1,5 hoặc 2. Nội dung ở phần thân sẽ được canh lề trái và phần giới thiệu thông tin cá nhân nên canh giữa ở phía trên cùng của trang.
  3. Trình bày thông tin cá nhân. Phần này sẽ nằm ở phía trên, bao gồm những thông tin của bạn như tên, địa chỉ, email và số điện thoại. Tên của bạn nên được chỉnh lớn hơn với kích thước 14 hoặc 16. Nếu bạn có số điện thoại nhà riêng và số di động, hãy liệt kê cả hai.
  4. Chọn bố cục. Resume có thể được thiết kế theo 3 mẫu chung là: theo thứ tự thời gian (chronological), chức năng (functional) hoặc kết hợp cả hai. Kinh nghiệm làm việc và công việc mà bạn ứng tuyển sẽ giúp bạn quyết định nên dùng kiểu nào.
    • Resume theo thứ tự thời gian được dùng để thể hiện sự phát triển trong con đường sự nghiệp. Kiểu này phù hợp với người ứng tuyển những công việc trong cùng lĩnh vực để thấy rõ sự thay đổi trách nhiệm theo thời gian.
    • Resume chức năng thường tập trung vào kỹ năng và kinh nghiệm hơn là quá trình làm việc. Những ai có khoảng trống trong quá trình công tác hoặc có kinh nghiệm từ việc làm chủ trong một khoảng thời gian thì nên dùng kiểu này.
    • Resume kết hợp, như chính tên gọi của nó, sẽ là sự kết hợp giữ resume theo thứ tự thời gian và resume chức năng. Kiểu này được dùng để trình bày những kỹ năng cụ thể mà bạn có được qua từng công việc. Nếu bạn tích lũy kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau thì đây là kiểu resume tốt nhất dành cho bạn.

Resume theo Thứ tự Thời gian[sửa]

  1. Liệt kê quá trình làm việc. Vì đây là resume theo thứ tự thời gian, các công việc của bạn nên được liệt kê theo thứ tự và bắt đầu bằng công việc gần nhất. Hãy cung cấp đầy đủ thông tin như tên công ty, địa chỉ, chức vụ của bạn, nhiệm vụ và trách nhiệm trong khoảng thời gian làm việc tại đó.
    • Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn trình bày chức vụ trước tiên để thể hiện vị trí của bạn trong từng công việc. Mặc dù vậy, bạn cũng có thể để tên công ty trước. Cho dù bạn lựa chọn như thế nào, hãy thực hiện cùng một cấu trúc xuyên suốt resume.
    • Đối với mỗi công việc, hãy viết thêm phần “thành tích” với vài dòng miêu tả ngắn gọn những thứ quan trọng mà bạn đã đạt được trong công việc.
  2. Cung cấp thông tin về quá trình học tập. Cũng giống như công việc, bạn nên liệt kê việc học theo thứ tự thời gian và bắt đầu bằng khóa học gần nhất. Ghi rõ chuyên ngành đại học, khóa học ngắn hạn hoặc lớp học nghề mà bạn đã từng tham gia. Nếu bạn đã tốt nghiệp và được cấp bằng, ghi rõ tên bằng và năm mà bạn được cấp. Ngược lại, nếu bạn chưa tốt nghiệp, chỉ cần ghi thời gian bạn đã theo học chương trình và thời gian tốt nghiệp dự định.
    • Trong mỗi phần liệt kê, hãy cung cấp tên trường đại học/chương trình, địa chỉ và trình độ hoặc lĩnh vực nghiên cứu.
    • Nếu bạn có điểm trung bình là 8 (tương đương GPA 3,5) hoặc cao hơn thì bạn đừng quên đề cập trong phần thông tin trường học/trình độ.
  3. Liệt kê kỹ năng đặc biệt hoặc trình độ chuyên môn. Sau khi bạn đã trình bày những thông tin quan trọng – kinh nghiệm làm việc và học vấn – bạn có thể chọn cung cấp thêm thông tin mà bạn cho là quan trọng. Tạo thêm một phần gọi là “Kỹ năng Đặc biệt” hoặc “Trình độ Chuyên môn” để liệt kê những điều đó.
    • Nếu bạn biết nhiều ngôn ngữ, hãy liệt kê ở phần này. Nên nhớ ghi rõ cấp độ - ví dụ: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, lưu loát, v.v.
    • Nếu bạn giỏi trong một công việc nào đó, nhờ đó, bạn nổi bật hơn so với những ứng cử viên khác – chẳng hạn như lập trình máy tính – đừng quên trình bày mức độ am hiểu của bạn.
  4. Cung cấp thông tin người tham khảo. Bạn sẽ cần đưa ra thông tin của 2-4 người (không phải là người nhà và bạn bè) bao gồm tên, mối quan hệ giữa hai người, số điện thoại, địa chỉ và email.
    • Những người tham khảo tốt nhất nên là quản lý hoặc cấp trên của bạn ở nơi công tác, hoặc giảng viên của bộ môn mà bạn có thành tích tốt.
    • Nơi mà bạn ứng tuyển có thể sẽ liên hệ những người tham khảo nên hãy báo trước với họ là bạn đang xin việc và cần họ đưa ra vài lời giới thiệu.

Resume Chức năng[sửa]

  1. Cung cấp thông tin về quá trình học tập. Cũng giống như công việc, bạn nên liệt kê việc học theo thứ tự thời gian và bắt đầu bằng khóa học gần nhất. Ghi rõ chuyên ngành đại học, khóa học ngắn hạn hoặc lớp học nghề mà bạn đã từng tham gia. Nếu bạn đã tốt nghiệp và được cấp bằng, ghi rõ tên bằng và năm mà bạn được cấp. Ngược lại, nếu bạn chưa tốt nghiệp, chỉ cần ghi thời gian bạn đã theo học chương trình và thời gian tốt nghiệp dự định.
    • Trong mỗi phần liệt kê, hãy ghi rõ tên trường đại học/chương trình, địa chỉ và trình độ hoặc lĩnh vực nghiên cứu.
    • Nếu bạn có điểm trung bình là 8 (tương đương GPA 3,5) hoặc cao hơn thì bạn đừng quên đề cập trong phần thông tin trường học/trình độ.
  2. Liệt kê những giải thưởng và thành tích mà bạn đã đạt được. Nếu bạn nhận được giải thưởng hoặc bằng khen, hãy ghi rõ tên, ngày tháng và mục đích của giải thưởng. Bạn cũng có thể nhắc đến việc nằm trong "danh sách sinh viên ưu tú" vì có điểm trung bình cao. Hãy làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một người chăm chỉ và thành công bằng cách liệt kê những thành tích mà bạn có.
    • Nếu bạn đi làm thêm và được khen thưởng đặc biệt, đừng quên liệt kê điều đó.
    • Kể cả khi bạn được khen thưởng vì công việc tình nguyện, cứ thoải mái liệt kê ở phần này. Hãy làm nổi bật những việc ý nghĩa mà bạn đã làm và được công nhận.
  3. Trình bày những kỹ năng đặc biệt. Trong khi phần 'giải thưởng và thành tích' được viết một cách cụ thể, thì phần kỹ năng sẽ chỉ miêu tả chung. Hãy liệt kê một vài đặc điểm tính cách tích cực để minh họa cho bản thân. Ví dụ: đúng giờ, hướng ngoại, nhiệt tình, chăm chỉ hoặc có tinh thần đồng đội.
  4. Liệt kê quá trình làm việc. Vì đây không phải là phần trọng tâm nên bạn sẽ liệt kê ở phần cuối, nhờ đó, nhà tuyển dụng có thể đọc được những thành tích ấn tượng của bạn trước.
    • Bạn nên để tiêu đề phụ cho những kinh nghiệm mà bạn có được qua từng công việc, chẳng hạn như “Kinh nghiệm Quản lý”, “Kinh nghiệm Pháp lý” hoặc “Kinh nghiệm Quản lý Tài chính”.
    • Với mỗi công việc, hãy nhớ ghi rõ tên công ty, địa chỉ, chức vụ của bạn, nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian làm việc.
    • Thêm một phần không bắt buộc là: dưới mỗi miêu tả công việc bạn có thể thêm tiêu đề “Thành tích” in đậm và liệt kê hai hoặc ba thành tích bạn đạt được trong công việc đó.
    • Đảm bảo rằng phần miêu tả công việc của bạn đã bao gồm những con số cụ thể, nghĩa là bạn sẽ minh họa cho kinh nghiệm và thành tựu bằng những con số. Việc kèm theo những con số trong resume sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ nắm bắt quá trình tích lũy kinh nghiệm và số lượng thành tích.
  5. Liệt kê các hoạt động tình nguyện. Nếu bạn đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, hãy trình bày đầy đủ. Ghi rõ tên dự án tình nguyện, ngày tham gia/tổng số giờ hoạt động và trách nhiệm của bạn.
  6. Đưa thông tin của người tham khảo. Việc cuối cùng bạn cần làm là cung cấp thông tin của 2-4 người tham khảo. Những người này không có quan hệ ruột thịt với bạn nhưng đã từng cộng tác trong công việc. Họ có thể là quản lý cũ, giảng viên ở trường đại học hoặc trưởng nhóm tình nguyện.
    • Cung cấp tên người tham khảo, quan hệ giữa hai người, địa chỉ, email và số điện thoại.
    • Nơi mà bạn ứng tuyển có thể sẽ liên hệ những người tham khảo nên hãy báo trước với họ là bạn đang xin việc và cần họ đưa ra vài lời giới thiệu.

Resume Kết hợp[sửa]

  1. Lựa chọn hình thức viết resume. Vì bạn viết resume kết hợp nên không cần phải tuân theo bất kỳ hướng dẫn hoặc khuôn khổ nào. Đa phần mỗi người sẽ có một resume kết hợp khác nhau, bạn chỉ cần tập trung vào những điểm mạnh của bạn. Bên cạnh kinh nghiệm làm việc và quá trình học tập, bạn có thể lựa chọn trình bày kỹ năng, giải thưởng và thành tích, hoạt động tình nguyện và trình độ chuyên môn khác.
  2. Trình bày quá trình làm việc. Bạn có thể thực hiện theo hai cách. Nếu bạn làm việc trong nhiều lĩnh vực, bạn nên viết một tiêu đề phụ cho từng công việc để phân loại kỹ năng mà bạn đã sử dụng. Nếu bạn có thể làm nổi bật những kỹ năng mà bạn có được từ công việc trước, bạn chỉ cần liệt kê công việc theo thứ tự thời gian, không cần tiêu đề phụ.
    • Hãy nhớ cung cấp đầy đủ thông tin nơi làm việc cũ, bao gồm tên công ty, địa chỉ, chức vụ của bạn, nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian làm việc.
  3. Trình bày thông tin về quá trình học tập. Thông tin chi tiết về quá trình học tập sẽ tương tự như thông tin mà bạn trình bày trong hai kiểu resume trên; chỉ khác nhau ở việc sắp xếp vị trí. Với mỗi trường học hoặc khóa học bạn đã tham gia, hãy cung cấp tên trường, địa chỉ, bằng cấp hoặc chứng chỉ bạn nhận được và thời gian học tập.
    • Nếu điểm trung bình của bạn là 8 (tương đương GPA 3,5) hoặc cao hơn thì bạn đừng quên đề cập điều đó.
  4. Cung cấp thông tin cần thiết khác. Sau khi trình bày về việc học và việc làm, bạn có thể bổ sung thêm thông tin mà bạn nghĩ là nhà tuyển dụng nên biết. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn bổ sung thêm phần chuyên môn đặc biệt, kỹ năng, giải thưởng và thành tích hoặc hoạt động tình nguyện.
  5. Liệt kê những người tham khảo. Bao gồm thông tin của 2-4 người tham khảo có chuyên môn (không phải là người nhà và bạn bè). Nhớ ghi rõ tên, mối quan hệ giữa hai người, số điện thoại, địa chỉ và email.

Làm Nổi bật Nội dung[sửa]

  1. Liệt kê chức vụ công việc thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Xem lại tên các chức vụ bạn đã liệt kê, chúng có thú vị và thể hiện đầy đủ thông tin không? Thay vì nói bạn là Nhân viên Thu ngân hãy nói bạn là Chuyên viên Chăm sóc Khách hàng, hoặc Trợ lý Hành chính thay cho Thư ký. Tuy nhiên, đừng sử dụng tên chức vụ gây hiểu nhầm. Hãy suy nghĩ để tìm một chức vụ nói rõ công việc bạn đã làm và khiến người đọc cảm thấy thú vị.
    • Ví dụ: “Quản lý” chưa thể miêu tả rõ bạn quản lý ai và quản lý những gì. “Trưởng phòng Bán hàng” hoặc “Giám đốc Điều hành” sẽ cụ thể và bắt tai hơn.
    • Xem danh mục chức vụ công việc để có ý tưởng cho một cái tên thể hiện rõ những gì bạn đã làm.
  2. Sử dụng từ khóa một cách khéo léo. Hiện nay, rất nhiều nhà tuyển đã sử dụng phần mềm đặc biệt quét một số từ khóa để sàng lọc resume trước khi được nhân viên Phòng Nhân sự kiểm duyệt một lần nữa. Bạn sẽ cần đảm bảo rằng resume của mình có chứa một số từ khóa liên quan đến lĩnh vực và công việc mà bạn ứng tuyển.
    • Xem những từ khóa được dùng trong thông báo tuyển dụng. Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu nghiên cứu là một kỹ năng bắt buộc, bạn nên lồng ghép từ ‘nghiên cứu’ vào một trong những phần miêu tả công việc hoặc phần kỹ năng được trình bày trong resume.
    • Tránh dùng quá nhiều từ khóa được đề cập trong thông báo tuyển dụng, nếu không resume của bạn sẽ rất đáng nghi.
  3. Sử dụng động từ mạnh để miêu tả trách nhiệm và thành tích. Việc này sẽ nhấn mạnh kỹ năng và khả năng hoàn thành công việc mà bạn ứng tuyển. Đặt những động từ miêu tả trách nhiệm ở đầu câu khi bạn viết về nhiệm vụ trong phần miêu tả công việc. Ví dụ, nếu bạn là Tiếp tân, bạn sẽ dùng những động từ như 'lên kế hoạch', 'hỗ trợ' và 'cung cấp'. Bạn có thể trình bày như sau: ‘lên kế hoạch cho cuộc họp’ ‘hỗ trợ khách hàng’ và ‘cung cấp sự trợ giúp về hành chính’.
  4. Kiểm tra lỗi chính tả và đọc lại resume. Bạn không thể bỏ qua bước này. Hãy đọc lại resume nhiều lần và nhờ ai đó giúp bạn đọc lại. Sau đó, nhờ thêm một người khác không thân thiết đọc resume. Lỗi chính tả và ngữ pháp sẽ khiến cho resume của bạn bị loại bỏ bất kể kinh nghiệm và kỹ năng của bạn có như thế nào.
    • Chú ý lỗi chính ta, lỗi ngữ pháp, sự chính xác của thông tin liên lạc, lỗi đánh máy và dấu câu.
    • Kiểm tra nhiều lần để đảm bảo các định dạng đều đúng và bạn không bỏ sót bất kỳ thông tin quan trọng nào.

Lời khuyên[sửa]

  • Nên trình bày thông tin thực tế của bạn trong resume, đừng huênh hoang về những thứ "khó tin là có thật".
  • Mua loại giấy trắng chất liệu tốt vào bao thư cùng màu nếu bạn quyết định gửi resume qua đường bưu điện. Hãy in địa chỉ người gửi và người nhận trên bìa thư; việc này vô cùng quan trọng nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Thư ký, Trợ lý Hành chính hoặc Trợ lý Luật sư, những công việc đòi hỏi bạn biết cách chuẩn bị và in bìa thư.
  • Chỉnh sửa resume để phù hợp với từng công việc. Đọc kỹ thông báo ứng tuyển để biết nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên như thế nào. Nếu công việc đó đòi hỏi ứng viên phải có 3 đến 5 năm kinh nghiệm, hãy chắc chắn rằng resume mà bạn gửi đến nhà tuyển dụng cho thấy bạn thỏa mãn yêu cầu đó.
  • Sáng tạo. Điều này không có nghĩa là bạn nên dùng kiểu chữ nhiều màu sắc hoặc xịt nước hoa lên resume trước khi gửi bưu điện, nhưng những gạch đầu dòng, kiểu chữ in đậm, chữ viết hoa, cách sắp xếp thông tin sẽ làm bạn nổi bật hơn so với những ứng viên khác. Bạn nên biết rằng nhà tuyển dụng chỉ dành trung bình 7 giây để lướt resume của bạn trước khi quyết định đọc toàn bộ hoặc vứt vào sọt rác. Bạn cần phải khiến nhà tuyển dụng chú ý đến kỹ năng và thành tích của bạn để đưa ra quyết định trong khoảng thời gian ngắn.
  • Tiếp thị bản thân. Đừng nói với nhà tuyển dụng là bạn chỉ ‘trả lời điện thoại’ trong công việc cũ. Thay vào đó, hãy nói rằng bạn ‘đã trực năm đường dây điện thoại mà vẫn luôn lịch sự và không để khách hàng đợi lâu’.
  • Hãy thể hiện, đừng nói suông. Khi bạn gạch đầu dòng để viết về kỹ năng hoặc chuyên môn của bạn trong resume, nên nhớ liệt kê những con số để thể hiện thành tích mà bạn đã đạt được. Việc này sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung ra những giá trị mà bạn sẽ đóng góp cho công ty của họ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này