Viết báo cáo phân tích ngành

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Báo cáo phân tích ngành là tài liệu đánh giá một ngành công nghiệp cụ thể và những công ty liên quan. Thường là một phần trong kế hoạch kinh doanh, báo cáo phân tích ngành có mục tiêu xác định lợi thế mà công ty có thể thu được trong một ngành bằng cách hiểu rõ lịch sử, xu hướng, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm và cơ sở khách hàng của ngành đó. Đồng thời, loại báo cáo này cho phép nhà đầu tư, ngân hàng và khách hàng hiểu những điểm nền tảng của ngành. Sau khi tiến hành nghiên cứu và thiết lập dàn ý rõ ràng, bạn có thể chuẩn bị cho việc viết báo cáo.

Các bước[sửa]

Xác định Nguồn Nghiên cứu[sửa]

  1. Xác định phạm vi phân tích. Bạn có thể phân tích ngành tổng thể hoặc phân ngành dành cho một nhóm đối tượng cụ thể trong thị trường chung. Chẳng hạn như, bạn có thể tìm hiểu về ngành hóa dầu nói chung hoặc ở ngách thị trường nhỏ hơn, chẳng hạn như lọc dầu. Ở cả hai trường hợp trên, bạn sẽ cần xác định những công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ tương tự công ty bạn.[1]
    • Có thể bạn cũng cần thực hiện một số nghiên cứu chéo ngành. Ví dụ như, nhà phát triển trò chơi có thể cần tập hợp số liệu thống kê về thị trường trò chơi giải trí, thị trường trò chơi sử dụng máy tính để bàn và thị trường trò chơi điều khiển bằng tay.
  2. Nghiên cứu ngành thông qua các cơ quan chính phủ độc lập. Cơ sở dữ liệu chính phủ có lượng lớn thông tin thống kê trong vô số lĩnh vực kinh tế. Một số nguồn dữ liệu thống kê ngành tốt nhất của chính phủ ở Mỹ bao gồm Thống kê Phân tích Ngành và Thị trường cấp bởi Cục Thống kê Dân số Mỹ, Bộ Ngân khố, FedStats.gov, EconomicIndicators.gov và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. Tất cả đều cung cấp những báo cáo và thống kê rất hữu dụng.
    • Với các nước khác, hãy tham khảo cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan chức năng trong nước hoặc tiến hành tìm kiếm trên mạng với những cụm từ như: “thống kê chính phủ [tên ngành của bạn]” để xác định nơi cần tìm thông tin thích hợp.
  3. Thu thập nghiên cứu độc lập. Bạn nên tham khảo ít nhất hai báo cáo nghiên cứu độc lập kèm số liệu về thị trường của bạn. Liên hệ cơ quan thu thập dữ liệu tư nhân hoặc nhóm lợi ích ngành để có được những báo cáo đã công bố hoặc phân tích thị trường phù hợp.
    • Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến chuyên gia trong công ty. Cần nhớ rằng góc nhìn của họ có thể sẽ thiếu khách quan hoặc không thực tế.
  4. Nghiên cứu dữ liệu hiệp hội thương mại. Có thể sẽ có nhiều hơn một hiệp hội thương mại trong ngành của bạn. Chẳng hạn như, ở ngành máy vi tính, bạn có thể tham vấn hoặc yêu cầu báo cáo mới về ngành tổng thể từ Hiệp hội Thương mại Công nghệ (CCIA), Hiệp hội Tiếp thị Tương tác (AIM) hoặc Hiệp hội An ninh Hệ thống Thông tin (ISSA). Dù ngành của bạn là gì, hãy tham khảo những nhóm thương mại và công bố ngành để xác định những thông tin có thể cho bạn kiến thức nền tảng cho phân tích của bạn.[2]
  5. Tham khảo nghiên cứu học thuật. Tìm công trình nghiên cứu đã được công bố cho lĩnh vực quan tâm trên các cơ sở dữ liệu học thuật như Google Scholar. Hai sản phầm đến từ Gale Research: Bách khoa toàn thư Ngành Công nghiệp Mới nổi - Encyclopedia of Emergin Industries và Bách khoa toàn thư Ngành Công nghiệp Hoa Kỳ - Encyclopedia of American Industries (cho trường hợp ở Mỹ) cũng là nguồn tham khảo tốt.[3]
  6. Thu thập dữ liệu thích hợp từ các nguồn trên. Ghi chú đặc biệt với doanh thu hàng năm của ngành, số công ty tham gia, thống kê lao động,… Tìm thống kê về kích thước cơ sở khách hàng và xu hướng mua hàng. Kiểm tra chéo thông tin của bạn với những nguồn khác để đảm bảo tính chính xác. Khi trình bày đề xuất kinh doanh cuối cùng với nhà đầu tư và cổ đông, phân tích ngành của bạn sẽ được xem xét, đánh giá. Do đó, hãy chắc rằng dữ liệu được sử dụng một cách có cơ sở và ghi nguồn đầy đủ.

Lập Dàn ý Bài phân tích[sửa]

  1. Cho thấy đó là một thị trường rộng cho đề xuất kinh doanh của bạn. Để làm điều này, bạn cần biết kích cỡ thị trường liên quan. Kích cỡ thị trường liên quan là doanh số tiềm năng của công ty khi chiếm được toàn bộ thị trường ngách. Chẳng hạn như, nếu bán xe điện, kích cỡ thị trường không phải là toàn bộ người lái xe hơi hay toàn bộ những người trên thế giới này muốn mua xe do nhu cầu di chuyển mà đó là tổng lượng xe điện bán được trong một năm cho trước.
    • Hãy phân tích cẩn thận mọi giả định được sử dụng cho phân tích thị trường của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng với một sản phẩm mới hoặc sản phẩm đang được chấp nhận nhanh chóng.
    • Kích cỡ thị trường liên quan nên được tính cả ở giá trị thành tiền và số lượng bán được. Trong ví dụ trên, kích cỡ thị trường liên quan có thể là 4.400 tỷ đồng hay 30.000 xe điện.
  2. Xem xét xu hướng phát triển ngành. Đặt những câu hỏi quan trọng sẽ giúp bạn xem xét xu hướng phát triển của ngành. Bên cạnh những yếu tố rõ ràng như cạnh tranh từ công ty đối thủ và thị hiếu khách hàng, bạn cũng nên cân nhắc đến tác động của toàn cầu hóa và đổi mới công nghệ. Môi trường pháp lý và thực trạng nền kinh tế ở phạm vi toàn cầu, quốc gia và địa phương cũng cần được tính đến. Một số câu hỏi khác bao gồm:
    • Kích cỡ thị trường đã thay đổi thế nào trong những năm qua? Trong vòng 5 năm? Trong vòng 10 năm?
    • Sự phát triển kỳ vọng của thị trường liên quan là gì?
    • Yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường? Những yếu tố nhân khẩu học mới có ảnh hưởng đến thị trường không? Yếu tố nhân khẩu học có đang biến động?
  3. Cân nhắc các rào cản mở rộng hoặc xâm nhập ngành.[2] Rào cản có thể ở dạng cạnh tranh thị trường và cũng có thể thể hiện ở sự thiếu hụt tài chính hoặc nguồn nhân lực, giới hạn luật pháp và bản quyền. Chẳng hạn như nếu dự định thâm nhập hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất vi mạch, bạn sẽ cần đầu tư vài chục tỉ đồng cho máy móc thiết bị. Hơn thế nữa, bạn còn cần kỹ sư máy tính và lập trình để sản xuất và thiết kế. Đối tượng cạnh tranh với của các công ty khác trong ngành sẽ không chỉ là khách hàng mà còn là nguồn nhân lực. Tất cả chúng cần được xem xét khi cân nhắc rào cản xâm nhập ngành.
  4. Cung cấp mô tả về đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành.[2] Sử dụng thông tin thống kê chi tiết về doanh thu, thế mạnh nguồn nhân lực và sản phẩm. Trình bày những quyết định kinh doanh trong quá khứ, sản phẩm sắp tới và chiến lược tiếp thị của họ. Bao gồm phân tích nguồn nguyên liệu, sản xuất và pháp lý. Phân tích về công ty nên toàn diện hết mức có thể. Lợi thế và bất lợi cạnh tranh có thể xuất hiện từ mọi phía.
    • Đối thủ cạnh tranh của bạn có sử dụng bảng quảng cáo lớn, radio, TV, mạng hay ấn bản quảng cáo? Bao nhiêu trong mỗi loại cho thấy sự hiệu quả? Xem xét liệu công ty bạn có thể ngang bằng hoặc cạnh tranh với họ trong mức tiếp thị.
    • Xem xét những phát kiến hay sai lầm mà đối thủ cạnh tranh đã thực hiện gần đây. Học từ thất bại và phát triển thêm dựa trên thành công của họ.
  5. Định vị công ty bạn trong ngành. Dùng dàn ý đã được xây dựng, với thông tin về tình hình cạnh tranh, rào cản xâm nhập hay mở rộng, xu hướng ngành và sự chú ý sẵn có của khách hàng, bạn có thể giới thiệu cách công ty được định vị trong ngành và so sánh với những đối thủ khác. Bao gồm thông tin thống kê về hoạt động kinh doanh của bạn và thành thật về những lợi thế cũng như bất lợi mà công ty sẽ phải đối đầu.

Viết Bài Phân tích[sửa]

  1. Bắt đầu báo cáo với mô tả rộng về ngành. Mở đầu bằng lịch sử ngành. Viết một hoặc hai đoạn về kích cỡ, sản phẩm và phạm vi địa lý của ngành, bao gồm cả trung tâm sản xuất và trung tâm khách hàng. Tiếp đến, giới thiệu về vị trí của chính công ty bạn trong phạm vi ngành lớn hơn và đi chi tiết vào việc vì sao xu hướng ngành khiến đề xuất kinh doanh của bạn cần được thực thi.
    • Xác định giai đoạn hiện tại trong vòng đời của ngành. Có phải nó:[1]
      • Mới xuất hiện? (ngành rất mới, phát triển thấp hơn 5% một năm)
      • Đang phát triển? (giai đoạn phát triển chậm với tốc độ nhỉnh hơn 5% một năm)
      • Biến động? (giai đoạn phát triển mà tại đó, các công ty sát nhập hoặc hợp nhất và/hoặc một số công ty thất bại)
      • Chín muồi? (phát triển chậm lại, xuống dưới 5% một năm)
      • Suy tàn? (giai đoạn mà tại đó không có sự phát triển nào trong thời gian dài)
  2. Cung cấp phân tích thị trường. Trình bày kỳ vọng phát triển của ngành, xu hướng sản phẩm, công nghệ và những yếu tố ảnh hưởng đến cạnh tranh. Miêu tả bức tranh cạnh tranh một cách tổng quát. Phần còn lại của kế hoạch kinh doanh sẽ phát triển dựa trên tình trạng cạnh tranh này.
    • Ngành lành mạnh là những ngành phát triển nhanh và nhìn chung mang lại lợi nhuận với cơ sở khách hàng ổn định và một vài rào cản xâm nhập. Nên tránh là những ngành đang đi xuống, nhìn chung không đem lại lợi nhuận, có tính cạnh tranh cao và khó khăn hay bị kiểm soát khi gia nhập.[1]
  3. Miêu tả cách nhìn của khách hàng và thông tin nhân khẩu học. Phân tích này nên thể hiện đâu là những nhóm khách hàng lớn và đặc điểm đặc thù của từng nhóm. Tuổi của khách hàng mục tiêu là bao nhiêu?Chủng tộc và sắc tộc của họ là gì? Nhu cầu và mong muốn của họ ra sao?
    • Đặt bản thân ở vị trí khách hàng. Nghĩ về những gì họ thấy và cảm nhận khi lần đầu tiên được nghe về hoặc tiếp xúc với sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Xem xét cách tư duy về những lựa chọn của họ.
    • Bên cạnh xem xét cơ sở khách hàng hiện tại, hãy cân nhắc những cách thức bạn có thể làm để mở rộng sản phẩm hay dịch vụ nhằm thu hút thêm khách hàng mới hoặc lôi kéo khách hàng từ đối thủ cạnh tranh.
  4. Dùng phân tích để trình bày chiến lược cho tương lai gần. Trình bày chiến lược một cách kỹ càng hơn trong phần còn lại của đề xuất kinh doanh. Bao gồm trong đó mốc thời gian chi tiết và những mục tiêu cụ thể mà bạn hy vọng có thể đạt được, chẳng hạn như doanh số và thị phần. Đề xuất những chiến lược tiếp thị, ý tưởng phát triển sản phẩm và vấn đề nhân sự có thể giúp công ty tìm được chỗ đứng và phát triển trong ngành.
    • Bạn có thể kết thúc bằng lời kêu gọi hành động. Một khẳng định như: “Dựa trên tình hình hiện tại của thị trường, thực hiện đề xuất kinh doanh dưới đây nên được thực hiện” cùng đề cương sơ lược của đề xuất có thể là sự chuyển đổi uyển chuyển sang phần còn lại của kế hoạch.
  5. Biên tập lại báo cáo. Cắt gọt báo cáo xuống kích cỡ dễ dùng và phù hợp. Một báo cáo phân tích ngành thường dài từ hai đến ba trang. Điều chỉnh độ dài báo cáo dựa trên mục đích sử dụng. Nếu là một phần của kế hoạch kinh doanh, báo cáo nên ngắn gọn và trực tiếp. Nếu trình bày một cách độc lập, bạn có thể dành nhiều chỗ hơn cho dữ liệu gốc và mô tả chi tiết.

Lời khuyên[sửa]

  • Vì báo cáo phân tích ngành thường là một phần của kế hoạch kinh doanh và được thiết kế để cho thấy công ty có thể tối đa hóa lợi nhuận như thế nào, phần cuối của báo cáo sẽ là phần quan trong nhất.
  • Hãy chắc rằng bạn thực hiện nghiên cứu đầy đủ trước khi đóng lại báo cáo.
  • Phân tích ngành không chỉ đơn giản là một báo cáo nghiên cứu. Tất cả thông tin nên được cung cấp với mục tiêu định vị công ty để hướng đến thành công.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây