Viết chuyện cười

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một trong những cách hay nhất để làm người khác cười là nói đùa hay kể chuyện vui. Nghiên cứu cho thấy nụ cười là công cụ hữu ích để xoa dịu căng thẳng.[1] Những câu nói đùa hay còn có thể xóa tan bầu không khí ngượng ngùng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, để lấy được nụ cười của người khác thì bạn phải biết cách sáng tạo ra các câu chuyện hay. Bạn có thể tham khảo những gợi ý và cách thức dưới đây để viết chuyện cười hấp dẫn hơn.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Nội dung[sửa]

  1. Tìm các nội dung hấp dẫn người nghe. Hãy viết về những chủ đề không chỉ hấp dẫn đối với bạn, mà còn với đối tượng khán giả mà bạn hướng tới, đây chính là yếu tố quan trọng để câu chuyện có thể tạo ra nụ cười và bản thân bạn trở nên hài hước hơn.
    • Xem xét thể loại chuyện hoặc cách thức diễn hài nào để làm bạn bè, đồng nghiệp hay chính bạn cảm thấy muốn cười. Tìm được ý tưởng hay cho câu chuyện sẽ giúp bạn viết ra nội dung phù hợp nhất.
    • Bạn nên nghĩ ra nội dung cho các tình huống và đối tượng khán giả khác nhau, từ đó có thể chỉnh sửa câu chuyện cho phù hợp với khán giả của mình. Ví dụ, những câu nói đùa để xua tan không khí lạnh lẽo trong các buổi phỏng vấn xin việc (“Trời hôm nay lạnh lắm hay sao mà bạn run thế nhỉ?”) sẽ không phù hợp để nói ra trong bữa tiệc gia đình (“Cái bánh nói gì với con dao? Muốn một mẩu bánh phải không?”)[2][3]
  2. Nghiên cứu chủ đề thích hợp cho các tình huống và đối tượng khán giả khác nhau. Chắc chắn bạn phải chỉnh sửa câu nói đùa của mình cho phù hợp với bối cảnh và nhóm người mà bạn có thể sẽ tiếp xúc. Như vậy câu chuyện của bạn sẽ trở nên dễ hiểu hơn và khiến người nghe buồn cười. Chỉnh sửa nội dung cũng nhằm mục đích tránh trường hợp câu chuyện của bạn có thể xúc phạm người khác. Ví dụ, chuyện đùa nói với một nhóm các chuyên gia y khoa chưa hẳn phù hợp với các nhà sử học hay các nhà khoa học chính trị.
    • Các sự kiện nổi tiếng đang diễn ra, người nổi tiếng hay bản thân bạn (hài bằng cách tự hạ thấp bản thân) thường là nội dung hấp dẫn để khai thác. Nhìn chung, trong hầu hết mọi tình huống bạn đều có thể tìm ra nội dung gây cười.[4] Ví dụ, nhân vật nổi tiếng và các hành động, ngoại hình của họ thường trở thành đối tượng để trêu đùa. Trong một buổi biểu diễn, danh hài Trường Giang từng đùa như sau: “Bằng Kiều mà đi máy bay thì chỉ có gởi hành lý chứ không xách tay được!” (Vì phải đủ cao mới cất được hành lý khi lên máy bay).[5]
    • Bạn cũng có thể tìm thấy các chủ đề rất hay trong các tờ báo, tạp chí, hay chính các tình huống trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn bạn chế ra một câu chuyện đùa về việc bạn không có khiếu trồng cây như sau: “Mình mới mua một cây xương rồng mà chỉ sau một tuần nó đã chết. Chán thật, lẽ nào mình còn khô cằn hơn cả sa mạc”.[6]
    • Bạn có thể tìm ra ý tưởng cho mình bằng cách xem các diễn viên hài nói đùa trong các buổi biểu diễn. Qua đó bạn cũng học được cách nói đùa sao cho hiệu quả nhất.
  3. Tránh các chủ đề dễ gây tranh cãi và xúc phạm người khác. Một số chủ đề thuộc loại cấm kỵ và không nên áp dụng vào bất kì tình huống nào.
    • Nói đùa về các vấn đề sắc tộc hay tôn giáo thường dễ xúc phạm người khác. Mặc dù chúng có thể phù hợp khi nói với những người rất thân, chẳng hạn với người trong gia đình, nhưng tốt nhất bạn nên tránh các chủ đề đó khi ra ngoài.
    • Nếu bạn nghi ngờ câu chuyện của mình có thể xúc phạm người khác thì tốt nhất nên tránh nó ra, cẩn thận vẫn tốt hơn.

Bắt đầu Viết[sửa]

  1. Cân nhắc cấu trúc câu chuyện. Có một số cách để nói đùa hay viết chuyện hài, ví dụ như dựng tình huống rồi kết thúc bằng một câu gây cười, chỉ dùng một câu duy nhất hay viết hẳn một câu chuyện ngắn. [7]
    • Chỉ dùng một câu duy nhất là cách cực kỳ hiệu quả để gây cười. Một diễn viên hài từng nói một câu đơn giản nhưng rất hiệu quả như sau: “Có công mài sắt có ngày… chai tay!”.[8] Bạn có thể kết hợp hai yếu tố gây cười sau đây vào câu chuyện của mình, đó là yếu tố ngạc nhiên và đảo ý nghĩa của từ, đó cũng là cách kể chuyện cười kinh điển bằng cách xây dựng phần mở đầu và một câu kết.
    • Ngoài ra bạn có thể kể chuyện, đây cũng là một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hãy nhớ nguyên tắc ngắn gọn! Đây là ví dụ về cách kể một câu chuyện ngắn để gây cười: “Có một anh chàng nọ luôn ao ước trở thành một nhà văn “vĩ đại”. Khi được hỏi thế nào là “vĩ đại”, anh trả lời “Tôi muốn viết những thứ mà cả thế giới muốn đọc, họ sẽ phải phản ứng thật dữ dội, những thứ khiến họ phải gào thét, la lên vì đau đớn, tuyệt vọng và giận dữ!”. Và bây giờ anh ấy đang làm việc cho Microsoft để viết tin nhắn báo lỗi”.[9]
  2. Viết mở đầu và câu kết. Cho dù có sử dụng cấu trúc nào thì mỗi câu chuyện vui đề có mở đầu và câu kết. Phần mở đầu và câu cuối cùng đôi khi chứa các yếu tố gây ngạc nhiên dựa trên sự ngầm hiểu, đảo ý nghĩa của từ hay mang tính châm biếm.[8]
    • Nhớ nguyên tắc “ít nhưng nhiều”. Khi chuẩn bị viết chuyện hài, hãy nhớ bạn cần nói càng ít càng tốt. Bạn nên bỏ qua các chi tiết hay cụm từ rườm rà không cần thiết.[10] Những câu như “Cái bánh nói gì với con dao? Muốn một mẩu bánh phải không?” và “Có công mài sắt có ngày… chai tay!” là ví dụ cho thấy chiến thuật “ít nhưng nhiều”. Thêm thắt bất kì chi tiết nào đều làm câu nói đùa mất hay.[11][12]
    • Phần mở đầu chỉ nên dài một hoặc vài dòng, nhằm dọn đường cho người nghe bằng cách tạo ra trong suy nghĩ của họ những chi tiết hay phỏng đoán để họ hiểu được câu kết. Câu chuyện về cây xương rồng chết là một ví dụ về phần mở đầu. Người diễn mở đầu câu chuyện bằng câu “Mình mới mua một cây xương rồng mà chỉ sau một tuần nó đã chết”.[13]
    • Câu kết là phần chính tạo sự “hài hước” cho câu chuyện. Câu này dựa theo phần mở đầu và chỉ là một từ hay một câu. Nó sẽ giúp khán giả nhận ra sự bất ngờ, tính châm biếm hay cách chơi chữ của câu chuyện.[14] Câu chuyện về anh chàng muốn làm nhà văn là ví dụ về cách kết thúc ngắn gọn nhưng gây cười. Câu cuối cùng “Và bây giờ anh ấy đang làm việc cho Microsoft để viết tin nhắn báo lỗi” đã phản ánh đúng tính chất công việc mà anh ta muốn làm trước đó, nhưng đồng thời cũng rất hài hước vì đó không phải là công việc của nhà văn.[13]
  3. Tăng yếu tố ngạc nhiên cho câu chuyện. Những tính chất như sự thân quen, phóng đại và châm biếm sẽ làm câu chuyện của bạn thêm phần hấp dẫn.
    • Câu chuyện về anh chàng có ước mơ vĩ đại kể trên đây là ví dụ về sự phóng đại và châm biếm. Hầu hết người nghe sẽ nghĩ anh ta có thể hoàn thành giấc mơ viết các tiểu thuyết hay tác phẩm có thể làm “độc giả phản ứng thật dữ dội, khiến họ phải gào thét, la lên vì đau đớn, tuyệt vọng và giận dữ!”. Nhưng điều ngạc nhiên là anh ta lại làm việc cho Microsoft để viết tin nhắn báo lỗi.[15]
  4. Thêm vào phần phụ trợ. Đó chính là các câu kết bổ sung được chế tác theo câu kết chính đã nói trước đó.
    • Bạn có thể sử dụng phần phụ trợ để lấy thêm tiếng cười của người nghe mà không cần phải kể thêm một câu chuyện khác.[8] Ví dụ, bạn có thể thêm câu sau vào câu chuyện bên trên “Thật ra anh ta mới là người phải gào thét trong đau đớn”.
  5. Luyện tập. Bạn nên luyện tập trước khi kể chuyện vui cho bạn bè hay bất kì đối tượng khán giả nào.
    • Những chuyện làm bạn cảm thấy buồn cười thì người nghe mới thấy buồn cười, vì vậy nếu chuyện đùa của bạn không thể làm bản thân bạn cười thì hãy cố gắng chỉnh sửa đến khi vừa ý.

Kể chuyện[sửa]

  1. Xem xét đối tượng khán giả. Trước khi kể câu chuyện bạn đã viết, hãy nghĩ xem khán giả của mình là ai. Khi đã biết đối tượng người nghe thì bạn mới chắc chắn được liệu họ có thể hiểu câu chuyện hay không, mà có hiểu thì mới cười được. Những người lớn tuổi có lẽ không thể hiểu các chuyện hài mà bạn khai thác trong các chương trình của Trường Giang vì anh ta thuộc nhóm ngôi sao mới nổi, với chủ yếu người hâm mộ là thanh thiếu niên.
    • Ngoài ra, khi biết đối tượng khán giả, nguy cơ câu chuyện của bạn xúc phạm đến họ cũng giảm xuống. Chẳng hạn bạn không nên kể câu chuyện về anh chàng mơ làm nhà văn cho những người đang làm nghề viết tin nhắn báo lỗi cho phần mềm.
  2. Chú ý tới cử chỉ, điệu bộ. Hãy suy nghĩ xem những nét mặt hay cử chỉ nào có thể làm hấp dẫn thêm cho phần mở đầu và câu kết. Sử dụng tranh vẽ cũng là một cách hiệu quả để khán giả hiểu câu chuyện bạn kể.
  3. Hãy tỏ ra tự tin, tự nhiên và biết tùy cơ ứng biến. Phong thái tự nhiên của bạn sẽ khiến người nghe dễ buồn cười hơn.
    • Nếu khán giả không cười thì bạn hãy nói đùa về chính việc họ không cười, hoặc chuyển qua một chuyện khác. Nói chung, bạn luôn có thể chỉnh sửa chuyện cười của mình để có thể áp dụng cho những lần sau trong tương lai.
    • Hãy nhớ rằng ngay cả những diễn viên hài giỏi nhất cũng từng kể chuyện cười thất bại. Hoài Linh, Trường Giang, hay Chí Tài đều có những lúc như thế.

Lời khuyên[sửa]

  • Mỗi người có cảm nhận khác nhau về sự hài hước, nên không phải lúc nào bạn cũng có thể làm tất cả khán giả cười. Khiến một số người cười đã là thành công rồi!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây