Viết nhật ký

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Điều then chốt khi viết nhật ký là sự trung thực. Mô tả thật nhiều chi tiết và duy trì giờ giấc. Cố gắng viết nhật ký vào cùng một giờ mỗi ngày. Tạo nét riêng cho các đoạn nhật ký bằng các hình vẽ minh họa. Nghĩ đến việc thay đổi bìa để cuốn nhật ký của bạn thêm cá tính. Tuy nhiên bạn đừng thái quá. Nhật ký không phải là sổ dán hình lưu niệm!

Các bước[sửa]

Quyết định dạng nhật ký[sửa]

  1. Cân nhắc về nhu cầu viết nhật ký của bạn. Chọn dạng nhật ký dựa trên kiểu văn phong của bạn, ý thích cá nhân của bạn và các yếu tố khác nữa. Bạn hãy dành thời gian nghĩ về dạng nhật ký mà bạn muốn viết trước khi mua sổ nhật ký.
    • Tính đến đặc điểm chữ viết tay của bạn. Bạn thường viết chữ cỡ to hay nhỏ? Nếu chữ viết của bạn nhỏ và gọn gàng thì một quyển sổ nhật ký có khổ giấy nhỏ và dòng kẻ hẹp là lý tưởng. Nếu thường viết chữ to và nguệch ngoạc thì bạn nên mua sổ nhật ký có khổ giấy lớn hơn. Thậm chí bạn có thể chọn sổ không có dòng kẻ - điều này đặc biệt có lợi nếu bạn thích vẽ hình kèm với những dòng chữ.
    • Bạn muốn cuốn nhật ký của mình bền đến mức nào? Những loại như sổ Moleskin khá đắt, giá khoảng 300 ngàn đến 400 ngàn đồng, nhưng rất bền. Bạn cũng có thể mua nhiều loại sổ rẻ hơn ở các siêu thị, cửa hàng bán đồ thủ công và các hiệu sách.
    • Bạn muốn đem nhật ký theo mình đi mọi nơi không? Nhiều người thích đi đâu cũng đem theo nhật ký hoặc sổ tay để ghi lại những điều nhìn thấy hàng ngày. Nếu dự định như vậy thì bạn nên cân nhắc mua một quyển sổ nhật ký bỏ túi hoặc cuốn sổ nhỏ để dễ để trong ví hoặc túi xách.
    • Nếu có những người khác sống cùng nhà và bạn muốn giữ riêng tư, bạn hãy chọn loại sổ có khóa. Nhưng cần nhớ là khóa sổ nhật ký rất mỏng mảnh và dễ phá.
    • Có nhiều trang web cho phép bạn viết nhật ký trên mạng. Một lợi ích của nhật ký online là chiếm ít không gian và nhiều người thấy đánh máy dễ chịu hơn viết tay. Tuy nhiên sự riêng tư là điều quan trọng. Cho dù có được bảo vệ bằng mật khẩu thì những gì bạn đưa lên mạng cũng không bao giờ đảm bảo an toàn 100%. Ai đó có thể tình cờ bắt gặp nhật ký của bạn trên mạng và tiếp cận được thông tin cá nhân của bạn.
  2. Tìm chỗ cất nhật ký. Nếu muốn giữ cuốn nhật ký cho riêng mình, bạn cần tìm một chỗ cất bí mật trong nhà. Cân nhắc giấu nhật ký dưới nệm, dưới chồng quần áo trong ngăn tủ hoặc bất cứ nơi nào mà mọi người thường không đụng tới. Nếu không cần riêng tư, bạn hãy để nhật ký ở những nơi dễ lấy và gần bàn làm việc, giường ngủ hoặc bất cứ nơi nào bạn định ngồi viết.
  3. Chọn kiểu đánh dấu từng đoạn nhật ký. Có nhiều kiểu đánh dấu các đoạn ghi chép trong nhật ký. Nhiều người thích ghi ngày tháng để ghi nhớ khung thời gian khi họ đọc lại ghi chép của mình. Người khác thì lại thích ghi tiêu đề ngắn cho từng đoạn. Bạn hãy sáng tạo và vui nhộn. Dùng bất cứ cách nào mà bạn cảm thấy thích hợp với mình.[1]
    • Một số người thích ký tên để đánh dấu các phần ghi chép. Nếu thích thú với việc ký tên thì bạn cứ thoải mái ký. Tuy nhiên sự riêng tư có thể là vấn đề. Nếu chẳng may bạn đánh mất sổ nhật ký thì những chữ viết đó sẽ liên quan đến bạn. Nếu trong sổ nhật ký ghi những suy nghĩ đặc biệt riêng tư thì chắc hẳn bạn không muốn điều này xảy ra chút nào. Cân nhắc chỉ viết tắt tên của bạn.

Viết nhật ký[sửa]

  1. Hãy trung thực. Nhật ký có thể đem lại lợi ích về nhận thức của con người. Một nghiên cứu của trường đại học California cho thấy việc viết lại cảm nghĩ một cách trung thực có thể giúp não điều hòa cảm xúc.[2] Khi viết nhật ký, bạn hãy cố gắng viết càng trung thực càng tốt. Điều này có lợi cho cảm xúc của bạn.
    • Nhiều người nhận thấy rằng việc viết nhật ký có tác dụng giải tỏa vì nó giúp họ giãi bày những ức chế trên trang giấy và thực sự là chính mình. Bạn hãy thoải mái ghi lại nguyên vẹn mọi cảm xúc của mình, cả tích cực lẫn tiêu cực.[2]
    • Đừng lo lắng về chất lượng viết. Nhật ký là nơi an toàn để bạn giải tỏa và sẻ chia mà không bị áp lực từ những phán xét bên ngoài. Bạn có thể dành ra vài phút để bắt đầu đặt bút viết một cách thoải mái và không giới hạn. Ghi nhanh những ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong óc khi bạn ôn lại những việc trong ngày, tâm trạng hiện tại của bạn và mọi cảm giác mà bạn đang trải qua.[2]
    • Nhiều người nhận ra bản thân họ và các mối quan hệ của họ qua những dòng nhật ký trung thực. Bạn cần sẵn sàng mở lòng tìm hiểu bản thân mình trong khi viết.[2]
  2. Quyết định nội dung viết. Có nhiều kiểu nhật ký khác nhau. Có người dùng nhật ký để ghi chép lại các sự việc hàng ngày. Người khác thì muốn lưu lại những ước mơ của họ. Cuốn nhật ký có thể là phương tiện tuyệt vời để ghi lại các cảm giác và tiến triển của bạn nếu bạn đang theo đuổi mục tiêu nào đó, chẳng hạn như giảm cân hoặc hoàn thành một dự án sáng tạo. Một số người viết theo kiểu pha trộn. Bạn có thể tùy ý viết những gì mà bạn cho là quan trọng.
  3. Mô tả thật nhiều chi tiết. Nhật ký còn quan trọng bởi nó ghi lại những ký ức ngay sau khi xảy ra sự kiện. Trí nhớ có thể lúc này lúc khác và các chi tiết chính xác hoặc các sự kiện sẽ phai nhạt theo thời gian. Bạn hãy dùng những chi tiết trong nhật ký để cố gắng lưu giữ khoảnh khắc của cuộc sống.[3]
    • Nghĩ về quá khứ của bạn trước khi bắt đầu viết nhật ký. Bạn mong muốn nhớ về điều gì? Có phải bạn ước gì tiếng cười của bà còn lưu lại trong ký ức? Bạn khát khao hình dung mùi thức ăn thơm phức mà mẹ nấu tỏa khắp căn phòng của bạn thời còn thơ bé? Hãy để những ước ao của bạn dẫn dắt bạn ghi nhật ký. Những ghi chép chi tiết sẽ là những khoảnh khắc quý giá mà bạn sẽ mong muốn hồi tưởng lại sau này.[3]
    • Bạn nên mô tả trung thực những sự việc như chúng xảy ra trong thực tế. Hẳn là bạn muốn lưu giữ ký ức và cảm nhận của bạn về sự kiện. Đừng mô tả mái tóc của bạn gái “lộng lẫy hơn cả bắc cực quang” nếu bạn chưa bao giờ được chiêm ngưỡng bắc cực quang. Hãy nói những điều mà bạn thấy hợp lý. Ví dụ, bạn có thể nói mái tóc người yêu của bạn “lấp lánh như những tia nắng mặt trời phản chiếu lên đèn xe hơi vào giữa buổi chiều”. Có thể sự so sánh này không được lãng mạn cho lắm, nhưng đó là thực tế trong mắt bạn.[3]
  4. Duy trì giờ giấc. Nhiều người cảm thấy khó tìm được thời gian để viết nhật ký mỗi ngày. Nếu muốn duy trì việc viết nhật ký, bạn hãy cố gắng tuân thủ thời gian biểu.
    • Viết nhật ký vào cùng một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Như vậy công việc này sẽ trở thành một phần trong thói quen như đánh răng mỗi buổi tối và tắm mỗi buổi sáng.[3]
    • Không đặt lịch viết nhật ký vào thời gian mà bạn nghĩ mình khó duy trì. Nếu không nghĩ mình có thể viết nhật ký mỗi đêm thì bạn đừng buộc mình làm vậy. Thay vào đó, bạn hãy chọn thời gian biểu linh hoạt hơn, chẳng hạn như mỗi tuần viết 3 lần.
    • Chọn thời gian mà bạn không vướng bận công việc hoặc bổn phận gì khác.
  5. Viết ngắn gọn nếu không có nhiều thời gian. Ai cũng có lúc bận rộn. Nếu đang vội, bạn chỉ cần viết vài dòng trong nhật ký. Ghi nhanh những cảm giác và suy nghĩ của bạn ở mức tối thiểu. Viết ra những gì mà bạn cho là cần thiết và cấp bách nhất, sau đó bạn có thể ghi chép thêm về sự kiện trong tuần khi có thời gian. Chỉ cần cố gắng ghi lại những chi tiết cơ bản trước khi quên mất.[3]

Tạo nét cá tính cho nhật ký[sửa]

  1. Thêm vào những hình vẽ minh họa. Nếu muốn cuốn nhật ký của mình độc đáo hơn, bạn hãy nghĩ đến hình vẽ. Đây sẽ là một cách thú vị để tạo nét cá tính cho cuốn nhật ký của bạn.
    • Một số người thêm vào một hình vẽ đặc biệt hoặc một kiểu minh họa cho từng trang. Ví dụ, nếu mới nuôi mèo, bạn có thể phác thảo hình ảnh nho nhỏ của chú mèo ở cuối trang nhật ký. Nếu muốn thêm chi tiết, bạn có thể vẽ những hình mèo theo mùa. Mèo cưng của bạn có thể đeo kính mát vào mủa hè, còn mùa đông thì ngồi xe trượt tuyết.[4]
    • Bạn cũng có thể vẽ hình minh họa về những sự việc mà bạn đang viết. Hãy thêm vào một hình phác thảo nho nhỏ cuối mỗi đoạn nhật ký hoặc bên lề trang giấy. Những bức vẽ minh họa về những người bạn gặp trong ngày, những món ăn bạn thưởng thức, những bộ phim bạn xem, v.v…thực sự là những điều đáng nhớ.[4]
  2. Thay bìa cuốn nhật ký. Có loại sổ nhật ký được trang trí ngoài bìa, nhưng số khác chỉ có bìa trơn. Nếu bìa sổ nhật ký của bạn quá đơn điệu, có lẽ bạn muốn trang trí một chút. Viết tên bạn lên bìa với kiểu chữ ngộ nghĩnh với nhiều màu sắc vui mắt. Thêm các hình dán hoặc hình cắt ra từ báo hoặc tạp chí. Dùng chì màu hoặc bút dạ quang để vẽ lên bìa sổ nhật ký. Hãy vui nhộn và sáng tạo.
  3. Mua sổ nhật ký thiết kế riêng. Bạn có thể mua sổ nhật ký đặt riêng trên mạng nếu không muốn tự làm. Bạn có thể chọn một số hình mình họa và mẫu trang trí và có thể thêm vào những thứ như tên và địa chỉ của bạn ở trang đầu bên trong cuốn sổ. Một số sổ nhật ký nhắm vào giới trẻ có kèm các câu hỏi gợi ý ở các trang trống bên trong.
  4. Đừng bày vẽ quá. Nhớ rằng nhật ký không phải là số dán hình lưu niệm. Sổ nhật ký có thể thú vị nếu có thêm các vật lưu niệm như vé xem hòa nhạc, ảnh chụp và tờ giới thiệu về các địa điểm bạn từng đến. Tuy nhiên quá nhiều thứ như vậy sẽ làm cho nhật ký của bạn giống như cuốn sổ lưu niệm. Nhật ký chủ yếu dùng để viết hơn là để trình bày nghệ thuật cắt dán.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy vui vẻ. Viết nhật ký nên là một trải nghiệm nhẹ nhõm chứ không phải là nhiệm vụ. Bạn hãy cho phép mình tận hưởng việc viết lách.
  • Thay vì ghi “Nhật ký” ở ngoài bìa hoặc những tựa đề kiểu như vậy, bạn có thể ghi “Vở Toán” hoặc “Sổ ghi bài” để không ai biết nó là nhật ký của bạn!
  • Tìm cách giữ sự riêng tư cho cuốn nhật ký như dùng khóa, mã số hoặc nơi cất giấu. Hẳn là bạn không muốn nhật ký của mình bị người khác đọc!
  • Tô màu bên dưới trang nhật ký để diễn đạt cảm giác của bạn. Ví dụ: màu đỏ nếu bạn tức giận, xanh khi bạn thanh thản, v.v…
  • Dùng những bức ảnh nhỏ gọn và hãy sáng tạo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây