Xào rau củ

Từ VLOS
(đổi hướng từ Xào Rau củ)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Xào là phương pháp chế biến nhanh chóng để tạo ra một bữa ăn ngon miệng và cân bằng dinh dưỡng. Chỉ cần có chảo sâu lòng và loại dầu phù hợp là bạn có thể xào bất kỳ loại rau củ nào. Nếu thích, bạn có thể cho thêm đậu phụ, thịt gà, thịt bò hoặc các loại thịt khác. Để nêm nếm cho món xào, bạn có thể dùng sốt hoặc gia vị. Dưới đây là hướng dẫn cách chế biến rau củ xào giòn và ngon miệng:

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Nguyên liệu[sửa]

  1. Chọn rau củ. Bạn có thể xào hầu hết các loại rau củ. Bạn hãy chọn nhiều loại rau củ có màu sắc, kết cấu đa dạng cùng một vài nguyên liệu có vị ngon và mùi thơm. Rau củ tươi hoặc đã đông lạnh đều có thể dùng để xào. Tuy nhiên, bạn không nên dùng rau củ đóng hộp vì chúng sẽ mất đi kết cấu khi đem xào. Hãy chuẩn bị một cốc rưỡi rau củ tươi bất kỳ cho một phần ăn. Bạn có thể thử xào tất cả các nguyên liệu mà bạn thích, ví dụ như:
    • Ớt chuông
    • Đậu Hà Lan
    • Cà rốt
    • Củ mã thầy
    • Bắp cải xanh hoặc bắp cải tím
    • Bông cải xanh hoặc đọt bông cải xanh
    • Cà tím
    • Hành tây
    • Nấm hương
  2. Rửa rau củ và thấm khô nước. Rau củ tươi phải được rửa sạch trước khi đem chế biến, còn rau củ đóng hộp phải được để ráo nước. Dùng khăn giấy hoặc khăn vải sạch thấm khô nước để rau củ được chín ngon sau khi chế biến. Nước còn sót lại sẽ biến món ăn thành rau củ hấp thay vì xào và khiến rau bị nhũn.
    • Không cần rã đông rau củ đông lạnh nếu chúng đã được cắt thành miếng nhỏ. Tuy nhiên, bạn nên rửa sạch đá rồi thấm khô nước để món xào được khô hết mức có thể.[1]
  3. Cắt rau củ thành miếng mỏng. Khi xào, tất cả các nguyên liệu cần được xào đều và nhanh để từng miếng rau được chín cùng lúc. Vì vậy, kích thước và độ dày của rau củ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng từng miếng rau được chín hoàn toàn nhưng không quá chín. Do đó, rau củ nếu được cắt mỏng sẽ chín đều và nhanh hơn.
    • Khi chuẩn bị nguyên liệu, bạn nên để riêng từng loại. Vì một số loại rau củ sẽ chín nhanh hơn nên bạn phải xào riêng từng loại.
    • Đối với các loại rau củ chín chậm hơn, bạn hãy cắt chúng thành miếng nhỏ hơn để chúng không bị sống khi các loại rau khác đã chín. Ví dụ, khoai tây, cà rốt và các loại củ giàu tinh bột thường chín lâu hơn nấm và cà tím.
  4. Chuẩn bị nguyên liệu tạo mùi thơm. Chỉ cần thêm một ít tỏi, gừng, ớt, hành lá là bạn đã có thể tạo hương vị đậm đà hơn cho món xào. Hãy nhớ lột vỏ tỏi, gừng hoặc hành tây trước khi cho vào món xào.
    • Cắt nguyên liệu tạo mùi thơm thành miếng nhỏ để hương vị của chúng có thể hòa quyện đều vào món xào.
    • Đối với món xào dành cho 2 người, bạn có thể dùng 1 tép tỏi, 1 hoặc 2 cọng hành tây cắt nhỏ, 1,5 cm gừng tươi cắt nhỏ và 1 quả ớt nhỏ băm nhuyễn.[2]
  5. Chuẩn bị nguyên liệu giàu protein. Rau củ xào không cũng rất ngon, nhưng nếu muốn món ăn giúp bổ sung thêm protein, bạn hãy cho thêm đậu phụ, thịt gà, bò hoặc bất kỳ loại thịt nào. Để chuẩn bị nguyên liệu, hãy làm theo các bước sau:
    • Cắt thịt thành miếng mỏng vừa ăn. Miếng thịt dày sẽ không chín đủ nhanh. Nếu cho thịt vào món xào, bạn cần đảm bảo rằng mọi thứ đều chín kỹ sau khi chế biến.
    • Cắt đậu phụ thành khối vừa ăn. Bạn nên chọn loại đậu phụ chắc tay cho món xào. Còn đậu phụ mềm sẽ dễ vỡ và nát khi đem xào.

Chọn Sốt[sửa]

  1. Mua hoặc tự làm sốt Teriyaki. Loại sốt thơm ngọt này thường được dùng để nêm các món xào. Bạn có thể mua một chai sốt Teriyaki hoặc tự làm. Dưới đây là cách chuẩn bị sốt Teriyaki đủ cho món xào dành cho 2 người ăn:
    • Trộn 1/2 cốc nước tương, 1/4 cốc nước, 1 thìa rượu gạo và 2 thìa đường nâu vào nồi.
    • Đun nóng hỗn hợp và để lửa liu riu đến khi đường tan hết và hỗn hợp đặc lại.
    • Nêm thêm muối và bột ớt đỏ khô.
  2. Pha rượu vang trắng với nước tương. Đây là loại sốt đơn giản và rất dễ làm mang đến vị hương vị đậm đà cho món xào. Chỉ cần pha vài thìa rượu vang trắng với nước tương là bạn đã có thể tạo ra món sốt đơn giản và ngon miệng. Hoặc bạn có thể dùng rượu Sherry (không ngọt) thay cho rượu vang trắng. Nêm thêm muối và bột ớt đỏ khô.
  3. Tự làm sốt lạc. Sốt lạc giúp mang đến hương vị khác biệt hơn so với các loại sốt truyền thống. Đây là loại sốt nổi tiếng trong các nhà hàng và bạn cũng có thể tự làm ở nhà. Dưới đây là cách làm sốt lạc:
    • Trộn 1/2 cốc bơ lạc béo ngậy, 2 thìa nước, 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa nước tương, 1 thìa cà phê đường nâu.
    • Thêm 1 tép tỏi băm nhuyễn, một ít dầu vừng hoặc bột ớt đỏ khô để tăng thêm hương vị.
    • Cho hỗn hợp vào tủ lạnh và để qua đêm để các nguyên liệu hòa quyện với nhau.
  4. Nêm món xào bằng nước dùng. Nếu thích món xào có vị dịu nhẹ, bạn hãy dùng nước hầm rau củ, thịt gà hoặc thịt bò để nêm. Còn nếu thích vị đậm đà, bạn hãy pha nước dùng với nước tương và cho thêm thảo mộc vị nồng cùng gia vị. [3]
    • Pha 1 thìa cà phê đường với 1 thìa cà phê giấm rượu gạo để tạo vị truyền thống.
    • Pha nước dùng với nước chanh theo tỉ lệ 1:1 để tạo vị chua.

Xào Rau củ[sửa]

  1. Làm nóng chảo dưới ngọn lửa lớn. Bạn chỉ nên làm nóng chảo không, chưa nên cho dầu vào. Nếu không có chảo lòng sâu, bạn có thể dùng loại chảo đáy nặng và cao. Loại chảo này sẽ giúp rau củ được nóng và bạn có thể đảo rau mà không làm rơi vãi ra ngoài.
    • Không để chảo quá nóng để tránh gây cháy khi cho dầu vào. Chảo đủ nóng khi bạn nhỏ nước vào và thấy nước bốc hơi trong vòng 2 giây. [4]
    • Mở cửa sổ hoặc bật quạt lò (nếu có) vì quá trình xào thức ăn có thể tạo ra nhiệt và khói.
  2. Cho 2 hoặc 3 thìa dầu vào chảo. Tốt nhất bạn nên dùng loại dầu có thể đem đun nóng đến nhiệt độ rất cao trước khi bắt đầu bốc khói, ví dụ như dầu lạc, dầu hạt cải, dầu ngô, dầu hạt cây rum và dầu cám gạo. Không nên dùng dầu oliu siêu nguyên chất, dầu vừng hoặc bơ vì chúng bốc khói quá nhanh dưới ngọn lửa lớn. [4]
    • Cầm quai chảo và xoay để dầu phủ đều bề mặt chảo. Dầu phải tách ra thành một chuỗi hạt dầu nhỏ và dễ lăn trên lòng chảo.
    • Dầu khó lan ra có thể là do chảo không đủ nóng. Bạn hãy đun nóng đến khi dầu dễ nhỏ thành giọt trước khi cho rau củ vào. Nếu không, món xào sẽ bị nhũn.
  3. Cho nguyên liệu tạo mùi thơm vào khi dầu bắt đầu sáng bóng. Dầu sẽ bắt đầu sáng bóng trước khi bốc khói. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể cho các nguyên liệu đầu tiên vào. Nếu không thấy dầu sáng bóng, bạn có thể cho nguyên liệu vào khi dầu bắt đầu bốc khói một chút. Bạn hãy cho tỏi, gừng, hành lá và ớt vào để tạo mùi thơm trước khi cho rau củ và thịt hoặc đậu phụ.
    • Dùng thìa gỗ đảo nguyên liệu thật nhanh hoặc đảo bằng cách đẩy chảo nếu bạn có thể làm được mà không làm rơi vãi ra ngoài.
    • Xào nguyên liệu tạo mùi thơm khoảng 30 giây trước khi cho rau củ và thịt hoặc đậu phụ. Không nên xào quá lâu vì tỏi và các nguyên liệu khác rất dễ cháy trong chảo nóng.
  4. Cho nguyên liệu cần xào lâu vào trước. Ngoài thực phẩm giàu protein như đậu phụ hoặc thịt, bạn hãy cho các loại rau củ cứng và chắc như khoai tây, bông cải xanh, bí đỏ và đậu que vào trước.[5] Dùng thìa gỗ đảo nguyên liệu thật nhanh hoặc dùng dụng cụ kẹp để hất và đảo.
    • Để món xào không bị nhũn và được chín đều, bạn chỉ nên xào lượng nguyên liệu vừa đủ lòng chảo. Vì xào chỉ mất vài phút nên bạn có thể xào thành từng mẻ, để chảo và dầu nóng giữa từng mẻ xào.
    • Nếu nguyên liệu có vẻ chín quá, bạn hãy đảo mạnh hơn thay vì tắt bếp. Như vậy nguyên liệu sẽ nóng và khô, tạo thành món rau xào hoàn hảo.
    • Tiếp tục xào thịt và rau củ cứng đến khi thịt gần chín và rau củ có màu sáng, hơi mềm. Quá trình này thường mất khoảng 3-10 phút, tùy thuộc vào loại nguyên liệu mà bạn sử dụng.
  5. Cho rau củ cần thời gian xào ít vào. Khi các nguyên liệu trên đã gần chín, hãy cho các loại rau củ không cần xào quá lâu vào chảo và tiếp tục đảo mạnh.
    • Các loại rau có thể cho vào sau bao gồm cải thìa, ớt chuông và nấm.
    • Các nguyên liệu cần thời gian xào ít hơn nữa gồm có bí ngòi, bắp cải bào, đậu Hà Lan và rau lá xanh.[5] Nếu không muốn phức tạp, bạn có thể cho chúng vào cùng lúc hoặc có thể chờ đến khi các loại rau khác gần chín.
  6. Khi rau củ đã mềm, hãy rưới vài thìa sốt vào. Rưới sao cho sốt phủ đều tất cả nguyên liệu rồi xào thêm 1-2 phút. Món rau xào sẽ gần chín sau 1-2 phút nữa.
    • Đổ sốt thành một đường vào mặt bên của chảo, không đổ vào lòng chảo để giữ cho lòng chảo được nóng.
    • Không dùng quá nhiều sốt để tránh khiến rau xào quá ướt.
  7. Ăn liền. Kết cấu của rau xào nóng hổi khi vừa gắp ra khỏi chảo là ngon nhất. Ngay khi sốt đã thấm vào rau, hãy tắt bếp và gắp rau ra đĩa. Rau xào còn nóng là ngon nhất và sẽ mềm ngay nên bạn đừng để nguội trước khi ăn. Rau xào có thể ăn kèm với cơm hấp và chấm với sốt hoặc cũng rất ngon nếu ăn riêng.

Biến tấu Kết cấu và Mùi vị[sửa]

  1. Điều chỉnh thời gian xào nếu rau củ quá nhũn hoặc quá giòn. Bạn có thể thay đổi thời gian xào tùy thuộc vào kích thước, chủng loại và độ non hay già của rau củ và sở thích của cá nhân. Chế biến nhiều món xào từ các loại rau củ yêu thích sẽ giúp bạn biết được từng loại rau củ nên được xào bao lâu.
    • Nếu thấy một loại rau củ nào đó quá giòn, lần sau bạn hãy cho chúng vào xào sớm hơn.
    • Còn đối với rau củ quá mềm hoặc dễ rời ra, bạn hãy cho chúng vào xào sau.
  2. Chần hoặc ngâm các loại rau củ cứng và cần thời gian chế biến lâu. Ví dụ như cà rốt, bông cải trắng và bông cải xanh vì chúng cứng và khó cắt thành miếng nhỏ. Đối với các loại rau củ cứng cần nhiều thời gian chế biến, bạn có thể áp dụng những cách sau:[4]
    • Chần trước khi xào. Nếu miếng rau củ dày ít nhất 1,3 cm, việc chần nhanh sẽ khiến rau củ nhanh mềm hơn. Nhớ luôn thấm khô rau củ chần trước khi xào.
    • Hoặc bạn có thể cho một lượng nhỏ nước, nước dùng hoặc rượu Sherry vào khi xào rau củ. Đậy nắp khoảng 1-2 phút đến khi rau củ mềm rồi tiếp tục xào như bình thường.
  3. Ngâm nấm khô vào nước nóng trước khi chế biến. Bạn cần ngâm nấm khô 5-10 phút hoặc đến khi nấm mềm trước khi đem đi xào. [6] Nấm xào khi còn khô sẽ bị cứng, khó nhai.
    • Để ngâm nấm khô, đầu tiên bạn hãy đun một chút nước sôi. Sau đó, tắt bếp vào cho nấm vào ngâm nước. Sau 3-5 phút, hãy vớt nấm ra khi nấm đã phồng lên.
    • Nấm hương khô cứng hơn các loại nấm khác nên bạn cần ngâm khoảng 10 phút.
  4. Thử trang trí rau củ xào. Sau khi rau củ đã xào xong, bạn có thể trang trí thêm bằng các nguyên liệu không cần chế biến trong chảo. Dưới đây là một số nguyên liệu trang trí gợi ý cho bước cuối hoàn hảo:
    • Hạt vừng hoặc các loại hạt nướng rắc lên trên sẽ mang đến độ giòn ngon miệng.
    • Mùi tây, rau mùi hoặc các loại rau thơm khác sẽ tạo độ hấp hẫn và mùi thơm dễ chịu cho món xào.
    • Rắc thêm vài lát rau củ sống cắt mỏng để tạo màu sắc tươi sáng và kết cấu độc đáo cho món ăn.
  5. Hoàn thành.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Chảo sâu lòng (hoặc chảo nặng có thành cao)
  • Khăn giấy
  • Thìa gỗ

Lời khuyên[sửa]

  • Áp dụng phương pháp Season cho chảo (xử lý chảo trước khi dùng để tạo lớp bảo vệ) nếu thức ăn bị dính hoặc cháy. Chảo cần được xử lý đặc biệt trước khi dùng và không nên chà rửa mạnh như các loại chén đĩa khác. Vì vậy, bạn cần áp dụng phương pháp Season để chuẩn bị chảo cho lần chế biến thức ăn sau.
  • Nếu dùng đậu phụ hoặc thịt, bạn có thể dùng sốt để ướp nhanh trước khi xào.
  • Dùng dầu có điểm bốc khói cao để rau củ không bị dính vào chảo. Bạn có thể dùng dầu hạt cải và không nên dùng dầu oliu hoặc bơ.
  • Nếu dị ứng với đậu nành, bạn có thể dùng nước sốt dừa thay nước tương.

Cảnh báo[sửa]

  • Dùng đậu phụ chắc tay, không dùng đậu phụ mềm. Đậu phụ mềm sẽ dễ nát khi xào.
  • Dầu lạc thường được dùng trong các món xào có thể gây hại nghiêm trọng cho người dị ứng với lạc.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này