Xác định biên lợi nhuận

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Biên lợi nhuận là thông tin then chốt, cho biết liệu doanh nghiệp có đang tạo ra thu nhập hay không và nếu có, thu nhập đó là bao nhiêu. Bạn cần theo dõi biên lợi nhuận để có thể xây dựng một kế hoạch kinh doanh tốt, theo dõi chi phí, điều chỉnh giá cả và đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp qua thời gian. Biên lợi nhuận được thể hiện ở dạng phần trăm: phần trăm càng cao, lãi càng lớn.

Các bước[sửa]

Tính biên lợi nhuận[sửa]

  1. Biết sự khác biệt giữa lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Lợi nhuận gộp bằng tổng doanh thu thu được từ sản phẩm hay dịch vụ trừ đi chi phí sản xuất hay cung cấp hàng hóa, dịch vụ (COGS – Cost of Goods or Services). Tính toán này không bao gồm những khoản chi phí như tiền lương, chi phí đi thuê hay những tiện ích khác. Nó chỉ xem xét chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo sản phẩm hay cung cấp dịch vụ.[1] Biên lợi nhuận gộp bằng lợi nhuận gộp chia doanh thu.
    • Lợi nhuận ròng xem xét toàn bộ chi phí của doanh nghiệp và được tính bằng cách lấy lợi nhuận gộp trừ đi chi phí quản lý và những chi phí liên quan khác. Chúng bao gồm chi phí hoạt động thông thường (tiền lương, chi phí đi thuê, v.v.) và chi phí một lần (thuế, hóa đơn cung cấp dịch vụ, v.v). Bạn cũng phải bao gồm mọi thu nhập tăng thêm, chẳng hạn như thu nhập từ các khoản đầu tư.[1]
    • Lợi nhuận ròng đầy đủ hơn, thể hiện chi tiết tình trạng sức khỏe doanh nghiệp và nhìn chung, thường được dùng trong quản lý doanh nghiệp. Dưới đây là chi tiết các bước tìm lợi nhuận ròng.
    • Lợi nhuận ròng còn biết như "dòng cuối cùng".
  2. Xác định kỳ cần tính. Để tìm biên lợi nhuận của một doanh nghiệp, bạn cần lựa chọn khoảng thời gian muốn phân tích. Thông thường, tháng, quý hoặc năm được dùng trong tính toán biên lợi nhuận.
    • Cân nhắc vì sao bạn muốn tính biên lợi nhuận. Nếu muốn làm hồ sơ vay nợ hoặc thu hút đầu tư, thông tin về việc doanh nghiệp của bạn đã hoạt động thế nào trong chỉ một tháng sẽ là không đủ. Tuy nhiên, nếu so sánh biên lợi nhuận giữa các tháng chỉ vì mục đích riêng, bạn vẫn có thể sử dụng những khoảng thời gian ngắn hơn.
  3. Tính tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cần tính. Lợi nhuận là mọi thứ doanh nghiệp mang lại thông qua bán hàng, cung cấp dịch vụ hay thu nhập từ lãi.[1]
    • Nếu doanh nghiệp của bạn chỉ cung cấp hàng hóa, chẳng hạn như đó là một nhà hàng hay cửa hàng bán lẻ, tổng doanh thu của bạn bằng toàn bộ doanh thu bán hàng trong suốt thời kỳ được chọn trừ đi mọi khoản giảm giá hay đổi, trả hàng. Nếu số liệu này không sẵn có, hãy nhân tổng số mục hàng đã bán với giá tương ứng và điều chỉnh các khoản giảm giá, đổi trả.
    • Tương tự, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chẳng hạn như cắt cỏ, tổng doanh thu của bạn là toàn bộ số tiền thu được từ việc cung cấp dịch vụ trong thời kỳ đó.
    • Cuối cùng, nếu doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đầu tư, bạn nên bao gồm lãi và thu nhập cổ tức từ nguồn này trong tính toán doanh thu của bạn.
  4. Trừ mọi chi phí để tính thu nhập ròng. Chi phí ngược lại với doanh thu. Chúng là mọi khoản phải trả hay sẽ trả trong tương lai cho những thứ bạn làm hay/hoặc sử dụng trong suốt thời kỳ tính toán.[1] Chúng bao gồm chi phí vận hành cũng như những chi phí cần thiết để duy trì hoạt động đầu tư.
    • Phổ biến gồm chi phí lao động, chi phí đi thuê, điện, thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết, chi phí ngân hàng, lãi vay.[2] Nhìn chung, nếu điều hành một doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể chỉ việc cộng dồn mọi khoản đã trả trong kỳ.
    • Ví dụ, nếu trong kỳ, doanh nghiệp thu được 2 tỷ đồng và để thu được doanh thu đó, bạn cần chi 1,4 tỷ đồng cho chi phí đi thuê, nhu yếu phẩm, thiết bị, thuế, lãi vay, hãy lấy 2 tỷ đã thu trừ đi 1,4 tỷ chi phí. Phần doanh thu còn lại sau chi phí sẽ là 600 triệu đồng.
  5. Lấy thu nhập ròng chia cho tổng doanh thu đã có. Tỉ lệ phần trăm thu được chính là biên lợi nhuận của bạn: nó là phần trăm doanh thu bạn có thể giữ lại như thu nhập kiếm được.[1]
    • Trong ví dụ trên, hiệu của chúng ta là 600 triệu đồng. 600.000.000 đồng ÷ 2.000.000.000 đồng = 0,3 (30%)
    • Đi sâu hơn, giả sử bạn bán sơn, biên lợi nhuận sẽ cho biết trung bình, khi ai đó mua một thùng sơn của bạn, trong số tiền thu được, lợi nhuận của bạn là bao nhiêu.

Hiểu ý nghĩa biên lợi nhuận[sửa]

  1. Đánh giá liệu biên lợi nhuận có đáp ứng yêu cầu kinh doanh của bạn hay không. Nếu dự định phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập đến từ doanh nghiệp, hãy cân nhắc biên lợi nhuận và doanh thu có thể thu được trong một năm. Bạn cũng nên tái đầu tư một phần thu nhập để phát triển doanh nghiệp. Khi gạt bỏ phần vốn đầu tư đó, lợi nhuận còn lại có đủ để đáp ứng nhu cầu của bạn hay không?
    • Hãy cùng xem xét lại ví dụ ở trên. Doanh nghiệp của bạn thu được 600 triệu đồng lãi ròng khi doanh thu là 2 tỷ đồng. Nếu sử dụng 300 triệu đồng lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh (và thanh toán những khoản nợ, nếu có), bạn còn lại 300 triệu đồng.
  2. So sánh với doanh nghiệp tương tự. So sánh với những doanh nghiệp tương tự rất có ích trong việc hiểu rõ chi phí biên, từ đó, giúp bạn xác định chỗ đứng của mình. Nếu làm hồ sơ vay nợ, nhiều khả năng ngân hàng sẽ cho bạn biết biên lợi nhuận mong muốn dành cho kích cỡ hay loại hình doanh nghiệp của bạn. Nếu là công ty lớn hơn đối thủ cạnh tranh, bạn có thể nghiên cứu những công ty này, tìm biên lợi nhuận của họ và so sánh với chúng.
    • Giả sử Công ty 1 có doanh thu 1 tỷ đồng và tổng chi phí là 460 triệu đồng. Biên lợi nhuận thu được là 54%.
    • Giả sử Công ty 2 có doanh thu 2 tỷ đồng và tổng chi phí là 1,16 tỷ đồng. Biên lợi nhuận của công ty 2 là 42%.
    • Công ty 1 có biên lợi nhuận tốt hơn dù Công ty 2 có doanh thu gấp đôi và lợi nhuận cao hơn.
  3. Đảm bảo tính tương đương khi so sánh biên lợi nhuận. Biên lợi nhuận của các công ty có sự khác biệt rất lớn, phụ thuộc vào kích cỡ và ngành hoạt động. Tốt nhất, hãy so sánh hai hay nhiều công ty cùng ngành và có doanh thu tương tự nhằm thu được hiệu quả tốt nhất từ việc so sánh này.
    • Ví dụ, trung bình, biên lợi nhuận của ngành hàng không chỉ khoảng 3%. Trong khi đó, ở các công ty kỹ thuật và phần mềm, con số này nằm trong khoảng 20%.[3][4]
    • Khi so sánh, đừng quên cân nhắc kích cỡ công ty để phép so sánh có ý nghĩa.
  4. Điều chỉnh biên lợi nhuận nếu cần. Bạn có thể thay đổi phần trăm biên lợi nhuận bằng cách tạo nhiều doanh thu (chẳng hạn như tăng giá hoặc đẩy mạnh bán hàng) hoặc giảm chi phí doanh nghiệp. Đồng thời, kể cả khi biên lợi nhuận không đổi, nếu tăng tổng doanh thu và chi phí, thu nhập ròng vẫn tăng. Xem xét doanh nghiệp của bạn, sự cạnh tranh và mức chấp nhận rủi ro khi thử tăng giá hay cắt giảm chi phí.
    • Nhìn chung, bạn nên bắt đầu với những thay đổi nhỏ và mở rộng dần nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy giảm đột ngột của hoạt động kinh doanh hay sự giận dữ từ khách hàng. Nhớ rằng, luôn có giá phải trả cho việc đẩy cao biên lợi nhuận và thực hiện quá mạnh mẽ có thể sẽ đem lại hiệu ứng trái ngược, khiến doanh nghiệp tụt dốc một cách nhanh chóng.
    • Đừng nhầm lẫn giữa biên lợi nhuận và tỉ lệ làm giá. Tỉ lệ làm giá là sự khác biệt giữa chi phí sản xuất và giá bán của một hàng hóa hay dịch vụ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]