Xây dựng sự tự tin

Từ VLOS
(đổi hướng từ Xây dựng Sự tự tin)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự tự tin là kết hợp của năng lực và lòng tự trọng, đây là một phần không thể thiếu với mỗi con người. Năng lực là một cảm giác nội tại, hoặc niềm tin mà với nó ta có thể đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Lòng tự trọng cũng tương tự như vậy, nhưng lại liên quan nhiều hơn tới việc có niềm tin rằng mình có có năng lực để làm điều mình muốn, và rằng chúng ta đáng được hưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Một người có sự tự tin là người yêu bản thân, sẵn sàng nhận lấy rủi ro để đạt được mục tiêu bản thân hoặc mục tiêu nghề nghiệp, và luôn suy nghĩ tích cực về tương lai.[1] Trái lại, một người không có sự tự tin thường khó cảm thấy rằng họ có thể đạt được mục đích và thường có cái nhìn tiêu cực về bản thân cũng như về những gì họ mong muốn có được trong cuộc sống.[2] Và thật tuyệt vời khi có thể nói với bạn rằng sự tự tin là một điều gì đó mà ta hoàn toàn tự có thể xây dựng được.

Các bước[sửa]

Nuôi dưỡng Thái độ Tích cực[sửa]

  1. Xác định những suy nghĩ tiêu cực của bản thân.[3] Suy nghĩ tiêu cực có thể biểu hiện như sau: “Tôi không thể làm điều đó”, “Chắc chắn tôi sẽ không thành công”, “Không ai muốn nghe điều tôi cần nói”. Tiếng nói từ nội tâm kiểu như vậy là tiêu cực và không có ích, và nó cũng đẩy bạn ra xa hơn khỏi việc phát triển sự tự tin trong bạn.
  2. Hãy chuyển ý nghĩ tiêu cực thành ý nghĩ tích cực. Khi bạn để ý đến những ý nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng làm cho những ý nghĩ đó trở nên tích cực. Để làm được như vậy bạn có thể áp dụng phương pháp xác nhận tích cực như “Tôi sẽ thử”, “Tôi có thể thành công nếu tôi làm việc này”, hay “Mọi người sẽ nghe những gì tôi nói”. Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ tích cực từng chút một mỗi ngày.
  3. Không để các suy nghĩ tiêu cực xuất hiện với tuần suất cao hơn các suy nghĩ tích cực. Dần dần thì các suy nghĩ tích cực sẽ vượt qua các suy nghĩ tiêu cực và ngự trị trong não bộ của bạn. Suy nghĩ tích cực sẽ đến một cách tự nhiên nếu bạn không ngừng nỗ lực biến chuyển từ sự tiêu cực sang tích cực trong suy nghĩ.
  4. Giữ vững những mối quan hệ tích cực.[3] Hãy giữ liên lạc với những người thân thiết, có thể là người trong gia đình hay bạn bè, để luôn nâng cao quan điểm của mình. Ngoài ra, hãy tránh những người khiến bạn cảm thấy không thoải mái.[3]
    • Một người mà bạn coi là có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ khi họ liên tục mang những khiếm khuyết của bạn ra để nói hoặc liên tục chỉ trích bạn.
    • Thậm chí bạn nên cân nhắc ngay cả ý kiến của các thành viên trong gia đình về việc bạn nên trở thành người thế nào, vì những ý kiến đó cũng có thể phá hỏng sự tự tin của bạn.
    • Trong quá trình bạn nuôi dưỡng thái độ tích cực của bản thân và ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu của mình thì bạn càng dễ nhận ra những người bi quan bảo thủ như vậy. Vì thế hãy cố gắng tránh họ càng nhiều càng tốt khi bạn đang xây dựng sự tự tin của bản thân.
    • Hãy dành thời gian để nghĩ về những người khiến bạn thấy thật tuyệt vời và hãy biến việc gặp gỡ những người ủng hộ bạn trở thành một mục tiêu.
  5. Loại bỏ những nhắc nhở về điểm yếu của bạn. Hãy tránh bỏ thời gian cho những thứ có thể khiến bạn lại cảm thấy bản thân thật tệ. Đó có thể là những vật gợi lại quá khứ, những bộ quần áo đã không còn vừa nữa, hoặc những nơi không phù hợp với mục tiêu gây dựng sự tự tin. Dù bạn không thể tránh được tất cả những thứ ấy, bạn hoàn toàn có thể nghĩ về việc lơ nó đi. Điều này sẽ song hành cùng bạn trong quá trình xây dựng sự tự tin.[4]
    • Dành thời gian ngồi suy ngẫm và nghĩ về những thứ khiến bạn cảm thấy không vui như những người bạn ích kỷ, một sự nghiệp mà bạn không mặn mà, hay một hoàn cảnh mà bạn không chịu đựng nổi.
  6. Xác định năng khiếu của bản thân. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng, vì thế hãy tìm hiểu và xác định xem điểm mạnh của bạn là gì, và chú tâm vào đó. Hãy để bản thân được tự hào về những điều bạn làm tốt. Hãy thể hiện bản thân qua hội họa, âm nhạc, viết lách hay khiêu vũ. Hãy tìm ra điều mà bạn thích và nuôi dưỡng tài năng của mình như một sở thích.[4]
    • Thêm nhiều sở thích vào cuộc sống không những khiến bạn thấy tự tin mà còn tăng cơ hội tiếp xúc với những người bạn cùng chí hướng.
    • Khi bạn theo đuổi đam mê của mình, đam mê đó không những có hiệu quả như một liệu pháp chữa trị, mà bạn còn cảm thấy thành công và sự độc nhất vô nhị của bản thân, tất cả những điều đó có thể giúp bạn rất nhiều trong quá trình tạo dựng sự tự tin.
  7. Tự hào về bản thân. Ngoài tài năng và kỹ năng của bản thân, bạn cũng nên nghĩ về những điểm tạo nên con người tuyệt vời nơi bạn. Đó có thể là tính hài hước, tình thương, sự lắng nghe hoặc khả năng chịu đựng áp lực. Có thể bạn không nghĩ rằng bản thân mình có gì đáng để tự hào, nhưng nếu bạn xem xét sâu xa hơn, bạn sẽ thấy rằng bản thân mình cũng có những giá trị đáng để ngưỡng mộ. Ghi lại những điều đó sẽ giúp bạn chú tâm vào những điều tốt đẹp của bản thân hơn.
  8. Hãy đón nhận những lời khen. Nhiều người tự ti vào bản thân thấy khó khăn khi đón nhận những lời khen; họ cho rằng những lời khen họ nhận được không là nhầm lẫn thì cũng là nói dối. Nếu bạn thấy bản thân phản ứng với những lời khen ngợi một cách miễn cưỡng như đảo mắt, nói “Đúng thế”, hay nhún vai, bạn nên cân nhắc lại phản ứng của mình.
    • Hãy đón nhận bằng cả trái tim và phản ứng tích cực. Nói lời cảm ơn và cười luôn là cách đúng đắn. Hãy khiến người khen ngợi bạn cảm thấy rằng bạn thực sự biết ơn điều đó, và tập luyện để đạt đến thời điểm mà bạn có thể thực sự chấp nhận những lời ca ngợi từ trái tim.
    • Bạn có thể đưa những lời khen vào danh sách các điểm tích cực về bạn và coi đó như là động lực thúc đẩy bạn đạt được sự tự tin vào bản thân.
  9. Hãy nhìn vào gương và mỉm cười. Các nghiên cứu xung quanh “thuyết phản hồi qua hệ thống cơ mặt” đưa ra ý tưởng rằng những biểu cảm trên khuôn mặt có thể tác động tích cực lên não bộ của bạn để thể thể hiện hoặc làm nổi lên các biểu cảm nhất định nào đó.[5] Vì thế, bằng cách nhìn vào gương và mỉm cười mỗi ngày, bạn có thể cảm thấy vui hơn về bản thân và về lâu dài bạn sẽ tự tin hơn. Cách này cũng giúp bạn vui vẻ chấp nhận vẻ bề ngoài của mình.[6]
    • Những người khác sẽ phản hồi bạn một cách tích cực khi bạn cười với họ, do đó ngoài việc giúp bạn vui vẻ hơn, bạn cũng có thể nâng cao sự tự tin nhờ vào những phản hồi tích cực từ người khác.

Xử lý Cảm xúc[sửa]

  1. Thoải mái đối mặt với sự sợ hãi. Bạn có thể nghĩ rằng những người tự tin chẳng bao giờ cảm thấy sợ hãi. Điều này đơn giản là không đúng. Sự sợ hãi đồng nghĩa với việc bạn đang ở lằn ranh của sự thay đổi.[3] Nỗi sợ hãi của bạn có chăng là nói trước đám đông, tự giới thiệu bản thân với người lạ hay đề nghị tăng lương.
    • Khi bạn có thể giáp mặt với nỗi sợ hãi của mình, sự tự tin của bạn sẽ tăng lên và bạn sẽ cảm thấy điều đó ngay tức khắc!
    • Hãy tưởng tượng khi một em bé tập đi. Khi ấy có rất nhiều khả năng có thể xảy ra, em bé có thể thấy sợ hãi vì không biết mình có ngã khi đi những bước đầu tiên không. Khi bé có thể chinh phục được sự sợ hãi đó và bắt đầu đi, bạn sẽ thấy một nụ cười rất tươi trên khuôn mặt bé! Đó cũng sẽ chính là nụ cười của bạn khi bạn vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.
  2. Hãy kiên nhân với bản thân. Đôi khi nỗ lực của bạn có tiến triển tốt, nhưng đôi khi bạn lại bị tụt lại phía sau. Việc có được sự tự tin không đến sau một sớm một chiều.[1] Bạn có thể thử một cách mới và không đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu có thể hãy học từ những điều ấy. Không đạt được mục tiêu vào lần đầu tiên là cơ hội để bạn hiểu thêm về bản thân mình. Sự tự tin cần được nuôi dưỡng và lớn lên từng chút một.[1]
    • Ví dụ, giả sự bạn đề nghị sếp tăng lương và cô ấy từ chối. Bạn rút được bài học gì từ đó? Hãy so sánh cách bạn đặt vấn đề với sếp xem liệu rằng khi đó có gì bạn có thể làm khác không?
  3. Hãy hướng tới sự cân bằng. Cũng như bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống, xây dựng sự tự tin là giữ được sự cân bằng. Quá thiếu tự tin có thể khiến bạn không đạt được mục tiêu hay cảm thấy bản thân mình không ổn.[1] Mặt khác, bạn cũng cần phải thực tế -- bạn không muốn xem nhẹ thời gian và công sức cần bỏ ra để đạt được mục tiêu.[1]
  4. Hãy ngừng so sánh bản thân với người khác. Nếu bạn muốn trở nên tự tin, bạn cần tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của chính mình theo hướng tích cực, chứ không phải biến cuộc sống của mình giống hệt như của người bạn thân, của anh trai hay bất cứ người nổi tiếng nào bạn thấy trên truyền hình. Nếu bạn muốn xây dựng sự tự tin, bạn cần hiểu rằng sẽ luôn có người đẹp hơn, thông minh hơn và giàu có hơn bạn, và đồng thời cũng luôn có những người kém thu hút, kém thông minh và không có được sự sung túc như bạn; tất cả những điều đó đều không thích đáng, những gì thích đáng chính là quan tâm đến mục tiêu và ước mơ của chính bạn.
    • Bạn có thể thiếu tự tin vì bạn bị thuyết phục rằng những người khác đều giỏi hơn bạn. Tuy nhiên, xét cho cùng thì việc bạn có thấy vui vẻ với chuẩn mực của chính mình hay không mới là vấn đề. Nếu bạn không biết chuẩn mực riêng của mình là gì, thì đây là lúc bạn cần nhìn thấu tâm hồn mình trước khi tiến xa hơn.
    • Thêm vào đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bỏ thời gian vào mạng xã hội một cách thường xuyên khiến người ta có xu hướng so sánh bản thân với người khác. Bởi mọi người thường chỉ đưa lên mạng xã hội những thành tựu của họ mà không phải những gì thực sự xảy ra với cuộc sống của họ, và những điều ấy có thể khiến bạn thấy cuộc sống của họ tuyệt vời hơn so với bạn.[7] Điều này không đúng! Mỗi người đều có những giai đoạn thăng trầm trong cuộc sống.
  5. Nhận diện những bất an của bản thân. Trong thâm tâm bạn có điều gì không ổn? Điều gì khiến bạn không thoải mái hay thấy xấu hổ? Đó có thể là mụn, sự hối hận, bạn bè ở trường, một tổn thương trong quá khứ hay một trải nghiệm tồi tệ. Hãy tìm ra bất cứ điều gì khiến bạn trở thấy mình vô giá trị, đáng xấu hổ hay thấp kém, hãy gắn cho chúng một cái tên và liệt kê chúng. Bạn có thể xé hoặc đốt những mẩu giấy đó và bạn sẽ cảm thấy tích cực hơn về những điều đó.
    • Cách này không nhằm mục đích khiến bạn thấy buồn. Ý nghĩa của việc này nằm ở chỗ bạn sẽ ý thức rõ hơn về những vấn đề bạn đang phải đối mặt và khiến bạn có thêm sức mạnh để đưa chúng vào dĩ vãng.
  6. Đứng lên từ những sai lầm. Hãy nhớ rằng không ai hoàn hảo cả. Ngay cả những người tự tin nhất cũng có những lúc không an tâm. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống mọi người đều cảm thấy có gì đó thiếu sót. Sự thật là vậy. Hãy thừa nhận rằng cuộc sống đầy rẫy những “thăng trầm”, rồi những cảm giác bất an đó sẽ qua, phụ thuộc vào bạn đang ở đâu, với ai, cảm xúc của bạn là gì và cảm nhận của bạn ra sao. Nói cách khác, những bất an đó không tồn tại mãi mãi. Nếu bạn đã làm sai điều gì đó, cách tốt nhất là nhận ra sai lầm đó, cảm thấy hối tiếc và đặt ra kế hoạch để không lặp lại điều ấy lần thứ hai.
  7. Hạn chế chủ nghĩa hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo sẽ khiến bạn ảo tưởng và cũng sẽ chẳng giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Nếu bạn cảm thấy rằng mọi thứ đều phải được hoàn thành một cách hoàn hảo thì bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy thực sự hạnh phúc vui vẻ với bản thân và cuộc sống của mình.[8] Hãy học cách tự hào về công việc đã được hoàn thành tốt thay vì mong muốn mọi thứ phải đạt đến mức hoàn hảo. Nếu bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo thì bạn đang đi chệch hướng trên con đường trở nên tự tin hơn.
  8. Hãy luôn tỏ lòng biết ơn. Thường thì nguyên nhân gốc rễ của sự bất an và thiếu tự tin là cảm giác thiếu thốn một cái gì đó, có thể là vấn đề về cảm xúc, vật chất, may mắn hay tài chính. Bằng cách biết ơn và trân trọng những gì bạn có, bạn có thể đối mặt với cảm giác thiếu thốn và bất mãn. Tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn cùng với lòng biết ơn[9] sẽ làm nên điều kỳ diệu với sự tự tin của bạn. Hãy dành thời gian để ngồi lại và nghĩ về tất cả những gì bạn có như những người bạn tốt hay sức khỏe.
    • Ngồi lại và lên danh sách những điều bạn cảm thấy biết ơn vì có được. Hãy đọc lại những gì bạn đã viết và thêm vào danh sách đó ít nhất một điểm mới mỗi tuần, bạn sẽ thấy bản thân tích cực hơn và tinh thần vững chãi hơn.

Tập Chăm sóc Bản thân[sửa]

  1. Tự chăm sóc bản thân. Để làm được điều này bạn cần thực hiện nhiều bước nhỏ như giữ vẻ bảnh bao bằng cách tắm gội thường xuyên, làm sạch răng miệng, ăn những thức ăn ngon và có lợi cho sức khỏe. Tự chăm sóc bản thân cũng đồng nghĩa với việc dành thời gian cho chính mình, ngay cả khi bạn cực kỳ bận rộn và bạn đã dành quá nhiều thời gian cho người khác.[3]
    • Có thể không đúng, nhưng khi bạn chăm sóc bản thân từ những điều cơ bản nhất tức là bạn chứng minh được rằng bản thân mình xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra để thực hiện việc tự chăm sóc bản thân.
    • Khi bạn bắt đầu có niềm tin vào bản thân, bạn đã đi đúng hướng để có được sự tự tin.[2]
  2. Hãy chăm sóc diện mạo của mình. Bạn không nhất thiết phải trông như Brad Pitt để bắt đầu gây dựng sự tự tin. Nếu bạn muốn bản thân vui hơn với con người và diện mạo của mình, hãy quan tâm tới nó bằng cách tắm hàng hàng, đánh răng, mặc quần áo phù hợp với dáng người và hãy đảm bảo rằng bạn đã dành thời gian cho vẻ bề ngoài của mình. Điều này không đồng nghĩa với việc diện mạo và phong cách sẽ khiến bạn tự tin hơn, nhưng nỗ lực trong việc quan tâm đến vẻ bề ngoài cho thấy rằng bản thân bạn đáng được chăm sóc.
  3. Tập thể dục thường xuyên.[2] Một phần trong việc quan tâm tới bản thân là tập thể dục. Với bạn việc tập thể dục có thể là chạy bộ ngoài trời, với người khác có thể là một chặng đạp xe dài 80km. Hãy bắt đầu ngay lúc này, tại thời điểm này. Bạn cũng không nhất thiết phải tập những bài tập phức tạp.
    • Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục là điều thiết yếu để có được một quan điểm tích cực trong cuộc sống,[10] và một thái độ tích cực cũng đóng góp vào sự tự tin của mỗi người.[2]
  4. Hãy ngủ ngon và đủ giấc. Một giấc ngủ kéo dài 7 đến 9 tiếng mỗi đêm có thể giúp cảm xúc và diện mạo của bạn tốt hơn. Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn không chỉ có thái độ tích cực hơn mà còn có nhiều năng lượng hơn. Ngủ nhiều cũng giúp bạn tiết chế được cảm xúc và giải quyết áp lực tốt hơn.[11]

Đặt Mục tiêu và Chấp nhận Rủi ro[sửa]

  1. Đặt ra những mục tiêu nhỏ và có thể thực hiện được.[2] Thông thường thì mọi người hay đưa ra cho bản thân những mục tiêu không thực tế và không thể thực hiện được, do đó họ không cảm thấy bị những thử thách đó lấn át thì cũng chẳng bao giờ bắt tay vào thực hiện được.[1] Đây thực sự là một việc khiến người ta nản lòng khi muốn xây dựng sự tự tin.
    • Dần dần điều chỉnh những mục tiêu nhỏ để có được một mục tiêu lớn hơn mà bạn có thể làm được.
    • Hãy tưởng tượng bạn muốn chạy marathon, nhưng bạn lại lo sợ rằng bạn không thể thực hiện được mục tiêu này. Đừng cố gắng chạy ngay hơn 40 km trong ngày đầu tiên. Hãy lượng sức mình, nếu bạn chưa từng chạy đường dài, hãy đặt ra mục tiêu ban đầu chỉ là gần 2 km. Nếu bạn có thể chạy 8 km mà không gặp khó khăn gì thì hãy nâng mục tiêu của mình lên 9 hay 10 km.
    • Ví dụ, nếu bàn làm việc của bạn bừa bộn, có thể việc dọn dẹp tinh tươm toàn bộ mọi thứ trên bàn là điều khó mà làm được. Vậy hãy bắt đầu bằng việc cất lại sách vào giá sách, ngay cả việc ghim lại giấy tờ để sau đó sắp xếp lại cũng được coi như một động thái tích cực cho việc dọn dẹp toàn bộ bàn làm việc của bạn.
  2. Mở lòng với những ẩn số. Những người thiếu tự tin thường lo rằng họ sẽ không bao giờ thành công khi gặp phải những tình huống bất ngờ. Đã đến lúc cần ngừng việc nghi ngờ bản thân và thử sức với những điều hoàn toàn mới, khác biệt và là những ẩn số với bạn. Đó có thể là việc đi du lịch ở một nước nào đó với bạn bè hoặc hẹn anh chị em họ đi chơi, hãy tập cho bản thân thói quen chấp nhận những điều mới lạ có thể giúp bạn trở nên thoải mái hơn với chính mình và cảm thấy chính mình là người nắm giữ vận mệnh cuộc đời mình – hoặc nếu không thì bạn cũng thấy rằng bạn hoàn toàn ổn trong những tình huống bạn không làm chủ được cục diện. Khi bạn nhận thấy rằng bạn có thể thành công ngay cả trong những tình huống bạn chưa từng nghĩ tới trước đó, ấy cũng là lúc sự tự tin của bạn đã đạt mức tột đỉnh.
    • Dù bạn muốn trở thành người dễ gần hay học tốt hơn ở trường, bạn có thể xây dựng một kế hoạch để làm được điều đó và bắt đầu thực hiện kế hoạch đó. Có thể bạn sẽ không trở thành người dễ gần nhất trong trường hay trở thành người được đọc diễn văn trước toàn trường, bạn vẫn có thể tiến được những bước dài trên con đường xây dựng sự tự tin chỉ bằng việc có kế hoạch thay đổi theo hướng tốt hơn.
    • Đừng quá khắt khe với bản thân. Đừng cố gắng thay đổi tất cả mọi thứ. Hãy bắt đầu với một hoặc hai việc gì đó bạn muốn thay đổi ở bản thân và bắt tay vào thực hiện những thay đổi đó.
    • Bạn có thể làm một bảng theo dõi quá trình chinh phục mục tiêu và bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt từ đó. Bảng theo dõi này sẽ giúp bạn nhận ra rằng kế hoạch của bạn có khả thi không, và nó cũng giúp bạn thấy tự hào về những gì bạn đã làm được.
  3. Hãy chủ động giúp đỡ người khác. Khi bạn thấy bản thân tử tế với những người xung quanh và có những tác động tích cực lên cuộc sống của họ (dù chỉ là việc trở nên nhã nhặn hơn với người mang cho bạn tách cà phê sáng), bạn sẽ thấy rằng bạn chính là một người có ích trên trái đất – điều đó sẽ giúp sự tự tin của bạn được nâng cao. Hãy tìm cách để giúp những người xung quanh và coi đó như là một hoạt động thường ngày, bạn có thể làm tình nguyện viên tại thư viện hay giúp cô em gái nhỏ tập đọc. Hành động giúp đỡ của bạn không chỉ có lợi cho người khác mà còn góp phần xây dựng sự tự tin cho bạn vì bạn sẽ thấy rằng mình có rất nhiều thứ có thể cho đi.
    • Bạn không nhất thiết phải giúp ai đó trong cộng đồng để thấy được lợi ích của việc giúp đỡ người khác. Đôi khi ngay cả những người xung quanh như mẹ hay bạn thân của bạn cũng cần sự giúp đỡ như bất kỳ người nào khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng lo sợ khi bạn ép bản thân vượt qua giới hạn về thể chất hay tinh thần. Những áp lực đó có thể giúp bạn thấy rằng việc đạt được thành quả thật dễ dàng và từ đó giúp bạn mài dũa kỹ năng của mình. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.
  • Bạn có thể tự mình tăng sự tự tin bằng cách áp dụng phương pháp tự thôi miên bản thân “Mình là Số 1” để thử trải qua cảm giác đạt được một mục tiêu dài hạn, và từ đó giúp giảm áp lực bạn đang có.
  • Đừng quá chú tâm vào những sai lầm và những điểm yếu của bản thân. Những thiếu sót đó có thể trở thành những hình ảnh phản chiếu tích cực cho những điểm tốt của bạn hoặc giúp bạn nhận biết được mình cần cải thiện điều gì. Cảm giác thấy bản thân làm tốt điều gì đó mà mình không làm được trong quá khứ là một cảm giác khó có gì so sánh được.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây