Xoa dịu trẻ tự kỷ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trẻ tự kỷ thường dễ bị kích động bởi những điều bình thường như tiếp xúc cơ thể, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Chúng cũng có thể bị áp lực và thất vọng bởi những việc bất ngờ, chẳng hạn như thay đổi thói quen thường ngày.[1] Bởi vì trẻ tự kỷ thường phải gắng sức để hiểu và nói ra những trải nghiệm của chúng, nên trẻ có thể bộc phát những cơn giận khủng khiếp, đôi khi được xem là cơn mất bình tĩnh. Trong quá trình mất bình tĩnh, trẻ thường la hét, vùng vẫy lung tung, đập phá đồ đạc, hoặc thậm chí là phản ứng dữ dội với người khác. Trẻ tự kỷ thường dễ bị kích động, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ nên biết cách để xoa dịu chúng. Mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau vì thế bạn cần thử một vài phương pháp để tìm ra cách tốt nhất để xoa dịu con của mình.

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa và Giải quyết Cơn mất bình tĩnh[sửa]

  1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ mất bình tĩnh. Việc tìm nguyên nhân có thể giúp bạn giữ trẻ tránh xa mọi thứ có thể khiến chúng buồn phiền. Điều này quan trọng trong việc xoa dịu trẻ tự kỷ. Quan sát trẻ và cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra một số hành vi nào đó của trẻ. Nếu bố mẹ hoặc người giám hộ biết được các tác nhân khiến trẻ mất bình tĩnh, họ có thể tránh được nó.
    • Ghi chép vào sổ tay các nguyên nhân thường khiến trẻ tức giận sẽ giúp bạn ngăn chặn cơn giận dữ ở trẻ. Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc dùng ứng dụng cho điện thoại để ghi nhận sự mất bình tĩnh ở trẻ và nguyên nhân của chúng.
    • Một số nguyên nhân thường gây ra sự mất bình tĩnh ở trẻ tự kỷ chính là sự thay đổi hay gián đoạn trong các hoạt động thường ngày, bị kích thích, cảm thấy thất vọng và gặp khó khăn trong giao tiếp.[2]
    • Cơn mất bình tĩnh khác với cơn tức giận. Việc nổi giận xảy ra là có mục đích, nó giống như trong lúc căng thẳng nhất của một trận đấu, và nó chỉ dừng lại khi bạn chịu nhượng bộ. Cơn mất bình tĩnh xảy ra khi người tự kỷ cảm thấy áp lực đến mức họ không thể kiểm soát được bản thân, họ dường như bất lực và không thể dừng lại cho đến khi tình trạng này kết thúc.
  2. Làm theo thói quen. Khi trẻ làm theo thói quen, trẻ có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này giúp trẻ giữ được bình tĩnh.[3]
    • Thời gian biểu được minh họa có thể giúp trẻ thấy rõ thói quen của chúng trong ngày hoặc trong tuần.
    • Nếu bạn biết rằng sẽ có một số thay đổi ảnh hưởng thói quen của trẻ vào một ngày nào đó, hãy chắc rằng bạn có thời gian để chuẩn bị cho trẻ. Báo cho trẻ biết trước và truyền đạt những thay đổi một cách rõ ràng và kiên nhẫn.
    • Khi mang trẻ đến một môi trường mới, thời điểm tốt nhất để bạn giới thiệu với trẻ là khi nơi đó có ít các tác nhân kích thích. Điều này có nghĩa là bạn nên đưa trẻ đến nơi đó vào lúc ít ồn ào hoặc ít người.
  3. Giao tiếp với trẻ một cách rõ ràng. Nhiều trẻ tự kỷ cảm thấy thất vọng khi chúng không có khả năng giao tiếp ngôn ngữ. Bạn cần nói chuyện với chúng một cách kiên nhẫn, tinh tế, và phát âm rõ ràng.
    • Tránh quát mắng hoặc nói với trẻ bằng giọng điệu hung hăng, bởi vì việc này có thể khiến cơn thịnh nộ của trẻ tệ hơn.[4]
    • Nếu giao tiếp ngôn ngữ khiến trẻ thấy khó khăn, bạn nên thử giao tiếp bằng cách sử dụng hình ảnh hoặc một số hình thức khác trong Phương pháp Giao tiếp Bổ trợ và Thay thế (ACC - Alternative and Augmentative Communication).[5]
    • Nhớ rằng việc giao tiếp phải đến từ hai hướng. Luôn lắng nghe trẻ, và nói cho trẻ hiểu rõ rằng bạn đánh giá cao và coi trọng điều chúng nói. Hãy hỏi lại trẻ nếu bạn cần làm rõ ý để có thể ngăn chặn việc khiến trẻ mất bình tĩnh vì cảm giác thất vọng.
  4. Làm trẻ phân tâm nếu bạn nghi ngờ rằng nguyên nhân thuộc về mặt tình cảm/tâm lý. Khi trẻ khó chịu, đôi khi bạn có thể xoa dịu trẻ bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của chúng. Hãy thử chơi với món đồ chơi mà trẻ thích một cách nhiệt tình, xem phim, hoặc nghe bài hát yêu thích của trẻ. Nếu có thể, bạn nên chơi những trò có liên quan đến sở thích đặc biệt của trẻ.
    • Không phải lúc nào chiến lược phân tâm cũng có tác dụng. Chẳng hạn nếu bạn đặt câu hỏi về bộ sưu tập đá yêu thích của trẻ thì điều đó có thể làm trẻ quên đi nỗi sợ khi tiêm ngừa cúm, nhưng việc đặt câu hỏi để làm phân tâm sẽ trở nên vô dụng khi vấn đề ở đây là trẻ đang lo sợ đường may trên váy sẽ nổi bật trông giống như một hàng kiến lửa trên da.
    • Khi trẻ bình tĩnh lại, trước tiên bạn nên trò chuyện với trẻ về điều gì đã khiến chúng giận dữ hoặc bị kích động. Hỏi trẻ xem chuyện gì đã xảy ra và hãy cùng nhau tìm ra cách để ngăn chặn việc đó lặp lại.[4]
  5. Thay đổi môi trường xung quanh của trẻ. Trẻ thường hay buồn phiền bởi vì chúng quá nhạy cảm và quá dễ bị kích thích. Khi điều đó xảy ra, một ý hay là nên đưa trẻ đến môi trường khác hoặc thay đổi môi trường (ví dụ: tắt nhạc lớn) để giảm việc bị kích thích.
    • Ví dụ, nếu trẻ thấy ánh sáng huỳnh quang chói mắt, tốt hơn là bạn nên thay đèn trong phòng, thay vì cố ép trẻ phải chịu đựng.
    • Nếu trẻ đang ở một nơi mà môi trường không dễ bị thay đổi, bạn cần phải thận trọng. Chẳng hạn như, đưa cho trẻ kính mát (để ngăn ngừa sự mẫn cảm với ánh sáng) hoặc sử dụng nút bịt tai ở nơi công cộng (để hạn chế tiếng ồn). Bạn cũng cần nghĩ đến một vài biện pháp đề phòng cho trẻ.
  6. Cho trẻ không gian riêng. Đôi khi, trẻ chỉ cần thời gian trước khi chúng sẵn sàng tái hòa nhập.[6] Thử để trẻ ngồi yên một lát để trẻ có thể bình tĩnh lại, thường là ở nơi hạn chế kích thích qua giác quan.
    • Bạn cần lưu tâm đến tính an toàn. Không bao giờ để trẻ nhỏ ở một mình và không có ai giám sát, hoặc nhốt chúng trong phòng.[7] Đảm bảo rằng trẻ an toàn và có thể ra ngoài nếu chúng muốn.
  7. Sau cơn mất bình tĩnh của trẻ, hãy cùng nhau thảo luận về nó. Sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên việc đưa ra giải pháp: thay vì đổ lỗi hay phạt trẻ, bạn nên trò chuyện để tìm cách ngăn chặn việc mất bình tĩnh hoặc tốt hơn là tìm cách đối phó với áp lực ở trẻ.[8] Hãy thử trò chuyện về:
    • Điều trẻ tin là nguyên nhân khiến chúng mất bình tĩnh (kiên nhẫn lắng nghe trẻ).
    • Làm thế nào để tránh được tình huống tương tự có thể tiếp tục xảy ra.
    • Các chiến lược xử lý vấn đề hiệu quả hơn (nghỉ ngơi, đếm số, hít thở sâu, xin phép ra ngoài, v.v…).
    • Lối thoát để chấm dứt mọi cơn giận có thể tiếp tục xảy ra.

Xoa dịu trẻ bằng Phương pháp Ép sâu[sửa]

  1. Áp dụng phương pháp ép sâu. Trẻ tự kỷ thường có sự khác biệt trong việc điều khiển giác quan, khiến trẻ căng thẳng hoặc thậm chí đau đớn. Dùng phương pháp ép sâu giúp cho các cơ bắp của trẻ được thư giãn.[9]
    • Thử quấn trẻ trong chăn một cách thoải mái hoặc để vài tấm chăn ngang người trẻ. Độ nặng của chăn sẽ tạo ra áp lực dễ chịu, nhưng đảm bảo là bạn không che phần mặt của trẻ vì sẽ khiến trẻ khó thở.
    • Bạn có thể đặt mua hàng trên mạng hoặc tự làm một số dụng cụ chuyên dùng cho việc ép sâu. Những cái chăn nặng, đồ chơi, áo ghi lê và miếng lót đùi đều có thể dùng được.
  2. Xoa bóp cho trẻ theo phương pháp ép sâu. Khi áp dụng phương pháp ép sâu, xoa bóp là cách tốt nhất để bạn có thể tương tác với trẻ, điều đó có thể thắt chặt thêm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.[10] Đặt trẻ vào giữa chân của bạn. Khum tay bạn lên vai trẻ và bắt đầu dùng lực. Sau đó, di chuyển tay của bạn từ từ trên cánh tay và vai của trẻ.
    • Nếu bạn cảm thấy không thoải mái, hãy xin lời khuyên từ một chuyên gia xoa bóp. Hoặc bạn có thể hỏi một ai đó mà bạn biết là họ thực sự giỏi trong việc xoa bóp lưng.
  3. Thử dùng gối ép. Việc dùng gối ép được thực hiện bằng cách đặt trẻ nằm trên một bề mặt mềm mại như một cái gối hoặc trên ghế đệm. Để trẻ nằm thư giãn hoặc ngồi xuống, sau đó dùng chiếc gối thứ hai hay đệm để áp dụng phương pháp ép sâu lên thân trên, cánh tay và chân của trẻ theo kiểu rung từ từ.
    • Không bao giờ che mặt trẻ để tránh việc trẻ có thể bị nghẹt thở bất thình lình.

Xoa dịu trẻ bằng Bài tập Kích thích Tiền đình[sửa]

  1. Hiểu được cách sử dụng bài tập kích thích tiền đình. Hệ thống tiền đình góp phần trong việc giữ thăng bằng và cảm nhận sự định hướng không gian. Những bài tập tiền đình sử dụng chuyển động đu đưa và nhún nhảy sẽ giúp xoa dịu trẻ.[11]
    • Chuyển động lặp đi lặp lại giúp xoa dịu trẻ và chuyển sự tập trung của trẻ tới việc cảm nhận cơ thể của chúng.
  2. Chơi xích đu. Đặt trẻ trên chiếc xích đu và nhẹ nhàng đẩy chúng. Điều chỉnh tốc độ của xích đu, chậm dần hoặc nhanh dần, cho tới khi trẻ bình tĩnh. Nếu trò đánh đu dường như làm mọi thứ tệ hơn, hãy ngừng lại ngay.
    • Đặt một chiếc xích đu ở trong nhà có thể là ý kiến hay để bạn kết hợp các biện pháp một cách tốt nhất.[12] Trẻ có thể chơi xích đu ở mọi điều kiện thời tiết.
    • Một vài trẻ có thể tự chơi xích đu. Trong trường hợp này, bạn nên nhẹ nhàng bảo chúng tự chơi.
  3. Xoay trẻ trên ghế. Việc xoay tròn là một bài tập kích thích tiền đình.[13] Hoạt động này có khả năng ngăn chặn cơn mất bình tĩnh bằng cách làm trẻ phân tâm, không còn chú ý tới tác nhân gây buồn phiền mà chuyển sang chú ý đến cảm giác của cơ thể.
    • Ghế văn phòng thường thích hợp nhất vì chúng có thể xoay một cách dễ dàng.
    • Đảm bảo rằng trẻ ngồi yên và bạn chỉ cần xoay ghế chậm để tránh làm trẻ bị thương.
    • Trẻ có thể mở mắt hoặc nhắm mắt khi chơi trò này.

Lời khuyên[sửa]

  • Trò chuyện với trẻ bằng giọng điệu điềm tĩnh, dịu dàng.
  • Thừa nhận và quan tâm tới cảm xúc thất vọng của riêng bạn để tránh thể hiện cảm xúc đó trước mặt trẻ.
  • Thường xuyên tương tác với giáo viên và người trông nom trẻ để luôn quan tâm đến trẻ một cách phù hợp.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn lo rằng trẻ có thể làm tổn thương chính mình hoặc người khác, hoặc nếu bạn cảm thấy quá áp lực và không biết phải làm gì, hãy nhờ đến người trông nom trẻ.
  • Tiếp cận trẻ một cách cẩn thận nếu chúng đang vùng vẫy hoặc ném đồ đạc, hoặc nếu chúng đang có cảm giác bị dồn vào thế bí. Chúng có thể bất ngờ làm bạn bị thương.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây