Đưa ra quyết định

Từ VLOS
(đổi hướng từ Đưa ra Quyết định)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chúng ta đưa ra các quyết định hàng ngày; những gì ta nói và làm đều là kết quả của quyết định, dù ta thực hiện một cách có chủ đích hay không. Với mỗi sự lựa chọn, lớn hay nhỏ, đều không có công thức dễ dàng để đưa ra quyết định đúng đắn. Cách tốt nhất bạn có thể làm là tiếp cận từ càng nhiều góc độ càng tốt và chọn một kế hoạch hành động có vẻ thích hợp và cân bằng tại thời điểm đó. Bạn có thể lo lắng nếu quyết định cần đưa ra rất quan trọng. Tuy nhiên, có một số việc đơn giản bạn có thể làm để việc đưa ra quyết định đỡ đáng sợ hơn, như xác định tình huống tồi tệ nhất, lập bảng tính, và làm theo trực giác của mình. Hãy đọc tiếp để biết cách đưa ra quyết định.

Các bước[sửa]

Hiểu được Nguồn gốc Nỗi sợ của bạn[sửa]

  1. Viết ra nỗi sợ của bạn. Ghi chép những lo sợ của mình có thể giúp bạn hiểu về chúng và cuối cùng đưa ra quyết định thích hợp hơn. Hãy bắt đầu bằng việc viết ra quyết định bạn cần thực hiện. Mô tả hoặc liệt kê tất cả những gì bạn lo ngại liên quan đến quyết định. Cho phép bản thân bộc lộ hết nỗi sợ mà không tự phán xét.[1]
    • Ví dụ, bạn có thể bắt đầu ghi chép bằng việc tự hỏi: “Mình cần đưa ra quyết định gì và điều gì mình sợ có thể xảy ra nếu mình chọn sai?”
  2. Xác định tình huống xấu nhất. Khi bạn viết ra quyết định và lý do bạn lo sợ liên quan đến quyết định đó, hãy thực hiện bước tiếp theo. Cố gắng xác định tình huống xấu nhất đối với mỗi lựa chọn có thể xảy ra. Đẩy quyết định đến giới hạn điều gì tồi tệ có thể xảy ra nếu mọi điều tồi tệ đều xảy ra sẽ khiến quá trình thực hiện đỡ đáng sợ hơn.[2]
    • Ví dụ, nếu bạn cần quyết định giữa công việc toàn thời gian với công việc bán thời gian để dành nhiều thì giờ cho con cái hơn, hãy nghĩ đến tình huống xấu nhất của từng quyết định có thể xảy ra.
      • Nếu bạn chọn công việc toàn thời gian, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là bạn sẽ bỏ qua những khoảnh khắc quan trọng trong quá trình phát triển của bọn trẻ và chúng sẽ trách bạn về điều đó khi lớn lên.
      • Nếu bạn chọn công việc bán thời gian, tình huống xấu nhất có thể là bạn không đủ khả năng thanh toán hóa đơn hàng tháng.
    • Hãy quyết định tình huống xấu nhất nào thực tế sẽ xảy ra. Chúng ta dễ “làm trầm trọng hóa vấn đề”, hoặc gắn mọi thứ vào điều tồi tệ nhất có thể xảy ra mà không dành thời gian suy nghĩ. Hãy kiểm nghiệm tình huống xấu nhất bạn vừa đưa ra, và xem xét điều gì sẽ dẫn đến tình huống đó. Liệu điều này có khả năng xảy ra không?[2]
  3. Cân nhắc liệu quyết định bạn đưa ra có bền vững. Khi bạn nghĩ rằng mọi việc tồi tệ có thể xảy ra, hãy nghĩ liệu bạn có thể đảo ngược lại quyết định. Hầu hết các quyết định đều có thể đảo ngược lại, do vậy, bạn cần cố gắng hiểu được nếu bạn không thích quyết định như vậy, bạn luôn có thể thay đổi để xử lý các tình huống sau đó.[3]
    • Ví dụ, giả sử bạn quyết định chọn công việc bán thời gian để dành thì giờ cho con cái. Nếu kết quả là bạn gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn, bạn nên đảo ngược quyết định bằng cách tìm công việc toàn thời gian.
  4. Nói chuyện với bạn bè hoặc thành viên gia đình. Đừng cảm thấy phải một mình đưa ra quyết định khó khăn. Hãy liệt kê sự giúp đỡ của người bạn đáng tin cậy hoặc thành viên gia đình để hỗ trợ bạn hoặc ít nhất là lắng nghe những vấn đề của bạn. Chia sẻ thông tin chi tiết về quyết định cũng như nỗi sợ của bạn về điều tồi tệ có thể xảy ra. Việc này giúp bạn dễ nói ra những lo ngại về quyết định, nhờ đó, bạn bè hoặc thành viên gia đình có thể đưa ra lời khuyên hữu ích và/hoặc những lời động viên bạn vững tâm.[4]
    • Bạn cũng có thể cân nhắc nói chuyện với người vừa từ bỏ vị trí đó và có quan điểm trung dung. Thông thường chuyên gia trị liệu là người rất hữu ích trong trường hợp này.
    • Thậm chí bạn có thể xem xét việc tìm kiếm trên mạng những người có kinh nghiệm trong tình huống tương tự. Nếu bạn cố gắng quyết định giữa công việc toàn thời gian với công việc bán thời gian để dành nhiều thì giờ cho con cái, bạn có thể đăng vấn đề của bạn trên diễn đàn cha mẹ trực tuyến. Bạn sẽ thấy quan điểm của những người đã phải đưa ra quyết định tương tự cũng như một số người cho bạn biết họ sẽ làm gì trong trường hợp của bạn.

Cân nhắc Quyết định[sửa]

  1. Tĩnh tâm. Cảm xúc thăng hoa, tích cực hay tiêu cực, đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bạn đưa ra quyết định đúng đắn. Khi bạn cần phải quyết định, bước đầu tiên thường là càng tĩnh tâm càng tốt. Nếu bạn không tĩnh tâm, hãy đừng đưa ra quyết định đến khi nào bạn suy nghĩ thông suốt.[5]
    • Thử hít thở sâu một vài lần để giúp bạn tĩnh tâm. Nếu bạn có nhiều thời gian hơn, hãy vào một căn phòng yên tĩnh và thực hành khoảng 10 phút hít thở sâu.
    • Để thực hiện bài tập hít thở sâu, hãy bắt đầu bằng việc đặt một tay trên bụng ngay dưới xương sườn và tay kia đặt trên ngực. Khi hít vào, bạn sẽ nhận thấy bụng và ngực phồng lên.[6]
    • Hít vào từ từ qua mũi. Đếm đến 4 khi hít vào. Tập trung cảm nhận hơi thở khi phổi nở ra.
    • Nín thở 1-2 giây.
    • Nhẹ nhàng thở ra qua mũi hoặc miệng. Đếm đến 4 khi thở ra.
    • Lặp lại quá trình này 6-10 lần mỗi phút trong 10 phút.
  2. Thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Hầu hết các quyết định được đưa ra đúng hơn khi bạn có đủ thông tin để quyết định một cách rõ ràng. Đưa ra quyết định, nhất là về những chủ đề quan trọng, nên dựa vào tính logic. Hãy tiến hành tra cứu để tìm càng nhiều thông tin về quyết định càng tốt.[7]
    • Ví dụ, nếu bạn cố gắng quyết định giữa duy trì công việc toàn thời gian với chuyển sang công việc bán thời gian để dành nhiều thì giờ cho con cái hơn, bạn cần biết thu nhập bạn sẽ mất đi hàng tháng khi chuyển việc. Bạn cũng cần tính đến lượng thời gian bạn sẽ ở bên con mình nhiều lên như thế nào. Ghi lại thông tin này, cũng như bất kỳ thông tin liên quan nào giúp bạn đưa ra quyết định.[8]
    • Bạn cần xem xét các lựa chọn khác nữa và thu thập thông tin về chúng. Ví dụ, bạn có thể hỏi ông chủ liệu bạn có thể làm việc từ xa ít nhất vài ngày trong tuần hay không.
  3. Sử dụng kỹ thuật “năm câu hỏi vì sao” để hiểu rõ vấn đề. Tự hỏi “câu hỏi vì sao?” năm lần có thể giúp bạn phát hiện ra nguồn gốc vấn đề và xác định liệu bạn có đưa ra quyết định vì lý do chính đáng.[9] Ví dụ, nếu bạn cố gắng đưa ra quyết định giữa việc giữ công việc toàn thời gian với việc chuyển sang công việc bán thời gian để dành nhiều thì giờ cho gia đình, năm câu hỏi tại sao có thể là:
    • “Tại sao mình cân nhắc công việc bán thời gian?” Bởi vì mình chẳng bao giờ được gặp lũ trẻ. “Tại sao mình chẳng bao giờ được gặp lũ trẻ?” Bởi vì mình làm việc về muộn hầu hết các buổi tối. “Tại sao mình làm việc về muộn hầu hết các buổi tối?” Bởi vì công ty có khách hàng mới và việc này chiếm nhiều thời gian của mình. “Tại sao điều đó chiếm nhiều thời gian của mình?” Bởi vì mình cố gắng làm việc tốt và hy vọng được bù đắp bằng việc thăng tiến. “Tại sao mình muốn thăng tiến?” Để kiếm nhiều tiền hơn chu cấp cho gia đình.
    • Trong trường hợp này, năm câu hỏi tại sao cho thấy bạn đang cân nhắc giảm giờ làm dù bạn hy vọng được thăng tiến. Có sự xung đột ở đây cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra quyết định đúng đắn.
    • Năm câu hỏi tại sao cũng cho thấy vấn đề có thể chỉ là tạm thời, bạn làm việc nhiều vì có khách hàng mới. Hãy xem xét: liệu thời gian làm việc còn nhiều không khi bạn quen với khách hàng mới hơn?
  4. Hãy nghĩ ai là người bị ảnh hưởng. Đầu tiên và trên hết, bạn cần xem xét việc quyết định ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Đặc biệt là quyết định ảnh hưởng như thế nào đến cách bạn coi bản thân là một người nào đó? Giá trị và mục tiêu của bạn là gì? Đưa ra quyết định không có khả năng “điều hòa giá trị” (tức là chúng không phù hợp với niềm tin cốt lõi định hướng bạn) có thể khiến bạn không hạnh phúc và bất mãn.[10][11]
    • Ví dụ, nếu giá trị cốt lõi đối với bạn là một phần sâu sắc trong cá tính của bạn, là tham vọng, thì việc chuyển sang công việc bán thời gian có thể không phù hợp vì bạn sẽ không còn theo đuổi tham vọng được thăng tiến và trở thành người đứng đầu công ty.
    • Đôi khi giá trị cốt lõi của bạn có thể xung đột với giá trị khác. Ví dụ, bạn có cả tham vọng và những định hướng gia đình đều là giá trị cốt lõi. Bạn cần ưu tiên giá trị này hơn giá trị kia để đưa ra quyết định. Hiểu được giá trị nào sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.
    • Bạn cũng nên cân nhắc tác động của vấn đề hoặc quyết định đối với người khác. Liệu kết quả có thể xảy ra ảnh hưởng tiêu cực đến người bạn quan tâm không? Hãy cân nhắc cả những giá trị khác trong quá trình đưa ra quyết định, đặc biệt nếu bạn đã kết hôn hoặc có con.
    • Ví dụ, quyết định chuyển sang làm công việc bán thời gian có thể ảnh hưởng tích cực đến con bạn vì điều đó có nghĩa chúng sẽ có nhiều thì giờ ở cạnh bạn, nhưng có thể tác động xấu đến bạn vì bạn phải từ bỏ tham vọng được thăng tiến. Điều đó cũng tác động tiêu cực đến gia đình bạn vì khiến thu nhập giảm đi.
  5. Liệt kê tất cả lựa chọn của bạn. Thoạt nhìn, có vẻ như chỉ có một sự lựa chọn, nhưng thường điều đó không đúng. Thậm chí nếu tình huống của bạn không nhiều, cố gắng liệt kê danh sách các tình huống khác thay thế. Đừng đánh giá về chúng đến khi có một danh sách đầy đủ. Hãy thực hiện tỉ mỉ. Nếu bạn khó đưa ra các tình huống thay thế, hãy suy nghĩ cùng với một vài người thân trong gia đình hoặc bạn bè.[7]
    • Tất nhiên, đó không nhất thiết là một danh sách ghi ra giấy. Có thể danh sách đó chỉ cần ở trong đầu bạn!
    • Bạn luôn có thể loại bỏ các vấn đề ra khỏi danh sách sau này, nhưng những ý tưởng điên rồ lại có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo mà bạn chưa từng cân nhắc ở đâu cả.
    • Ví dụ, bạn có thể tìm một công việc toàn thời gian khác ở công ty nhưng không đòi hỏi làm ngoài giờ nhiều. Bạn có thể thuê người để làm việc nhà, để có thời gian rỗi cho gia đình. Thậm chí bạn có thể tạo ra một buổi tối “cả gia đình làm việc” mà mọi người cùng làm việc với nhau trong một căn phòng để giúp bạn cảm thấy gắn kết hơn.
    • Các nghiên cứu cũng cho thấy quá nhiều lựa chọn có thể dẫn đến sự lộn xộn và khó đưa ra quyết định hơn.[12] Khi bạn có danh sách, hãy gạch bỏ những lựa chọn hoàn toàn không thực tế. Cố gắng giữ khoảng năm lựa chọn trong danh sách.
  6. Tạo bảng tính để so sánh lợi ích và thiệt hại dự kiến của quyết định. Nếu vấn đề của bạn phức tạp và bạn cảm thấy choáng ngợp bởi quá nhiều kết quả có thể xảy ra, cân nhắc tạo bảng tính để theo dõi quá trình ra quyết định. Bạn có thể dùng phần mềm Microsoft excel để tạo bảng tính hoặc đơn giản là tạo bảng tính trên giấy.[7]
    • Để lập bảng tính, tạo cột cho từng lựa chọn bạn đang xem xét. Trong mỗi cột tạo hai cột nhỏ để so sánh lợi ích và thiệt hại của từng kết quả có thể xảy ra. Dùng dấu + và – để quy định đâu là mặt tích cực và đâu là mặt tiêu cực.
    • Bạn cũng có thể cho điểm giá trị đối với từng vấn đề trong danh sách. Ví dụ, bạn có thể chấm điểm +5 cho nội dung “sẽ ăn cơm với các con mỗi tối” trong danh sách “Chuyển sang Công việc Bán thời gian”. Mặt khác, bạn có thể chấm điểm -20 đối với nội dung “sẽ giảm thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng” trong cùng một danh sách.
    • Sau khi hoàn thiện bảng tính, bạn có thể cộng các điểm giá trị và xác định quyết định nào có số điểm cao nhất. Hãy nhớ rằng có thể bạn không đưa ra quyết định được nếu chỉ áp dụng cách này.
  7. Hãy tạo khoảng lặng giữa những lúc suy nghĩ. Những người sáng tạo có thể không biết điều này, nhưng ý tưởng, quyết định và giải pháp nảy ra khi họ không nghĩ hoặc nghĩ chậm. Điều đó có nghĩa là những giải pháp hay ý tưởng thông minh và sáng tạo có thể xuất hiện trong trạng thái ý thức không suy nghĩ. Đó là lý do vì sao mọi người ngồi thiền.
    • Điều quan trọng là đặt ra câu hỏi và thu thập thông tin hoặc kiến thức trước khi ra quyết định, nhưng nếu bạn muốn đưa ra quyết định thực sự thông minh và sáng tạo, bạn cần ngừng suy nghĩ hoặc ít nhất là suy nghĩ chậm lại. Thiền thở là một trong những phương pháp phi cấu trúc để tạo khoảng lặng giữa những lần suy nghĩ giúp cho sự sáng tạo và thông thái của vũ trụ ngấm vào người bạn. Phương pháp phi cấu trúc này không đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian vì bạn có thể nhận biết được hơi thở khi thực hiện những công việc hàng ngày như nấu ăn, đánh răng, đi dạo, v.v... Để biết thêm chi tiết và các phương pháp khác, hãy đọc các bài viết cùng chuyên mục.
    • Hãy xem ví dụ sau: Một nhạc sĩ có kiến thức và thông tin (công cụ) để viết nhạc như chơi nhạc cụ, hát, viết bài hát, v.v... nhưng sự thông minh sáng tạo được truyền tải qua công cụ mới chính là thứ điều khiển các công cụ đó. Đúng vậy, kiến thức về nhạc cụ, hát, v.v... là quan trọng nhưng sự thông minh sáng tạo mới làm nên tinh hoa của bài hát.
  8. Học cách phân biệt giữa quyết định bốc đồng và quyết định thông minh. Thông thường sự bốc đồng một lúc nào đó sẽ mất đi. Ví dụ: quyết định đi ăn, mua sắm, du lịch, v.v... Tuy nhiên, quyết định thông minh sẽ tồn tại trong ý thức một thời gian, có thể là nhiều ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng.
    • Một quyết định thông minh có thể xuất hiện dưới hình thức bốc đồng nhưng hãy để ý nếu bạn có cảm nhận giống như quyết định bất chợt sau một lúc nào đó. Và đó là lý do vì sao bạn cần có khoảng lặng sau khi thu thập thông tin, đặt câu hỏi, để đưa ra quyết định thông thái.
    • Thử nghiệm: Chú ý chất lượng hành động sau khi bạn hít thở sâu so với hành động lúc mới xuất hiện một cách bốc đồng.

Đưa ra Quyết định[sửa]

  1. Hãy tự coi bản thân như một người bạn. Đôi khi việc tạm thời chưa đưa ra quyết định có thể giúp bạn xác định lựa chọn đúng đắn. Hãy nghĩ như thể bạn sẽ khuyên một người bạn tốt đang cố gắng đưa ra quyết định tương tự. Bạn sẽ khuyên họ đưa ra quyết định gì? Tại sao bạn khuyên như vậy?[13]
    • Thử chơi trò phân vai khi áp dụng phương pháp này. Ngồi cạnh một chiếc ghế trống và giả vờ bạn đang nói với một người nào đó.
    • Nếu bạn không muốn ngồi nói chuyện một mình, có thể thử viết thư cho bản thân để xin lời khuyên. Hãy bắt đầu bức thư bằng cách viết: “X thân mến, tôi đã xem tình huống của bạn. Theo tôi, điều tốt nhất bạn nên làm là ____”. Hãy viết tiếp bức thư bằng cách trình bày quan điểm của bạn (từ góc nhìn của người ngoài).
  2. Chơi trò phản biện. Trò chơi này có thể giúp bạn lựa chọn bạn thực sự cảm thấy quyết định đó như thế nào vì bạn buộc phải có góc nhìn đối lập và tranh luận để bảo vệ như thể đó là quan điểm của bạn. Nếu lập luận mà bạn sử dụng để chống lại điều gì bạn muốn thực hiện có lý, bạn sẽ có thêm thông tin để cân nhắc.[14]
    • Để chơi trò phản biện, cố gắng đưa ra lập luận chống lại mọi lý do chính đáng để thực hiện lựa chọn bạn ưu tiên hơn. Nếu việc phản biện dễ dàng, bạn cần đưa ra lựa chọn khác.
    • Ví dụ, nếu bạn nghiêng về việc đi làm bán thời gian để dành thì giờ nhiều hơn cho con cái, hãy phản biện bằng cách chỉ ra rằng bạn đã dành nhiều thời gian quý báu với con vào cuối tuần và kỳ nghỉ. Bạn cũng có thể lập luận rằng tiền bạc và cơ hội thăng tiến mà bạn mất đi đáng để bạn bỏ qua một vài bữa tối với gia đình vì chúng tốt cho lũ trẻ hơn là dành thêm một vài giờ đồng hồ cho bọn trẻ vào buổi tối. Điều đó cũng có lợi cho sự thăng tiến của bạn, đáng để bạn cân nhắc.
  3. Xem liệu bạn có cảm thấy có lỗi. Đưa ra quyết định để thoát khỏi cảm giác có lỗi là bình thường, nhưng cảm giác có lỗi không phải là động lực tích cực để đưa ra quyết định lành mạnh. Cảm giác có lỗi thường bóp méo cách nhìn của chúng ta về sự kiện và kết quả khiến ta không nhìn thấy chúng (hoặc vai trò của chúng ta trong đó) rõ ràng.[15] Cảm giác có lỗi đặc biệt thường thấy ở phụ nữ đi làm, những người phải đối mặt với áp lực xã hội để cân bằng một cách hoàn hảo giữa công việc và cuộc sống gia đình.[16]
    • Làm mọi việc vì cảm thấy có lỗi còn có thể nguy hiểm vì khiến ta đưa ra quyết định không phù hợp với giá trị của mình.[10][17]
    • Một cách để nhận biết động cơ thúc đẩy của cảm giác có lỗi là tìm những câu nói dạng “cần” hoặc “phải”.[18] Ví dụ, bạn cảm thấy dường như “Bố mẹ tốt cần dành tất cả thời gian cho con cái” hoặc “Ông A làm việc trong X giờ chắc chắn là ông bố tồi”. Những câu nói như vậy dựa trên đánh giá bên ngoài, không phải trên giá trị của bạn.
    • Vì vậy, để xác định liệu quyết định của bạn có do cảm giác tội lỗi điều khiển hay không, hãy lùi lại một bước và kiểm tra tình huống thực, cũng như giá trị cá nhân của bạn (niềm tin cốt lõi định hình cuộc sống của bạn) cho bạn biết điều gì là đúng. Bọn trẻ có thực sự bị ảnh hưởng vì bạn làm việc toàn thời gian? Hay có phải bạn nghĩ như vậy vì đó là cách những người khác bảo bạn “cần” cảm thấy như thế?
  4. Nghĩ về tương lai. Cuối cùng, cách tốt nhất để đưa ra quyết định là nghĩ về việc bạn cảm thấy thế nào sau vài năm. Suy nghĩ về việc bạn sẽ nghĩ mình sẽ ra sao khi nhìn vào gương. Bạn sẽ giải thích như thế nào cho cháu của mình. Nếu bạn không muốn biết kết quả trong dài hạn là gì, bạn nên xem lại cách tiếp cận của mình.[4]
    • Ví dụ, bạn có nghĩ trong 10 năm tới bạn sẽ ân hận vì đã quyết định chuyển sang làm việc bán thời gian? Nếu vậy thì tại sao? Bạn sẽ được gì trong 10 năm làm việc toàn thời gian mà bạn không có được khi làm việc bán thời gian?
  5. Hãy tin vào bản năng của mình. Có thể bạn có cảm giác quyết định nào là đúng đắn, vì vậy, nếu tất cả các cách khác đều thất bại, hãy tin vào trực giác của mình. Đưa ra quyết định dựa vào việc bạn cảm thấy điều gì là đúng trong khi bảng tính cho thấy điều ngược lại. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người quyết định dựa trên cảm tính có xu hướng hài lòng với quyết định của mình hơn những người tính toán kỹ lưỡng.[19][12]
    • Tự hỏi bản thân cần làm gì. Nếu bạn có trực giác tốt và biết rằng quyết định nào sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng nhất, bạn hãy nghiêng về quyết định đó. Chính sự thay đổi và không thoải mái với điều mình không biết khiến cho việc đưa ra quyết định trở nên khó khăn.
    • Dành một chút thời gian để suy ngẫm có thể giúp bạn cảm nhận được trực giác của mình.
    • Càng đưa ra quyết định nhiều, bạn càng trau dồi và rèn giũa trực giác của mình tốt hơn.[4]
  6. Có kế hoạch dự phòng. Lên kế hoạch có thể giúp bạn đỡ lo ngại về những kết quả tiêu cực có thể xảy ra. Hãy xây dựng kế hoạch dự phòng để xử lý tình huống xấu nhất. Dù bạn có thể không cần đến kế hoạch này thì việc đưa ra kế hoạch dự phòng đơn giản là giúp bạn cảm thấy được trang bị tốt hơn để giải quyết tình huống xấu nhất. Những người ở vị trí lãnh đạo thường được kì vọng có kế hoạch dự phòng vì những điều tồi tệ luôn có thể xảy ra. Cách này cũng hữu ích khi đưa ra quyết định không quan trọng.[4]
    • Có kế hoạch dự phòng cũng cho phép bạn đối phó với những thách thức hay trở ngại chưa từng gặp phải một cách linh hoạt. Khả năng thích nghi với tình huống không lường trước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của quyết định.
  7. Đưa ra lựa chọn. Dù quyết định bạn đưa ra là gì, hãy sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm đối với mọi kết quả. Nếu mọi việc không thành công, đưa ra quyết định tỉnh táo luôn tốt hơn là không cẩn thận. Ít nhất bạn có thể nói rằng bạn đã cố gắng hết sức. Hãy đưa ra quyết định và sẵn sàng thực hiện.[4]

Lời khuyên[sửa]

  • Không có kịch bản nào là hoàn hảo. Khi bạn đưa ra quyết định, hãy thực hiện bằng cả trái tim tốt nhất có thể để không hối tiếc và không lo lắng vì những quyết định khác không được chọn.
  • Coi mọi lựa chọn đều tốt như nhau nếu bạn đã suy nghĩ về quyết định một thời gian dài. Trong trường hợp đó, mọi lựa chọn đều có ưu và nhược điểm lớn. Bạn sẽ đưa ra được quyết định nếu một trong các lựa chọn đó có thể chứng tỏ là tốt hơn hẳn những lựa chọn trước đó.
  • Hãy nhớ rằng bạn có thể không đủ thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn. Hãy tra cứu thêm nếu bạn khó thu hẹp các lựa chọn. Bạn cũng cần hiểu rằng thông tin bạn cần có thể không sẵn có. Sau khi xem lại thông tin mình có, bạn có thể phải đi tiếp và đưa ra quyết định.
  • Sau khi ra quyết định, thông tin quan trọng mới xuất hiện cho thấy cần điều chỉnh hoặc thay đổi hoàn toàn quyết định ban đầu của bạn. Hãy sẵn sàng thực hiện quá trình ra quyết định lần nữa nếu điều đó xảy ra. Linh hoạt là một kỹ năng tuyệt vời.
  • Hãy hạn chế thời gian nếu phải đưa ra quyết định sớm hoặc nếu quyết định không quan trọng lắm. Rủi ro "bế tắc vì phân tích" là có thực. Nếu bạn cố gắng đưa ra quyết định sẽ thuê bộ phim nào để xem cuối tuần, đừng dành cả giờ đồng hồ để viết tên các phim ra.
  • Nếu bạn cố quá, bạn có thể bỏ qua điều hiển nhiên. Tránh suy nghĩ quá nhiều.
  • Tránh đưa ra quá nhiều lựa chọn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc chúng ta không muốn giới hạn lựa chọn sẽ dẫn đến những quyết định không thành công.[20]
  • Liệt kê thuận lợi và hạn chế! Bạn cũng có thể liệt kê các lựa chọn, và giảm dần đến khi chỉ còn hai khả năng. Hãy trao đổi với mọi người về chúng để có quyết định cuối cùng.
  • Hãy nhớ rằng ở một điểm nào đó, không quyết định trở thành quyết định không làm gì cả, đó có thể là quyết định tồi nhất.
  • Coi mọi trải nghiệm là bài học. Bằng cách đưa ra quyết định quan trọng, bạn sẽ luôn học được cách đối mặt với hậu quả và thậm chí sử dụng các trở ngại như bài học để phát triển và thích nghi.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh làm bản thân quá căng thẳng. Điều đó chỉ khiến mọi việc xấu đi.
  • Hãy tránh xa những người làm như họ muốn điều tốt nhất cho bạn nhưng thừa biết điều mà bạn không biết. Những gợi ý của họ có thể đúng, nhưng nếu họ từ chối giải thích nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ và lo ngại của bạn, có thể họ cũng sai. Bạn cũng nên tránh những người làm bạn mất niềm tin.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cognitivetherapyguide.org/thought-records.htm
  2. 2,0 2,1 http://www.mdaap.org/Bi_Ped_Challenging_Catastrophic_Thinking.pdf
  3. https://www.psychologytoday.com/blog/the-power-prime/201311/how-do-you-make-major-life-decision
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 http://www.forbes.com/sites/mikemyatt/2012/03/28/6-tips-for-making-better-decisions/
  5. http://www.pickthebrain.com/blog/decision-making/
  6. http://healthland.time.com/2012/10/08/6-breathing-exercises-to-relax-in-10-minutes-or-less/
  7. 7,0 7,1 7,2 http://www.kent.ac.uk/careers/sk/decisionmaking.htm
  8. http://www.mindtools.com/pages/article/newTED_00.htm
  9. http://www.cms.gov/Medicare/Provider-Enrollment-and-Certification/QAPI/downloads/FiveWhys.pdf
  10. 10,0 10,1 https://www.psychologytoday.com/blog/dont-delay/201004/are-your-goals-value-congruent
  11. http://www.mindtools.com/pages/article/newTED_85.htm
  12. 12,0 12,1 http://gbr.pepperdine.edu/2010/10/great-leaders-are-great-decision-makers/
  13. http://lifehacker.com/four-tricks-to-help-you-make-any-difficult-decision-987762341
  14. https://www.ideals.illinois.edu/bitstream/handle/2142/29170/useofdevilsadvoc1036schw.pdf?sequence=1
  15. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3490329/
  16. http://www.workingmother.com/research-institute/what-moms-choose-working-mother-report
  17. http://www.wire.wisc.edu/yourself/selfreflectknowyourself/Yourpersonalvalues.aspx
  18. http://www.cci.health.wa.gov.au/docs/ACFE3E6.pdf
  19. Timothy D. Wilson et al., “Introspecting about Reasons Can Reduce Post-Choice Satisfaction,”Personality and Social Psychology Bulletin, 19 (1993): 331–339.
  20. http://www.nytimes.com/2008/02/26/science/26tier.html

Liên kết đến đây