Đối phó chứng ngất xỉu

Từ VLOS
(đổi hướng từ Đối phó Chứng ngất xỉu)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ngất xỉu là sự mất ý thức ngắn và đột ngột. Tình trạng tỉnh táo thường được khôi phục hoàn toàn ngay sau đó.[1] Ngất xỉu, hay hội chứng ngất theo thuật ngữ y học, bắt nguồn từ sự thiếu máu lên não tạm thời và tụt huyết áp. Trong hầu hết trường hợp, nạn nhân hồi phục ý thức trong vòng một hay hai phút kể từ thời điểm bị ngất.[2] Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ngất xỉu, từ mất nước, đứng dậy đột ngột khi ngồi lâu đến bệnh tim nghiêm trọng. Bạn sẽ làm gì khi chứng kiến ai đó hay chính bản thân bạn bị ngất xỉu?

Các bước[sửa]

Xử lí tình huống Ngất xỉu của Người khác[sửa]

  1. Giữ bình tĩnh khi cố gắng giúp đỡ ai đó ngất xỉu. Nếu nhận thấy ai đó sắp ngất, cố giữ và giúp anh/cô ấy từ từ nằm xuống. Khi ngất, nạn nhân không thể dùng tay bảo vệ mình lúc ngã. Giúp nạn nhân không bị va đập với mặt đất sẽ tránh được chấn thương đầu hay những chấn thương nghiêm trọng khác.
  2. Đặt nạn nhân nằm ngửa. Vỗ hay lắc người bị nạn để biết liệu cô ấy có đang phục hồi ý thức hay chưa. Trong hầu hết trường hợp, người ngất xỉu có thể nhanh chóng khôi phục ý thức (thường từ 20 giây đến 2 phút).[3]
    • Khi ngất, nạn nhân ngã xuống và khi đó, đầu nằm ngang tim. Ở tư thế này, việc tim bơm máu lên não dễ dàng hơn. Do đó, sự phục hồi cũng có thể đến đột ngột như khi bị ngất.[3]
    • Khi nạn nhân tỉnh lại, hãy hỏi về bất kỳ tình trạng y tế hay triệu chứng từ trước nào có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngất xỉu. Những triệu chứng như đau đầu, co giật, tê hay ngứa ran, tức ngực hoặc khó thở đều đáng lo ngại. Trong những trường hợp đó, bạn nên gọi cấp cứu (EMS – emergency services).[4]
  3. Giúp nạn nhân nghỉ ngơi khi tỉnh lại. Nới lỏng quần áo (như cổ áo hay cà vạt) để nạn nhân được thoải mái hơn.
    • Đặt nạn nhân nằm xuống và nghỉ ngơi trong ít nhất 15-20 phút. Nhờ đó, máu có đủ thời gian lên não.[4]
    • Để nạn nhân có không gian thở và quạt mát bằng không khí trong lành. Nếu sự việc xảy ra ở nơi công cộng, đám đông tò mò thường tập trung xung quanh. Hãy yêu cầu mọi người lùi lại trừ khi họ thật sự có thể giúp đỡ.
    • Khi nạn nhân đã tỉnh táo và ổn định, hãy cấp nước và/hoặc thức ăn – chúng hỗ trợ phục hồi. Mất nước và hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) là nguyên nhân ngất xỉu phổ biến.
    • Đừng để nạn nhân đứng dậy quá nhanh. Hãy động viên cô ấy nằm thêm một vài phút nữa, tạo điều kiện để não được cấp máu đầy đủ. Đứng dậy quá nhanh có thể khiến nạn nhân ngất xỉu trở lại. Thêm vào đó, sau khi tỉnh, nạn nhân có thể sẽ cố giả vờ như không có gì xảy ra, đứng dậy và bước đi thật nhanh sau tai nạn.
    • Nếu nạn nhân bị chấn thương đầu, có triệu chứng bổ sung (như khó thở, đau ngực, đau đầu dữ dội,…) hoặc những tình trạng y tế trước đó (có thai, đau tim,…), cô ấy nên khám bác sĩ.
  4. Kiểm tra mạch đập nếu người đó không hồi tỉnh.[4] Gọi hoặc nhờ người khác gọi cấp cứu. Đồng thời, yêu cầu ai đó tìm máy khử rung tự động ngoài lồng ngực (ADE). Kiểm tra mạch cổ bởi đây là nơi có mạch đập mạnh nhất. Đặt ngón trỏ và ngón giữa lên cổ người bị nạn, về một bên của khí quản và cảm nhận mạch đập.[5]
    • Kiểm tra mạch đập lần lượt từng bên. Kiểm tra đồng thời có thể gây cản trở việc cung cấp máu lên não.
    • Nếu có mạch, cố nâng chân nạn nhân lên cách mặt đất từ 30 cm đến 1 m. Điều này sẽ hỗ trợ máu lên não.
  5. Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) nếu không tìm thấy mạch. Trong trường hợp không rành về CPR, hãy hỏi xem có chuyên viên y tế nào gần đó hay không.[6]
    • Quỳ gối cạnh nạn nhân.
    • Đặt một tay lên giữa ngực nạn nhân, tiếp xúc bằng gan bàn tay.
    • Đặt tay còn lại lên trên tay thứ nhất.
    • Giữ thẳng khuỷu tay.
    • Dùng sức nặng cả người trên ép xuống ngực nạn nhân.
    • Ngực phải được ép xuống ít nhất 5 m mỗi lần ép.
    • Ép ngực với tốc độ khoảng 100 lần mỗi phút.
    • Tiếp tục ép ngực cho đến khi cấp cứu đến và tiếp nhận nạn nhân.
  6. Giữ bình tĩnh và trấn an nạn nhân. Giữ bình tĩnh và kiểm soát tình hình có thể làm nên tất cả sự khác biệt.

Xử lí tình huống Tự ngất xỉu[sửa]

  1. Học cách nhận biết dấu hiệu sắp bị ngất. Điều tốt nhất có thể làm khi biết bản thân dễ bị ngất là học cách nhận biết các dấu hiệu. Khi đó, hãy giữ sổ tay hoặc nhật ký ghi chép về những triệu chứng của chính bạn. Nếu biết trước bản thân sắp xỉu, bạn có thể thực hiện những biện pháp đề phòng thích hợp và tránh được những chấn thương nghiêm trọng. Dấu hiệu cho thấy có khả năng bạn sắp xỉu bao gồm:[3]
    • Buồn nôn, chóng mặt hoặc có cảm giác lâng lâng
    • Thấy những đốm đen hay trắng hoặc có tình trạng thị giác mờ hay thị giác đường hầm
    • Cảm thấy rất nóng hoặc đổ mồ hôi
    • Bao tử khó chịu
  2. Tìm nơi nào đó nằm xuống nếu có cảm giác sắp ngất. Nâng chân, tạo điều kiện để máu lên não.
    • Nếu không thể nằm, ngồi xuống và đặt đầu giữa hai gối.
    • Nghỉ từ 10-15 phút.
  3. Thở sâu. Hít sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Điều này cũng giúp bạn bình tâm hơn.
  4. Gọi giúp đỡ. Gọi giúp đỡ là việc nên làm bởi nó cảnh báo người khác về tình trạng của bạn. Họ có thể giữ bạn khi ngã, đặt bạn ở tư thế giúp cho việc hồi phục và gọi bác sĩ khi cần thiết.
  5. Cố giữ an toàn khi bị ngất. Nếu nhận thấy sắp ngất, việc tránh xa những mối nguy hiểm tiềm ẩn và tối thiểu hóa độ nghiêm trọng của cơn ngất là vô cùng quan trọng.
    • Chẳng hạn như, đưa bản thân về tư thế có thể tránh các vật sắc nhọn khi té.
  6. Thực hiện các bước phòng tránh để không bị ngất trong tương lai. Trong một số trường hợp, ngất xỉu có thể phòng bằng cách thực hiện biện pháp ngăn ngừa và tránh yếu tố có thể khơi mào tình trạng ngất xỉu. Các bước phòng tránh bao gồm:
    • Duy trì tình trạng đủ nước và ăn thường xuyên: Duy trì tình trạng đủ nước bằng cách uống nhiều nước và chất lỏng khác rất quan trọng, đặc biệt là trong trong ngày nắng nóng. Cùng với ăn thường xuyên, thực đơn tốt cho sức khỏe có thể cải thiện cảm giác chóng mặt và đuối sức do đói.
    • Tránh tình huống căng thẳng: Với một số người, ngất xỉu bắt nguồn từ những tình huống căng thẳng, buồn hay lo lắng. Do đó, giữ bình tĩnh bằng cách tránh những tình huống trên hết mức có thể là việc quan trọng cần làm.
    • Tránh thuốc, rượu bia và thuốc lá: Chúng chứa đầy độc chất không tốt cho sức khỏe nói chung và gây ngất xỉu ở một số người.
    • Tránh thay đổi tư thế nhanh: Ngất xỉu đôi khi bắt nguồn từ việc di chuyển đột ngột như đứng dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm. Hãy đứng dậy từ từ và nếu có thể, vịn vào vật chắc chắn nào đó để giữ thăng bằng.
  7. Trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng ngất xỉu tiếp diễn. Nếu ngất thường xuyên hoặc tương đối thường xuyên, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Ngất xỉu có thể là triệu chứng của vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng hơn như bệnh tim hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.
    • Bạn cũng nên khám bác sĩ nếu bị đập đầu trong lúc xỉu, đang mang thai, bị tiểu đường, có vấn đề về tim mạch hay bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào khác, hoặc nếu bạn có những triệu chứng đi kèm như tức ngực, mất tỉnh táo hay khó thở.[7]
    • Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử để xác định nguyên nhân ngất xỉu của bạn. Những kiểm tra sâu hơn như điện tâm đồ hoặc xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện.

Cảnh báo[sửa]

  • Do thay đổi trong hoóc-môn, tình trạng ngất xỉu có thể trở nên thường xuyên trong thời kỳ mang thai. Ở giai đoạn sau của thời kỳ mang thai, sự mở rộng của tử cung có thể gây sức ép lên mạch máu và ảnh hưởng đến việc đưa máu về tim. Từ đó, dẫn đến tình trạng ngất xỉu ở thai phụ.
  • Ngất xỉu phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Nó cũng phổ biến hơn ở người từ 75 tuổi trở lên.[8]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây