Xử lý khi bị trầy xước trên đường

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có bao giờ bạn bị ngã khi đang đi xe máy, xe đạp, trượt ván hoặc trượt băng và bị trầy xước cả một mảng da? Nếu có thì đó là một dạng bỏng ma sát gọi là “trầy xước trên đường”. Vết thương có thể gây đau đớn, nhưng bạn có thể thực hiện các bước đảm bảo cho vết thương không nặng thêm và lành lại.

Các bước[sửa]

Xác định mức độ tổn thương[sửa]

  1. Di chuyển đến nơi an toàn nếu có thể. Nếu bạn gặp tai nạn ở khu vực nguy hiểm như ở giữa đường và còn di chuyển được, bạn hãy ra nơi an toàn hơn (bên lề đường). Như vậy bạn sẽ giảm được rủi ro tiếp tục bị thương.
  2. Giữ bất động các vết thương có thể đe dọa tính mạng. Bạn cần chắc chắn rằng bạn (hoặc người bị nạn) di chuyển được dễ dàng và xương không bị gãy. Nếu không, bạn phải ngừng lại ngay và gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó gọi cấp cứu.[1]
    • Nếu bị thương ở đầu, bạn cần kiểm tra tình trạng chấn động não và gọi cấp cứu ngay lập tức.
  3. Đánh giá mức độ nặng nhẹ của vết thương. Nếu không nhìn rõ vết thương của mình, bạn cần nhờ ai đó xem giúp. Gọi cấp cứu địa phương nếu vết thương có biểu hiện sau:[2]
    • Vết thương sâu đến mức nhìn thấy lớp mỡ, cơ hoặc xương.
    • Máu phun thành tia. Trong trường hợp này, bạn hãy dùng tay hoặc quần áo hay vật liệu khác ép lên vết thương trong khi chờ được trợ giúp. Động tác này sẽ giúp máu chảy chậm lại.
    • Vết thương nham nhở hoặc hai mép vết thương rời ra.
  4. Xác định xem có những vết thương khác không. Một số tổn thương có thể xảy ra bên dưới da và bạn không trông thấy các dấu hiệu tổn thương. Nếu chấn thương từng làm bạn bất tỉnh, có cảm giác mơ hồ, tầm cử động bị hạn chế hoặc cực kỳ đau đớn, bạn cần cân nhắc đến bác sĩ ngay lập tức để được trợ giúp chuyên khoa.

Xử lý vết thương[sửa]

  1. Rửa tay trước khi xử lý vết thương.[3] Bạn cần rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước ấm trước khi chăm sóc vết thương nếu không muốn bị nhiễm trùng. Nếu có sẵn, bạn cũng có thể đeo găng tay dùng một lần trước khi bắt đầu rửa vết thương.
  2. Cầm máu. Nếu vết thương chảy máu, bạn cần cầm máu bằng cách ép lên vị trí đang chảy máu.
    • Dùng băng gạc hoặc vải sạch và ép lên chỗ chảy máu trong vài phút.
    • Thay vải hoặc băng gạc mới nếu máu thấm quá nhiều đến ướt sũng.
    • Nếu máu không ngưng chảy sau 10 phút cầm máu, bạn hãy liên lạc với bác sĩ vì vết thương như vậy có thể phải khâu hoặc xử lý bằng phương pháp khác.[2][4][3]
  3. Giội nước lên vết thương. Để nước mát chảy lên vết thương hoặc giội nước lên vết thương. Nhờ người giúp nếu bạn không thể nhìn thấy hoặc không với tới vị trí của vết thương. Đảm bảo rửa sạch toàn bộ vùng da bị thương, rửa trôi hết bụi bẩn và/hoặc các mảnh vụn.[2][3]
  4. Làm sạch vết thương. Dùng xà phòng kháng khuẩn và nước để làm sạch xung quanh vết thương, nhưng cố gắng không để xà phòng vào vết thương vì xà phòng có thể gây kích ứng.[2][3] Điều này sẽ giúp rửa trôi bụi bẩn và vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng.
    • Trước đây người ta thường dùng ô-xy già và cồn i-ốt để sát trùng các vết thương ngoài da.[5] Tuy nhiên, ô-xy già và cồn i-ốt có thể gây tổn thương cho các tế bào sống, do đó hiện nay các chuyên gia y tế khuyên không nên dùng cồn i-ốt và ô-xy già để rửa vết thương.[2][6][3]
  5. Loại bỏ các mảnh vụn. Nếu có bất cứ dị vật nào kẹt lại trong vết thương như bụi bẩn, cát, dằm, v.v…, bạn có thể dùng nhíp để lấy dị vật ra. Đầu tiên bạn cần rửa sạch và khử trùng nhíp bằng cách dùng bông hoặc gạc nhúng vào cồn isopropyl để lau nhíp.[2][3] Rửa lại vết thương bằng nước mát sau khi các mảnh vụn đã được loại bỏ.
    • Liên lạc với bác sĩ nếu có bụi bẩn hoặc dị vật kẹt sâu trong vết thương mà bạn không lấy ra được.[3]
  6. Nhẹ nhàng thấm khô. Dùng vải hoặc khăn sạch để thấm khô sau khi rửa sạch vết thương. Không nên lau mà chỉ chấm nhẹ để tránh gây đau.
  7. Bôi kem kháng sinh, nhất là khi vết thương bị bẩn. Kem kháng sinh có thể chống nhiễm trùng trong thời gian vết thương được chữa lành.[2][3]
    • Có rất nhiều loại kem và thuốc mỡ kháng sinh chứa các thành phần hoạt chất hoặc hợp chất khác nhau (ví dụ như bacitracin, neomycin, và polymyxin).[7] Luôn tuân theo hướng dẫn trên nhãn thuốc về liều lượng và cách dùng.
    • Một số thuốc kháng sinh triple-antibiotics như Neosporin có chứa neomycin, vốn có thể gây dị ứng da. Nếu thấy đỏ, ngứa, sưng, v.v… sau khi dùng bất cứ loại nào trong số thuốc này, bạn hãy ngừng sử dụng và chuyển sang dùng loại kháng sinh có chứa polymyxin hoặc bacitracin và không có neomycin.
    • Nếu vì lý do nào đó mà bạn không thể dùng kem kháng sinh bôi ngoài da, bạn có thể dùng sáp petroleum jelly hoặc Aquaphor bôi lên vùng da bị thương. Sáp petroleum jelly sẽ giúp giữ ẩm trong thời gian vết thương lành lại.
  8. Băng vết thương. Bạn cần phải băng vết thương bằng băng gạc để bảo vệ vết thương khỏi bụi bẩn, nhiễm trùng và kích ứng vì bị quần áo cọ vào. Loại băng không dính như Telfa thường được ưa chuộng, hoặc bạn có thể dùng gạc vô trùng và cố định bằng băng dính hoặc băng thun.[8][3]
  9. Nâng cao vết thương. Nâng cao vết thương hoặc cao hơn mức tim càng nhiều càng tốt để giúp giảm sưng và bớt đau. Điều này rất hữu ích trong 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn, và đặc biệt quan trọng với vết thương nặng hoặc bị nhiễm trùng.[9]

Chăm sóc vết thương trong thời gian chữa lành[sửa]

  1. Thay băng mới khi cần. Thay băng hàng ngày hoặc nhiều lần hơn nếu băng bị ướt hoặc bẩn.[2][3] Rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng kháng khuẩn.
  2. Bôi lại kem kháng sinh hàng ngày.[10] Thực hiện việc này mỗi lần thay băng. Tuy không thể giúp vết thương mau lành hơn, kháng sinh có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng. Kem kháng sinh cũng duy trì độ ẩm cho vết thương, tránh đóng vảy hoặc nguy cơ để lại sẹo.[11]
  3. Nâng cao vết thương. Tiếp tục nâng vết thương lên cao hoặc cao hơn tim càng nhiều càng tốt để giảm sưng và bớt đau. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp vết thương nặng hoặc bị nhiễm trùng.[9]
  4. Giảm đau nếu cần. Uống thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen hoặc acetaminophen nếu thấy đau ở vết thương, trừ khi bác sĩ có chỉ định khác.[12]
    • Ibuprofen cũng có tác dụng kháng viêm và có thể giúp giảm sưng.
    • Nếu vùng da quanh vết thương bị khô hoặc ngứa, bạn có thể dùng lotion dưỡng ẩm để giảm cảm giác khó chịu này.
    • Mặc trang phục không kích thích vùng da tổn thương. Nếu có thể, bạn cần mặc quần áo sao cho không cọ vào vết thương trong khi chờ vết thương lành. Ví dụ, nếu vết thương của bạn ở cánh tay, bạn nên mặc áo ngắn tay, còn nếu vết thương ở chân, bạn hãy mặc quần short. Như vậy bạn sẽ thấy thoải mái hơn.
  5. Ăn uống đúng cách. Bạn nhớ phải uống nhiều chất lỏng (khoảng tám ly (ly 240 ml) chất lỏng mỗi ngày, nhất là nước) và ăn thức ăn tốt cho sức khỏe trong thời gian chữa lành vết thương. Việc cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cơ thể sẽ hỗ trợ cho quá trình chữa lành.[13]
  6. Nghỉ ngơi. Bạn cần để vùng tổn thương được nghỉ trong thời gian điều trị. Ví dụ, nếu vết thương ở chân, bạn cần tránh các hoạt động mạnh như chạy hoặc leo trèo. Tránh dùng sức ở bộ phận có vết thương trong khi chờ vết thương lành lại.
  7. Theo dõi quá trình chữa lành vết thương. Nếu được chăm sóc đúng cách, vết trầy xước trên đường thường sẽ lành trong vòng hai tuần.[12]
    • Vết thương của bạn lành nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, dinh dưỡng, mức độ stress, bạn có hút thuốc hay không và có bệnh nào không, v.v... Hơn nữa, kem kháng sinh sẽ chỉ giúp giảm rủi ro nhiễm trùng chứ không thực sự giúp vết thương mau lành hơn. Nếu nhận thấy vết thương lâu lành một cách bất thường, bạn cần phải đi khám, vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn, ví dụ như một căn bệnh nào đó.[14]
  8. Liên lạc với bác sĩ nếu vết thương của bạn trở nặng hơn, hoặc có vẻ nhiễm trùng. Bạn cần sự giúp đỡ chuyên khoa nếu: [2][4][3][12]
    • Có bụi bẩn hoặc dị vật trong vết thương mà bạn không lấy ra được.
    • Vùng tổn thương đỏ, sưng, ấm hoặc đau hơn. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.
    • Có những vệt đỏ tỏa ra từ vết thương.
    • Có mủ chảy ra từ vết thương, đặc biệt nếu có mùi hôi.
    • Có các triệu chứng giống cảm cúm (sốt, lạnh, buồn nôn, nôn, v.v…)

Ngăn ngừa trầy xước trên đường[sửa]

  1. Mặc quần áo và đồ bảo vệ. Trang phục bảo vệ thích hợp như áo dài tay và quần dài sẽ giúp bạn tránh bị trầy xước khi chẳng may ngã trên đường. Khi tham gia vào các hoạt động dễ gây chấn thương, bạn hãy mặc đồ bảo vệ để tăng cơ hội chỉ bị quệt nhẹ và bật trở lại khi có va chạm.[8][15]
    • Ví dụ, bạn nên cân nhắc dùng miếng đệm khuỷu tay, cổ tay và đầu gối khi tham gia chơi các môn thể thao như trượt ván và trượt băng.
    • Mũ bảo hiểm sẽ giúp bạn tránh bị chấn thương đầu trong các môn thể thao tương tự và các hoạt động khác như đi xe đạp và xe máy.
  2. Thực hành an toàn. Biết cách sử dụng đúng các thiết bị liên quan đến các hoạt động mà bạn tham gia như xe máy, xe đạp, v.v… Ngoài ra, tránh những màn biểu diễn nguy hiểm và các hành động liều lĩnh khác. Cẩn thận trên đường là một biện pháp dễ dàng để giảm rủi ro bị trầy xước.
  3. Đảm bảo cập nhật tiêm phòng uốn ván. Phần lớn các vết trầy xước trên đường thường tiếp xúc với bụi bẩn, trong đó có kim loại và các mảnh vụn khác. Điều này có thể dẫn đến rủi ro nhiễm vi trùng uốn ván (cứng hàm). Khi vết thương bị nhiễm bẩn, hầu hết người trưởng thành nên tiêm phòng uốn ván nếu trong vòng năm năm qua không được tiêm. Đến bác sĩ để được tiêm phòng uốn ván ngay khi bị trầy xước trên đường.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]