Mô tả triệu chứng bệnh với bác sĩ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sẽ khá khó khăn khi đi khám bệnh mà triệu chứng bạn gặp phải là của một vấn đề bệnh lý chưa được chẩn đoán. Bệnh nhân thường khó có thể giải thích đầy đủ triệu chứng của mình trong quá trình khám bệnh, và đây lại là yếu tố quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán một cách hiệu quả triệu chứng và phát triển kế hoạch điều trị. Bác sĩ đã được đào tạo để hướng dẫn bạn trong suốt buổi khám bệnh và giúp bạn mô tả các triệu chứng. Bạn có thể tối ưu hóa mọi cuộc hẹn khám bệnh bằng cách mô tả triệu chứng thật đơn giản và ngắn gọn để cả bạn và bác sĩ đều có thể hiểu rõ.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị đi khám bệnh[sửa]

  1. Tìm hiểu về những điều cơ bản trong việc mô tả triệu chứng. Có 4 yếu tố cơ bản mà bạn cần phải sử dụng khi mô tả triệu chứng bệnh. Tìm hiểu về chúng sẽ giúp bạn xác định triệu chứng và truyền đạt nó một cách tốt nhất đến bác sĩ.[1]
    • Bạn nên trình bày với bác sĩ cảm giác mà triệu chứng bệnh đem lại cho bạn. Ví dụ nếu bạn bị đau đầu, bạn cần sử dụng từ ngữ miêu tả như buốt, âm ỉ, nhức nhối hoặc nhói. Bạn có thể dùng những loại từ này để mô tả các triệu chứng về thể chất.[2]
    • Giải thích hoặc chỉ cho bác sĩ biết vị trí chính xác của triệu chứng. Bạn phải nói càng cụ thể càng tốt, vì vậy hãy nói “Khu vực trên xương bánh chè của tôi bị sưng và đau nhói”, thay vì nói chung chung theo kiểu “Tôi bị đau chân”.[2] Bạn cũng nên nêu rõ liệu triệu chứng có lan sang khu vực khác hay không.
    • Bạn nên trình bày về khoảng thời gian bạn gặp phải triệu chứng. Bạn càng nêu rõ thời gian cụ thể bao nhiêu, bác sĩ của bạn sẽ càng dễ xác định nguyên nhân gây bệnh bấy nhiêu.[2]
    • Nói về mức độ thường xuyên mà bạn trải nghiệm hoặc nhận thức được triệu chứng. Thông tin này cũng sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân hình thành triệu chứng. Ví dụ, bạn có thể nói “Những triệu chứng này xuất hiện mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tôi tập thể dục”, hoặc “Chỉ thỉnh thoảng thì triệu chứng mới xuất hiện, như là sau một vài ngày”.
  2. Xác định và viết ra triệu chứng. Điều quan trọng là bạn cần phải nhận biết rõ triệu chứng cụ thể và viết chúng ra giấy trước khi đi khám bệnh. Hành động này không chỉ giúp bạn mô tả triệu chứng một cách tốt nhất, mà còn giúp bảo đảm rằng bạn sẽ không quên phải trình bày về chúng và ảnh hưởng của chúng đến bạn.[3]
    • Bạn nên nhớ đem theo danh sách triệu chứng, bao gồm thông tin cơ bản, khi đến gặp bác sĩ.
    • Ghi chú lại nếu triệu chứng có liên quan đến hoạt động, chấn thương, thời gian, thức ăn, thức uống cụ thể, và bất kỳ điều gì khác khiến chúng trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên ghi chép lại nếu chúng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn theo cách nào đó.[1]
  3. Mang theo hồ sơ bệnh án hiện tại cũng như trước đây đến gặp bác sĩ. Hồ sơ bệnh án toàn diện bao gồm thông tin về loại bệnh, số lần nhập viện, hoặc phẫu thuật mà bạn đã có, loại thuốc bạn đã hoặc đang sử dụng, và bất kỳ tình trạng dị ứng thuốc hoặc thức ăn nào khác. Phương pháp này sẽ giúp bạn luôn ghi nhớ mọi thông tin cần thiết và giúp bác sĩ hiểu rõ về tiền sử bệnh của bạn.[1]
    • Có thể bạn sẽ không cần phải sử dụng đến nó, nhưng nếu bác sĩ có bất kỳ câu hỏi nào về tiền sử bệnh, việc chuẩn bị sẵn hồ sơ bệnh án sẽ giúp tối ưu hóa thời gian bạn dành để thảo luận vấn đề trước mắt.[4]
    • Đem theo toa thuốc hiện tại mà bạn đang sử dụng, bao gồm danh sách tên thuốc và thông tin về liều lượng. Bạn cũng nên nhớ nêu rõ bất kỳ một loại thực phẩm chức năng làm từ thảo mộc nào mà bạn đang dùng.[3]
    • Bạn có thể tự tạo hồ sơ bệnh án bằng cách tóm tắt lại tiền sử bệnh của bạn trên giấy.
  4. Thiết lập danh sách câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ. Bạn nên viết ra danh sách mọi câu hỏi liên quan đến mối lo ngại cấp bách nhất của bạn về triệu chứng trước khi đi khám bệnh. Biện pháp này cũng sẽ giúp tối ưu hóa quá trình khám bệnh và thời gian bạn dành để mô tả triệu chứng.[4]
    • Đề cập đến mọi sự lo lắng nào mà bạn có.

Trong khi khám bệnh[sửa]

  1. Bạn cần phải nói cụ thể, chi tiết, và mô tả càng rõ ràng càng tốt. Mọi người sẽ trải nghiệm triệu chứng theo nhiều cách khác nhau, vì vậy, bạn nên nhớ sử dụng từ ngữ cụ thể, chi tiết và mô tả càng rõ càng tốt. Hành động này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và theo sát tiến trình chăm sóc bạn trong tương lai.[3]
    • Sử dụng tính từ. Ví dụ, nếu bạn đang bị đau, bạn nên cho bác sĩ biết liệu nó là cơn đau âm ỉ, nhói, nặng, hoặc nhức nhối.[3]
  2. Bạn cần phải thành thật với bác sĩ về triệu chứng của mình. Không có lý do gì để bạn phải xấu hổ trước mặt bác sĩ, vì vậy, hãy hoàn toàn trung thực với họ. Không thành thật sẽ khiến bác sĩ khó có thể chẩn đoán triệu chứng bệnh cho bạn.[1]
    • Bác sĩ đã được đào tạo để đối phó với mọi loại bệnh, vì vậy, có thể triệu chứng đang khiến bạn xấu hổ lại là tình trạng mà bác sĩ thường xuyên gặp phải.
    • Bạn nên nhớ rằng mọi thông tin mà bạn cung cấp cho bác sĩ đều sẽ được giữ bí mật theo quy định của pháp luật.[3]
  3. Tóm tắt lý do khiến bạn đi khám bệnh. Hầu hết các bác sĩ sẽ bắt đầu buổi khám bệnh với câu hỏi như "Sao bạn lại phải đi khám bệnh?". Chuẩn bị sẵn một hoặc hai câu trả lời có ý tóm tắt lại triệu chứng sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn và tối ưu hóa quá trình khám bệnh.[3]
    • Một vài triệu chứng phổ biến bao gồm: Đau đớn, yếu người, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, sốt, mê sảng, khó thở, hoặc đau đầu.
    • Ví dụ, bạn có thể nói với bác sĩ rằng “Tôi bị đau bụng và nôn mửa trong hai tuần qua”.

Mô tả triệu chứng cụ thể với bác sĩ[sửa]

  1. Bạn nên cho bác sĩ biết về triệu chứng cụ thể của bạn và vị trí nó xuất hiện. Hãy báo cáo với bác sĩ về triệu chứng cụ thể từ danh sách mà bạn đã chuẩn bị và chỉ ra vị trí mà bạn trải nghiệm nó trên cơ thể. Biện pháp này sẽ giúp họ chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị phù hợp.[5]
    • Nhớ nói cụ thể và mô tả càng rõ ràng càng tốt. Nếu bạn bị đau đầu gối, không nên nói rằng bạn bị đau chân, mà hãy cho bác sĩ biết vị trí chính xác bạn cảm nhận cơn đau là ở đầu gối.
  2. Mô tả thời gian bắt đầu và mức độ thường xuyên triệu chứng xuất hiện. Bạn cần phải trình bày với bác sĩ thời điểm khi triệu chứng của bạn bắt đầu và mức độ thường xuyên nó diễn ra. Điều này sẽ giúp họ đưa ra chẩn đoán khả thi.[5]
    • Bạn nên nhớ nêu rõ thời điểm bắt đầu của triệu chứng, liệu chúng đã chấm dứt hay chưa và tần số tái phát của chúng. Ví dụ, “Tôi bị đau nặng giữa chu kỳ kinh nguyệt và cơn đau kéo dài khoảng 3 ngày".[3]
    • Trình bày với bác sĩ sự ảnh hưởng của triệu chứng đến cuộc sống hằng ngày và khả năng sinh hoạt của bạn.[3]
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng trải nghiệm triệu chứng này trước đây và hoàn cảnh xuất hiện của nó.[5]
    • Thông báo với bác sĩ nếu bạn nhận thấy triệu chứng của bạn trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn tại thời điểm cụ thể trong ngày. Ví dụ, “Tôi bị ngứa hậu môn nặng nề hơn vào buổi tối”.[3]
    • Đề cập đến triệu chứng hoặc tình trạng khác xảy ra cùng lúc. Ví dụ, bạn có thể nói "Trong ba tuần tôi thường bị ngất xỉu, vợ tôi bảo rằng trông tôi rất xanh xao và phân của tôi khá sẫm màu, tôi đã sụt 4,5 kg mặc dù tôi vẫn ăn uống như thường lệ”.
  3. Giải thích về yếu tố làm giảm hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng. Cho bác sĩ biết mọi thứ khiến triệu chứng của bạn trở nên khá hơn hoặc tồi tệ hơn. Điều này sẽ giúp họ đưa ra chẩn đoán và thiết lập kế hoạch điều trị cho bạn.[5]
    • Ví dụ, nếu bạn bị đau, bạn nên nêu rõ mọi cử động khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể mô tả bằng theo kiểu "Khi tôi gập ngón tay về phía lòng bàn tay, tôi cảm thấy đau nhói, nếu không thì nó vẫn bình thường".
    • Mô tả thêm các tác nhân kích thích khác liên quan tới triệu chứng của bạn như thức ăn, thức uống, hoạt động, hoặc thuốc men.
  4. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Bạn nên mô tả mức độ nghiêm trọng của triệu chứng theo thang điểm từ 1 đến 10. Biện pháp này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và cho biết mức độ cấp tính của vấn đề mà bạn đang gặp phải.[3]
    • Thang điểm đánh giá cần phải bắt đầu từ điểm 1 cho tình trạng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến bạn và điểm 10 cho tình trạng tồi tệ nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Hãy thành thật, và không nên giảm thiểu hoặc phóng đại tình hình.
  5. Cho bác sĩ biết nếu người khác cũng đang gặp phải triệu chứng tương tự như bạn. Bạn cần phải thông báo với bác sĩ liệu người mà bạn quen biết có đang trải nghiệm triệu chứng tương tự không. Đây sẽ là lời cảnh báo cho bác sĩ biết được loại chẩn đoán hoặc vấn đề về sức khỏe cộng đồng khác.[3]
  6. Lặp lại triệu chứng của bạn nếu cần. Nếu bác sĩ có vẻ không hiểu điều bạn đang trình bày, bạn nên lặp lại triệu chứng bằng cách sử dụng ngôn ngữ riêng. Phương pháp này sẽ giúp bảo đảm rằng họ sẽ đưa ra chẩn đoán đúng nhất và phát triển kế hoạch điều trị phù hợp.[1]
  7. Không nên tự chẩn đoán trước mặt bác sĩ. Nếu bạn đi khám bệnh thì có nghĩa là bạn không phải là chuyên gia y tế và do đó, bạn không đủ điều kiện để đưa ra chẩn đoán về triệu chứng của bản thân. Bạn nên nhớ chỉ mô tả triệu chứng với bác sĩ chứ không phải là loại bệnh mà bạn nghĩ rằng bạn đang mắc phải.[1]
    • Dành thời gian khám bệnh để mô tả chẩn đoán tiềm năng thay vì triệu chứng thực tế của bản thân sẽ làm tiêu tốn thời gian quý giá của bác sĩ để chẩn đoán một cách hiệu quả.
    • Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra theo triệu chứng mà bạn mô tả. Họ có thể yêu cầu bạn phải xét nghiệm hoặc điều trị.

Lời khuyên[sửa]

  • Cân nhắc đi khám bệnh cùng một người bạn hoặc người thân nếu bạn không biết cách để giải thích vấn đề thể chất của bản thân một cách chính xác, hoặc nếu bạn mau quên hoặc dễ bối rối.
  • Bạn nên nhớ bảo đảm rằng vẻ bề ngoài của bạn tương xứng với triệu chứng mà bạn mô tả. Ví dụ, nếu bạn đang than phiền về cơn đau tệ hại nhất trong suốt cuộc đời bạn, bạn không nên ngồi nhâm nhi tách cà phê, đọc tạp chí và trả lời điện thoại.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây