Đối phó với người thích kiểm soát

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Người thích kiểm soát rất khó đối phó. Họ rất khéo léo trong việc điều khiển và làm cho bạn cảm thấy bị cô lập khỏi những người khác. May mắn thay, khó đối phó không có nghĩa là không thể đối phó. Ngay lúc đó bạn cần giữ thái độ điềm tĩnh và không nên phản ứng. Tiếp theo, vạch rõ ranh giới để người đó không đẩy bạn ra khỏi vùng an toàn một lần nữa. Điều tiết những cảm xúc của bạn. Bạn sẽ phải quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn để không bị hủy hoại bởi một người thích kiểm soát.

Các bước[sửa]

Đối đầu với tình huống khó khăn[sửa]

  1. Không nên phản ứng lại với hành vi tồi tệ. Thứ mà người thích kiểm soát muốn chính là phản ứng của bạn. Họ thậm chí càng không cư xử tốt với bất kỳ sự phản kháng hay chỉ trích. Trái lại, nếu bạn trả lời họ, công kích họ hay nổi giận, ngọn lửa sẽ bùng lên. Thay vì lửa đấu với lửa chúng ta nên cố gắng giữ bình tĩnh.[1]
    • Chẳng hạn, bạn sống chung với bạn trai và một ngày nọ bắt đầu nảy sinh vấn đề vì khi tắm xong bạn không treo khăn ngay vị trí mà anh ấy quy định, bạn cần phải lên tiếng một cách cương quyết và mở đầu một cuộc nói chuyện về vấn đề này. Chỉ cần giữ cho không khí ôn hòa.
    • Bạn có thể nói rằng, "Em biết là anh muốn khăn của anh được treo phía trước. Nhưng mà em muốn treo nó ở đây vì _____. Anh đổi cho em nha, hay em sẽ treo nó ở nơi khác tiện cho em và nhường chỗ này lại cho anh."
    • Người đó càng cố gắng thay đổi ranh giới định mức thì bạn càng phải giữ vững lập trường. Chẳng hạn, "Chúng mình đã thỏa thuận rằng _______ hồi tuần trước, anh có nhớ không?"
  2. Cố gắng đồng cảm. Tuy rằng chúng ta không cần phải biện hộ cho hành vi xấu của người khác, nhưng sẽ tốt hơn nếu ít nhất bạn biết nguyên nhân của nó. Những người có vấn đề về sự kiểm soát thường có những nỗi niềm chôn dấu. Bạn sẽ tìm ra cách hiệu quả nhất để tiếp cận họ nếu thấu hiểu được điều này. Thử tìm hiểu xem điều họ thật sự nhận được khi điều khiển người khác là gì.[2]
    • Ví dụ, bạn sống chung với một cô bạn gái vốn rất thích kiểm soát. Một hôm cô ấy nhìn thấy bạn để lại vài mẩu rác trên bếp vì bận nghe điện thoại. Cô nàng sẽ hỏi, "Sao anh không dọn bãi chiến trường của mình rồi hãy nghe điện thoại?"
    • Sự bừa bộn không phải là vấn đề thật sự ở đây. Đào sâu hơn, nếu một người có bố mẹ mang tính kiểm soát, khao khát sự thống trị hay gia đình vốn dĩ giàu có, chắc chắn đây là cội nguồn của hành vi ấy.
    • Thử hỏi xem tại sao trình tự các hành động của bạn lại trở nên to tát với cô ấy như thế, điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn và cung cấp kịp thời thông tin cần thiết. Có thể người khác không thấy được những điều mà bạn cho là hiển nhiên.
    • Chẳng hạn bạn có thể nói, “Nguyên nhân đặc biệt nào khiến cho em muốn anh phải dọn dẹp trước khi nghe điện thoại vậy?”
    • Hay, "Anh biết là em không thích bày bừa. Đột nhiên điện thoại reo nên anh nghe nó trước. Anh sẽ dọn dẹp sau khi nghe điện thoại xong mà."
  3. Hạn chế tranh cãi. Người thích kiểm soát rất thích cãi vã. Họ không muốn gì hơn là đưa người khác vào một cuộc khẩu chiến dường như chẳng đi đến đâu. Họ cần cảm giác chiến thắng. Bằng cách tránh mọi cuộc cãi vả với họ, bạn sẽ không cho họ thỏa mãn.[2]
    • Đơn giản bạn chỉ cần từ chối tranh cãi. Chẳng hạn, nếu người yêu chuẩn bị cãi nhau với bạn thì hãy nói, “Đúng là anh với em cần nói về chuyện này, nhưng có lẽ không phải lúc cả hai đang nóng giận. Hay là tối mai mình nói chuyện nhé?”
    • Còn về lâu dài, bạn cần phải xác định những vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ và thiết lập ranh giới cá nhân.
  4. Duy trì vẻ điềm tĩnh hết mức có thể. Điều duy nhất bạn không nên làm với một kẻ độc tài đó là khó chịu hoặc tức giận. Người hay kiểm soát thích đánh vào điểm yếu của người khác, khiến người ta suy sụp để đạt được điều mình muốn. Hạn chế đến mức tối đa việc biểu lộ cảm xúc với họ. Một phản ứng lớn của bạn càng khiến họ kích động hơn.[3]
    • Cố gắng hít thở sâu khi phải tương tác với một người thích kiểm soát. Trong lúc họ đang nói bên tai bạn, lờ đi bằng cách thử nghĩ về điều gì đó dễ chịu, như một bãi biển đẹp tuyệt vời chẳng hạn.
    • Nếu buộc phải phản ứng, nói những câu lấp lửng để câu giờ. Ví dụ, "Mình không chắc về chuyện đó. Để mình nghĩ xem."

Thiết lập ranh giới rõ ràng[sửa]

  1. Bạn nên nhớ rằng bạn cũng có những quyền cơ bản. Bất kỳ một tình huống cụ thể nào, bạn vẫn có một số quyền. Đừng quên đi những quyền lợi đó chỉ vì bạn đang tiếp xúc với một người khó khăn. Những người hay kiểm soát có cách thâm nhập vào đầu bạn và làm bạn quên đi những quyền con người cơ bản. Nhắc nhở bản thân rằng bạn xứng đáng được đối xử tử tế.[3]
    • Ai cũng có quyền được tôn trọng, được bày tỏ ý kiến cá nhân, được nói "không" mà không phải cảm thấy có lỗi và được có những quan điểm riêng biệt.
    • Đôi khi chúng ta quên mất mình có những quyền này khi phải đối mặt với một người thích kiểm soát trong thời gian dài. Trước khi tiếp xúc với ai bạn nên tự nhắc mình về những quyền ấy. Giữ nó trong đầu để thiết lập ranh giới cá nhân.
    • Chẳng hạn, người bạn trai thích kiểm soát muốn bạn dành thời gian cho anh ta thay vì đi chơi cùng bạn bè. Nếu một tối bạn không muốn ở nhà cùng xem phim, anh ấy sẽ làm cho bạn cảm thấy có lỗi. Nếu bạn đã sẵn sàng để củng cố ranh giới, hãy nghĩ rằng, "Mình có quyền từ chối mà không phải thấy có lỗi."
  2. Nói với bản thân rằng bạn làm chủ được tình thế. Trước khi xác lập ranh giới, bạn cần lấy lại tự chủ. Tuy chúng ta không thể điều khiển những hành vi tiêu cực của người khác nhưng lại có thể điều khiển được phản ứng của mình với họ. Về mặt tiếp cận ranh giới, bạn có nhiều sự lựa chọn.[4]
    • Thông thường đối với người thích điều khiển, đa số mọi người quyết định mỉm cười và chịu trận. Bạn cũng có thể làm vậy để tránh né người đó. Ví dụ như hạn chế đi đến những cuộc họp mặt gia đình nếu bạn biết ông bố quyền lực của mình cũng ở đó.
    • Thoát khỏi những khuôn mẫu. Hãy nghĩ rằng, "Mình kiểm soát được việc nó có xảy ra hay không. Mình không muốn bị giam lỏng." Quyết định rằng bạn sẽ củng cố sự tự do của chính mình cũng như đòi hỏi sự tôn trọng.
  3. Vạch rõ những giới hạn của bạn. Người hay kiểm soát rất thích phá vỡ ranh giới của người khác. Cho họ biết đâu là giới hạn của bạn. Trình bày rõ ràng rằng những hành vi nào là chấp nhận được và hành vi nào là không thể khoan nhượng.[5]
    • Nhận ra khi nào thì bạn không thể chịu nổi. Đối với một số chuyện nhỏ như quy định chỗ để bát đĩa hay quần áo dơ, bạn có thể đồng tình được. Tuy nhiên đối với những vấn đề khác có thể khó chấp nhận hơn.
    • Nghĩ về những điều mà người đó làm nằm ngoài quan điểm lý trí. Chẳng hạn, bạn không phiền về việc cất điện thoại đi mỗi khi hẹn hò với bạn trai. Tuy nhiên anh ấy mong muốn bạn cắt đứt mọi liên lạc kể cả khi hai bạn chỉ đi dạo quanh công viên gần nhà thì hơi quá đáng. Cho anh ấy biết rằng điều đó thật vô lý đối với bạn.
  4. Vạch rõ ranh giới của bạn một cách trực tiếp. Bạn có thể muốn bản thân trở nên rõ ràng trong chuyện phân chia ranh giới. Có lẽ viết chúng ra giấy và đưa cho người thích kiểm soát xem là một cách hay. Làm cho những giới hạn của bạn càng rõ ràng càng tốt. Bằng lời lẽ chắc như đinh đóng cột, bạn hãy nói cho người đó biết những điều bạn có thể và không thể nhân nhượng trong tương lai.[5]
    • Về bản chất, những người thích kiểm soát thường khó khăn. Họ sẽ làm mọi cách để phớt lờ hay hiểu sai về ranh giới của bạn. Vì thế bạn phải hết sức rõ ràng khi đặt ra giới hạn cá nhân.
    • Nếu như bạn trai của bạn rất thích kiểm soát thì khi vạch ra ranh giới, hãy nói điều gì đó như, "Em sẽ không tắt điện thoại hầu như mọi lúc khi chúng ta ở bên nhau, đặc biệt là vì em ở nhà anh còn nhiều hơn nhà của em nữa. Em sẵn sàng dẹp điện thoại sang một bên những khi hai ta hẹn hò hay xem phim cùng nhau, nhưng không phải là lúc nào cũng vậy. Thống nhất là vậy nha."
  5. Kiên định khi cần thiết. Người thích kiểm soát sẽ không dễ dàng chấp nhận ranh giới ngay. Họ lúc nào cũng muốn đẩy người khác ra khỏi vùng an toàn của mình để họ được cảm thấy an toàn. Vì vậy bạn phải nhắc nhở họ về quyền cá nhân của mình khi cần thiết. Hãy rõ ràng và cương quyết nếu ranh giới cá nhân của bạn bị xâm phạm.[5]
    • Tỏ ra cương quyết không có nghĩa là hung hăng. Điều đó có nghĩa là bạn cho người đó biết một cách tôn trọng rằng họ đang xâm phạm ranh giới cá nhân của bạn. Giữ sự bình tĩnh và nhắc nhở bản thân mỗi khi có vấn đề phát sinh.
    • Chẳng hạn, bạn và bạn trai đang ngồi xem tivi trong phòng. Bạn của bạn nhắn tin, bạn trả lời và thế là anh ta nổi giận. Anh ấy nói kiểu như, "Em thật bất lịch sự. Anh ngồi ngay đây mà."
    • Đừng nóng nảy phản ứng lại. Trả lời đại loại như, "Anh làm sao thế, em chỉ nhắn tin thôi mà" sẽ càng đẩy tình tiết lên cao. Thay vào đó hãy bình tĩnh và trả lời đầy tôn trọng, "Mình đã nói về chuyện này rồi mà. Anh đâu có đang tập trung hoàn toàn vào em đâu, vậy nên em có quyền trả lời tin nhắn chứ. Nhắn xong tin này rồi em sẽ xem tiếp chương trình nha."

Quản lý cảm xúc[sửa]

  1. Đừng nên có kỳ vọng không thực tế. Người khó khăn và thích kiểm soát thường cực kỳ cứng nhắc. Kể cả khi đã củng cố ranh giới cá nhân rồi thì bạn cũng thấy mình thường xuyên rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực. Liên tục kiểm tra những nguyện vọng của mình. Chúng ta luôn có những vấn đề với người hay kiểm soát, vì vậy đừng mong đợi sự thay đổi lớn lao nào.[4]
    • Bạn không thể thay đổi người khác. Cho dù bạn nhận diện được hành vi xấu xa của họ thì một người thích kiểm soát không dễ dàng gì thay đổi trừ khi họ muốn. Vậy nên khi tiếp xúc với người đó, đừng quên xác lập lại ranh giới cá nhân và lờ đi những lời chỉ trích.
  2. Nhắc nhở bản thân rằng đó không phải vấn đề của bạn. Người thích điều khiển có những vấn đề riêng tiềm ẩn chẳng hạn như xu hướng bất an thể hiện rõ ở nhu cầu được kiểm soát. Mỗi khi đối đầu với một người thích kiểm soát, hãy nhắc nhở bản thân rằng điều này không liên quan đến bạn. Bạn rõ ràng không làm gì sai cả. Chỉ là người này có nhu cầu kiểm soát quá mãnh liệt mà thôi.[3]
    • Nếu bạn biết vì sao người ấy muốn kiểm soát thì hãy nhắc nhở bản thân trong trường hợp này. Điều này sẽ giúp bạn nhớ rằng vấn đề nằm ở ai.
    • Chẳng hạn, "Bố rất khắt khe với những định hướng nghề nghiệp của mình, hình như khi xưa ông nội cũng như vậy với bố. Vì vậy ông ấy không tin tưởng vào quyết định của mình. Vấn đề không phải tại mình."
  3. Chăm sóc bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng nếu như bạn phải tiếp xúc thường xuyên với một người thích kiểm soát. Ví dụ, nếu bạn sống chung hoặc yêu một người như vậy, tự nhắc nhở rằng bạn cần quan tâm đến bản thân mình. Đôi khi bạn mải ưu tiên cho nhu cầu của người nắm quyền kiểm soát mà quên đi chính bản thân mình.[6]
    • Bạn có quyền chăm sóc bản thân. Bạn được phép cho mình thời gian tập thể dục, ăn uống đúng cách, thực hiện những sở thích thú vị và làm những điều khiến bạn vui.
    • Dành ra thời gian cho những nhu cầu cá nhân, kể cả khi bạn phải làm trái ý người thích kiểm soát bạn. Chẳng hạn, bạn cần ngủ đủ giấc vì phải đi làm vào sáng sớm. Thế nhưng gã bạn trai hay thức khuya lại muốn bạn thức cùng. Mặc cho anh ta làm khó làm dễ, bạn cứ việc đi ngủ và hãy nhắc cho anh ấy nhớ rằng bạn còn phải dậy sớm để đi làm.
  4. Hạn chế sự tiếp xúc. Đôi khi cách để đối phó với một người thích kiểm soát là tránh xa họ. Tìm cách để hạn chế sự tương tác với người đó. Điều này sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ chịu hơn.[2]
    • Nếu bạn sống chung với người người thích kiểm soát, chỉ gặp họ vào giờ cơm và giao tiếp những câu đơn giản cần thiết.
    • Nếu bạn có một đồng nghiệp như vậy, cố gắng hạn chế tiếp xúc với họ ở nơi làm việc. Ví dụ bạn chỉ cần nói chuyện ngắn gọn và cố gắng chọn những dự án không phải chung nhóm với người này.
    • Nếu người thích kiểm soát là một người thân trong gia đình, hạn chế tương tác với người ấy trong sinh hoạt. Chẳng hạn như nếu phải nghe điện thoại, giữ cho cuộc nói chuyện nhanh gọn hết sức có thể.
  5. Bỏ đi nếu cần thiết. Khi một mối quan hệ khiến cho bạn bị thua thiệt thì nên từ bỏ nó. Có những người quá độc địa và không bao giờ chịu thay đổi. Nếu như họ liên tục xâm phạm ranh giới của bạn thì hãy chấm dứt mối quan hệ đó. Cuộc sống này vốn dĩ quá ngắn để phí thời gian cho những người gây tổn thương và kiểm soát bạn.[4]

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng để người khác bảo bạn phải quản lý hay tiêu tiền của chính mình như thế nào trừ khi bạn thuê họ để quản lý điều đó. Trong hôn nhân, vợ hoặc chồng đều có quyền quyết định như nhau đối với tài chính gia đình, và điều này luôn có thể bàn bạc được.
  • Tập trung vào những điều tích cực và chúng sẽ giúp bạn đối phó.
  • Hầu hết những cách phản ứng để đối phó với người thích kiểm soát là kiểm soát ngược lại và gây hấn thụ động. Phục tùng mong muốn của người khác mà không cần phán đoán sẽ dễ hơn. Tuy nhiên mỗi yêu cầu cần phải được xem xét một cách riêng rẽ xem chúng có hợp lý hay không. Chẳng hạn bạn của bạn không có gì quá đáng nếu họ yêu cầu bạn ngừng sử dụng điện thoại vì những thứ không quan trọng khi hai bạn đang nói chuyện với nhau. Nhưng nếu bạn vẫn cố gắng nhắn tin trong khi cả hai đang cùng xem phim thì có phần hơi bất lịch sự và không cần thiết.

Cảnh báo[sửa]

  • Thỉnh thoảng chúng ta vẫn có thể quản lý những mối quan hệ mang tính kiểm soát và/hoặc thao túng; tuy nhiên nếu chẳng may bạn để nó vượt ra ngoài tầm tay hay người ấy quá mạnh mẽ và dai dẳng thì những mối quan hệ khác với gia đình và bạn bè của bạn có thể bị phá hoại.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]