Đối xử với trẻ ương ngạnh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi trẻ trở nên khó bảo, bố mẹ và người chăm sóc có thể cảm thấy căng thẳng, còn trẻ có dấu hiệu buồn bã, sợ hãi hoặc bối rối. Xử sự với trẻ ương ngạnh cần có kỹ năng và chiến thuật, nhưng bạn có thể hướng dẫn trẻ để chúng học cách tự kiểm soát tốt hơn, theo đó, cả bạn và trẻ đều cảm thấy bình tĩnh hơn. Hãy nhớ vấn đề nằm ở hành vi của trẻ chứ không phải bản thân đứa trẻ. Đảm bảo rằng trẻ ngỗ ngược nhận thức được việc bạn yêu chúng và cách bạn nhìn nhận chúng một cách tích cực dù chúng quậy phá. Bạn không nên đánh hoặc phát vào mông trẻ, cũng không nên rung lắc hoặc đánh trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Thiết lập nguyên tắc để xử lý hành vi quậy phá[sửa]

  1. Đặt ra quy tắc gia đình. Ưu tiên hàng đầu là quy định các nguyên tắc đối với những hành vi ngỗ nghịch hoặc có thể nguy hiểm.[1] Nếu bạn là người thường xuyên chăm sóc trẻ, bạn có thể tự đưa ra các nguyên tắc. Nếu trẻ dành nhiều thời gian với những người chăm sóc khác (bố hoặc mẹ, ông bà hoặc người giúp việc), hãy phối hợp với họ để đưa ra nguyên tắc.
    • Đảm bảo rằng nguyên tắc bạn đưa ra rõ ràng và đơn giản. Ví dụ, với đứa trẻ có vấn đề về tính gây gổ, nguyên tắc đơn giản là “không đánh nhau”.
  2. Cho trẻ lựa chọn thay thế hành vi xấu. Trẻ cần được giúp thay thế hành vi không mong muốn bằng điều gì đó mới mẻ để chúng học cách kiểm soát bản thân. Tùy vào loại hành vi bạn đang xử lý, bạn có thể thử một hoặc vài cách thay thế khác nhau.
    • Dừng lại, suy nghĩ, lựa chọn. Dừng hành vi của trẻ lại, xem xét vấn đề bạn đang suy nghĩ, và cân nhắc hậu quả mà bạn và những người khác phải đón nhận trước khi lựa chọn hành động tiếp theo.
    • Phạt ngồi tại chỗ. Bạn hãy rời phòng và để trẻ bình tĩnh trở lại sau vài phút trước khi bạn quay lại.
    • Kể về suy nghĩ của bản thân. Hãy kể với một người nào đó đáng tin cậy về những gì bạn đang nghĩ bằng cách gọi tên cảm xúc của bạn và tác động của cảm xúc đó đối với bạn.
    • Hít thở sâu. Làm động tác này sẽ có tác dụng nếu bạn đang quá xúc động. [1]
  3. Xác định phần thưởng và hình phạt có ý nghĩa. Thưởng đúng lúc và có ý nghĩa khi trẻ tuân theo nguyên tắc. Hình phạt bạn chọn nên nhẹ nhàng, không được đánh hoặc phát mông trẻ. Hình phạt cũng cần phù hợp với lứa tuổi.[1]
    • Việc củng cố hành vi tốt một cách tích cực có tác dụng rất cao. Những phần thưởng ý nghĩa không nhất thiết phải là đồ chơi đắt tiền hay các chuyến đi. Dành thời gian chơi những trò mà trẻ thích thú có thể là phần thưởng thú vị đối với trẻ. Một lời khen của bạn cũng là phần thưởng đầy ý nghĩa đối với trẻ.
    • Khi cần sử dụng hình phạt, hãy phạt nhẹ nhàng. Đối với trẻ lớn hơn, cắt bớt tiền tiêu vặt hoặc yêu cầu làm thêm việc nhà có thể sẽ hiệu quả. Với trẻ nhỏ hơn, hình phạt ngồi im trong thời gian ngắn (không quá một phút tính trên một tuổi) sẽ phù hợp hơn.
  4. Dành thời gian cùng trẻ thảo luận các nguyên tắc. Bạn không muốn trẻ lẫn lộn về ý nghĩa các nguyên tắc hoặc khi nào thì bị “tính” là vi phạm nguyên tắc. Tập trung vào những gì bạn muốn con làm thay cho hành vi xấu.[1]
    • Ví dụ, nói với con rằng thay vì đánh ai đó, bạn muốn con gặp bạn và cho bạn biết con cảm thấy tức giận như thế nào.
    • Chơi trò đóng vai với trẻ sử dụng tình huống thực tế mà trong đó, trẻ trở nên khó chịu và có hành vi xấu.
  5. Làm mẫu những hành vi bạn muốn trẻ thực hiện. Một phương pháp giúp trẻ hiểu cách cư xử là bạn làm ví dụ. Nếu bạn và con đồng ý rằng cách tốt nhất để tránh đánh người khác là dành vài phút ở một mình để bình tĩnh lại, bạn có thể thử làm điều đó trước mặt trẻ.[1]
  6. Thực hiện quy tắc ngay lập tức và nhất quán. Nếu trẻ vi phạm, luôn sử dụng hình phạt và thực hiện ngay. Nếu bạn làm chậm hoặc chỉ thỉnh thoảng thực hiện quy tắc, bạn sẽ khó có thể thấy sự thay đổi hành vi ở trẻ. Tương tự, khi trẻ tuân theo quy định bằng cách thực hiện hành vi mà bạn và trẻ đã thống nhất, bạn cần phải khen thưởng chúng ngay lập tức.[1]
    • Cha mẹ không thực hiện quy tắc nhất quán và nhanh chóng sẽ không thấy sự biến chuyển ở trẻ.
  7. Trao đổi với những người chăm sóc trẻ về các quy tắc. Nếu trẻ ở nhà cuối tuần với bố hoặc mẹ hoặc ở với người giúp việc sau giờ đến trường, bạn hãy trao đổi với họ về hệ thống quy tắc đã áp dụng đối với trẻ. Sự thống nhất giữa mọi người sẽ giúp trẻ thành công hơn.[1]

Xử lý cơn giận dữ của trẻ[sửa]

  1. Hiểu được vấn đề. Cơn giận dữ là tình huống bình thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Hành vi này có thể kéo dài vài phút hoặc hàng giờ khiến cả trẻ và người chăm sóc chúng đều căng thẳng. Trẻ lên cơn giận dữ có thể gào thét và khóc lóc, nằm ăn vạ, chạy quanh nhà hoặc đấm vào tường.
    • Cơn giận dữ ở trẻ bắt nguồn từ bất cứ điều gì, từ việc mệt mỏi hay đói bụng đến việc bí từ hoặc làm việc gì đó khó khăn.[2]
  2. Bình tĩnh khi cơn giận dữ bắt đầu. Khi trẻ nổi cơn tam bành, điều quan trọng là bạn phải bình tĩnh. Nếu bạn bực mình, việc này sẽ chỉ khiến tình trạng tồi tệ hơn cho cả bạn và con. Bạn cần biết rằng những cơn giận dữ như vậy là chuyện bình thường ở trẻ và chúng rồi sẽ qua đi.[2]
  3. Đừng nhượng bộ và đừng tranh luận hay quát tháo. Không chấp nhận làm theo điều trẻ muốn. Vì như vậy sẽ khiến trẻ hiểu rằng giận dữ là hiệu quả, trong khi đó, điều trẻ cần là học cách nhận biết và thể hiện cảm xúc hiện có của mình. Tranh luận và la mắng không giải quyết được vấn đề. Mặc dù có thể thật khó chịu khi trẻ nổi cơn tam bành, tranh luận và quát tháo chỉ tạo nên cuộc chiến về sức mạnh. Bình tĩnh là hiệu quả nhất.[3]
  4. Đảm bảo con bạn không bị đau. Khi trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, nổi cơn giận dữ, chúng có thể khiến mình bị nguy hiểm. Hãy đảm bảo con bạn không tự làm mình bị đau trong những lúc như vậy. Để ý trẻ thật cẩn thận.[2]
    • Hãy chắc chắn không ai bị đau bởi hành vi nổi giận đó, ví dụ như một đứa trẻ khác ở gần.
  5. Thử nói chuyện bình tĩnh với trẻ. Nếu trẻ đủ lớn để hiểu, bạn hãy đến gần trẻ và bình tĩnh giải thích rằng bạn muốn trẻ không làm như vậy nữa và có hành động thay thế hành vi tiêu cực đó.[2]
  6. Đưa trẻ đến một chỗ khác an toàn và yên tĩnh. Nếu trẻ không thể dừng lại, bạn có thể đưa trẻ đến một chỗ yên tĩnh và yêu cầu trẻ im lặng trong một phút. Khi trẻ đã tuân thủ, bạn hãy chấm dứt hình phạt đó.[2]
  7. Thể hiện tình yêu của bạn dành cho con khi cơn giận dữ của trẻ qua đi. Điều quan trọng là trẻ cảm nhận được yêu thương sau khi nổi cơn tam bành. Bình tĩnh và thể hiện tình yêu thương dành cho trẻ, trong khi khen trẻ đã thôi không giận dữ nữa.[2]
    • Loại bỏ vật đã khiến trẻ nổi giận và đưa cho trẻ thứ khác dễ làm hơn. Ví dụ, nếu trẻ nổi giận vì không tô màu một bức tranh phức tạp, bạn hãy để bức tranh đó sang một bên và thay bằng bức tranh dễ tô hơn.[2]
  8. Ngăn trẻ nổi cơn giận dữ ở nhà. Tìm hiểu những tình huống khiến trẻ giận dữ và dành thời gian nói chuyện với trẻ về cách nhận biết cảm xúc. Đảm bảo trẻ có đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, đồng thời duy trì giờ ăn giấc ngủ đều đặn hàng ngày.[2]
    • Bạn cũng có thể nói chuyện với trẻ về việc thể hiện cảm xúc bằng lời nói hoặc giải phóng sự tức giận bằng cách tích cực hơn.
  9. Ngăn trẻ nổi giận khi không ở nhà. Nếu trẻ có xu hướng ăn vạ khi đi ra ngoài, bạn đừng cho trẻ đi chơi nếu trẻ bị mệt. Nhớ mang theo đồ ăn vặt. Cho trẻ tham gia vào những gì bạn đang làm bằng cách nói cho trẻ biết việc gì đang diễn ra. Giúp trẻ cảm nhận được chúng đang tham gia tích cực vào những gì bạn đang làm, thậm chí chỉ là đứng xếp hàng tại ngân hàng.[2]

Cư xử với trẻ ngỗ nghịch là con của người khác[sửa]

  1. Sẵn sàng nói chuyện với người chăm sóc chính của đứa trẻ. Trẻ con, đặc biệt là từ 5 tuổi trở xuống, thường không có khả năng kiểm soát cảm xúc hoặc hành vi. Chuẩn bị tinh thần với những hành vi nghịch ngợm và sự mất kiểm soát ở trẻ, đồng thời nói chuyện với người chăm sóc chính của trẻ (ví dụ bố hoặc mẹ) về điều gì nên tránh, nguyên tắc nào trẻ đã biết và cách bạn thực hiện nguyên tắc khi người chăm sóc trẻ thường xuyên không có mặt ở đó.
    • Điều quan trọng là những người chăm sóc trẻ, kể cả bạn, phải thực hiện nguyên tắc với trẻ một cách thống nhất. Tìm hiểu xem trẻ phải tuân thủ nguyên tắc gì và cách bố mẹ chúng muốn bạn xử lý khi trẻ vi phạm nguyên tắc.[4]
  2. Đừng cố gắng trở thành “cha mẹ” của đứa trẻ. Kể cả khi bạn muốn làm điều gì đó hơi khác với cha mẹ đứa trẻ vẫn làm, bạn cũng nên tuân theo nguyên tắc của họ. Trẻ cần được nghe những thông điệp nhất quán về điều gì bạn mong chờ ở chúng, và chúng muốn thấy được hậu quả có tính thống nhất khi vi phạm nguyên tắc. Nếu không chúng sẽ lúng túng và có thể hành động sai trái nhiều hơn.
    • “Nhượng bộ” trước yêu cầu của trẻ, bao gồm những việc như ăn quá nhiều kẹo hoặc không đi ngủ đúng giờ, có thể làm cha mẹ mệt mỏi và khiến trẻ lúng túng. Lúc đầu trẻ có thể phản ứng tích cực với sự đồng ý của bạn nhưng hành vi của trẻ sẽ trở nên tồi tệ nhanh chóng nếu bạn không có giới hạn hợp lý dựa trên hướng dẫn của bố mẹ chúng.[5]
  3. Cho trẻ tham gia vào nhiều hoạt động. [Phương pháp kỷ luật tích cực/C6.1|Chán nản]] là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hành vi sai trái, vì vậy, nếu bạn trông trẻ cho người khác, nhớ dành thời gian cùng trẻ chơi trò gì đó vui vẻ, thú vị. Hãy làm cho trẻ trở nên bận rộn và chúng sẽ ít có cơ hội nghịch ngợm hơn.[6]
    • Nếu có thể, hãy tìm hiểu trước điều gì trẻ thích làm. Mỹ thuật và thủ công, trò chơi hoặc đồ chơi yêu thích có thể là những hoạt động hấp dẫn trẻ.
  4. Tránh để trẻ bị đói hoặc mệt mỏi. Đói bụng và mệt mỏi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi khó bảo. Đảm bảo bạn có đồ ăn vặt và thức ăn sẵn phù hợp, và bạn biết giờ ăn của trẻ nhỏ. Trẻ cư xử tốt hơn khi chúng được ăn đủ và đi ngủ đúng giờ.[7]
  5. Bình tĩnh và áp dụng kỷ luật một cách tích cực. Nếu trẻ cư xử không đúng, điều quan trọng là bạn giữ được bình tĩnh, rồi ngồi xuống ngang với chiều cao của trẻ. Bình tĩnh nói cho trẻ biết trẻ đã làm gì sai. Sau đó, nói với trẻ rằng bạn muốn chúng làm điều gì khác để thay thế. Nhớ sử dụng nguyên tắc và hình phạt mà bạn đã trao đổi với cha mẹ của trẻ.[7]
    • Không bao giờ được lên giọng hoặc đánh trẻ. Bạn cũng không được rung lắc hay đánh trẻ nhỏ.
  6. Làm cho đứa trẻ đang tức giận bị sao nhãng và cảm thấy dễ chịu. Nếu trẻ cư xử vượt quá mức chịu đựng, hãy làm chúng bị sao nhãng và được an ủi là lựa chọn tiếp theo của bạn. Ôm hôn, đồ chơi yêu thích, gấu bông, đồ ăn vặt hay trò mới là những thứ bạn có thể thử để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.[4]

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng bao giờ phạt trẻ nhỏ. Không được rung lắc hoặc đánh trẻ nhỏ. Khi trẻ khóc, đó là dấu hiệu trẻ cần sự chú ý của bạn, vì vậy, hãy đến gần và xem bạn có thể làm gì để dỗ trẻ.
  • Nếu bạn là người trông trẻ, đừng đánh hoặc phát mông trẻ. Hãy hỏi người chăm sóc chính của trẻ (bố mẹ hoặc người giám hộ) liệu họ có thể hướng dẫn bạn cách áp dụng kỷ luật với chúng.
  • Có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp kỷ luật bằng roi vọt có ảnh hưởng tiêu cực và không có tác dụng. Đánh hoặc phát mông trẻ có thể gây ra những tổn thương về thể chất và tâm lý.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này