Điều trị bệnh đau dây thần kinh chia ba

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau dây thần kinh chia ba là chứng đau mãn tính ảnh hưởng lên dây thần kinh chia ba (lớn nhất trong các dây thần kinh sọ-mặt). Chứng bệnh này có triệu chứng nóng ran, cảm giác như bị đâm và đau rải rác ở nhiều khu vực khác nhau trên mặt. Bệnh đau dây thần kinh chia ba được phân thành loại 1 (TN1) và loại 2 (TN2). Bạn có thể làm theo các bước sau để loại trừ triệu chứng đau do bệnh này gây ra.[1]

Các bước[sửa]

Điều trị đau bằng phương pháp y khoa[sửa]

  1. Hỏi bác sĩ về thuốc chống co giật. Sử dụng thuốc chống co giật là một trong những cách điều trị phổ biến nhất với chứng đau dây thần kinh chia ba. Bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc chống co giật cho đến khi tìm ra loại thuốc hiệu quả nhất với triệu chứng của bạn.[2]
    • Thông thường họ kê thuốc chống co giật thay cho thuốc giảm đau truyền thống (như thuốc kháng viêm không steroid) vì chúng không hiệu quả trong việc ngăn chặn tín hiệu điện phát đi từ những tế bào thần kinh là nguyên nhân tạo ra cảm giác đau.[3]
    • Carbamazepine là thuốc chống co giật thường được kê đầu tiên.[4]
    • Oxcarbazepine tương tự như thuốc carbamazepine về hiệu quả, dễ dung nạp hơn nhưng lại đắt tiền hơn. Gabapentin và lamotrigine thường được dùng cho những bệnh nhân không thể dung nạp carbamazepine.
    • Baclofen có thể là thuốc hữu hiệu để dùng chung với thuốc chống co giật, đặc biệt khi bệnh đau dây thần kinh chia ba có liên quan đến chứng đa xơ cứng.
    • Thuốc chống co giật sẽ hết hiệu quả sau một thời gian sử dụng vì chúng tích tụ trong máu, lúc đó bác sĩ sẽ kê thuốc chống co giật khác mà cơ thể chưa nhờn.[5]
  2. Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng. Thuốc chống trầm cảm ba vòng thường được dùng để điều trị triệu chứng trầm cảm, nhưng nó cũng hiệu quả với các chứng đau mãn tính.[6]
    • Thuốc có thể điều trị một số tình trạng đau mãn tính như đau mặt không điển hình, nhưng không hiệu quả với chứng đau dây thần kinh chia ba kinh điển.
    • So với liều dùng trị trầm cảm, bác sĩ thường chỉ kê thuốc chống trầm cảm ba vòng với liều thấp hơn để trị đau mãn tính.[7]
    • Thuốc chống trầm cảm ba vòng phổ biến để trị đau mãn tính có thành phần amitriptyline và nortriptyline.[6]
  3. Tránh dùng thuốc giảm đau và thuốc nhóm opioid. Các thuốc này không hiệu quả trong điều trị chứng đau bộc phát ở bệnh đau dây thần kinh chia ba kinh điển.[6] Tuy nhiên một số bệnh nhân mắc bệnh TN2 có phản ứng với thuốc giảm đau và thuốc nhóm opioid.
    • Bệnh TN2 có triệu chứng đau liên tục mà những thuốc này sẽ còn làm tình trạng xấu hơn khi tích tụ nhiều trong máu, trong khi bệnh TN1 gây ra nhiều cơn đau lập đi lập lại và không thể chữa trị bằng thuốc giảm đau hay thuốc nhóm opioid.[2]
    • Loại thuốc giảm đau và thuốc nhóm opioid mà bác sĩ thường kê là allodynia, levorphanol hay methadone.
  4. Thử dùng chất chống co thắt cơ. Chất chống co thắt có tác dụng giảm đau do dây thần kinh chia ba gây ra, đôi khi được sử dụng chung với thuốc chống co giật.[5]
    • Sở dĩ thuốc chống co thắt cơ được dùng để trị bệnh này vì chúng có thể ức chế chuyển động miễn cưỡng của cơ do tế bào thần kinh phát nhầm tín hiệu trong lúc cơn đau bộc phát.
    • Thuốc chống co thắt cơ phổ biến bao gồm Pharmaclofen, Prindax và Baclosal, tất cả đều là biệt dược thuộc nhóm baclofen.
  5. Hỏi ý kiến bác sĩ về tiêm Botox. Bác sĩ có thể cân nhắc tiêm Botox nếu bạn đã nhờn hay không phản ứng với thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc chống co thắt cơ.[5]
    • Botox đã chứng minh tính hiệu quả cao trong điều trị bệnh đau dây thần kinh chia ba, đặc biệt với các ca có cơ giật mạnh.[8]
    • Nhiều người có cảm giác không thoải mái khi nghĩ tới việc tiêm Botox vì chất này gợi sự liên tưởng tiêu cực đến cách dùng Botox trong phẫu thuật thẩm mỹ, tuy nhiên bạn không nên xem thường nó vì Botox có thể giảm đau mặt mãn tính hiệu quả sau khi các cách khác không thành công.
  6. Cân nhắc dùng phương pháp điều trị không chính thống. Các lựa chọn điều trị không chính thống chưa được nghiên cứu đầy đủ để xem là hiệu quả trong điều trị căn bệnh này. Mặc dù vậy đã có nhiều báo cáo cho biết châm cứu và liệu pháp trị liệu bằng dinh dưỡng có thể giảm đau phần nào.[9]

Điều trị đau bằng phẫu thuật[sửa]

  1. Tham khảo về phẫu thuật. Đau dây thần kinh chia ba là một bệnh tiến triển theo thời gian. Dù thuốc có thể hạn chế ảnh hưởng của các triệu chứng, nhưng những ca nặng có khả năng gây tổn thương vĩnh viễn cho dây thần kinh, dẫn tới suy kiệt vì đau hoặc tê liệt vĩnh viễn một phần mặt.[10] Bạn nên cân nhắc phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không thành công.
    • Bác sĩ sẽ cùng với bạn chọn ra cách phẫu thuật tốt nhất dựa trên sức khoẻ và tiền sử bệnh của bạn. Độ nặng của bệnh, tiền sử về bệnh thần kinh ngoại biên và sức khoẻ tổng quát là các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn phẫu thuật.
    • Mục tiêu chung của phẫu thuật là giảm tối thiểu tổn thương cho dây thần kinh chia ba khi bệnh tiến triển theo thời gian, và cải thiện chất lượng cuộc sống khi thuốc không còn trị đau hiệu quả.
  2. Phẫu thuật ép bóng. Mục đích ép bóng là để làm tổn thương nhẹ các nhánh của dây thần kinh chia ba sao cho xung mang cảm giác đau không thể lan truyền.[11]
    • Trong quá trình thực hiện, người ta luồn một ống thông có đầu bóng nhỏ vào lòng chiếc kim lớn đâm qua hộp sọ, tiếp theo họ bơm nước làm bóng phồng lên và ép dây thần kinh này vào hộp sọ.
    • Đây là một thủ thuật ngoại trú được thực hiện trong tình trạng gây mê tổng thể, dù đôi khi bạn phải ở lại bệnh viện qua đêm.
    • Phẫu thuật ép bóng có thể trị được đau trong hai năm.
    • Nhiều bệnh nhân nhận thấy tê cứng mặt tạm thời hay suy yếu cơ nhai sau khi trải qua thủ thuật, nhưng nói chung sẽ không còn đau.[5]
  3. Hỏi ý kiến bác sĩ về tiêm glycerol. Việc tiêm glycerol được tiến hành khi bệnh ảnh hưởng đến nhánh thứ ba và cũng là nhánh thấp nhất của dây thần kinh chia ba.[2]
    • Thủ thuật ngoại trú này được tiến hành bằng cách đâm cây kim nhỏ qua má vào tới nền sọ, gần vị trí nhánh thứ ba của dây thần kinh.
    • Sau khi được tiêm vào, glycerol phá hủy dây thần kinh sinh ba và do đó bạn không còn thấy đau.
    • Thủ thuật này có thể trị được đau trong một tới hai năm.
  4. Đốt bằng sóng cao tần. Đốt bằng sóng cao tần là thủ thuật ngoại trú nhằm làm đông các thớ của dây thần kinh bằng một điện cực, khiến khu vực bị đau không còn cảm giác.[2]
    • Để tiến hành người ta lồng một cây kim với vai trò là điện cực vào dây thần kinh chia ba.
    • Sau khi xác định được khu vực có dây thần kinh gây đau, bác sĩ đưa một xung điện nhỏ vào điện cực để phá hủy thớ mô dây thần kinh, làm tê khu vực đó.
    • Triệu chứng tái phát sau ba tới bốn năm với khoảng 50% số bệnh nhân.
  5. Tìm hiểu kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma. Kỹ thuật này sử dụng hình ảnh quan sát từ máy vi tính để tập trung tia bức xạ vào đúng dây thần kinh chia ba.[2]
    • Tia bức xạ tạo tổn thương trên dây thần kinh, chặn đứng tín hiệu cảm xúc truyền về não bộ và do đó bạn cảm thấy bớt đau.
    • Bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày hoặc xuất viện một ngày sau đó.
    • Đa số bệnh nhân trải qua phẫu thuật bằng dao gamma cho biết không còn đau sau vài tuần hay vài tháng nhưng đau sẽ tái phát trong vòng ba năm.
  6. Phẫu thuật giải ép vi mạch. Đây là thủ thuật xâm lấn nhiều nhất trong các cách trị đau dây thần kinh chia ba. Bác sĩ mở một lỗ nhỏ trên hộp sọ phía sau tai rồi dùng đèn nội soi để quan sát dây thần kinh này, họ sẽ đặt một tấm đệm vào giữa dây thần kinh và mạch máu đang chèn lên dây thần kinh đó.[11]
    • Thời gian hồi phục tùy thuộc vào mỗi người nhưng nói chung bạn sẽ phải nằm lại bệnh viện.
    • Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với chứng đau dây thần kinh chia ba. Có khoảng 70-80% số bệnh nhân hết đau hoàn toàn và ngay lập tức sau khi phẫu thuật, và hiệu quả có thể kéo dài từ 10-20 năm trên 60-70% số bệnh nhân.[12]
  7. Hiểu về thủ thuật cắt dây thần kinh. Phương pháp này yêu cầu phải cắt bỏ một phần dây thần kinh chia ba. Đây là thủ thuật xâm lấn và chỉ áp dụng cho những bệnh nhân kháng lại với các loại thuốc, hoặc những người không thể trải qua cách phẫu thuật khác.[11]
    • Người ta thường cắt dây thần kinh khi không thể tìm ra mạch máu nào đang chèn lên dây thần kinh đó trong quá trình thực hiện phương pháp giải ép vi mạch.
    • Mục đích phẫu thuật là loại bỏ các phần khác nhau trên nhánh của dây thần kinh chia ba để giải trừ cơn đau.

Lời khuyên[sửa]

  • Triệu chứng của bệnh TN1 (đau dây thần kinh chia ba kinh điển) là các cơn đau bộc phát bất ngờ kéo dài từ vài giây cho tới hai phút. Vị trí đau thường ở má hay cằm, hiếm khi xảy ra ở trán.
  • Bệnh TN2 (còn gọi là đau dây thần kinh chia ba không điển hình) là trường hợp người bệnh thấy đau liên tục ở mặt. Đau dây thần kinh chia ba không điển hình là một tình trạng hoàn toàn khác mà cơ chế phát sinh bệnh khó hiểu hơn nhiều so với đau dây thần kinh chia ba kinh điển.
  • Người mắc bệnh TN1 thường tránh sờ vào mặt để không kích thích co thắt cơ. Trong khi đó bệnh nhân mắc chứng đau mặt không điển hình phải mát xa hay xoa bóp mặt. Đây là sự khác biệt dễ thấy nhất giữa hai tình trạng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]