Điều trị chứng đau nửa đầu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Đau nửa đầu là cơn đau đầu thường xuyên tái phát và rất đau đớn. Cơn đau có thể đi kèm triệu chứng rối loạn thị giác, buồn nôn và nhiều triệu chứng khác.[1] Phương pháp điều trị chứng đau nửa đầu hiệu quả đối với người này nhưng có thể không hiệu quả với người khác. Chứng đau nửa đầu bắt đầu và phản ứng với nhiều tác nhân kích thích khác nhau nên bạn cần thử nhiều phép điều trị để giảm triệu chứng. Người bị đau nửa đầu có thể điều trị cơn đau bằng cách ngăn chặn cơn đau xuất hiện, tìm cách xoa dịu triệu chứng một cách tự nhiên hoặc dùng thuốc.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Phòng ngừa đau nửa đầu[sửa]

  1. Tìm hiểu về chứng đau nửa đầu. Nguyên nhân chính xác gây đau nửa đầu chưa được xác định. Nhiều nghiên cứu được tiến hành để tìm nguyên nhân chính xác nhưng chưa thành công. Các nhà nghiên cứu cho rằng dây thần kinh sinh ba đóng vai trò quan trọng trong việc gây đau nửa đầu. Dây thần kinh sinh ba là dây thần kinh não tạo điều kiện cho cơn đau xuất hiện. Mất cân bằng seronotin và các hóa chất não khác cũng có thể là yếu tố kích thích cơn đau. [2]
    • Các neuropeptide như chất P và peptide liên quan đến gen calcitonin có thể gây viêm và giãn mạch thần kinh.[3]
    • Chứng đau nửa đầu có nhiều dạng nhỏ. Gồm có đau nửa đầu kinh niên (mãn tính), đau nửa đầu do lạm dụng thuốc, đau nửa đầu liên quan đến tĩnh mạch nền, đau nửa đầu liệt nửa người, đau nửa đầu võng mạc, đau nửa đầu do kinh nguyệt, đau nửa đầu từng cơn (gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên), đau nửa đầu liệt mắt và đau nửa đầu kéo dài hơn 72 tiếng. Phương pháp điều trị cho những loại đau nửa đầu này thường giống nhau.
  2. Đánh giá yếu tố nguy cơ đau nửa đầu. Mặc dù không biết chính xác nguyên nhân gây đau nửa đầu nhưng có một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc chứng bệnh này. Xác định yếu tố nguy cơ giúp bạn cảnh giác hơn nếu bắt đầu có triệu chứng. Yếu tố nguy cơ gồm có:
    • Tiền sử gia đình
    • Căng thẳng
    • Giới tính nữ
    • Thay đổi chế độ ăn
    • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc estrogen và thuốc giãn mạch
    • Đau nửa đầu ở phụ nữ thường là do thay đổi hormone như trong kỳ kinh nguyệt, mãn kinh và mang thai.
  3. Lắng nghe cơ thể. Nhận biết yếu tố kích thích có thể giúp bạn tránh được cơn đau nửa đầu. Ví dụ, một số người sẽ bị đau nửa đầu khi ăn sôcôla, do caffeine hoặc do quá căng thẳng. Một số cơn đau nửa đầu thường có cảm giác “dấu hiệu cảnh báo” trước đó. Những dấu hiệu này có thể khác nhau ở mỗi người và có thể không xuất hiện ở tất cả bệnh nhân đau nửa đầu. Dấu hiệu có thể là:[4]
    • Tầm nhìn có điểm mù
    • Ngứa ran ở bàn tay và khuôn mặt
    • Nhìn thấy đèn chớp và đốm sáng
    • Ngửi thấy mùi hương, ví dụ như mùi cháy
    • Bạn có thể gặp những dấu hiệu cảnh báo khác trước khi cơn đau bắt đầu, ví dụ như thèm ngọt, khát nước, buồn ngủ hoặc trầm cảm.[2]
  4. Duy trì thói quen điều độ. Khi cơ thể biết điều gì sẽ diễn ra trong ngày, bạn sẽ ít có nguy cơ bị đau nửa đầu hơn. Khi hoạt động theo một thói quen, nguy cơ bị căng thẳng về thể chất và tinh thần sẽ ít hơn vì cơ thể biết điều gì sắp diễn ra và diễn ra khi nào.
    • Đi ngủ đúng giờ, tập thể dục điều độ và ăn uống (cả bữa chính và bữa phụ) đúng giờ và với khẩu phần ăn giống nhau mỗi ngày.[5]
    • Bạn có thể giảm căng thẳng và ngăn ngừa đau nửa đầu bằng cách tập Aerobic thường xuyên.[2]
    • Nên tránh thói quen hút thuốc.
  5. Nhận biết thời điểm cần đi khám bác sĩ. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu cơn đau nửa đầu xuất hiện thường xuyên hoặc nghiêm trọng, hoặc nếu cơn đau và cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ có thể cùng bạn đưa ra quy trình điều trị cụ thể.
  6. Uống thuốc ngừa đau nửa đầu mỗi ngày nếu được bác sĩ đồng ý. Phương pháp này hiệu quả nhất đối với người bị đau nửa đầu đi kèm cơn đau khó kiểm soát hoặc đau nửa đầu thường xuyên. Nên trao đổi với bác sĩ về các thuốc phòng ngừa khác nhau và tác dụng phụ của thuốc.
    • Trao đổi với bác sĩ về thuốc chữa bệnh bạn đang uống như thuốc hormone, bao gồm estrogen, để xem liệu thuốc có phải là nguyên nhân kích thích đau nửa đầu không và để tìm thuốc thay thế (nếu có).
    • Một số nhóm thuốc có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu bao gồm thuốc chặn kênh beta, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật và thuốc Botox. Có nhiều loại thuốc cụ thể trong từng nhóm thuốc và bác sĩ sẽ cùng với bạn xác định loại thuốc nào là hiệu quả nhất.[6]

Thay đổi hành vi và lối sống để điều trị đau nửa đầu[sửa]

  1. Học thiền. Căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu kích thích đau nửa đầu. Các chuyên gia tin rằng các phương pháp thư giãn như thiền có thể giúp giảm căng thẳng và giảm nguy cơ bị đau nửa đầu. [6]
    • Nếu không quen với việc thiền, bạn có thể đến gặp chuyên gia về sức khỏe tinh thần để được hướng dẫn. Các chuyên gia có thể giúp bạn giảm một số cơn đau do chứng đau nửa đầu.[6]
    • Để bắt đầu thiền, bạn hãy thả lỏng người và nhắm mắt lại, đồng thời ngồi trong phòng có ánh sáng mờ. Sau đó, hít một hơi thật chậm, thật sâu và cố gắng không nghĩ đến bất cứ điều gì khác.
    • Thiền nhiều lần mỗi ngày nếu thấy cách này có ích.
  2. Cố gắng không tiêu thụ phụ gia thực phẩm, chất tạo mùi hương và chất tạo ngọt nhân tạo. Nhiều người có thể bị đau nửa đầu sau khi ăn quá nhiều thực phẩm đã qua xử lý hoặc thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo. Bạn nên tránh xa MSG, Aspartame, Sucralose và Sodium Nitrate nếu bị đau nửa đầu do phụ gia thực phẩm hay chất tạo ngọt nhân tạo.[7]
  3. Xác định thực phẩm kích thích. Nhiều người có thể bị đau nửa đầu sau khi ăn sôcôla, một số loại hoa quả, gluten, phô mai hoặc các loại hạt. Bạn cần xác định thực phẩm kích thích là gì để tránh xa. Thử nhớ lại xem có mối liên quan nào giữa thời điểm tiêu thụ thực phẩm gây kích thích và thời gian khởi phát cơn đau không.
    • Một số thực phẩm kích thích đau nửa đầu phổ biến: thực phẩm có hương nồng, sôcôla, phô mai lâu năm, cồn, MSG, nước ngọt, thịt lợn, caffeine và thịt đỏ. [7]
    • Nghiên cứu mối tương quan giữa chế độ ăn và chứng đau nửa đầu cho thấy thịt đỏ khiến cơn đau nửa đầu trầm trọng thêm.[5]
    • Tránh xa các yếu tố kích thích khác như tiếng ồn, đèn sáng và mùi hương nồng.
  4. Bổ sung thêm trytophan. Trytophan có trong thịt gà tây, cá, gạo lứt, sữa chua và nhiều thực phẩm khác. Hoặc bạn có thể uống thực phẩm chức năng có chứa trytophan. Trytophan kích thích sản sinh dopamine để giảm cơn đau nửa đầu.
    • Nghiên cứu cho thấy thiếu hụt trytophan có thể gây buồn nôn, đau đầu và chứng sợ ánh sáng.
    • Mặc dù có bằng chứng cho thấy thiếu hụt trytophan có thể góp phần gây đau nửa đầu nhưng hiện chưa có con số cụ thể về lượng trytophan cần bổ sung trong chế độ ăn để phòng ngừa chứng đau nửa đầu.[8]
  5. Đánh giá thói quen ngủ nghỉ. Bạn nên ngủ đủ giấc để điều trị đau nửa đầu nhưng không được ngủ quá nhiều. Trong một nghiên cứu nổi tiếng, người ta nhận thấy sự thay đổi thói quen ảnh hưởng rất tiêu cực đến chứng đau nửa đầu.
    • Duy trì thói quen ngủ nghỉ điều độ và không ngủ quá nhiều để giảm tần suất và có thể giảm cả mức độ nghiêm trọng của cơn đau nửa đầu.[6][9]
  6. Tìm một căn phòng tối để nghỉ ngơi trong khi chờ cơn đau dịu bớt. Hầu hết bệnh nhân đau nửa đầu đều nhạy cảm với ánh sáng. Chứng nhạy sáng tương đối phổ biến khi bị đau nửa đầu, có thể khiến cơn đau và cảm giác khó chịu tăng thêm.
    • Nghỉ ngơi ở khu vực tối, yên tĩnh sẽ giúp giảm lượng yếu tố kích thích từ bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến cơn đau.[10]
  7. Chườm đá viên lên sau cổ hoặc chườm khăn lạnh lên trán. Cách này giúp giảm mức độ cơn đau. Cảm giác lạnh từ đá viên có thể giúp làm tê liệt cơn đau và giảm đau một cách hiệu quả.
    • Quấn túi chườm lạnh trong khăn tắm rồi chườm lên trán (không chườm túi lạnh trực tiếp) khoảng 10-15 phút. Lặp lại sau vài phút nếu cảm thấy phương pháp này giúp giảm đau hiệu quả.[11]
    • Ngoài ra, bạn nên uống thật nhiều nước.

Điều trị đau nửa đầu bằng thuốc[sửa]

  1. Thử dùng thuốc không kê đơn như Ibuprofen hoặc Naproxen. Bạn nên tìm thuốc đặc trị đau nửa đầu. Nhiều loại thuốc không kê đơn hiện nay giúp điều trị các triệu chứng riêng của đau nửa đầu.
    • Một số thuốc Acetaminophen như Excedrin có chứa caffeine có thể giúp giảm đau hoặc gây đau nửa đầu, tùy thuộc vào phản ứng của cơn đau với caffeine.[11] Ví dụ, thuốc Excedrin Migraine và các thuốc trị đau nửa đầu không kê đơn khác chứa Acetaminophen, Aspirin, và Caffeine. Thuốc này được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận dùng để điều trị chứng đau nửa đầu.[12]
    • Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi muốn dùng bất kỳ thuốc hoặc thực phẩm chức năng trị đau nửa đầu cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người mắc các bệnh lý khác, người bị dị ứng hoặc đang uống các thuốc khác.
  2. Cân nhắc việc dùng thuốc kê đơn để điều trị đau nửa đầu khi cơn đau xuất hiện hoặc phòng ngừa. Bác sĩ có thể kê đơn nhiều loại thuốc khác nếu cơn đau nửa đầu của bạn không phản ứng với thuốc thông thường. Thuốc có thể được kê đơn gồm có: thuốc chống buồn nôn, thuốc corticosteroid, hoặc Opioid (hiếm khi được kê đơn).[2] Nhóm thuốc Triptan là thuốc kê đơn phổ biến nhất và rất hiệu quả nhưng nguy cơ gây đau tim hoặc đột quỵ. [12] Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh trước khi uống thuốc. Đối với cơn đau nửa đầu từng hồi, bác sĩ có thể kê đơn:
    • Valproate - cơ chế hoạt động của thuốc chưa được hiểu rõ nhưng khả năng hỗ trợ điều trị đau nửa đầu của thuốc đã được thiết lập.
    • Topiramate - một loại monosaccarit được thay thế sulfamate được FDA chấp thuận dùng để phòng ngừa đau nửa đầu. Đây là thuốc thường được dùng điều trị chứng đau nửa đầu.
    • Propranolol/timolol/metoprolol - thuốc thuộc nhóm thuốc chặn kênh beta và giúp giảm tần suất cơn đau nửa đầu. Nhóm thuốc này làm hạ huyết áp và gây giãn mạch máu.[13]
  3. Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về thuốc xịt mũi kê đơn nếu có. Một số thuốc Triptan có ở dạng xịt mũi. Thuốc Dihydroergotamine được nhận định là giúp giảm một số triệu chứng đau nửa đầu như nhạy cảm với ánh sáng và buồn nôn. Thuốc này là một phần của nhóm thuốc Ergot Alkaloid. Nhóm thuốc này làm co mạch máu não thông qua quá trình ức chế các hợp chất gây sưng mà cơ thể tiết ra.[14]

Áp dụng liệu pháp thảo dược và thay thế để điều trị đau nửa đầu[sửa]

  1. Áp dụng phương pháp châm cứu. Các cây kim nhỏ sẽ được cắm vào huyệt trong da. Trong việc điều trị đau nửa đầu, châm cứu đã là chủ đề nghiên cứu trong vòng hơn 20 năm và các nghiên cứu lâm sàng phần lớn đều nhận thấy kết quả tích cực. Một nghiên cứu hoàn thành năm 2003 cho biết khi cơn đau nửa đầu khởi phát, phương pháp châm cứu có thể hiệu quả tương tự một số thuốc (như thuốc Imitrex). [1]
    • Khi triệu chứng đau nửa đầu xuất hiện nhiều, dùng thuốc có thể sẽ hữu ích và hiệu quả hơn so với phương pháp châm cứu.[1]
  2. Mát-xa. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu hiệu quả của phương pháp mát-xa đối với chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, có thể thấy mát-xa giúp giảm tần suất đau nửa đầu và nhiều người cảm thấy thoải mái hơn sau khi được áp dụng liệu pháp mát-xa.
    • Bạn có thể tự mát-xa nếu bị đau nửa đầu mà không thể đến gặp chuyên gia mát-xa.[1]
    • Nhẹ nhàng xoa bóp trực tiếp vùng cổ và dưới hộp sọ, có thể tạo thêm áp lực. Dùng ngón tay bóp hai vị trí này và tiếp tục xoa bóp cho đến khi thấy cơn đau giảm bớt.
  3. Bổ sung 50-70 mg Butterbur (gai lông) hai lần mỗi ngày.[15] Butterbur là cây bụi lâu năm đã được sử dụng hơn 2000 năm nhờ hiệu quả giảm đau và chống co thắt. Thảo mộc này giúp giảm viêm và mức độ nghiêm trọng của cơn đau nửa đầu. Bạn có thể tìm mua thảo mộc ở dạng thực phẩm chức năng.
    • Người ta tin rằng chiết xuất rễ Butterbur có đặc tính kháng viêm và hoạt mạch (tác động đến mạch máu) và nhiều nghiên cứu đang khám phá công dụng tiềm ẩn của nó đối với chứng đau nửa đầu. [16]
    • Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng Butternur, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người dị ứng với cỏ dại hoặc đang uống các thuốc khác.
    • Cây Feverfew (cúc thanh nhiệt) là một thảo mộc khác có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu nhưng kết quả nghiên cứu vẫn chưa thống nhất.[17]

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ ngay nếu cơn đau nửa đầu nghiêm trọng và thường xuyên hơn bình thường, hoặc cơn đau đi kèm triệu chứng mà trước đây bạn chưa từng gặp.
  • Luôn đi khám bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ quy trình điều trị nào. Như vậy, bạn có thể loại bỏ được các bệnh lý khác gây đau nửa đầu và đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi đang tìm cách kiểm soát chứng đau nửa đầu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/migraine-headache
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/migraine-headache/basics/causes/con-20026358
  3. Marmura MJ, Silberstein SD. Current understanding and treatment of headache disorders: Five new things. Neurology. 2011;76:S31–36.
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/migraine-with-aura/basics/definition/con-20030404
  5. 5,0 5,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3696968/
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 http://www.health.harvard.edu/blog/the-stigma-of-chronic-migraine-201301235828
  7. 7,0 7,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8681169
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16961791
  9. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/030439599390057V
  10. http://www.americanheadachesociety.org/assets/1/7/digrephotophobia.pdf
  11. 11,0 11,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/migraine-headache/in-depth/migraines/art-20047242
  12. 12,0 12,1 Domino, F. (n.d.). The 5-minute clinical consult standard 2015 (23rd ed.)
  13. Silberstein SD, Holland S, Freitag F, et al. Evidence-based guideline update: Pharmacologic treatment for episodic migraine prevention in adults: Report of the Quality Standards Subcommittee of the American Academy of Neurology and the American Headache Society Neurology. 2012;78:1337–1345
  14. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a603022.html
  15. Holland S, Silberstein SD, Freitag F, et al. Evidence-based guideline update: NSAIDs and other complementary treatments for episodic migraine prevention in adults: Report of the Quality Standards Subcommittee of the American Academy of Neurology and the American Headache Society. Neurology. 2012;78:1346–1353.
  16. http://www.medscape.com/viewarticle/838939
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/migraine-headache/basics/alternative-medicine/con-20026358
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này