Chữa đau nửa đầu bằng phương pháp bấm huyệt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Chứng đau nửa đầu thường liên quan đến tình trạng làm việc quá độ, stress, thay đổi thời tiết đột ngột, thậm chí có thể do dị ứng thực phẩm. Nhưng cho dù là nguyên nhân nào, các cơn đau nửa đầu cũng có thể được xoa dịu. Bấm huyệt là một phương pháp chữa bệnh cổ truyền, dùng lực ấn lên các huyệt trên bàn tay và bàn chân để giải phóng năng lượng tỏa khắp cơ thể. Phương pháp này có thể chữa chứng đau nửa đầu bằng cách ấn lên những huyệt nhất định. Bạn cũng có thể bấm huyệt để chữa các bệnh góp phần gây đau nửa đầu như stress và dị ứng.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chuẩn bị trước khi bấm huyệt[sửa]

  1. Xác định các triệu chứng của bạn. Chứng đau nửa đầu có thể biểu hiện khác nhau tùy từng trường hợp. Bạn có thể có một hoặc hai triệu chứng, hoặc mọi triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc. Một số biểu hiện đau nửa đầu gồm:[1]
    • Đau đầu theo nhịp đập hoặc đau nhói
    • Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động hoặc mùi
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Cảm thấy nóng hoặc lạnh
    • Nhợt nhạt
    • Mệt mỏi
    • Chóng mặt
    • Mờ mắt
    • Tiêu chảy
    • Nhìn thấy ánh sáng chói, các đốm sáng lóe, các đường lượn sóng hoặc răng cưa, những hình ảnh méo mó, xuất hiện những điểm mù hoặc các hiện tượng rối loạn thị giác khác.
    • Ù tai
    • Ngửi thấy những mùi hương lạ
    • Có cảm giác khác lạ
  2. Quyết định điều trị chuyên khoa hay tự điều trị. Chuyên gia bấm huyệt được đào tạo để đáp ứng những quan tâm đặc biệt của bệnh nhân về sức khỏe. Bạn cũng có thể tự bấm huyệt để khỏi tốn chi phí và có thể trị liệu mỗi ngày hoặc vào những lúc thuận tiện.
    • Bạn cũng có thể kết hợp việc tự điều trị và trị liệu chuyên khoa để có kết quả tối ưu.
  3. Tìm thời gian thích hợp cho việc trị liệu. Liệu pháp bấm huyệt không đòi hỏi thời gian thực hiện quá 10-20 phút. Nhưng kết quả sẽ tốt hơn nếu bạn có thể thư giãn trong quá trình trị liệu.
    • Khi cảm thấy cơn đau đầu sắp đến, bạn nên dùng phương pháp bấm huyệt càng sớm càng tốt để giảm cường độ đau.
    • Tốt nhất là bạn nên chọn lúc thong thả.[2] Nếu vội, bạn hãy ăn trước khi trị liệu. Chắc bạn không muốn vừa bấm huyệt vừa lo bụng kêu òng ọc.
  4. Tìm một nơi thư giãn và yên bình. Tạo một môi trường thư thái cho mình bằng cách chọn một căn phòng yên tĩnh, tắt đèn và ngồi xuống. Bạn cần đảm bảo không bị ai làm phiền trong quá trình trị liệu.
    • Bạn có thể bật nhạc êm dịu nếu thích.
  5. Cắt móng tay. Việc trị liệu sẽ thoải mái hơn nếu làn da của bạn không bị móng tay dài chọc vào. Bạn cần cắt móng tay trước khi bấm huyệt cho mình hoặc cho người khác.[3]
  6. Chuẩn bị tư thế thoải mái. Ngồi trên một chiếc ghế dựa thoải mái hoặc nằm xuống để thư giãn. Hít thở vài hơi thật sâu để thả lỏng cơ thể. Xua tan những ý nghĩ gây căng thẳng.
  7. Uống nước trước khi bắt đầu trị liệu. Bạn nên uống một ly nước nhỏ trước khi bắt đầu bấm huyệt. Các chuyên gia tin rằng điều này đem lại hiệu quả hơn cho việc trị liệu.[2]
  8. Chuẩn bị sẵn sơ đồ huyệt đạo. Có thể bạn sẽ khó nhớ được những điểm nào trên bàn tay hoặc bàn chân tương ứng với những bộ phận nào trên cơ thể khi bấm huyệt. Một sơ đồ huyệt đạo sẵn có sẽ giúp bạn bấm đúng huyệt.
  9. Chuẩn bị sẵn những dụng cụ bấm huyệt. Một số dụng cụ có thể giúp ích trong quá trình trị liệu bấm huyệt, ví dụ như cây lăn bằng gỗ hoặc cao su, những quả bóng gỗ và các dụng cụ khác. Những dụng cụ này có thể dùng để lăn dưới lòng bàn chân.[2]
    • Các dụng cụ bấm huyệt đặc biệt hữu ích đối với những người không đủ lực ở bàn tay và ngón tay để ấn mạnh lên các huyệt đạo.

Xác định vị trí huyệt đạo để điều trị chứng đau nửa đầu[sửa]

  1. Tìm vị trí của “con mắt thứ ba” (huyệt ấn đường). Huyệt này nằm bên trên sống mũi, giữa hai đầu chân mày.[4] Bấm vào huyệt ấn đường có thể giúp giảm đau đầu, bớt căng mỏi mắt và chữa viêm loét.
  2. Tìm các huyệt quanh thái dương. Có một số huyệt nằm vòng quanh bên trên tai ở cả hai bên đầu cần được kích thích cùng lúc để có hiệu quả. Các huyệt này bắt đầu từ vị trí trên đầu vành tai, cách tai khoảng một đốt ngón tay, bao gồm:
    • Khúc tân (Hairline Curve)
    • Suất cốc (Valley Lead)
    • Thiên xung (Celestial Hub)
    • Phù bạch (Floating White)
    • Đầu khiếu âm (Head Portal Yin)
  3. Xác định huyệt phong trì (Wind Pool) ở cổ. Các huyệt này nằm phía sau xương tai, nơi các cơ cổ tiếp giáp với xương sọ. Ấn vào huyệt này có thể giúp giảm đau nửa đầu, cải thiện tình trạng thiếu năng lượng, mỏi mắt và các triệu chứng cảm cúm.[5]
  4. Tìm huyệt ở bàn chân để điều trị vùng thái dương. Một huyệt trên bàn chân có thể chữa cơn đau đầu ở thái dương. Huyệt này nằm giữa ngón cái và ngón trỏ.[6]
    • Nếu bị đau nửa đầu bên phải, bạn sẽ bấm huyệt trên bàn chân trái. Tương tự như vậy, bấm các huyệt trên bàn chân phải để tập trung chữa đau đầu bên trái.
  5. Tìm các huyệt trên bàn tay và bàn chân. Đó là huyệt thái xung ở bàn chân và huyệt hợp cốc ở bàn tay, thường dùng để chữa đau đầu.[6]
    • Huyệt thái xung: huyệt này nằm trên mu bàn chân. Tìm khe giữa ngón cái và ngón trỏ. Tiếp đó lần theo các xương này dọc theo mu bàn chân. Tìm nơi các xương này giao nhau. Sau đó lùi lại về phía các ngón chân khoảng 2,5 cm, nơi có phần lõm xuống. Đó là huyệt thái xung.
    • Huyệt hợp cốc: huyệt này nằm trên mu bàn tay. Tìm khe giữa ngón cái và ngón trỏ. Khép chặt hai ngón lại sao cho phần cơ ở giữa phồng lên. Huyệt hợp cốc nằm trên chỗ phồng của cơ này.
  6. Tìm huyệt túc lâm khấp trên mu bàn chân. Tìm các xương ngón út và ngón áp út. Các xương này giao nhau ở trên mu bàn chân. Huyệt túc lâm khấp ở ngay trên vị trí giao nhau của các xương này, nơi có một chỗ lõm xuống.[6]
  7. Tìm huyệt để chữa chứng đau nửa đầu trên mặt. Một vị trí trên ngón chân cái có thể chữa chứng đau trên mặt. Toàn bộ mặt trên của ngón chân cái, từ gốc móng chân đến gốc ngón chân là vùng ấn huyệt để chữa chứng đau nửa đầu trên mặt.[6]

Tự bấm huyệt[sửa]

  1. Bắt đầu bằng việc xử lý phần đau nhất của chứng đau nửa đầu. Cơn đau nửa đầu có thể dữ dội nhất ở một bên đầu hoặc trước trán. Bạn có thể bắt đầu tự trị liệu bằng cách ấn vào những huyệt tương ứng có thể xử lý phần đau nhất.
  2. Xoa bàn tay hoặc bàn chân ở một bên để chữa bệnh cho nửa đầu bên kia. Bấm các huyệt trên chân hoặc tay trái để chữa các bệnh ở phần thân bên phải. Kinh mạch mang năng lượng thông qua cổ đặc biệt quan trọng khi bạn chữa chứng đau ở phần trên (cơn đau ở đầu). Năng lượng này sẽ khởi đầu từ một bên thân mình, chảy dọc theo cổ và đến phần cơ thể đối diện.[6]
    • Nếu chỉ đau một bên đầu, bạn chỉ cần bấm huyệt ở bàn tay hoặc bàn chân bên kia.
  3. Ấn mạnh lên các huyệt. Khi dùng phương pháp bấm huyệt, bạn cần ấn đủ mạnh để kích thích các huyệt. Tuy nhiên lực ấn phải không gây cảm giác đau.
  4. Tiếp tục thao tác trên các vùng nhạy cảm. Bạn cần nhớ rằng một số bộ phận trên cơ thể cần được chữa lành, và một số huyệt có thể mỏng manh hoặc nhạy cảm. Tiếp tục thao tác trên những điểm này nếu có. Cố gắng dùng động tác nhẹ nhàng hơn nhưng tiếp tục ấn lên điểm đó.[7]
    • Nhẹ tay với những điểm nhạy cảm hoặc khó chịu. Dùng lực nhẹ nhưng tiếp tục ấn trên các huyệt này.[8]
    • Nếu thấy đau ở huyệt nào đó, bạn hãy ngừng và bấm lại sau.
  5. Ấn và day ngón tay cái trên huyệt. Dùng động tác xoay tròn trên các huyệt. Ấn trong khoảng 7 giây rồi thả ra. Sau đó ấn lại 7 giây nữa.[7]
  6. Dùng ngón tay cái ấn lên các huyệt ở bàn tay bên kia. Tìm điểm hợp cốc giữa ngón cái và ngón trỏ. Nếu cơn đau xảy ra ở nửa đầu bên trái, bạn hãy dùng ngón cái bàn tay trái ấn vào huyệt này trên bàn tay phải. Giữ yên bàn tay phải. Phần còn lại bàn tay trái cần thả lỏng trong khi ngón tay cái xoay tròn chầm chậm trên huyệt này. Mỗi lần day khoảng 4 giây.[9]
    • Thực hiện 3 chuỗi động tác với 5 lần day huyệt này trên bàn tay.
    • Thử thực hiện phương pháp này hàng ngày để ngăn chặn hoặc giảm nhẹ các triệu chứng đau nửa đầu.
  7. Bấm huyệt trên cả hai nửa thân mình. Cho dù chỉ đau một bên đầu, bạn vẫn nên bấm huyệt trên cả hai bàn tay và/hoặc bàn chân. Điều này đảm bảo quân bình nguồn năng lượng khắp cơ thể.[7]
  8. Chỉ bấm huyệt trong khoảng thời gian tối đa 20-30 phút. Liệu pháp bấm huyệt có thể rất mạnh và gây những tác động tiêu cực nếu bạn trị liệu quá thời gian này. Quá trình bấm huyệt giải phóng chất độc ra khỏi cơ thể và có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, đầu váng vất hoặc chóng mặt. Bạn có thể trải qua những triệu chứng này nếu trị liệu quá thời lượng.[2]
    • Nếu là người cao tuổi hoặc có thể trạng yếu, bạn nên trị liệu trong thời lượng ngắn hơn, khoảng 10 phút.
  9. Uống nhiều nước sau khi trị liệu. Bạn luôn luôn nên uống nhiều nước sau buổi trị liệu. Điều này còn quan trọng hơn nếu bạn tập trung bấm huyệt để chữa gan. Nước sẽ giúp thanh lọc gan.
  10. Nghỉ ngơi một chút sau buổi trị liệu. Bạn nên thư thái nghỉ ngơi khi đã hoàn tất buổi trị liệu. Thử chợp mắt một lúc nếu có thể.

Hiểu cơ chế hoạt động của liệu pháp bấm huyệt[sửa]

  1. Dùng cách bấm huyệt để giảm đau. Bấm huyệt là phương pháp ấn lên các điểm nhất định trên bàn tay và bàn chân tương ứng với các bộ phận trên cơ thể. Có một số thuyết giải thích vì sao việc bấm lên các huyệt này có thể giúp giảm đau và đỡ khó chịu. Một số chuyên gia tin rằng việc bấm huyệt làm gián đoạn tín hiệu truyền từ não và hệ thần kinh.[10] Phương pháp này cũng giúp cơ thể giảm căng thẳng, nhờ đó giúp giảm đau.
  2. Hiểu rằng bạn là một thành phần tích cực tham gia vào quá trình chữa lành. Liệu pháp bấm huyệt không trực tiếp “chữa lành” cơ thể. Kỹ thuật này chỉ giúp cơ thể tự chữa lành qua việc đưa năng lượng lan tỏa khắp cơ thể.[10] Việc giữ một thái độ lạc quan đối với liệu pháp bấm huyệt cũng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng của mình.
  3. Cảm nhận năng lượng chuyển động khắp cơ thể. Theo liệu pháp bấm huyệt, dòng năng lượng trong cơ thể chạy dọc theo những kinh mạch mang năng lượng. Bạn có thể cảm nhận sự chuyển động của năng lượng khi các huyệt được kích thích.
  4. Dùng liệu pháp bấm huyệt để phục hồi sự cân bằng trong cơ thể. Bấm huyệt giúp cơ thể trở về vị trí cân bằng thông qua thư giãn và giải tỏa sự căng thẳng. Điều này giúp cơ thể giảm stress và từ đó nâng cao thể trạng.[11]
  5. Hiểu về các bằng chứng khoa học hỗ trợ cho liệu pháp bấm huyệt. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã quan sát tác động tích cực của việc bấm huyệt đối với cơ thể. Phương pháp bấm huyệt tỏ ra có đóng góp tích cực cho các vấn đề sau:[12]
    • Cải thiện các triệu chứng (như cải thiện chức năng của thận)
    • Giúp bệnh nhân thư giãn (như giảm lo âu và hạ huyết áp)
    • Giảm đau (như cơn đau do viêm xương khớp và đau do sỏi thận)
    • Một nghiên cứu cho thấy hai phần ba số bệnh nhân giảm đáng kể chứng đau nửa đầu sau ba tháng trị liệu bằng phương pháp bấm huyệt. 19% trong số bệnh nhân này cũng ngừng uống thuốc giảm đau.[13]
    • Liệu pháp bấm huyệt cũng tỏ ra có tác dụng giảm các triệu chứng liên quan đến quá trình điều trị ung thư, tiểu đường, các triệu chứng sau phẫu thuật và nhiều bệnh lý khác.

Theo dõi sự xuất hiện của các cơn đau nửa đầu[sửa]

  1. Ghi nhật ký về các cơn đau đầu. Theo dõi các hoạt động và các yếu tố khác dẫn đến cơn đau đầu. Điều này sẽ giúp bạn xác định những tác nhân có thể gây ra các cơn đau nửa đầu.[14]
    • Theo dõi số lần xuất hiện và thời gian các cơn đau nửa đầu kéo dài bao lâu. Hầu hết các cơn đau nửa đầu kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ. Những cơn đau nặng có thể kéo dài nhiều ngày. Chứng đau nửa đầu có thể xảy ra thường xuyên như cách vài ngày hoặc mỗi tháng đôi lần. Ở một số người khác, cơn đau nửa đầu chỉ xuất hiện mỗi năm một lần.
    • Bạn cũng cần theo dõi cường độ của các cơn đau. Ví dụ như cơn đau có dữ dội hơn sau khi bạn ăn chocolate không? Các cơn đau đầu có kéo dài hơn khi bạn căng thẳng không?
  2. Xem xét mức độ căng thẳng trong cảm xúc của bạn. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây đau nửa đầu là sự căng thẳng của cảm xúc. Những cảm xúc căng thẳng có thể ở dạng hồi hộp, lo lắng, phấn khích và các cảm xúc khác. Khi cảm giác căng thẳng xuất hiện, các cơ trong cơ thể sẽ căng hơn và mạch máu giãn ra. Tình trạng này có thể khiến cơn đau đầu trầm trọng hơn.[15]
  3. Kiểm soát lượng caffeine nạp vào cơ thể. Cà phê, chocolate và các thực phẩm khác chứa caffeine được nạp vào cơ thể quá nhiều có thể làm tăng khả năng xuất hiện cơn đau nửa đầu.
  4. Kiểm tra các chất bảo quản và phụ gia trong thực phẩm mà bạn đã nạp vào cơ thể. Nhiều người nhạy cảm với một số chất bảo quản và phụ gia trong thực phẩm. Các chất này có thể là bột ngọt (MSG), nitrate (dùng để bảo quản thịt), chất cồn và phô mai chín (aged cheese).
  5. Theo dõi thời tiết. Những thay đổi về thời tiết, nhất là khi thay đổi áp suất, có thể tác động lên khả năng xảy ra cơn đau nửa đầu. Ví dụ như bạn có thể bắt đầu cảm thấy sự căng thẳng trong đầu khi sắp có bão.
  6. Lưu ý chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng đau nửa đầu hơn nam giới. Nhiều phụ nữ bị đau đầu trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Bạn nên theo dõi những cơn đau nửa đầu xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt để xác định liệu bạn có dễ bị đau đầu ở một vài thời điểm nào đó trong tháng không.
  7. Nói chuyện với bác sĩ về các bệnh lý khác. Một số căn bệnh có thể làm gia tăng rủi ro đau nửa đầu. Các bệnh này gồm có:[16]
    • Hen suyễn
    • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
    • Cao huyết áp
    • Đột quỵ
    • Rối loạn giấc ngủ
  8. Trao đổi với bác sĩ nếu chứng đau nửa đầu trở nên nặng hơn. Một số dạng đau nửa đầu nghiêm trọng dù hiếm xảy ra nhưng có thể tác động mạnh hơn các cơn đau nửa đầu thông thường.[17] Một số dạng đau nửa đầu khác là:
    • Đau nửa đầu liệt nửa người (hemiplegic migraine): Cơn đau đầu có thể kèm cảm giác tê liệt tạm thời hoặc thay đổi về thần kinh. Bạn nên hỏi bác sĩ để đảm bảo hiện tượng này không phải đột quỵ, vì một số triệu chứng có thể giống nhau.
    • Đau nửa đầu võng mạc (retinal migraine): Một bên mắt có thể bị mất thị lực và cơn đau xuất phát từ sau hai mắt.
    • Đau nửa đầu liên quan đến động mạch nền (basilar artery migraine): Có thể xảy ra hiện tượng chóng mặt hoặc lẫn lộn và vị trí đau nằm ở sau đầu. Bạn cũng có thể nôn, ù tai hoặc không nói được như bình thường. Các chuyên gia xếp dạng đau nửa đầu này vào loại thay đổi hormone.
    • Đau nửa đầu liên tục (status migrainosus): Cơn đau đầu thường rất nặng khiến bệnh nhân phải vào bệnh viện. Dạng đau nửa đầu này thường do một số thuốc gây ra.
    • Đau nửa đầu liệt mắt (ophthalmoplegic migraine): Bạn có thể cảm thấy đau trong mắt, nhìn một hóa hai, mí mắt rũ xuống, tê liệt các cơ quanh mắt. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần phải cấp cứu ngay.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhiều huyệt đặc biệt có tác dụng điều trị các bộ phận khác nhau trên cơ thể và đầu. Bạn có thể thử các huyệt khác nhau để tìm ra những huyệt nào có hiệu quả nhất trong việc điều trị chứng đau nửa đầu của mình.[4]
  • Liệu pháp bấm huyệt có hiệu quả nhất khi kết hợp với các liệu pháp toàn diện khác như yoga, thiền và các liệu pháp thảo mộc.

Cảnh báo[sửa]

  • Đến bác sĩ nếu bạn có bất cứ lo lắng nào về các cơn đau đầu.
  • Nhiều phương pháp bấm huyệt không nên áp dụng cho phụ nữ mang thai vì có thể kích thích chuyển dạ. Tham khảo bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trước khi thử bấm huyệt.
  • Tránh dùng phương pháp bấm huyệt nếu bị chấn thương ở bàn tay hoặc bàn chân. Tham khảo bác sĩ nếu bạn có bất cứ lo ngại nào liên quan.[9]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.webmd.com/migraines-headaches/guide/migraines-headaches-migraines?page=2
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.drlwilson.com/articles/REFLEXOLOGY.htm
  3. http://www.modernreflexology.com/mobility-exercises-to-treat-reflexology-to-others-and-yourself/
  4. 4,0 4,1 http://www.modernreflexology.com/6-effective-acupressure-regions-to-treat-migraine-headaches/
  5. http://exploreim.ucla.edu/chinese-medicine/acupressure-point-gb20/
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 http://www.chinesefootreflexology.com/4points/
  7. 7,0 7,1 7,2 http://www.mcreflexology.com/tips/
  8. http://www.drlwilson.com/articles/REFLEXOLOGY.htm
  9. 9,0 9,1 http://blog.themigrainereliefcenter.com/how-to-use-reflexology-for-migraines
  10. 10,0 10,1 http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/reflexology/how-does-reflexology-work
  11. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/reflexology/how-can-reflexology-help-my-health-and-healing
  12. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/reflexology/what-does-research-say-about-refloxology
  13. Brendstrup, E & Launse, L. (1997). Headache and Reflexological Treatment. The Council Concerning Alternative Treatment, The National Board of Health, Denmark.
  14. http://www.webmd.com/migraines-headaches/guide/migraines-headaches-migraines?page=4
  15. http://www.webmd.com/migraines-headaches/guide/migraines-headaches-migraines
  16. http://www.webmd.com/migraines-headaches/guide/migraines-headaches-migraines?page=2
  17. http://www.webmd.com/migraines-headaches/guide/migraines-headaches-migraines?page=3
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này