Điều trị chứng tim to

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chứng tim to là tình trạng tim to hơn bình thường. Tình trạng này không phải là bệnh và được xem là do nhiều căn bệnh cũng như vấn đề về sức khỏe khác gây ra.[1] Thực hiện những bước đơn giản dưới đây có thể giúp nhận biết và điều trị chứng tim to.

Các bước[sửa]

Phát hiện chứng tim to[sửa]

  1. Nhận biết nguyên nhân. Có nhiều bệnh lý có thể khiến tim to, bao gồm bệnh van tim và bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy yếu cơ tim, dịch quanh tim, huyết áp cao và tăng huyết áp động mạch phổi. Người bị bệnh tuyến giáp hoặc thiếu máu mãn tính cũng có thể mắc chứng tim to. Ngoài ra, đây cũng có thể là do sự tích tụ của chất sắt và các protein bất thường dư thừa trong tim.
    • Chứng tim to cũng có liên quan đến nhiều tình trạng khác. Ví dụ, tim to có thể là do mang thai, béo phì, thiếu hụt chất dinh dưỡng, cuộc sống căng thẳng, một số bệnh nhiễm trùng, sử dụng một số loại độc tố như ma túy và đồ uống chứa cồn và sử dụng thuốc chữa bệnh.[2][3]
  2. Hiểu rõ yếu tố nguy cơ. Một số người sẽ có nguy cơ mắc chứng tim to cao hơn. Ví dụ như bệnh nhân huyết áp cao, tắc động mạch, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim hoặc bị đau tim. Ngoài ra, đối tượng có tiền sử gia đình có người mắc chứng tim to sẽ có nguy cơ cao hơn.
    • Huyết áp cao trên 140/90 là yếu tố nguy cơ gây chứng tim to.[4]
  3. Tìm hiểu về triệu chứng. Mặc dù không phải là bệnh nhưng chứng tim to cũng có một số triệu chứng cụ thể. Ví dụ như rối loạn nhịp tim, khó thở, chóng mặt và ho. Triệu chứng ở mỗi người có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng tim to.
    • Nên đi khám bác sĩ ngay nếu cảm thấy đau tức ngực, khó thở hoặc ngất xỉu. [5]
  4. Hiểu rõ biến chứng. Chứng tim to có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Người mắc chứng tim to dễ bị đông máu và tim ngừng đập. Ngoài ra, bạn sẽ nghe thấy tiếng thổi liên tục của tim do ma sát trong quá trình lưu thông máu và rối loạn nhịp tim. Nếu không được điều trị, chứng tim to có thể dẫn đến đột tử.
    • Tâm thất trái to được xem là trường hợp nghiêm trọng của chứng tim to và có thể dẫn đến suy tim.[6]
  5. Chẩn đoán chứng tim to. Có nhiều cách khác nhau để chẩn đoán chứng tim to. Bước đầu tiên thường là chụp X-quang để quan sát kích cỡ của tim. Bác sĩ cũng có thể tiến hành siêu âm tim hoặc điện tâm đồ nếu kết quả chụp X-quang chưa chắc chắn. Một số phương pháp khác để chẩn đoán chứng tim to gồm có kiểm tra căng thẳng ở tim, chụp CT hoặc MRI.
    • Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến chứng tim to, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất. [7]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Thay đổi thói quen ăn uống. Một trong những cách cơ bản để giảm ảnh hưởng của chứng tim to và chống lại nguyên nhân gây bệnh đó là thay đổi chế độ ăn. Bạn nên ăn những thực phẩm ít chất béo bão hòa, natri và cholesterol. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm rau củ quả, thịt nạc và protein lành mạnh vào chế độ ăn.
    • Nên uống 6-8 cốc nước mỗi ngày.[8][9]
    • Nên ăn nhiều cá, rau lá xanh, hoa quả và đậu để hạ nồng độ cholesterol và natri, đồng thời giúp hạ huyết áp.
    • Có thể hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn phù hợp với tình trạng cụ thể.
  2. Tập thể dục. Nên tăng cường hoạt động thể chất mỗi ngày. Dựa vào nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến chứng tim to mà bác sĩ có thể khuyến nghị nhiều bài tập khác nhau. Bác sĩ có thể khuyến nghị hình thức tập Aerobic và tập Cardio (tập cơ tim) cường độ nhẹ, ví dụ như đi bộ hoặc bơi lội nếu tim quá yếu và không thể chịu quá nhiều áp lực.
    • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị những bài tập Cardio cường độ mạnh và luyện sức khỏe như đạp xe hoặc chạy khi bạn thấy khỏe hơn hoặc nếu bạn cần giảm cân.
    • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn bắt đầu hoạt động thể chất, đặc biệt là đối với người mắc bệnh tim.
    • Kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện đúng cách sẽ giúp giảm cân, có ích trong việc điều trị nhiều bệnh lý tiềm ẩn dẫn đến chứng tim to.[8][9]
  3. Hạn chế những thói quen xấu. Bạn nên tránh hoặc bỏ những thói quen xấu sau khi được chẩn đoán mắc chứng tim to. Nên bỏ thuốc lá ngay lập tức vì hút thuốc làm tăng áp lực lên tim và mạch máu. Ngoài ra, nên tránh uống quá nhiều đồ uống chứa cồn và caffeine vì chúng làm rối loạn nhịp tim và tăng áp lực lên cơ tim.
    • Nên cố gắng ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm để giúp điều hòa nhịp tim và nạp lại năng lượng cho cơ thể.[9]
  4. Đi khám bác sĩ thường xuyên. Trong quá trình phục hồi, bạn nên đi khám bác sĩ thường xuyên. Bằng cách này, bác sĩ có thể theo dõi sát sao tình trạng của tim và cho bạn biết chứng tim to đã cải thiện hay trở nặng hơn.
    • Bác sĩ cũng có thể cho bạn biết liệu cơ thể có phản ứng với phương pháp điều trị không và liệu bạn có cần tiếp nhận phép điều trị nâng cao hơn không. [8][9]

Cân nhắc các quy trình và phương pháp phẫu thuật[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ về các thiết bị y tế. Nếu chứng tim to dẫn đến suy tim nặng hoặc rối loạn nhịp tim đáng kể, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng máy khử rung tim cấy dưới da (ICD). ICD là một thiết bị có kích thước cỡ hộp diêm giúp duy trì nhịp tim bình thường thông qua sốc điện.
    • Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng máy điều hòa nhịp tim để giúp điều hòa các cơn co thắt của tim.[10]
  2. Cân nhắc phẫu thuật van tim. Nếu chứng tim phình to dẫn đến suy van tim, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật thay thế, trong đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ van tim hẹp hoặc bị suy và thay thế bằng van tim khác.
    • Van tim có thể là một van mô từ người hiến tặng đã qua đời, của bò hoặc lợn. Ngoài ra, van tim cũng có thể được thay thế bằng van tim nhân tạo.
    • Phẫu thuật sẽ rất cần thiết để phục hồi hoặc thay thế van tim bị rò rỉ, hay còn gọi là trào ngược van. Tình trạng này góp phần dẫn đến chứng tim to và khiến máu rỉ ra qua van tim.[10]
  3. Hỏi bác sĩ về các phương pháp phẫu thuật khác. Nếu chứng tim to là do bệnh về động mạch, bạn có thể cần tiếp nhận phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành để phục hồi tim. Đối với trường hợp suy tim do chứng tim to, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) để giúp tim thực hiện chức năng bơm.
    • Thiết bị LVAD có thể là phương pháp lâu dài đối với người bị suy tim hoặc duy trì sự sống khi bệnh nhân đang chờ cấy ghép tim.
    • Phương pháp cấy ghép tim được xem là giải pháp cuối cùng cho người mắc chứng tim to và chỉ được tiến hành khi tất cả những phương pháp khác không có hiệu quả. Thời gian chờ tiến hành cấy ghép tim có thể kéo dài hàng năm trời. [10]

Điều trị bằng thuốc[sửa]

  1. Uống thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin (ACE). Khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh dẫn đến chứng tim to, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ACE. Khi cơ tim yếu dẫn đến bệnh, thuốc ức chế ACE sẽ giúp hỗ trợ chức năng bơm bình thường của tim. Loại thuốc này có thể giúp hạ huyết áp.
    • Thuốc chặn thụ thể angiotensin (ARB) có thể được kê đơn làm thuốc thay thế cho bệnh nhân không thể dùng được thuốc ACE.[10]
  2. Điều trị sẹo mô tim bằng thuốc lợi tiểu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu cho bệnh nhân mắc chứng tim to, đặc biệt là do bệnh cơ tim. Thuốc lợi tiểu giúp giảm lượng nước và natri trong cơ thể, đồng thời giảm độ dày của cơ tim.
    • Thuốc này cũng làm hạ huyết áp.[10]
  3. Sử dụng thuốc chặn beta. Nếu huyết áp cao là nguyên nhân chính gây ra chứng tim to, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể và có thể kê đơn thuốc chặn beta. Thuốc này giúp cải thiện huyết áp, điều hòa nhịp tim và giảm nhịp tim.
    • Các thuốc khác như Digoxin cũng hỗ trợ cơ chế bơm của tim. Nhờ đó, bạn có thể tránh được nguy cơ nhập viện do suy tim.[11][10]
  4. Hỏi bác sĩ về các thuốc khác. Dựa vào nguyên nhân gây chứng tim to mà bác sĩ có thể kê thêm các thuốc khác. Nếu lo lắng rằng bạn có nguy cơ bị đông máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu. Thuốc này giúp giảm nguy cơ đông máu - nguyên nhân dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim.
    • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc chống loạn nhịp tim - thuốc được dùng để duy trì nhịp tim bình thường.[10]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]