Điều trị khi bị rách cơ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chấn thương cơ bắp là hiện tượng thường gặp, nhất là với những người luyện tập thể thao. Trường hợp luyện tập quá mức dẫn đến rách cơ hoặc bong gân rất dễ xảy ra. Nếu bạn hoặc con của bạn chơi thể thao, có lẽ vào lúc nào đó bạn phải thực hiện các biện pháp sơ cứu. Thông thường bạn có thể điều trị các vết thương nhẹ tại nhà với thủ thuật sơ cứu cơ bản và uống thuốc không kê toa, tuy nhiên có thể bạn phải tìm sự chăm sóc y tế khi bị chấn thương nặng hơn.

Các bước[sửa]

Điều trị các chấn thương nhẹ ở cơ[sửa]

  1. Để cơ bắp nghỉ ngơi. Các chấn thương độ một hoặc độ hai thường không đòi hỏi chăm sóc y tế. Bạn có thể điều trị các chấn thương này với quy tắc RICE, chữ viết tắt bao gồm những chữ đầu của các bước điều trị Rest – Rice – Compress – Elevate (Nghỉ ngơi – Chườm đá – Băng ép – Nâng cao). Bước đầu tiên là để vùng tổn thương nghỉ ngơi.[1]
    • Ngừng tập luyện cho đến khi bạn có thể cử động cơ mà không đau. Không tham gia bất cứ môn thể thao nào cho đến khi bạn thấy khỏe hơn. Giai đoạn này không nên kéo dài quá hai tuần. Nếu sau thời gian này mà vẫn còn đau nhiều, bạn hãy hẹn gặp bác sĩ.
    • Bạn vẫn phải còn khả năng đi lại/cử động cánh tay. Nếu không thể cử động hoặc đi lại, có lẽ trường hợp rách cơ này là nghiêm trọng và bạn nên đi khám.
  2. Chườm đá lên vùng tổn thương. Chườm đá bằng cách sử dụng túi đậu đông lạnh hoặc túi đá viên/đá xay bọc trong túi ni lông. Bọc túi đá bằng vải hoặc khăn mỏng trước khi chườm. Đặt túi đá lên vùng tổn thương 15-20 phút cách mỗi 2 giờ trong hai ngày đầu kể từ khi bị thương.[1]
    • Độ lạnh của đá sẽ giúp giảm chảy máu trong (hematoma), sưng, viêm và khó chịu.
  3. Băng ép lên cơ bị tổn thương. Bạn cũng có thể băng vùng tổn thương bằng băng Ace để bảo vệ vết thương trong 48-72 giờ đầu. Đảm bảo băng sát nhưng không quá chặt.[1]
    • Để băng bó vết thương, bạn cần bắt đầu từ điểm xa nhất so với tim và băng dần vào trong. Ví dụ, nếu bị thương ở cơ hai đầu cánh tay (con chuột), bạn hãy bắt đầu từ gần khuỷu tay và băng hướng lên nách. Nếu bị thương ở bắp chân, bạn cần băng từ gần mắt cá hướng lên đầu gối.
    • Đảm bảo vẫn luồn được hai ngón tay vào khoảng giữa da và lớp băng. Tháo băng nếu nhận thấy có dấu hiệu giảm lưu thông máu như tê, cảm giác kim châm hoặc tái nhợt ở vùng tổn thương.
    • Băng gạc cũng có tác dụng bảo vệ vết thương khỏi bị thương lần nữa.
  4. Nâng cao chi bị thương. Bạn cũng có thể nâng chi bị thương cao hơn mức tim để giúp giảm sưng. Kê chi bị thương lên vài chiếc gối và nằm xuống. Đảm bảo nằm ở tư thế thoải mái nhất.[1]
    • Nếu không thể nâng vết thương cao hơn tim, ít nhất bạn cũng nên cố gắng giữ vết thương song song với mặt đất.
    • Nếu vẫn cảm thấy đau thốn, bạn có thể thử nâng vết thương cao hơn nữa.
  5. Tránh các yếu tố HARM. Trong 72 giờ đầu sau khi cơ bị rách, điều quan trọng là tránh làm bất cứ điều gì khiến vết thương trầm trọng hơn. Các hoạt động nên tránh được biểu thị bằng HARM, các chữ đầu của:[2]
    • Heat (nhiệt). Không dùng túi chườm nhiệt hoặc tắm nước nóng.
    • Alcohol (cồn). Không uống rượu bia vì chất cồn có thể gia tăng tình trạng chảy máu và sưng. Cồn cũng có thể khiến vết thương lâu lành hơn.
    • Running (chạy). Không chạy hoặc tham gia bất cứ hoạt động mạnh nào khác có thể gây tổn thương nặng hơn.
    • Massage (xoa bóp). Không đi mát-xa hoặc chà xát lên vùng bị thương, vì động tác này sẽ gây chảy máu và sưng nhiều hơn.

Giảm đau bằng thuốc[sửa]

  1. Uống acetaminophen trong hai ngày đầu. Acetaminophen được khuyến nghị dùng trong hai ngày đầu sau khi rách cơ vì nó ít có khả năng làm gia tăng chảy máu.[2][3] Sau hai ngày đầu, bạn có thể chuyển sang dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen.
    • Thuốc NSAID có thể giúp giảm đau nhưng cũng có thể làm gián đoạn các phản ứng hóa học vốn cần thiết trong quá trình điều trị lâu dài.[4] Nhiều bác sĩ khuyến nghị bắt đầu dùng thuốc này sau khi bị thương 48 tiếng.
    • Uống ibuprofen hoặc naproxen kèm thức ăn và một cốc nước để tránh các biến chứng như loét dạ dày. Thận trọng nếu bạn có bệnh hen suyễn, vì các thuốc kháng viêm có thể tăng khả năng lên cơn hen.[3]
  2. Hỏi bác sĩ về các loại kem giảm đau kê toa. Bạn có thể được bác sĩ kê toa kem kháng viêm không steroid để thoa lên da, nơi cơ bị rách. Các loại kem này có tác dụng giảm đau và giảm sưng tại chỗ.[2]
    • Chỉ bôi kem lên vùng tổn thương và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Nhớ rửa tay ngay sau khi bôi kem lên vết thương.
  3. Đề nghị bác sĩ kê toa thuốc giảm đau nếu đau nhiều. Nếu vết thương nghiêm trọng, có thể bạn sẽ đau dữ dội. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau như codeine.[2]
    • Nhớ rằng những thuốc này có thể gây tình trạng lệ thuộc thuốc và mạnh hơn nhiều so với thuốc không kê toa. Cẩn thận tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng sử dụng.

Tìm sự chăm sóc y tế[sửa]

  1. Tiếp nhận chẩn đoán. Nhiều vết rách nhỏ sẽ tự lành chỉ với biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên bạn rất khó xác định mức độ tổn thương mà không đi khám. Nếu bị đau và/hoặc khó cử động chi bị thương, bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán.
    • Bác sĩ có thể khám vết thương và chỉ định các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ loại trừ khả năng gãy xương và xác định mức độ rách cơ.[5]
    • Dựa vào mức độ nặng nhẹ của vết thương , bác sĩ có thể cung cấp dây đeo hoặc nẹp để giữ cho chi bị thương bất động trong thời gian hồi phục.[6]
  2. Hỏi về phương pháp vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu có thể cần thiết nếu bạn bị rách cơ nghiêm trọng. Quá trình tập vật lý trị liệu có thể giúp cơ bị rách lành lại đúng mức và khôi phục hoàn toàn chức năng vận động.[2]
    • Trong quá trình tập vật lý trị liệu, bạn sẽ được học và thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Các bài tập này sẽ xây dựng sức mạnh cơ bắp một cách an toàn và giúp tăng tầm vận động.
  3. Đến bác sĩ khám để loại trừ các bệnh lý khác. Một số bệnh lý có liên quan đến tình trạng rách cơ, nhưng trường hợp này nghiêm trọng hơn nhiều. Nếu cho rằng mình bị một trong các bệnh sau đây, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức:
    • Hội chứng chèn ép khoang (compartment syndrome). Nếu bạn bị đau dữ dội kèm cảm giác tê và như kim châm, chi bị thương tái nhợt và cảm giác bị siết chặt, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.[7] Hội chứng chèn ép khoang là trường hợp chấn thương cấp cứu cần được phẫu thuật trong vòng vài giờ. Nếu không, bạn có nguy cơ phải cắt bỏ chi. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào trong các triệu chứng trên, bạn nhất thiết phải đến bác sĩ ngay lập tức. Máu từ vết rách có thể tạo áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh. Tình trạng này sẽ cắt đứt sự lưu thông máu khi áp lực tích tụ.
    • Đứt gân Achilles. Gân Achilles nằm ở sau mắt cá và bắp chân.[8] Gân Achilles có thể bị đứt khi vận động mạnh, nhất là ở nam giới trên 30 tuổi. Nếu cảm giác đau xuất hiện dọc mu bàn chân, đặc biệt khi duỗi mắt cá, có thể bạn đã bị đứt gân Achilles. Trường hợp này đòi hỏi bất động hoàn toàn và bó bột.
  4. Tìm sự chăm sóc y tế với vết rách độ ba. Nếu cơ bị rách hoàn toàn, bạn sẽ không thể cử động được chi bị thương. Bạn sẽ phải nhờ chuyên gia có kinh nghiệm điều trị càng sớm càng tốt.[9]
    • Phương pháp điều trị và thời gian phục hồi sẽ khác nhau tùy vào mức độ nặng nhẹ và vị trí của vết rách. Ví dụ, nếu cơ hai đầu cánh tay bị rách hoàn toàn, bạn sẽ phải phẫu thuật, và thời gian hồi phục mất 4-6 tháng. Trường hợp rách một phần thường sẽ lành trong khoảng 3-6 tuần.[10]
    • Tùy dạng vết rách, bạn có thể cần đến bác sĩ chấn thương chỉnh hình hoặc bác sĩ chuyên khoa khác.
  5. Trao đổi về các phương án điều trị đứt gân và rách cơ. Một số trường hợp cần phẫu thuật để chữa rách cơ hoặc đứt dây chằng.[6] Trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn của bạn nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật.
    • Trường hợp rách cơ hiếm khi phải phẫu thuật và có thể chỉ được khuyến nghị thực hiện nếu bạn là vận động viên chuyên nghiệp, vì biểu hiện của bạn có thể sẽ không trở lại như trước nếu không phẫu thuật.
  6. Đến bác sĩ tái khám. Bác sĩ có thể hẹn tái khám không lâu sau đó. Điều này là để đảm bảo rằng vết thương của bạn đang hồi phục bình thường. Bạn cần đi tái khám theo hẹn.[2]
    • Sớm báo cho bác sĩ biết nếu vết thương tiến triển xấu hoặc có vẻ như không cải thiện.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu là vận động viên chuyên nghiệp, bạn nên cân nhắc tìm sự chăm sóc y tế khi bị chấn thương cơ, cho dù vết thương có vẻ nhẹ. Bác sĩ có thể cho lời khuyên giúp bạn hồi phục nhanh hơn và bạn có thể quay lại thi đấu sớm hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu có lý do để nghi ngờ mắc hội chứng chèn ép khoang, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu không, trường hợp này có thể khiến bạn mất đi cánh tay hay chân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]