Điều trị mụn cóc một cách tự nhiên bằng tỏi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mụn cóc là vấn đề có thể khiến bạn xấu hổ và lo lắng, đặc biệt nếu mụn cóc mọc ở vị trí dễ nhìn thấy. Mụn cóc thường phổ biến và không phải vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu tái phát. Trong trường hợp mụn cóc tái phát, bạn nên đi khám bác sĩ để biết rõ nguyên nhân. Mặt khác, đối với trường hợp bị mụn cóc thông thường, các phương pháp dưới đây có thể hữu ích.

Các bước[sửa]

Điều trị mụn cóc bằng tỏi[sửa]

  1. Kiểm tra da. Tỏi là phương thuốc tuyệt vời đối với trường hợp bị mụn cóc thông thường. Tỏi tươi là hiệu quả nhất nhưng bạn cũng có thể sử dụng nước ép tỏi. Chà tỏi lên một vùng da nhỏ trước để xác định bạn có mẫn cảm với tỏi hay không. Một số người có thể bị phát ban khi sử dụng tỏi tươi. Phát ban tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu.
    • Nếu bị mẫn cảm với tỏi, bạn vẫn có thể sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên bạn phải chịu phát ban. Đối với người bị mẫn cảm với tỏi, chỉ nên đắp tỏi nghiền nát lên mụn cóc trong vòng 1 tiếng cho 1 lần điều trị. Do đó, có thể sẽ mất nhiều thời gian để mụn cóc biến mất hoàn toàn.
    • Theo một nghiên cứu, khi được điều trị bằng tỏi, 100% trẻ em đã khỏi mụn cóc hoàn toàn mà không gặp tác dụng phụ đáng kể nào ngoài trừ mùi nồng của tỏi và dị ứng da nhẹ. Một nghiên cứu khác sử dụng một loại chiết xuất lipid hay chất béo từ tỏi cho cả mụn cóc và vết chai sần. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 42 bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau đã hoàn toàn khỏi mụn cóc.
    • Người ta tin rằng Allicin - thành phần kháng vi-rút chính của tỏi, là chất giúp loại bỏ mụn cóc. Tuy nhiên, vẫn cần tiến hành thêm nghiên cứu để chứng minh nhận định này.[1][2]
  2. Vệ sinh vùng da bị mụn cóc. Trước khi đắp tỏi, bạn cần vệ sinh và lau khô vùng da bị mụn cóc. Rửa tay sạch trước khi vệ sinh khu vực bị mụn cóc. Sử dụng xà phòng và nước ấm để vệ sinh vùng da bị mụn cóc. Lau khô bằng khăn bông.
    • Giặt sạch khăn bằng nước nóng và xà phòng sau khi cho khăn tiếp xúc với mụn cóc. Bạn cũng có thể tẩy trắng khăn để đảm bảo tiêu diệt hết vi-rút gây mụn cóc. [3]
  3. Đắp tỏi lên mụn cóc. Dùng dao nghiền nát 1 tép tỏi. Bạn cũng có thể cắt đôi tép tỏi. Dùng tỏi nghiền hoặc mặt cắt của tép tỏi chà xát lên mụn cóc để nước tỏi thấm vào da.[4]
  4. Che vùng da bị mụn cóc lại. Đắp tỏi nghiền trực tiếp lên mụn cóc. Che cả tỏi và mụn cóc bằng băng gạc, thậm chí bằng băng keo nếu muốn. Tránh đắp tỏi lên vùng da không bị mụn cóc.
    • Phải đảm bảo vùng da bị mụn cóc không có vết đứt hoặc vết thương hở. Tỏi có thể làm bỏng vết thương và tạo điều kiện cho vi-rút mụn cóc lây lan.[4]
  5. Lặp lại phương pháp điều trị. Phương pháp điều trị này không phát huy hiệu quả ngay lập tức nên bạn cần thực hiện hàng ngày. Liên tục vệ sinh và lau khô lại vết thương. Đắp tỏi tươi nghiền hoặc tỏi cắt lên mụn cóc và luôn quấn vết thương bằng băng gạc mới.
    • Bạn cũng có thể sử dụng băng keo quấn vết thương lại để giữ khô. Tuy nhiên quấn băng keo có thể gây kích ứng ở vùng da không bị ảnh hưởng.[4]
    • Lặp lại phương pháp điều trị bằng tỏi ít nhất trong 3-4 tuần.
    • Hầu hết các trường hợp nhận thấy mụn cóc nhỏ dần trong vòng 6-7 ngày. Mụn có thể bị teo và nhăn lại sau khi tháo băng và rửa sạch tỏi. Màu mụn cóc cũng có thể trông nhạt hơn.
    • Nếu tình trạng không cải thiện, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân.
  6. Dũa nhẵn phần da sót lại. Bạn có thể sử dụng cây dũa móng tay để dũa bỏ mụn cóc. Để vùng da bị mụn cóc dưới bồn rửa. Thấm ướt mụn cóc. Sử dụng mặt nhám của cây dũa nhẹ nhàng chà xát đầu và mặt mụn cóc. Sau đó, lật mặt trơn của cây dũa lại và lặp lại động tác tương tự. Rửa sạch và đắp tỏi nghiền lên.
    • Không được chà quá mạnh khiến vết mụn cóc chảy máu. Bạn cũng nên cẩn thận tránh dũa lên vùng da không bị ảnh hưởng.
    • Nếu bị mụn cóc dưới bàn chân, nên cho chân vào bồn tắm hoặc bồn nhựa nhỏ.
    • Đảm bảo rửa sạch sẽ lớp da bị cạo bỏ. Dọn sạch sẽ bồn rửa hoặc bồn tắm để ngăn ngừa tái nhiễm.
    • Vứt bỏ cây dũa đã sử dụng.[5]

Sử dụng các phương pháp tự nhiên khác[sửa]

  1. Sử dụng hành tây. Cũng giống như tỏi, hành tây có thể giúp điều trị mụn cóc. Nghiền nát 1/8 củ hành tây cỡ vừa. Đắp hành tây trực tiếp lên mụn cóc và che lại bằng băng gạc hoặc băng keo. Lặp lại phương pháp này mỗi ngày và luôn dùng băng sạch để che mụn cóc lại sau khi đắp hành tây.
    • Tương tự như phương pháp sử dụng tỏi, sử dụng cây dũa móng tay để loại bỏ sạch sẽ phần da còn sót lại của mụn cóc sau mỗi lần điều trị.[6]
  2. Ngâm mụn cóc trong giấm. Giấm chứa axit acetic pha loãng có thể phá vỡ màng tế bào. Môi trường axit giúp giết chết vi rút. Nhúng 1 miếng bông vào giấm trắng sau đó đắp lên mụn cóc. Cố định miếng bông bằng băng keo. Giữ nguyên như vậy trong 2-48 giờ. Lặp lại nếu cần.
    • Sau mỗi lần áp dụng phương pháp, nên sử dụng dũa móng tay để dũa bỏ phần da mụn cóc còn sót lại.[7]
  3. Sử dụng bồ công anh. Nhựa bồ công anh chứa một số thành phần, trong đó có các chất kháng vi rút giúp điều trị mụn cóc. Những chất này có khả năng tiêu diệt các tế bào nhiễm vi rút. Hái 1-2 cây bồ công anh. Nghiền thân cây rồi vắt lấy nhựa để thoa lên mụn cóc. Che mụn cóc bằng băng gạc hoặc băng keo. Để yên trong 24 giờ. Lặp lại nếu cần.
    • Sử dụng cây dũa móng tay để dũa bỏ da mụn cóc sau mỗi lần điều trị.[8][9]
  4. Sử dụng vỏ chuối. Vỏ chuối chứa một số chất, bao gồm nhiều enzym khác nhau giúp phá vỡ màng tế bào. Cắt 1 miếng vỏ chuối có kích cỡ vừa đủ phủ lên mụn cóc. Mặt trong của vỏ chuối phải là phần tiếp xúc với mụn cóc. Che khu vực mụn cóc đã được đắp vỏ chuối bằng băng hoặc băng keo và để qua đêm. Lặp lại nếu cần.
    • Ngoài ra, vỏ chuối còn có chứa carotenoid – tiền chất tổng hợp vitamin A. Vitamin A có tác dụng kháng vi rút.
    • Sau mỗi lần áp dụng phương pháp, nên sử dụng dũa móng tay để dũa mụn cóc.[10]
  5. Sử dụng húng quế tươi. Rau húng quế chứa một số chất kháng vi rút và được tin là giúp loại bỏ vi-rút gây mụn cóc. Vo tròn 1 lá húng quế tươi rồi đắp lên mụn cóc. Che lại bằng băng hoặc băng keo và để trong 24 giờ. Lặp lại nếu cần thiết. [11]
    • Dùng dũa móng tay (loại dùng một lần) dũa phần da mụn cóc sau mỗi điều trị.

Sử dụng liệu pháp không kê đơn[sửa]

  1. Vệ sinh da sạch sẽ. Dù sử dụng phương pháp điều trị nào, bạn cũng phải luôn luôn rửa sạch và lau khô tay trước và sau khi chạm vào mụn cóc. Bạn nên hạn chế sử dụng các liệu pháp không kê toa lên vùng da không bị mụn cóc. Những phương pháp này thường phát huy hiệu quả trong vòng vài ngày. Nếu sau 6-7 ngày mà mụn cóc không teo lại hoặc thay đổi hình dạng, bạn nên đi khám bác sĩ để áp dụng phương pháp điều trị mạnh hơn.
  2. Sử dụng axit salicylic. Axit salicylic có khả năng phá vỡ và giết chết các tế bào bị nhiễm vi rút HPV mà vẫn không gây thương tổn cho các tế bào bình thường. Mua loại Axit salicylic có thương hiệu như Compound W hoặc Dr. Scholl's Clear Away dưới dạng miếng dán hoặc dung dịch ở tiệm thuốc tây. Rửa sạch vùng da bị mụn cóc và lau khô. Đắp miếng dán hoặc thoa dung dịch Axit salicylic theo chỉ dẫn. Lặp lại mỗi ngày cho đến khi mụn cóc biến mất. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 2-3 tháng.[12]
    • Tránh để thuốc tiếp xúc với vùng da không bị mụn cóc.
    • Để giúp axit phát huy hiệu quả, nên ngâm và dũa bớt mụn cóc, nhờ đó thuốc sẽ ngấm sâu hơn vào da.
    • Bạn có thể được kê toa Axit salicylic đậm đặc hơn.[13][14]
  3. Áp lạnh mụn cóc. Thuốc áp lạnh không kê toa sử dụng ether dimethyl và propane để đóng băng mụn cóc. Các loại thuốc này hoạt động bằng cách đóng băng mụn cóc và giết chết các tế bào da bị nhiễm vi rút, nhờ đó mụn cóc sẽ bong ra dễ dàng. Bạn có thể tìm mua các thuốc áp lạnh như Compound W Freeze Off hoặc Dr. Scholl Freeze Away tại các tiệm thuốc tây. Thực hiện theo hướng dẫn ghi trên vỏ thuốc. Phải mất 2 tháng để thuốc phát huy tác dụng. Tránh để thuốc gần ngọn lửa. Cục FDA (Mỹ) cảnh báo các thuốc này có thể bén lửa và cháy.[15][16][17]
    • Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy áp lạnh mụn cóc là phương pháp hiệu quả giúp điều trị mụn cóc trong vòng 2 tháng.[18]
  4. Sử dụng băng keo. Nhiều người cho rằng băng keo cũng là một phương pháp giúp loại bỏ mụn cóc. Người ta vẫn chưa thể giải thích cơ chế loại bỏ mụn cóc của băng keo. Tuy nhiên, theo một số người, băng keo chứa chất kết dính giúp phá vỡ các tế bào da để mụn cóc bong ra dễ dàng. Bạn có thể dán 1 miếng băng keo bạc nhỏ lên mụn cóc. Giữ nguyên trong 6-7 ngày. Gỡ băng keo ra sau đó ngâm mụn cóc trong nước. Sử dụng cây dũa móng tay để dũa sạch mụn cóc.
    • Không che mụn cóc và giữ nguyên như vậy trong 24 giờ. Tiếp tục dán băng keo lên mụn cóc trong 6-7 ngày nữa. Lặp lại quá trình này liên tục trong 2 tháng nếu cần thiết.
    • Bạn có thể thoa nước ép hành tây hoặc nước ép tỏi lên mụn cóc trước khi dán băng keo lên.
    • Theo một nghiên cứu, băng keo thực sự giúp loại bỏ mụn cóc hiệu quả.[19][20][21]

Tìm hiểu về mụn cóc[sửa]

  1. Nhận biết mụn cóc. Mụn cóc là sự phát triển trên da do vi-rút Human Papilloma (HPV) gây ra. Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể. Tuy nhiên, chúng chỉ gây nhiễm trùng ở lớp ngoài cùng của da. Mụn cóc thông thường chủ yếu mọc ở bàn tay và mụn cóc bàn chân (Plantar) thường mọc ở lòng bàn chân. [22]
  2. Tìm hiểu về truyền nhiễm HPV. Vi-rút HPV có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Bạn cũng có bị tái nhiễm và tự lây lan mụn cóc khi chạm vào mụn cóc sau đó chạm vào những nơi khác trên cơ thể. Mụn cóc cũng có thể lây do dùng dùng chung khăn, dao cạo râu hoặc bất kỳ vật dụng cá nhân nào tiếp xúc với mụn cóc.
    • Một số người có nhiều nguy cơ bị mụn cóc cao hơn người khác. Bạn có nguy cơ bị mụn cóc cao nếu hệ miễn dịch kém.[23]
  3. Nhận biết triệu chứng. Mụn cóc thường nổi cao lên trên da và có bề mặt xù xì. Tuy nhiên, có một số mụn cóc phẳng hơn và có bề mặt trơn hơn. Mụn cóc có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Mụn cóc thường không gây đau, nhưng mụn cóc lòng bàn chân có thể khiến việc đi đứng trở nên khó khăn. Mụn cóc mọc trên các ngón tay cũng có thể gây khó chịu vì chúng ta thường hoạt động tay nhiều và làm mụn cóc dễ bị kích thích hơn.
    • Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán mụn cóc dựa trên vị trí mọc và hình dạng của mụn cóc mà không cần lấy mẫu da bị mụn cóc.
  4. Phân biệt các loại mụn cóc. Mụn cóc thông thường có thể lây lan đến bộ phận sinh dục hoặc vùng hậu môn. Tuy nhiên, mụn cóc thông thường thường là do 1 loại vi-rút HPV khác chứ không phải là mụn cóc sinh dục. Mụn cóc thông thường không gây ung thư, trong khi đó, mụn cóc sinh dục mới chính là nguyên nhân dẫn đến ung thư.
    • Bạn nên đi khám bác sĩ để chắc chắn mình đang mắc phải là mụn cóc thông thường.
    • Nếu bị mụn cóc xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định chính xác loại vi-rút gây mụn cóc.[24]

Cảnh báo[sửa]

  • Không áp dụng các liệu pháp tại nhà nếu mọc mụn cóc trên mặt.
  • Không áp dụng các liệu pháp tại nhà nếu mọc mụn cóc quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
  • Bạn nên đi khám bác sĩ nếu mụn cóc vẫn cứ xuất hiện hoặc nếu các biện pháp không phát huy tác dụng. Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu trên 55 tuổi và chưa bao giờ bị mụn cóc trước đó để chắc chắn mình không bị ung thư da. Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu mụn cóc lan rộng, đi lại khó khăn do mụn cóc mọc ở lòng bàn chân, mụn cóc làm bạn khó chịu và hoạt động khó khăn, hoặc nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn như đau, nổi mẩn đỏ, vệt đỏ, có mủ hoặc sốt. Các loại mụn cóc này nên được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể sử dụng bất kỳ các phương pháp nào nếu mọc mụn cóc ở lòng bàn chân. Pha giấm trắng và nước nóng theo tỉ lên 1:4. Ngâm chân vào hỗn hợp trên giúp làm mềm mụn cóc để việc loại bỏ mụn cóc trở nên dễ dàng hơn.
  • Áp dụng các phương pháp ít nhất trong 3-4 tuần để xác định xem chúng có mang lại hiệu quả hay không.
  • Trước khi thử bất kỳ một biện pháp nào, nên ưu tiên đi khám bác sĩ để biết được mụn cóc mà bạn đang bị có phải là mụn cóc thông thường hay không.
  • Mụn cóc sẽ trở nên đáng ngại nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh động mạch ngoại biên (PAD)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Silverberg, N. B. (2002). Garlic cloves for verruca vulgaris. Pediatric Dermatology, 19(2), 183.
  2. Dehghani, F., Merat, A., Panjehshahin, M. R., & Handjani, F. (2005). Healing effect of garlic extract on warts and corns. International Journal Of Dermatology, 44(7), 612-615.
  3. http://drbenkim.com/garlic-natural-treatment-warts-corns.htm
  4. 4,0 4,1 4,2 http://drbenkim.com/garlic-natural-treatment-warts-corns.htm
  5. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000885.htm
  6. http://www.home-remedies-haven.com/home-remedies-for-warts.html
  7. http://www.peoplespharmacy.com/2011/03/28/simple-treatment-healed-warts/
  8. He, W., Han, H., Wang, W., and Gao, B. Anti-influenza virus effect of aqueous extracts from dandelion. Virol. J 2011, 8: 538
  9. Yang, Y., Zhao, Y., Wang, C. S., Wang, X. D., and Zhang, L. [Prevalence of sensitization to aeroallergens in 10 030 patients with allergic rhinitis]. Zhonghua Er.Bi Yan.Hou Tou.Jing.Wai Ke Za Zhi 2011; 46(11): 914-920.
  10. Pereira A, Maraschin M.,Banana (Musa spp) from peel to pulp: ethnopharmacology, source of bioactive compounds and its relevance for human health.J Ethnopharmacol. 2015 Feb 3; 160: 149-63
  11. Yamasaki, K., Nakano, M., Kawahata, T., Mori, H., Otake, T., Ueba, N., Oishi, I., Inami, R., Yamane, M., Nakamura, M., Murata, H., and Nakanishi, T. Anti-HIV-1 activity of herbs in Labiatae. Biol.Pharm Bull 1998; 21(8): 829-833
  12. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/tc/warts-and-plantar-warts-home-treatment
  13. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/salicylic-acid-preparations-for-treating-warts
  14. http://www.drugs.com/pro/salicylic-acid-liquid.html
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/plantar-warts/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025706
  16. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/warts-treatments-home-remedies
  17. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/cryotherapy-for-warts
  18. http://www.livescience.com/10751-wart-bet-freeze.html
  19. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/using-tape-to-remove-warts-topic-overview
  20. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/for-kids/about-skin/warts/how-to-get-rid-of-warts
  21. http://www.aafp.org/afp/2003/0201/p614.html
  22. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/u---w/warts/diganosis-treatment
  23. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/u---w/warts/diganosis-treatment
  24. http://www.aocd.org/?WartsGenital