Loại bỏ mụn cóc trên mặt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mụn cóc thường tự khỏi. Tuy nhiên, đối với mụn cóc ở vị trí dễ nhìn thấy như trên mặt thì hầu hết mọi người đều muốn loại bỏ chúng một cách nhanh chóng. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn vài cách để loại bỏ mụn cóc trên mặt.

Các bước[sửa]

Loại bỏ mụn cóc trên mặt bằng nguyên liệu tại nhà[sửa]

  1. Thử dùng giấm táo. Giấm táo có thể dùng cho mọi loại mụn cóc. Axit trong giấm táo tấn công vùng da mụn cóc, lột mụn cóc từ vùng da khỏe mạnh xung quanh trở vào và mang theo vi-rút đi. Giấm táo an toàn khi sử dụng trên mặt và các bộ phận khác trên cơ thể. Pha loãng giấm táo với nước theo tỉ lệ 1:1.[1]
    • Trên thực tế, axit malic và axit lactic trong giấm có thể giúp làm mềm và tẩy tế bào chết cho da.
    • Những thành phần này thường được dùng để điều trị mụn trứng cá trên mặt.
    • Để thoa giấm táo, bạn cần nhúng bông gòn vào giấm (ngập một nửa) rồi đắp lên mụn cóc trên mặt. Sau đó, dùng băng dính che miếng bông gòn lại khoảng 24 tiếng.
  2. Nghiền nhuyễn tỏi để dùng làm mặt nạ. Hiệu quả ăn da của tỏi sẽ khiến mụn cóc trên mặt phồng rộp lên và rơi khỏi da sau 1 tuần. Chất allicin trong tỏi có đặc tính kháng vi-rút, giúp tiêu diệt nhiều loại vi-rút, bao gồm vi-rút Human Papilloma Virus (HPV).[2]
    • Nghiền nhuyễn rồi đắp tỏi lên mụn cóc trên mặt.
    • Dùng băng dính cố định mặt nạ tỏi khoảng 24 tiếng.
    • Thay tỏi và băng dính hàng ngày.
  3. Thử dùng nước cốt chanh. Chanh là nguyên liệu hàng ngày có nhiều đặc tính làm sạch. Axit citric trong chanh chứa vitamin C, được cho la có khả năng tiêu diệt vi-rút gây mụn cóc. Ngoài ra, chanh còn giúp làm mềm mụn cóc để dễ dàng loại bỏ hơn.[3]
    • Thoa chanh lên mụn cóc trên mặt ít nhất 3 lần mỗi ngày.
  4. Dán băng dính lên mụn cóc. Mặc dù chưa được kiểm nghiệm y tế nhưng nhiều người cho biết phương pháp này có hiệu quả nhanh chóng. Băng dính hoạt động dựa vào cơ chế về cách mà cơ thể phản ứng với các chất trong băng dính. Sử dụng băng dính sẽ kích ứng da, từ đó dẫn đến sự hình thành các kháng thể giúp loại bỏ vi-rút gây mụn cóc trên mặt. Phương pháp này cần được tiến hành trong 6 ngày và tối đa là 2 tháng.
    • Dùng băng dính che mụn cóc trên mặt khi đi ngủ rồi gỡ sạch băng dính vào sáng hôm sau khi tỉnh dậy.
    • Lặp lại quy trình này khi cần thiết cho đến khi mụn cóc được loại bỏ.
  5. Thoa vỏ chuối. Vỏ chuối chứa một loại enzyme tiêu protein (enzyme phá vỡ protein) có khả năng tiêu hóa và hòa tan mụn cóc trên mặt. Đây là cách đơn giản, dịu nhẹ để loại bỏ mụn cóc trên mặt. Dùng băng dính y tế để dán mặt trong của vỏ chuối lên mụn cóc và để qua đêm.[4]
    • Phương pháp này được khuyến nghị áp dụng trong 1-2 tuần.
    • Các thực phẩm khác như dứa, đu đủ và dưa cải cũng có chứa loại enzyme tiêu protein này.
  6. Thử dùng Betadine. Betadine là thuốc khử trùng giúp chống lại vi-rút gây mụn cóc. Bạn có thể dùng thuốc bôi Betadine để nhẹ nhàng chà lên vùng da bị mụn cóc khoảng 5 phút mỗi ngày, đến khi mụn cóc biến mất. Các sản phẩm tương tự có bán ở hiệu thuốc gồm có Bactrine hoặc Bazuka. Bạn có thể thoa hai loại thuốc này 2 lần mỗi ngày.[5]
    • Phương pháp điều trị này không được khuyến nghị cho người dị ứng với I-ốt hoặc Betadine.
    • Đi khám bác sĩ nếu da trở nên kích ứng.
  7. Thoa kem cây bông tai. Kem cây bông tai có bán ở các hiệu thuốc hoặc cửa hàng sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Enzyme có trong cây bông tai có khả năng tiêu hóa và hòa tan mụn cóc. Các sản phẩm này được làm từ sáp dính của cây bông tai. Cây bông tai còn được chứng minh là có khả năng chống mụn trứng cá.[6]
    • Thoa kem cây bông tai lên mụn cóc trên mặt ít nhất 4 lần mỗi ngày.
    • Khi cây bông tai gãy, dịch tiết ra có thể dùng để thoa trực tiếp lên mụn cóc.

Loại bỏ mụn cóc trên mặt bằng phương pháp y tế đã được kiểm chứng[sửa]

  1. Dùng thuốc thoa ngoài được kê đơn. Có một số loại thuốc được dùng để giảm triệu chứng nhiễm trùng và loại bỏ mụn cóc trên mặt. Mất khoảng vài tháng thì thuốc mới loại bỏ được nhiễm trùng và thường đi kèm với viêm nặng, khó chịu. Các thuốc này bao gồm:
    • Kem Retinoid (Tretinoin). Thoa kem Retinoid hàng ngày có thể giúp điều trị mụn cóc.[7] Kem Retinoid cản trở sự phát triển tế bào da của mụn cóc. Thoa kem Tretinoin lên mụn cóc trên mặt theo hướng dẫn dưới đây:
      • Thoa một lần mỗi ngày, trước khi đi ngủ.
      • Đầu tiên, rửa sạch mụn cóc bằng nước và xà phòng rồi chờ ít nhất 15 phút cho da khô. Sau đó, thoa lượng kem nhỏ bằng hạt đậu lên mụn cóc. Thoa lên da còn ẩm có thể gây lột da và kích ứng.
      • Kem Tretinoin có thể khiến da nhạy cảm với ánh nắng do da trở nên mềm và mỏng hơn. Vì vậy, bạn cần thoa thêm kem chống nắng khi ra ngoài.
    • Cantharidin hoặc các chất thoa ngoài chứa axit trichloroacetic. Cantharidin chứa chiết xuất từ bọ ban miêu. Khi thoa lên da, chiết xuất này sẽ tạo vết phồng rộp quanh mụn cóc. Sau đó, mụn cóc sẽ được nâng lên khỏi da và bác sĩ da liễu có thể tiến hành loại bỏ phần mụn cóc chết.[8]
      • Dùng băng gạc sạch để che vùng da sau khi loại bỏ mụn cóc.
      • Tuân thủ đúng mọi hướng dẫn của bác sĩ khi dùng Cantharidin.
    • 5-Fluorouracil. Loại kem này ngăn chặn quá trình sao chép DNA và RNA để ngăn mụn cóc phát triển.[9]
      • Thoa kem 2 lần mỗi ngày, trong vòng 3-5 tuần.[10]
      • Bảo vệ da khỏi ánh nắng để tránh khiến kích ứng trở nặng. [11]
  2. Nghiên cứu phương pháp tiêu keratin. Phương pháp tiêu keratin là việc mài mòn để loại bỏ da chết trên bề mặt da. Cơ chế hoạt động thông qua sự kết hợp của phương pháp điều trị hóa học (thường là sử dụng axit salicylic) làm mềm và tiêu diệt tế bào mang vi-rút, với quy trình tẩy tế bào chết thủ công. Sau khi mềm đi nhờ phương pháp điều trị hóa học, mụn cóc sẽ được mài mòn và loại bỏ bằng đá bọt hoặc miếng chà nhám.[12]
  3. Hỏi bác sĩ về phương pháp đông lạnh. Nitơ lỏng được dùng để đông lạnh và tiêu diệt mụn cóc,[13] sau đó mụn cóc được cạo đi bằng que nạo. Phương pháp đông lạnh là cách tuyệt vời để điều trị mụn cóc cứng đầu, không có phản ứng với phương pháp điều trị không xâm lấn. Mặc dù có phương pháp đông lạnh tại nhà nhưng bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ nếu muốn điều trị bằng phương pháp này.
    • Nhờ nitơ lỏng, trên mụn cóc sẽ hình thành vết phồng rộp và vết phồng rộp này sẽ rơi ra sau 2-4 tuần.
    • Lưu ý rằng phương pháp đông lạnh và cạo bằng que nạo là quy trình gây đau đớn và thoa nitơ lỏng có thể gây bỏng, rát kéo dài vài phút ở vùng da được điều trị.
    • Biến chứng sau điều trị gồm có sẹo hoặc mất màu da.
  4. Thử liệu pháp laser nhuộm màu dạng xung. Liệu pháp tia laser sử dụng năng lượng nhiệt để tiêu diệt mụn cóc và tế bào hồng cầu nuôi dưỡng mụn cóc. Liệu pháp này ít gây đau đớn và không để lại sẹo hay đổi màu da. Liệu pháp laser nhuộm màu dạng xung hiệu quả và nhanh chóng nhưng chi phí hơi cao hơn các phương pháp khác. Liệu pháp laser có hiệu quả trên 80% khi dùng điều trị mụn cóc.[14]
    • Thương tổn trên da thường biến mất sau 2 tuần mà không để lại sẹo.
    • Phương pháp này được dùng điều trị nhiều vấn đề về da.
  5. Trao đổi với bác sĩ về liệu pháp tiêm Bleomycin sulfate trị liệu. Đối với mụn cóc trên mặt nghiêm trọng, bạn nên thử phương pháp điều trị hiệu quả cao này.[15][16] Bác sĩ sẽ tiêm Bleomycin trị liệu - thuốc dùng điều trị ung thư - vào mụn cóc. Tiêm một lần có thể đủ để loại bỏ mụn cóc hoặc bạn cần tiếp tục tiêm thêm sau mỗi 3-4 tuần.[17] Liệu pháp này ít hoặc không để lại sẹo, nhưng có thể khiến da đổi màu (thường mờ dần sau một năm điều trị).[15]
    • Liệu pháp điều trị này rất đắt đỏ nhưng tỉ lệ thành công cao (lên đến 92% theo một nghiên cứu)[16] và hiệu quả hơn phương pháp đông lạnh.[17]
  6. Cân nhắc liệu pháp miễn dịch. Với mụn cóc không phản ứng với các phương pháp khác, liệu pháp miễn dịch có thể là lựa chọn khác cho bạn. Bác sĩ sẽ cố gắng khiến hệ miễn dịch tập trung tấn công mụn cóc bằng cách thoa hóa chất (ví dụ như Diphencyprone) lên mụn cóc hoặc tiêm một phân tử vào mụn cóc (thường là kháng nguyên Candida).[18][19] Hóa chất hoặc kháng nguyên sẽ gây ra phản ứng từ hệ miễn dịch, khiến hệ miễn dịch tấn công lại cả chất được tiêm vào và mụn cóc, từ đó loại bỏ mụn cóc một cách tự nhiên.[20] Cách này còn giúp giảm nguy cơ mụn cóc tái phát vì cơ thể sẽ học được cách chống lại vi-rút HPV. [20]

Ngăn ngừa mụn cóc trên mặt trở nặng[sửa]

  1. Mặc kệ và để mụn cóc tự lành. Nếu có thể, bạn chỉ cần phớt lờ vì mụn cóc đôi khi sẽ tự khỏi. Bạn chỉ cần dùng băng gạc để che mụn cóc lại hoặc dùng khăn choàng, khăn quấn cổ để che mụn cóc trên mặt một cách thời trang. Nghiên cứu cho thấy hầu hết mụn cóc đều tự biến mất sau 2 năm.[21]
    • Tuy nhiên, nếu mụn cóc khiến bạn bận tâm, bạn nên thử các phương pháp điều trị ở trên bằng mọi giá.
    • Đi khám bác sĩ nếu mụn cóc dai dẳng hàng năm hoặc bắt đầu lan rộng. Không bóp, nặn mụn cóc và duy trì thói quen vệ sinh tay sạch.
  2. Để yên và không chạm vào mụn cóc. Tập thói quen vệ sinh tay sạch sẽ để tránh lây mụn cóc cho người khác. Nặn mụn cóc có thể khiến vấn đề trở nặng.
    • Giữ tay sạch, khô vì mụn cóc có thể phát triển mạnh ở môi trường ẩm ướt.
    • Tạo thói quen rửa tay trước và sau khi thoa thuốc lên mụn cóc.
    • Để riêng quần áo và khăn tắm. Đảm bảo không để người khác dùng chung các vật dụng cá nhân để ngăn ngừa lây lan mụn cóc. Nếu có thể, bạn nên dán nhãn để người khác biết các vật dụng này là của bạn và không dùng chung.
  3. Tuyệt đối không chải, cào hoặc cạo vùng da có mụn cóc. Hành động này có thể khiến vi-rút lây lan đến các vùng da khác. Nên nhớ rằng mụn cóc có khả năng lây nhiễm cao. Ngay cả việc chà nhẹ lên vùng da bị mụn cóc cũng có thể lây nhiễm cho bạn hoặc người khác. Việc này còn có thể mang theo mụn cóc và lây sang cho người khác. Vì vậy, bạn nên để cho lông mặt mọc nếu có thể và tránh cạo lông ở vùng da bị mụn cóc. Ngoài ra, tẩy tế bào chết cho da và mài mòn da cũng góp phần gây lây nhiễm mụn cóc.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://nc.as.ua.edu/blog/apple-cider-vinegar-cures-warts-indigestion-and-tremors/
  2. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1365-4632.2004.02348.x/abstract
  3. http://www.e-ijd.org/article.asp?issn=0019-5154;year=2007;volume=52;issue=2;spage=96;epage=98;aulast=Vali
  4. http://students.umw.edu/healthcenter/files/2011/08/Warts.pdf
  5. http://www.oxforddaysurgery.com.au/Files/Files/PC-SD-6-29-Cantharadin-Treatment-of-Warts-Molluscu.aspx
  6. http://eds.b.ebscohost.com/eds/detail/detail?vid=5&sid=822163f9-16a9-4608-9a7b-b03694e78ea6%40sessionmgr120&hid=104&bdata=JnNpdGU9ZWRzLWxpdmU%3d#AN=99808756&db=a9h
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3274422/
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1578244/
  9. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16703777
  10. http://www.uptodate.com/contents/skin-warts-beyond-the-basics
  11. http://www.uptodate.com/contents/skin-warts-beyond-the-basics
  12. http://www.healthcentre.org.uk/cosmetic-treatments/wart-keratolysis-for-warts.html
  13. http://www.nhs.uk/Conditions/Warts/Pages/Treatment.aspx
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7496552
  15. 15,0 15,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3263129/
  16. 16,0 16,1 http://archderm.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=552706
  17. 17,0 17,1 http://www.warts.org/bleomycin-treatment.html
  18. https://www.aad.org/public/diseases/contagious-skin-diseases/warts
  19. http://www.warts.org/warts-immunotherapy.html
  20. 20,0 20,1 http://www.healthcentre.org.uk/cosmetic-treatments/wart-immunotherapy-for-wart-removal.html#further info
  21. http://archderm.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=527886