Điều trị nhiễm khuẩn H. pylori

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết rằng vi khuẩn trong cơ thể nhiều hơn tế bào lên đến tỉ lệ 10:1.[1] Một lượng đáng kể các vi khuẩn này là một phần của hệ sinh thái cần thiết cho sức khỏe con người (hay quần thể vi sinh vật). [2] Quần thể vi sinh vật này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cân nặng tổng thể. Ngoài ra, nó còn tác động đến nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và đột quỵ.[3] Vi khuẩn còn có thể gây nhiều bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe. Heliobacter pylori hay H. pylori là một trong những vi khuẩn đó và nó gây viêm loét trong dạ dày hay phần trên của ruột non, tá tràng. Khuẩn H. pylori gây viêm nhiễm ở nhiều người và cũng gây viêm loét. Mặc dù người ta tin rằng viêm loét là do căng thẳng, ăn thực phẩm cay nóng, đồ uống có cồn và hút thuốc, nhưng trên thực tế, hầu hết tình trạng viêm loét là do khuẩn H. pylori gây ra.[4]

Các bước[sửa]

Phương pháp Điều trị Tự nhiên Được Chứng minh[sửa]

  1. Uống nước ép nam việt quất. Nước ép nam việt quất có khả năng ngăn ngừa hay ức chế không cho vi khuẩn bám vào dạ dày. Một nghiên cứu đưa ra khuyến nghị nên uống 250 ml nước ép nam việt quất mỗi ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ có tỉ lệ thành công 14% sau 90 ngày nên có thể bạn sẽ cần áp dụng kết hợp các phương pháp khác.[5]
  2. Sử dụng cam thảo. Cam thảo là phép điều trị viêm loét truyền thống trong y học cổ truyền Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù cần thêm bằng chứng nhưng các thí nghiệm hiện tại trên động vật và trên người cũng đưa ra kết quả đầy hứa hẹn. Cam thảo ngăn không cho vi khuẩn bám vào dạ dày nên rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm ngay từ giai đoạn đầu. [6][7][8]
    • Một thành phần trong cam thảo có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp. Vì vậy, bạn nên mua cam thảo tự nhiên dạng viên nén, hay còn được gọi là DGL (Deglycyrrhizinated Licorice), đã được loại bỏ thành phần này.
  3. Tập thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân để ngừa bệnh. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn H. pylori, bạn nên dùng nước xà phòng ấm để rửa tay và tất cả dụng cụ nhà bếp dùng để chế biến món ăn và ăn uống. Không dùng chung dụng cụ ăn uống và phải đảm bảo rằng người chuẩn bị thức ăn cho bạn cũng vệ sinh đúng cách. Rửa sạch hoa quả và rau củ bằng nước ấm hoặc dùng máy rửa hoa quả.

Phương pháp Điều trị Tự nhiên Có thể Hiệu quả[sửa]

  1. Hiểu được những hạn chế của phép điều trị tự nhiên. Phương pháp điều trị nhiễm khuẩn H. pylori tập trung vào chế độ ăn giàu dinh dưỡng, sử dụng nguyên tắc vệ sinh thông thường, sử dụng thảo dược, probiotic (men vi sinh) và các thực phẩm chức năng khác. Các phép điều trị này chưa được chứng minh công dụng điều trị khuẩn H. pylori nhưng có thể giúp phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các phép điều trị này có thể giúp giảm triệu chứng nhiễm khuẩn (nếu có).
  2. Sử dụng probiotic. Probiotic là nguồn vi khuẩn “tốt” và nấm men thường có trong quần thể vi sinh vật của cơ thể. Probiotic bao gồm các loài Lactobacillus, Acidophilus, Bifidobacteria và nấm men Saccharomyces Boulardii. Bạn có thể bổ sung probiotic dưới dạng thực phẩm chức năng (tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất) hoặc bổ sung bằng thực phẩm. Bằng chứng lâm sàng cho thấy probotic có thể giúp chống vi khuẩn H. pylori.[9][10]
    • Nguồn thực phẩm giàu probiotic là thực phẩm lên men như men Kefir, dưa cải muối, rau củ muối chua, trà Kombucha (trà lên men), đậu tương, Kimchi và các thực phẩm khác như sữa chua, súp Miso, món Poi (khoai sọ xay nhuyễn lên men), măng tây, tỏi tây và hành tây.[11] Nên bổ sung các thực phẩm này vào chế độ ăn uống ít nhất 2-3 lần mỗi tuần.
    • Bạn cũng có thể bổ sung pre-biotic 2-3 lần mỗi tuần để hỗ trợ các lợi khuẩn đường ruột bằng cách cung cấp thức ăn cho lợi khuẩn. Thực phẩm giàu pre-biotic bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, hành tây, tỏi, mật ong, atisô và tỏi tây. [12]
  3. Thử dùng thảo dược ăn được. Nhiều loại thảo dược có đặc tính kháng sinh (tiêu diệt vi khuẩn). Các loại thảo dược sau có khả năng làm chậm sự tăng trưởng của khuẩn H. pylori trong phòng thí nghiệm. Mặc dù những thảo dược này chưa thể xem là cách điều trị nhiễm khuẩn một cách dứt điểm nhưng cũng rất đáng để thử:
    • Gừng, thảo dược có cả đặc tính giảm viêm loét[13][14]
    • Lá nguyệt quế, thảo dược có cả đặc tính kháng khuẩn[15][16]
    • Nghệ/Cà ri[17][18]
    • Lá Oregano[19]
    • Quế[20]
  4. Cân nhắc việc sử dụng thực phẩm chức năng hồng sâm Hàn Quốc. Hồng sâm Hàn Quốc cho thấy khả năng kháng khuẩn H. pylori khi thí nghiệm trên động vật. [21] Hồng sâm khác với sâm Mỹ và có nhiều công dụng khác nhau. Không những hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe tinh thần và khả năng tình dục, hồng sâm còn giúp hạ đường huyết, tăng nhịp tim và tăng hoặc giảm huyết áp. Nếu muốn thử dùng hồng sâm, bạn nên trao đổi trước với chuyên gia chăm sóc sức khỏe có kiến thức về hồng sâm.
  5. Thử bổ sung các thực phẩm có ích khác. Trà xanh, rượu vang đỏ, mật ong Manuka cũng có đặc tính kháng khuẩn đối với khuẩn H. pylori. Mặc dù vậy, nghiên cứu về công dụng của những thực phẩm này đều được tiến hành với vi khuẩn hoặc động vật trong phòng thí nghiệm nên không có liều dùng dành cho người. Kết hợp trà xanh và mật ong Manuka vào chế độ ăn là an toàn, còn rượu vang đỏ nên được dùng ở mức vừa phải. Bên cạnh khả năng kháng khuẩn, những thực phẩm trên còn giúp điều trị nhiễm trùng.
  6. Áp dụng chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Hiện không có bằng chứng vững chắc nào cho thấy mối liên hệ giữa dinh dưỡng với khuẩn H. pylori.[22] Mặc dù vậy, các triết lý về sức khỏe tự nhiên khuyên bạn nên tiêu thụ thực phẩm không qua chế biến để cải thiện phản ứng của hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe quần thể vi sinh vật. Chế độ ăn lành mạnh bao gồm:
    • Protein chất lượng cao:
      • Thịt đỏ với lượng thấp hoặc vừa phải (thịt từ động vật ăn cỏ sẽ tốt hơn)
      • Thịt gia cầm bỏ da với lượng vừa phải
      • Thịt lợn với lượng thấp hoặc vừa phải
      • Cá với lượng vừa phải hoặc cao
    • Hoa quả, rau củ tươi (với nhiều màu sắc khác nhau)
      • Mầm bông cải xanh có thể giúp điều trị khuẩn H. pylori, nhưng kết quả này chỉ được rút ra từ một nghiên cứu đối với 9 bệnh nhân.[23]
    • Các loại đậu như đậu lăng
    • Cacbon-hydrat phức hợp có trong:
      • Rau củ
      • Thực phẩm nguyên hạt
      • Các loại hạt như gạo lứt và hạt diêm mạch
      • Các loại đậu
  7. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đóng gói. Mặc dù khái niệm dinh dưỡng không dễ định nghĩa như "tự nhiên khác với nhân tạo", nhưng ta có thể thấy hầu hết thực phẩm chế biến đều ít dinh dưỡng hơn và chứa các chất gây tác dụng phụ (có thể bao gồm cả ức chế phản ứng miễn dịch).[24][25] Tránh tiêu thụ thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể nhưng có thể không tác động trực tiếp đến khuẩn H. pylori.
    • Để biết sản phẩm đó có được đóng gói/chế biến sẵn hay không, hãy kiểm tra danh sách nguyên liệu. Danh sách càng dài thì thực phẩm đó càng được chế biến nhiều. Thực phẩm chế biến thường được bày ở gian hàng giữa cửa hàng thực phẩm. Thực phẩm ít qua chế biến hơn thường được bày ở gian hàng ngoài cùng và bao gồm đậu khô, hoa quả và rau củ tươi, gạo lứt, thực phẩm bán sĩ (số lượng lớn) và thực phẩm chỉ có một thành phần duy nhất.
    • Tránh tiêu thụ thức ăn “nhanh”. Những thực phẩm này trải qua nhiều quá trình chế biến và chứa các chất bảo quản cùng hóa chất không-phải-là-thực-phẩm.
  8. Kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Việc điều trị nhiễm khuẩn H. pylori có thể thành công hơn bằng cách kết hợp các phương pháp ở trên. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn và chống lại khuẩn H. pylori tốt hơn nếu bạn vừa áp dụng chế độ ăn lành mạnh, vừa dùng thảo dược và gia vị được khuyến nghị, vừa bổ sung thực phẩm lên men và kết hợp bổ sung probiotic.
    • Xét nghiệm sau 2-3 tháng áp dụng các phép điều trị trên để xem liệu còn nhiễm trùng không. Sau 2-3 tháng, có thể bạn sẽ nên dùng thuốc kháng sinh và thuốc hạ axit do bác sĩ chỉ định. Luôn trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe và tiến hành xét nghiệm để đảm bảo khuẩn H. pylori được chế áp.
  9. Gọi điện cho bác sĩ. Nếu các phương pháp trên không giúp bạn khỏe hơn hoặc bạn bị đau bụng dữ dội, có máu trong phân (phân đen và giống hắc ín) hoặc nôn ra máu, nôn ra giống bột cà phê, hãy gọi ngay cho bác sĩ vì đó là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng.

Giải mã Quan niệm Sai lầm[sửa]

  1. Không dùng nước để điều trị khuẩn H. pylori. Uống nước không giúp điều trị khuẩn H. pylori hay tình trạng viêm loét do khuẩn H. pylori vì viêm loét không phải do mất nước gây ra.[26]
  2. Không dùng tỏi. Thử nghiệm cho thấy tỏi không có hiệu quả đối với khuẩn H. pylori và không làm giảm tỉ lệ ung thư dạ dày.[27]
  3. Không dùng cỏ cà ri. Cỏ cà ri không có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn H. pylori. [20]
  4. Xác định rõ phép điều trị nào không có bằng chứng chứng minh. Những nguyên liệu tại gia dưới đây không có bằng chứng xác thực và cũng không thực sự hiệu quả.
    • Ớt Cayenne
    • Rễ Baikal Skullcap [28] (Cảnh báo: Trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu muốn điều trị khuẩn H. pylori bằng rễ Baikai Skullcap. Loại rễ này có thể làm chậm quá trình đông máu, ảnh hưởng đến đường huyết và hạ huyết áp).

Điều trị bằng Thuốc[sửa]

  1. Uống kháng sinh. Nếu đã xác định bạn bị nhiễm khuẩn H. pylori, bác sĩ có thể cho bạn uống kháng sinh để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn. Bác sĩ thường chỉ định khoảng hơn 2 thuốc kháng sinh để uống trong ít nhất 2-3 tuần, tùy vào phản ứng của cơ thể với thuốc.
    • Một số thuốc kháng sinh thường được dùng là Amoxicillin, Clarithromcyin, Metronidazole và Tetracycline.
  2. Dùng thuốc hạ axit. Thuốc giúp hạ nồng độ axit (Thuốc Ức chế Bơm Proton hay PPI) hay nhóm thuốc được gọi là thuốc ức chế H2 thường được chỉ định cùng kháng sinh. Nồng độ axit giảm sẽ tạo một trường ít-lý-tưởng-hơn cho vi khuẩn, còn kháng sinh sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn.
  3. Dùng thuốc Bismuth. Bên cạnh thuốc hạ axit và kháng sinh, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc Bismuth như Bismuth Subsalicylate (ví dụ như Pepto Bismol TM). Thuốc Bismuth như Pepto-Bismol không tự tiêu diệt vi khuẩn mà sẽ kết hợp kháng sinh và thuốc hạ axit trong dạ dày.
    • Khoảng 70-85% người được điều trị kết hợp 3 loại thuốc trên đều được chẩn đoán âm tính với khuẩn H. pylori. Có nhiều cách kết hợp kháng sinh, thuốc muối Bismuth và thuốc hạ axit nên bạn hãy trao đổi kỹ hơn với bác sĩ.

Hiểu rõ về H. pylori[sửa]

  1. Hiểu rõ khuẩn H pylori gây viêm loét như thế nào. H. pylori làm tổn thương niêm mạch dạ dày (niêm mạch bảo vệ dạ dày khỏi axit dạ dày – axit cần thiết để bắt đầu tiêu hóa thức ăn). Khi niêm mạc bị tổn thương, axit trong dạ dày sẽ “ăn mòn” dạ dày, tá tràng, và cuối cùng có thể gây các hố (loét) gây chảy máu và đau dữ dội.
    • Tình trạng chảy máu có thể gây thiếu máu, mệt mỏi và ốm yếu, cùng với cơn đau và khó chịu có thể gây suy nhược.
    • Khuẩn H. pylori có liên quan đến một loại ung thư dạ dày và ung thư hạch bạch huyết liên kết với niêm mạc dạ dày (MALT). Nhiễm khuẩn H. pylori cũng liên quan đến giảm nguy cơ mắc một dạng ung thư dạ dày khác và một dạng ung thư thực quản.[29]
  2. Hiểu rõ cơ thể nhiễm khuẩn H pylori như thế nào. Cơ thể có thể nhiễm khuẩn H. pylori do thức ăn, nước uống, dụng cụ nấu ăn bị nhiễm khuẩn hoặc do tiếp xúc với chất lỏng từ người đã nhiễm khuẩn. Ví dụ, bạn có thể bị nhiễm H. pylori nếu dùng chung dĩa, thìa với người đã nhiễm khuẩn.
    • Khuẩn H. pylori có ở khắp nơi. Vi khuẩn này có trong khoảng 2/3 tổng số người trưởng thành trên thế giới, và trẻ nhỏ cũng có thể bị nhiễm khuẩn.[30] Tỉ lệ nhiễm khuẩn ở các nước đang phát triển cao hơn so với các nước đã phát triển.
    • Để phòng ngừa nhiễm khuẩn, bạn nên rửa tay sạch trước khi ăn, đặc biệt là sau khi dùng nhà vệ sinh. Chỉ uống nước sạch từ nguồn an toàn và phải đảm bảo thực phẩm được chế biến an toàn, vệ sinh.[31]
    • Bạn không thể tránh vi khuẩn hoàn toàn nhưng vẫn có thể giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu ăn uống thực phẩm lành mạnh, hệ miễn dịch sẽ luôn khỏe mạnh để sẵn sàng chống lại vi khuẩn.
  3. Nhận biết dấu hiệu sớm khi nhiễm khuẩn H pylori. Giai đoạn đầu khi nhiễm khuẩn H. pylori có thể không gây đau đớn và không có triệu chứng. Trên thực tế, nếu không xét nghiệm, bạn sẽ không biết mình bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng (nếu có) bao gồm:[32]
    • Đau hoặc nóng rát ở vùng bụng (triệu chứng nặng hơn khi đang đói)
    • Buồn nôn
    • Ợ nóng và ợ hơi
    • Ăn mất ngon
    • Đầy bụng
    • Sụt cân (không do áp dụng chế độ giảm cân)
  4. Xét nghiệm nhiễm khuẩn H pylori. Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori thông qua triệu chứng và nhiều xét nghiệm khác nhau.
    • Xét nghiệm ure qua hơi thở là cách tốt nhất để chẩn đoán nhiễm khuẩn H. pylori.
      • Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống một dung dịch chứa “chất đánh dấu” chất này có thể hơi phóng xạ hoặc không phóng xạ, tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Sau một thời gian tương đối ngắn, hơi thở sẽ được xét nghiệm xem có ure hay không. [33] Ure và amoniac được sản sinh là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa vi khuẩn và giúp xác định tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori.
    • Xét nghiệm phân sẽ được tiến hành để xác định xem có vi khuẩn hay không.
    • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết dạ dày (ít được sử dụng hơn) để xác định sự xuất hiện của khuẩn H. pylori. Thủ thuật sinh thiết thường được tiến hành khi có nghi ngờ bị ung thư nhưng là phương pháp chẩn đoán đáng tin cậy nhất và được nhiều bác sĩ sử dụng.

Lời khuyên[sửa]

  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa cồn, sôcôla, thực phẩm chế biến sẵn và đường. Những thực phẩm này không tốt cho sức khỏe tổng thể và khiến vi khuẩn phát triển.
  • Tránh tiêu thụ thực phẩm chưa nấu chín như Sushi, trứng lòng đào, thịt tái hoặc tái vừa, và bít tết.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng phương pháp điều trị bệnh tại nhà.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.sciencedaily.com/releases/2008/06/080603085914.htm
  2. http://www.sciencedaily.com/releases/2014/04/140416133157.htm
  3. Balter, M. Taking Stock of the Human Microbiome and Disease. (2012) Science: 336(6086) pp.1246-1247.
  4. http://www.webmd.com/digestive-disorders/h-pylori-helicobacter-pylori
  5. Zhang L, Ma J, Pan K, Go VLW, Chen J, You W. 2005. Efficacy of cranberry juice on Helicobacter pylori infection: a double-blind, randomized placebo-controlled trial. Helicobacter 10:2;139-45.
  6. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3925854/
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16904801
  8. Wittschier N, Faller G, Hensel A.2009. Aqueous extracts and polysaccharides from liquorice roots (Glycyrrhiza glabra L.) inhibit adhesion of Helicobacter pylori to human gastric mucosa. J Ethnopharmacol 125;218-23.
  9. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3002586/
  10. http://ajcn.nutrition.org/content/80/3/737.full.pdf
  11. http://whfoods.org/genpage.php?tname=dailytip&dbid=113
  12. http://www.foodinsight.org/Functional_Foods_Fact_Sheet_Probiotics_and_Prebiotics
  13. Mahady GB, Pendland SL, Yun GS, Lu ZZ, Stoia A. Ginger (Zingiber officinale Roscoe) and the gingerols inhibit the growth of Cag A+ strains of Helicobacter pylori. Anticancer Res. 2003 Sep-Oct;23(5A):3699-702.
  14. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/0378874188900098
  15. Smith-Palmer, A., et al., “Antimicrobial properties of plant essential oils and essences against five important food-borne pathogens,” Lett Appl Microbiol (1998), 26(2):118-22.
  16. Tabak M, Armon R, Potasman I, Neeman I. In vitro inhibition of Helicobacter pylori by extracts of thyme. J Appl Bacteriol. 1996 Jun;80(6):667-72.
  17. Nostro A, Cellini L, Di Bartolomeo S, Di Campli E, Grande R, Cannatelli MA, Marzio L, Alonzo V. Antibacterial effect of plant extracts against Helicobacter pylori. Phytother Res. 2005 Mar;19(3):198-202.
  18. Foryst-Ludwig A, Neumann M, Schneider-Brachert W, Naumann M. Curcumin blocks NF-kappaB and the motogenic response in Helicobacter pylori-infected epithelial cells. Biochem Biophys Res Commun. 2004 Apr 16;316(4):1065-72.
  19. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0032959204001189
  20. 20,0 20,1 http://www.wjgnet.com/1007-9327/full/v11/i47/7499.htm
  21. Bae M, Jang S, Lim JW, Kang J, Bak EJ, Cha JH, Kim H. Protective effect of Korean Red Ginseng Extract against Helicobacter Pylori-induced gastric inflammation in Mongolian gerbils. J Ginseng Res. 2014 Jan
  22. http://www.healthline.com/health/helicobacter-pylori#Treatment7
  23. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15387326
  24. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20435078
  25. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16904801
  26. https://www.sciencebasedmedicine.org/the-water-cure-another-example-of-self-deception-and-the-lone-genius/
  27. Williams, L. (2011). Helicobacter pylori infection: a review of current scientific research on the efficacy or potential of herbal medicine for the treatment of H. pylori infection of the gastric mucosa. Australian Journal Of Medical Herbalism, 23(3), 139-145.
  28. http://www.getingethealthy.com/ns/DisplayMonograph.asp?StoreID=hq0ushrk24s92nd700akhlbd34su9lub&DocID=bottomline-baikal_skullcap
  29. http://www.cancer.gov/cancertopics/causes-prevention/risk/infectious-agents/h-pylori-fact-sheet
  30. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8547526
  31. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/helicobacterpyloriinfections.html
  32. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/basics/symptoms/con-20030903
  33. http://labtestsonline.org/understanding/analytes/h-pylori/tab/test/

Liên kết đến đây