Điều trị nhiễm trùng mắt một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mắt có thể bị nhiễm trùng do nhiều loại vi-rút, nấm và vi khuẩn khác nhau. Mỗi tác nhân gây nhiễm trùng sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau nhưng dấu hiệu điển hình là kích ứng, đau, đỏ hoặc viêm, chảy nước mắt và giảm thị lực. Tác nhân có thể gây nhiễm trùng một hoặc cả hai mắt và có thể dẫn đến mất thị lực hoặc mù. [1] Bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp nhất là viêm kết mạc, lẹo mắt và nhiễm trùng do dị ứng. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu có triệu chứng đau hoặc giảm thị lực. Mặt khác, nếu nhiễm trùng ở mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng nhiều nguyên liệu tại gia để giảm triệu chứng.

Các bước[sửa]

Điều trị viêm kết mạc[sửa]

  1. Hiểu rõ về viêm kết mạc. Viêm kết mạc hay mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao. Có hai loại viêm kết mạc là viêm kết mạc do vi khuẩn và do vi-rút, cả hai loại đều thường lây lan do tay tiếp xúc với mắt hoặc dùng chung vật dụng như gối hoặc mỹ phẩm trang điểm mắt. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn; mặt khác, kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị viêm kết mạc do vi-rút. Viêm kết mạc do vi-rút thường phát triển và tự khỏi, thường mất khoảng 2-3 tuần.[2] Cách tốt nhất để điều trị bệnh mắt đỏ một cách tự nhiên là điều trị triệu chứng. Bằng cách đó, bạn sẽ bớt thấy khó chịu và dễ dàng kiểm soát cảm giác khi bị bệnh.
    • Viêm kết mạc do vi-rút thường là do vi-rút Adenovirus, Picornavirus, Rubella, Rubeola và vi-rút Herpes.[3]
    • Viêm kết mạc do vi khuẩn thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus, Streptococcus và Moraxella. Bệnh thường lây lan do tiếp xúc với vi khuẩn trong phân.[3]
  2. Xác định triệu chứng viêm kết mạc. Triệu chứng viêm kết mạc phổ biến nhất là đỏ mắt, ngứa, chảy nước tạo thành vảy trên mí mắt khi ngủ và cảm giác khó chịu dai dẳng.[4]
  3. Chườm ấm hoặc chườm lạnh. Bạn có thể thử chườm lạnh và chườm ấm (không chườm nóng) để xem phương pháp này hiệu quả hơn.
    • Để khăn mặt sạch dưới vòi nước chảy. Mở vòi nước lạnh; nước lạnh thường có công dụng xoa dịu.[5]
    • Vắt bớt nước.
    • Chườm khăn lên một bên mắt hoặc cả hai bên, tùy thuộc mức độ ảnh hưởng của viêm kết mạc.
    • Nằm xuống và để khăn lạnh trên (hai) mắt cho đến khi cơn đau và kích ứng thuyên giảm, có thể nhúng thêm nước nếu cần thiết.
  4. Dùng thuốc nhỏ mắt có tác dụng bôi trơn. Mặc dù thuốc nhỏ mắt không kê đơn không giúp điều trị nhiễm trùng mắt nhưng sẽ giúp giảm đỏ và kích ứng. Sử dụng thuốc nhỏ mắt để bôi trơn mắt với tần suất như hướng dẫn.
    • Rửa tay trước và sau khi chạm vào khu vực quanh mắt.[6]
    • Nằm ngửa trước khi nhỏ thuốc nhỏ mắt.
    • Nhỏ từng giọt thuốc vào mắt bị nhiễm trùng.
    • Nhắm mắt lại ngay sau khi nhỏ thuốc, khoảng 2-3 phút.[6]
  5. Tránh đeo kính áp tròng. Kính áp tròng có thể làm kéo dài triệu chứng viêm kết mạc. Bạn nên bỏ kính áp tròng dùng một lần đã tiếp xúc với mắt bị nhiễm trùng. [7]
  6. Thực hành vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Ai cũng có thể bị viêm kết mạc. Mặc dù vậy, bệnh không có gì khiến bạn phải xấu hổ. Quan trọng nhất là ngăn bệnh lây lan và tái phát.[8]
    • Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng. Bước này đặc biệt quan trọng trước khi chạm vào mặt hoặc mắt.
    • Không dùng chung mỹ phẩm trang điểm, khăn mặt hoặc khăn tắm.
    • Vứt bỏ mỹ phẩm hoặc kính áp tròng dùng một lần đã tiếp xúc với mắt bị nhiễm trùng.
    • Giặt sạch chăn ga gối nệm đã tiếp xúc với mặt trong thời gian bị viêm kết mạc.
  7. Hỏi bác sĩ về việc uống kháng sinh. Nếu viêm kết mạc là do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.

Điều trị lẹo mắt[sửa]

  1. Hiểu rõ lẹo mắt là gì. Lẹo mắt là những đốm sưng đỏ trên hoặc gần mí mắt, thường chứa mủ. Lẹo mắt xuất hiện khi tuyến dầu trên mí mắt bị nhiễm trùng, thường là do vi khuẩn Staphylococcus. Có hai loại lẹo mắt: loại Hordeolum, gây nhiễm trùng tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã nhờn trên mí mắt; loại Chalazion, thường gây nhiễm trùng tuyến nhờn (Meibomian) trên mí mắt. [9] Lẹo mắt thường tự khỏi nhưng sẽ gây đau trong thời gian bị.[10]
  2. Xác định triệu chứng lẹo mắt. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
    • Đốm nhỏ, sưng đỏ trên hoặc gần mí mắt giống như mụn.
    • Đau và kích ứng trên hoặc quanh mắt.
    • Chảy nhiều nước mắt.[10]
  3. Xác định yếu tố nguy cơ. Ai cũng có thể bị lẹo mắt nhưng có một số hoạt động có thể làm tăng nguy cơ lẹo mắt.[11]
    • Người không rửa tay trước khi chạm vào mắt và mặt có thể bị lẹo mắt.
    • Người đeo kính áp tròng chưa được khử trùng trước khi sử dụng có nguy cơ bị lẹo mắt.
    • Người không tẩy trang lớp trang điểm mắt trước khi đi ngủ có nguy cơ bị lẹo mắt.
    • Những bệnh nhân mắc bệnh Rosacea (bệnh về da) hoặc viêm bờ mi (viêm mí mắt) có nguy cơ cao bị lẹo mắt.[11]
  4. Để lẹo mắt tự lành. Không nặn lẹo mắt vì sẽ khiến nhiễm trùng nặng hơn và lây lan.[12]
  5. Điều trị triệu chứng. Cách điều trị lẹo mắt tốt nhất là điều trị triệu chứng trong khi chờ nhiễm trùng lành lại.
    • Nhẹ nhàng rửa sạch mắt. Không chà xát quá mạnh ở lẹo mắt.
    • Chườm ấm. Cứ mỗi 5-10 phút, nhúng khăn chườm lại vào nước ấm để chườm mắt.
    • Không đeo kính áp tròng hoặc trang điểm mắt cho đến khi khỏi lẹo mắt. [12]
  6. Tăng cường axit béo omega-3 trong chế độ ăn. Tăng cường bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp tăng sản sinh tuyến bã nhờn để giảm triệu chứng lẹo mắt.[13]

Điều trị bệnh viêm bờ mi[sửa]

  1. Hiểu rõ viêm bờ mi là gì. Viêm bờ mi là tình trạng viêm mãn tính một hoặc hai bên mí mắt. Bệnh không lây nhiễm và thường là do nhiễm khuẩn (vi khuẩn Staphylococcal) hoặc bệnh về da trong thời gian dài như gàu hoặc chứng đỏ mặt. Bệnh cũng có thể là do tiết dầu nhiều trên mí mắt dẫn đến nhiễm khuẩn. Có hai loại viêm bờ mi chính là viêm phía trước (ảnh hưởng đến mép ngoài mí mắt) và viêm phía sau (ảnh hưởng đến bên trong mí mắt).[14]
  2. Xác định triệu chứng viêm bờ mi. Triệu chứng thường gặp nhất của viêm bờ mi là:
    • Đỏ
    • Kích ứng
    • Chảy nước mắt nhiều
    • Mí mắt dính
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Ngứa dai dẳng
    • Xuất hiện "vảy" trên mí mắt[15]
  3. Hiểu rõ yếu tố nguy cơ. Người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị viêm bờ mi nhưng người mắc các bệnh về da như gàu hoặc chứng đỏ mặt thường có nguy cơ cao hơn.[14]
  4. Điều trị triệu chứng. Không có thuốc điều trị viêm bờ mi nên cách tốt nhất là điều trị triệu chứng để giảm đau và kích ứng.
    • Chườm khăn ấm. Nhúng ướt lại khăn sau mỗi 5-10 phút, chườm ấm nhiều lần mỗi ngày.[14]
    • Nhẹ nhàng rửa sạch mí mắt bằng dầu gội cho bé không kích ứng da để loại bỏ vảy đóng quanh mí mắt. Nên nhớ phải rửa lại mặt và mắt thật sạch sau khi rửa xà phòng.[14]
    • Tránh đeo kính áp tròng và trang điểm mắt khi bị viêm bờ mi.
    • Mát-xa tuyến mí mắt khi cần thiết để kích thích tiết dầu thừa. Luôn rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào mắt.[14]
  5. Cân nhắc việc dùng kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh như Azithromycin, Doxycycline, Erythromycin hoặc Tetracycline để điều trị viêm bờ mi. [16]

Điều trị viêm giác mạc[sửa]

  1. Hiểu rõ viêm giác mạc là gì. Viêm giác mạc là nhiễm trùng ở bất kỳ vùng nào của giác mạc và kết mạc, ở một hoặc cả hai bên mắt. Triệu chứng có thể trong thời gian ngắn hoặc kéo dài mãn tính. Triệu chính thường gặp bao gồm đau và đỏ mắt, kích ứng, chảy nước mắt, khó mở mắt, mờ mắt hoặc giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng. Đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ bị viêm giác mạc. Điều trị chậm trễ có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.[17] Có nhiều loại viêm giác mạc, được phân biệt với nhau bằng nguyên nhân ra bệnh.[18]
    • Viêm giác mạc do vi khuẩn thường là do nhiễm khuẩn Staphylococci, Haemophilus, Streptococci hoặc Pseudomonas. Nhiễm khuẩn thường đi kèm một số tổn thương bề mặt của giác mạc, có thể gây loét ở vị trí nhiễm trùng.[18]
    • Viêm giác mạc do vi-rút có thể do nhiều loại vi-rút, bao gồm vi-rút cảm lạnh thông thường. Bệnh cũng có thể là do vi-rút Herpes hoặc Herpes zoster - vi-rút gây thủy đậu và giời leo.[18]
    • Viêm giác mạc do nấm thường là do các bào tử nấm Fusarium có xu hướng phát triển trong kính áp tròng vệ sinh không sạch. Người có hệ miễn dịch suy yếu có thể bị viêm giác mạc do bào tử nấm Candida, Aspergillus hoặc Nocardia. Người khỏe mạnh hiếm khi nhiễm các loại nấm này. [18]
    • Viêm giác mạc hóa học thường là do tiếp xúc với hóa chất, từ kính áp tròng, từ hóa chất hoặc khói, hoặc do ngâm mình trong hóa chất kích thích như hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng. [18]
    • Viêm giác mạc vật lý thường là do chấn thương vùng mắt do nhiều nguyên nhân, bao gồm tiếp xúc quá lâu với tia cực tím và ánh sáng từ đèn hàn.[18]
    • Viêm giác mạc do giun chỉ thường là do ký sinh trùng Amip có thể gặp phải ở người đeo kính áp tròng. Viêm giác mạc do giun chỉ còn được gọi là "mù sông". Bệnh phổ biến ở các nước thế giới thứ ba và tương đối hiếm gặp ở các khu vực khác trên thế giới.[18]
    • Viêm giác mạc Sicca (viêm giác mạc khô) và viêm giác mạc sợi (Filamentary keratitis) là viêm bề mặt do mắt quá khô hoặc kích ứng ở lớp màng trước giác mạc.[18]
  2. Xác định triệu chứng viêm giác mạc. Triệu chứng thường gặp gồm có:
    • Đau
    • Đỏ
    • Kích ứng
    • Chảy nhiều nước mắt
    • Khó mở mắt
    • Mờ mắt hoặc giảm thị lực
    • Nhạy cảm với ánh sáng[17]
  3. Hiểu rõ yếu tố nguy cơ viêm giác mạc. Ai cũng có thể bị viêm giác mạc nhưng một số người có thể mang yếu tố nguy cơ nên dễ mắc bệnh hơn.
    • Người bị tổn thương bề mặt giác mạc có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.[19]
    • Đeo kính áp tròng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm giác mạc.[19]
    • Khô mắt mãn tính hoặc nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. [19]
    • Hệ miễn dịch suy yếu do AIDS hoặc một số thuốc như Corticosteroid hoặc hóa trị có thể làm tăng nguy cơ viêm giác mạc.[19]
  4. Điều trị viêm giác mạc. Đi khám bác sĩ ngay để được kê đơn thuốc kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi-rút điều trị viêm giác mạc. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc Steroid để điều trị viêm do viêm kết mạc. [20] Sau khi đã khám bác sĩ, bạn có thể điều trị triệu chứng tại nhà bằng nhiều cách để kết hợp với thuốc mà bác sĩ kê đơn.[21]
    • Dùng thuốc nhỏ mắt bôi trơn mắt. Mặc dù thuốc nhỏ mắt không kê đơn không giúp điều trị nhiễm trùng mắt nhưng sẽ giúp giảm đỏ và kích ứng. Sử dụng thuốc nhỏ mắt để bôi trơn mắt với tần suất như hướng dẫn và cho bác sĩ biết về thuốc nhỏ mắt cũng như bất kỳ thuốc không kê đơn nào mà bạn định sử dụng.
    • Ngưng đeo kính áp tròng khi bị viêm giác mạc. Loại bỏ kính áp tròng dùng một lần đã tiếp xúc với mắt trong thời gian bị viêm giác mạc.

Điều trị kích ứng mắt do dị ứng[sửa]

  1. Hiểu rõ tình trạng kích ứng mắt do dị ứng. Dị ứng có thể gây viêm kết mạc không lây nhiễm. Loại nhiễm trùng mắt này có thể là do dị ứng với thú nuôi, hoặc do dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, cỏ, bụi hoặc mốc.
  2. Xác định triệu chứng. Triệu chứng thường gặp gồm có:
    • Mắt ngứa, kích ứng
    • Mắt đỏ và sưng
    • Chảy nhiều nước mắt[22]
  3. Hiểu rõ yếu tố nguy cơ. Ai cũng có thể bị viêm kết mạc do dị ứng. Yếu tố nguy cơ lớn nhất là dị ứng theo mùa/dị ứng do môi trường.
  4. Thử dùng thuốc không kê đơn. Uống thuốc chữa nghẹt mũi hoặc thuốc kháng histamin không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng kích ứng mắt do dị ứng. Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc ổn định dưỡng bào không kê đơn như Ophthalmic lodoxamide để điều trị triệu chứng chung của phản ứng dị ứng.[23]
  5. Điều trị triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc kháng histamin để xoa dịu phản ứng của cơ thể với dị nguyên. Một số nguyên liệu tại gia cũng có thể giúp giảm triệu chứng viêm kết mạc do dị ứng.
    • Táp nước sạch vào mắt. Nước mát có tác dụng xoa dịu trong một số trường hợp; một số trường hợp có thể thấy dùng nước ấm sẽ hiệu quả hơn.[23]
    • Dùng túi trà ẩm, mát. Sau khi pha trà, bạn nên giữ túi trà lại. Chườm túi trà nguội lên mắt bị viêm khoảng 10-15 phút. Lặp lại tối đa 3 lần mỗi ngày.[24]
    • Thử chườm khăn mặt lạnh. Cách này giúp giảm kích ứng và viêm do viêm kết mạc dị ứng.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng mắt, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Tình trạng mất thị lực hoặc mờ mắt cần được điều trị ở bệnh viên. Những cách kể trên có thể giúp xoa dịu triệu chứng nhiễm trùng mắt nhưng không chữa khỏi tình trạng nhiễm trùng tận gốc. Một số bệnh nhiễm trùng mắt có thể gây mù vĩnh viễn. Nên cẩn trọng và tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi cần thiết.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.eyehealthweb.com/eye-infections/
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/basics/treatment/con-20022732
  3. 3,0 3,1 http://www.cdc.gov/conjunctivitis/clinical.html
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/basics/symptoms/con-20022732
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/basics/lifestyle-home-remedies/con-20022732
  6. 6,0 6,1 http://patient.info/health/how-to-use-eye-drops
  7. http://www.geteyesmart.org/eyesmart/ask/questions/pink-eye-and-contact-lenses.cfm
  8. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/basics/prevention/con-20022732
  9. http://www.medicinenet.com/sty_stye/article.htm
  10. 10,0 10,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sty/basics/definition/CON-20022698?p=1
  11. 11,0 11,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sty/basics/risk-factors/con-20022698
  12. 12,0 12,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sty/basics/lifestyle-home-remedies/con-20022698
  13. http://www.medicinenet.com/sty_stye/page5.htm
  14. 14,0 14,1 14,2 14,3 14,4 http://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/blepharitis?sso=y
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blepharitis/basics/symptoms/con-20024605
  16. http://www.medicinenet.com/blepharitis/page4.htm#what_is_the_treatment_for_blepharitis
  17. 17,0 17,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratitis/basics/symptoms/con-20035288
  18. 18,0 18,1 18,2 18,3 18,4 18,5 18,6 18,7 http://www.medicinenet.com/keratitis/article.htm#what_are_the_causes_of_keratitis
  19. 19,0 19,1 19,2 19,3 http://www.medicinenet.com/keratitis/page2.htm
  20. http://www.medicinenet.com/keratitis/page3.htm#what_is_the_treatment_for_keratitis
  21. http://www.medicinenet.com/keratitis/page3.htm
  22. http://www.visioncarespecialists.com/blog/pink-eye-or-allergies-how-to-spot-the-difference/
  23. 23,0 23,1 http://www.medicinenet.com/eye_allergy/page5.htm#what_is_the_treatment_for_eye_allergies
  24. http://www.naturalremedies.org/eye-infections-2/