Điều trị sưng tấy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sưng có thể là kết quả của chấn thương, mang thai, hoặc dấu hiệu của các bệnh lý khác. Nếu không được chữa trị, sưng tấy có thể gây khó chịu và đau nhức. Nâng cao phần cơ thể bị sưng, uống nhiều nước, và chườm lạnh sẽ giúp làm giảm sưng tấy. Hãy đọc qua bài viết để tìm hiểu cách để điều trị sưng tấy.

Các bước[sửa]

Điều trị sưng tấy do chấn thương[sửa]

  1. Để khu vực bị sưng được nghỉ ngơi. Khi cơ thể bị sưng do chấn thương hoặc do tuần hoàn kém, tốt nhất bạn nên để cho vùng bị thương được nghỉ ngơi. Nếu bạn bị sưng bàn chân hoặc sưng mắt cá chân, cố gắng ít vận động chúng trong vài ngày cho đến khi vết sưng thuyên giảm.
    • Nếu chân bạn bị thương, hãy xem xét việc sử dụng nạng hay gậy để tránh gây áp lực lên vùng bị sưng.
    • Nếu bạn bị sưng tay do chấn thương, hãy sử dụng cánh tay còn lại để làm việc, hoặc nhờ người khác giúp đỡ.
  2. Nâng cao phần cơ thể bị sưng. Dù bạn ngồi hoặc nằm, hãy dùng gối cao để nâng đỡ phần cơ thể bị sưng lên vị trí cao hơn vị trí của tim bạn.[1] Cách này sẽ giúp máu không bị tích tụ tại phần cơ thể bị sưng và giúp máu lưu thông dễ dàng.
    • Dùng dây để nâng cánh tay lên cao nếu cần thiết.
    • Nếu bạn bị sưng nặng, hãy ngồi xuống và nâng cao phần cơ thể bị sưng trong một vài giờ.
  3. Chườm lạnh. Nhiệt độ cao sẽ làm vết sưng trở nên nặng hơn, vì vậy bạn hãy nên chườm lạnh lên vùng bị sưng. Tránh áp đá trực tiếp lên da mà bạn nên bọc đá trong một chiếc túi hoặc khăn và chườm lên vùng bị sưng. Hãy thực hiện cách này 15 phút mỗi lần, và nhiều lần trong ngày. [1]
  4. Uống thuốc. Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) là loại thuốc được dùng để làm giảm đau và sưng. Các loại thuốc kháng viên phổ biến là acetaminophen, ibuprofen, và naproxen. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp cho tình trạng của bạn.

Điều trị sưng tấy nói chung[sửa]

  1. Thực hiện bài tập có tác động thấp. Mặc dù bạn nên để khu vực bị sưng được nghỉ ngơi, không vận động trong thời gian dài sẽ làm giảm tuần hoàn máu và khiến vết sưng tồi tệ hơn. Hãy đứng dậy và đi bộ xung quanh khi ở cơ quan, và thực hiện các bài tập tác động thấp vào cuối tuần. Các bài tập này có thể bao gồm tập yoga, bơi lội, và đi dạo.
    • Nếu công việc đòi hỏi bạn phải ngồi một chỗ cả ngày, hãy thử thay đổi tư thế bằng cách "đứng" để làm việc. Nếu bạn không thích tư thế này, bạn có thể đứng dậy và đi dạo quanh văn phòng sau mỗi giờ.
    • Khi bạn ngồi, hãy thường xuyên thay đổi tư thế và nâng chân cao một chút bất kỳ khi nào bạn có thể.
  2. Giảm lượng natri. Lượng natri cao sẽ làm vết sưng trở nên nặng nề hơn, vì vậy bạn nên tránh dùng các thực phẩm chứa nhiều natri. Ngoài ra, hãy uống nhiều nước để loại bỏ lượng muối khỏi cơ thể.[1]
    • Để làm tăng mức độ thanh lọc cơ thể của nước, bạn có thể thêm một lát dưa chuột hoặc chanh – chúng chứa chất chống viêm tự nhiên.
    • Bất kỳ khi nào có thể, hãy uống nước thay vì các loại thức uống có chứa natri. Ngay cả các loại nước ngọt cũng chứa lượng natri cao.
  3. Lựa chọn quần áo phù hợp. Mặc quần áo quá chật trên khu vực bị sưng sẽ ngăn lượng máu lưu thông. Tránh mặc quần áo quá chật (đặc biệt không dùng các loại vớ nylon hoặc nịt bít tất), thay vì vậy, hãy dùng các loại vớ thoải mái cho cơ thể.[2]
  4. Sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung magiê. Nếu bạn bị thiếu hụt magiê, vết sưng tấy sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể tìm mua thực phẩm bổ sung magiê tại các cửa hàng thực phẩm chức năng và mỗi ngày nên cung cấp 250 mg magiê cho cơ thể.
  5. Ngâm vùng bị sưng trong nước tonic. Các bọt khí và quinin có trong nước tonic có thể giúp làm giảm sưng tấy. Đổ nước tonic lạnh (hoặc nước ấm, nếu bạn không chịu được nước lạnh) vào một chiếc chậu và ngâm vùng bị sưng vào dung dịch trong vòng 15-20 phút một lần mỗi ngày.
  6. Tắm nước muối epsom. Muối epsom khi được hoà tan trong nước sẽ có tác dụng như chất chống viêm. Thêm 2 thìa súp muối epson vào bồn tắm và hoà tan trong nước ấm. Hãy thực hiện cách này mỗi ngày để cho kết quả tốt nhất.
  7. Xoa bóp vùng bị sưng. Chà xát vùng sưng tấy sẽ làm giảm sưng và tăng cường tuần hoàn máu. Bạn có thể đến các tiệm mát xa hoặc tự dùng tay chà xát lên vùng bị sưng trên cơ thể. Bạn có thể sử dụng tinh dầu bưởi để xoa bóp. Nếu bạn tự tay xoa bóp vùng bị sưng, hãy tập trung chà xát vào vết sưng theo hướng ngược lên trên thay vì ngược xuống.[3]

Nhận biết khi cần điều trị y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu bạn bị sưng mãn tính. Nếu các phương pháp trên không giúp vết sưng thuyên giảm trong vòng một vài ngày, hãy đi khám bác sĩ để nhận biết nếu bạn đang mắc phải các tình trạng bệnh lý tìm ẩn dẫn đến sưng tấy.
    • Sưng nghiêm trọng trong quá trình mang thai có thể là dấu hiệu của triệu chứng tiền sản giật, một tình trạng nguy hiểm gây cao huyết áp và sưng.[2]
    • Một số loại thuốc có thể làm cơ thể bị sưng tấy. Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị nội tiết tố, và thuốc huyết áp có thể gây sưng.[2]
    • Suy tim, suy thận, và suy gan có thể gây tích tụ chất lỏng trong cơ thể dẫn đến sưng tấy.[2]
  2. Hãy đi khám bệnh ngay lập tức nếu bạn đang gặp các triệu chứng nghiêm trọng. Bạn nên đi khám ngay lập tức nếu sưng tấy kết hợp với các triệu chứng khác như đau tim, đau gan, đau thận. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn đang mắc phải một trong các triệu chứng sau:
    • Đau ngực.[2]
    • Khó thở.
    • Bạn đang mang thai và đột ngột bị sưng.
    • Sốt.
    • Bạn từng được chuẩn đoán mắc bệnh về tim hoặc thận và bạn bị sưng tấy.
    • Phần bị sưng tấy trên cơ thể nóng lên mỗi khi bạn chạm vào.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy kết hợp nhiều phương pháp giảm sưng cùng lúc, vì có thể chúng sẽ đem lại hiệu quả khi được kết hợp với nhau.
  • Thừa cân cũng sẽ làm sưng tấy trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn bị thừa cân và tuần hoàn kém dẫn đến sưng tấy, hãy thực hiện các biện pháp giảm cân và tăng cường sức khoẻ.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ nếu bạn mắc phải bất kỳ một chứng bệnh sưng tấy kỳ lạ nào.
  • Nếu bạn bị sưng ở các bộ phận trên mặt (miệng, mắt, v.v), hãy đi khám ngay lập tức.
  • Nếu sưng tấy trở nên nghiêm trọng hoặc bạn nghĩ rằng có khả năng bạn bị gãy xương, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây