Điều trị viêm tai giữa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm tai giữa là bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Ở Mỹ, hằng năm, cứ 10 đứa trẻ sẽ có một bé bị viêm tai giữa – thuật ngữ y học dành cho tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa. Số trẻ em bị viêm tai giữa gấp 10 lần so với người trưởng thành.[1] Viêm tai giữa là nguyên nhân thứ hai cần đi khám bác sĩ, đồng thời cũng là lý do cần được kê đơn thuốc kháng sinh thường gặp nhất ở trẻ em.[2]

Các bước[sửa]

Phát hiện nhiễm trùng[sửa]

  1. Xác định trường hợp nhiễm trùng tai giữa. Tai giữa là khoang chứa khí và được lót màng nhầy, nằm ở vị trí giữa tai trong và bên ngoài cơ thể. Ống tai giữa được gọi là ống Eustachian, giúp bình thường hóa áp suất giữa bên ngoài và bên trong cơ thể. Nằm giữa tai giữa và tai ngoài là màng nhĩ. [3]
    • Nhiễm trùng tai giữa hay còn gọi là viêm tai giữa cấp tính xảy ra khi các ống Eustachian bị tắc nghẽn do sưng, viêm, vi-rút gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và chảy dịch lỏng, dị ứng gây kích thích, mọc răng gây tăng tiết nước bọt và dịch nhầy, vòm họng bị nhiễm trùng hoặc phình, và khói thuốc lá .[4]
  2. Đánh giá yếu tố nguy cơ bị viêm tai giữa. Trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi, trẻ đang học nhà trẻ, trẻ tiếp xúc với khói thuốc ở nhà có nguy cơ bị viêm tai giữa. Trẻ em sử dụng núm vú, bú bình và không bú mẹ thường có nguy cơ bị viêm tai giữa cao vì nằm bú bình sẽ thay đổi dòng chảy của dịch trong ống Eustachian. [1]
    • Bạn có xu hướng dễ bị viêm tai giữa hơn vào mùa thu và mùa đông, nếu mắc một số bệnh như dị ứng và có người trong gia đình đã từng bị viêm tai giữa. Nhiều trường hợp viêm tai giữa xảy ra trong hoặc ngay sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi-rút.
  3. Quan sát những thay đổi trong hành vi. Viêm tai giữa thường làm tăng áp lực và gây đau. Khi bị đau, trẻ thường khó chịu và quấy khóc nhiều hơn. Nằm, nhai hoặc bú sẽ làm tăng áp lực và gây đau nhiều hơn. [5] Trẻ có thể giật hoặc kéo tai để giảm áp lực và đau đớn. Tuy nhiên, giật tai không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị viêm tai giữa.
    • Viêm tai giữa còn là nguyên nhân gây khó nghe và phản ứng kém nhạy với âm thanh. Tai giữa nếu chứa đầy vi khuẩn và dịch lỏng nhiễm trùng sẽ kìm hãm quá trình truyền sóng âm và ảnh hưởng đến thính giác.
  4. Quan sát triệu chứng. Ngoài đau tai, viêm tai giữa còn biểu hiện nhiều triệu chứng khác. Người bệnh có thể bị sốt trên 38oC, đau đầu, chán ăn, vụng về và mất thăng bằng. Nhiễm trùng tai giữa có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể như một phản ứng chống nhiễm trùng của hệ miễn dịch. Nhức đầu và chán ăn thường là do sốt gây ra.[6] Viêm tai giữa cũng có thể gây nôn mửa hoặc tiêu chảy. [7]
    • Người bệnh cũng có thể bị chảy dịch lỏng từ tai. Nếu áp suất trong tai tăng lên đủ cao và ống Eustachian không thể mở đủ rộng để thoát dịch, màng nhĩ có thể bị rách. Màng nhĩ rách sẽ tạo điều kiện cho dịch lỏng chảy ra từ tai và người sẽ không phải chịu đau do áp lực nữa.[5] Đi khám bác sĩ nếu nghĩ rằng bé nhà bạn có thể bị rách màng nhĩ.

Điều trị viêm tai giữa[sửa]

  1. Chờ xem. Theo khuyến nghị của Hiệp hội các Bác sĩ Gia đình Mỹ, “chờ xem” là cách điều trị viêm tai giữa trong nhiều trường hợp. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần và cơn đau sẽ giảm đáng kể trong vòng 3-4 ngày. [8]
    • Bạn nên theo dõi đối với trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi sốt không quá 39 °C, chỉ đau nhẹ ở một bên tai và các triệu chứng không biểu hiện vượt quá 48 tiếng.
    • Bạn cũng phải theo dõi đối với trẻ 24 tháng tuổi trở lên bị đau nhẹ ở một hoặc cả hai tai, sốt không quá 39°C và các triệu chứng không biểu hiện vượt quá 48 tiếng.
    • “Chờ xem” không phải là cách khả thi cho trường hợp[5] trẻ bị sứt môi, hội chứng Down, rối loạn hệ miễn dịch, dưới 6 tháng tuổi và đã từng bị viêm tai giữa trước đó.
  2. Cân nhắc điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên dùng kháng sinh ở lần điều trị viêm tai giữa đầu tiên, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị đau vừa phải đến nghiêm trọng, trẻ sốt đến 39°C hoặc cao hơn, trẻ từ 6 - 23 tháng bị nhiễm trùng cả hai tai. Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn là nhiễm trùng ở một vị trí khác trong đầu, thậm chí là não, điếc vĩnh viễn hoặc tê liệt dây thần kinh ở mặt. [9]
    • Mặc dù thuốc kháng sinh giúp kìm hãm vi khuẩn phát triển ở tai giữa nhưng áp lực và cơn đau phải mất vài ngày mới có thể được xoa dịu. [8]
    • Theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.[4] Một số trẻ có thể bị buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh.
  3. Giảm đau và khó chịu. Dù đã được kê đơn thuốc kháng sinh, trẻ em và người lớn đều phải tiếp tục chịu đau và áp lực cho đến khi nhiễm trùng biến mất. Các cách sau sẽ giúp giảm đau:
    • Uống Tylenol hoặc Ibuprofen để giảm đau và hạ sốt. Tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc không kê đơn thích hợp và liều lượng dành cho trẻ em.[5] Không dùng Aspirin cho trẻ em vì thuốc này là tác nhân gây hội chứng Reye. [10]
  4. Áp vải ấm hoặc chai nước ấm. Bạn có thể áp một miếng vải ấm hoặc một chai nước ấm lên tai bị đau để giảm đau. Nhiệt độ từ vải hoặc chai nước nên vừa phải để tránh làm bỏng da. Nên đặt miếng vải vào trong túi nhựa kín để ngăn không cho bốc hết hơi nóng.[4]
    • Đắp vải tỏa hơi nước ấm bên ngoài tai có thể làm tăng nguy cơ viêm tai ở người đi bơi lội.
  5. Hỏi bác sĩ về thuốc nhỏ tai giúp giảm đau. Nếu đau dữ dội, bạn có thể hỏi bác sĩ về thuốc nhỏ tai. Chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ tai khi màng nhĩ không bị rách. Nếu bị rách màng nhĩ, thuốc nhỏ tai sẽ chui vào tai giữa và gây tổn thương. [11]
  6. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng dầu tỏi hoặc dầu ôliu. Tỏi có tính kháng khuẩn, do đó giúp chống nhiễm trùng tự nhiên. Mặt khác, dầu ôliu hơi ấm sẽ giúp xoa dịu màng nhĩ, giảm đau và viêm.
    • Bạn không nên dùng/cho bất cứ thứ gì vào tai nếu đặt ống ở màng nhĩ hoặc nghi ngờ màng nhĩ đã bị rách. Không nên cho dầu, thuốc (trừ thuốc được kê đơn riêng cho trường hợp rách màng nhĩ) hay thuốc nhỏ tai tiếp xúc với tai giữa.
    • Tuyệt đối không được sử dụng dầu quá ấm để tránh làm bỏng tai. Nên thử dầu lên cổ tay trước.
  7. Hạn chế hoạt động. Người bị viêm tai nên hạn chế các hoạt động, tùy thuộc vào cảm giác của người bệnh. Viêm tai giữa không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng và không bắt buộc người bệnh phải ngưng hoàn toàn mọi hoạt động. Nếu trẻ có thể ra ngoài chơi, bạn cứ cho trẻ đi. Người lớn cũng tương tự như vậy.
    • Nếu trẻ không tỏ ra khó chịu và cảm thấy hào hứng với kế hoạch vui chơi, bạn không nhất thiết phải ngăn cản trẻ.

Ngăn ngừa viêm tai giữa[sửa]

  1. Nghiên cứu ống Myringotomy hoặc ống tai. Đây là ống phẫu thuật đặt trong tai trẻ bị viêm tai giữa mãn tính. Những ống này giúp giảm áp lực và lưu thông dịch, nhờ đó, giúp giảm tích tụ dịch trong tai giữa và giảm nhiễm trùng tai.[12]
    • Mặc dù chỉ là tiểu phẫu nhưng do liên quan đến thuốc gây mê nên đặt ống tai có thể dẫn đến những nguy hiểm như ảnh hưởng đến các dây thanh quản, chấn thương răng và lưỡi, rối loạn tâm thần tạm thời, đau tim, nhiễm trùng phổi và thậm chí (nhưng hiếm khi) tử vong. [13] Những rủi ro do thuốc gây mê thường thấp ở trẻ khỏe mạnh, người trưởng thành nhưng sẽ cao hơn ở người đang mắc các bệnh khác.
  2. Cho trẻ bú ở tư thế đứng. Không nên để trẻ nằm bú bình. Nằm bú bình sẽ khiến dịch lỏng chảy ngược lên ống Eustachian và tạo môi trường phát triển cho vi khuẩn gây viêm tai giữa. [14] Kê đầu trẻ càng thấp khi bú (ăn), nguy cơ chảy ngược dịch lỏng lên ống Eustachian cùng nhiễm trùng càng cao.
  3. Giảm tiếp xúc với khói thuốc lá. Thuốc lá và khói thuốc làm tăng phản ứng viêm ở ống Eustachian cũng như nguy cơ viêm tai giữa. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người hút thuốc. Người bị nhiễm trùng không nên hút thuốc lá và tránh ở gần người hút thuốc.[14]
  4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi-rút làm tăng nguy cơ viêm tai giữa do dịch lỏng nhiễm trùng gây tắc ống Eustachian. Bằng cách hạn chế tiếp xúc với trẻ bị bệnh, bạn có thể giảm nguy cơ viêm tai giữa cho bản thân hoặc bé nhà bạn.[14]
    • Không nên cho trẻ đi học nếu trẻ bị sốt.
  5. Tiêm vắc-xin cho trẻ đúng thời hạn, kể cả vắc-xin ngừa cúm hằng năm. Nhiễm trùng tai thường xảy ra sau khi bị cúm. Bạn có thể ngăn ngừa một số vi khuẩn gây nhiễm trùng tai phổ biến như phế cầu khuẩn Streptococcus pneumonia và vi khuẩn Haemophilus influenza bằng cách tiêm chủng.[15]

Lời khuyên[sửa]

  • Đau do nhiễm trùng tai thường dữ dội nhất trong 24 tiếng đầu và có thể giảm trong vòng 3 ngày. Thuốc kháng sinh không thể giảm đau và giảm áp lực trong ít nhất 48 tiếng. Dù bác sĩ có khuyên bạn “chờ xem” hay không, bạn cũng nên áp dụng các phương pháp giúp giảm đau và áp lực.
  • Tuyệt đối không được cho bất cứ vật gì vào tai nếu màng nhĩ bị rách.

Cảnh báo[sửa]

  • Không sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc cảm để giảm tắc nghẽn. Những thuốc này thường làm khô dịch tiết cơ thể, tập trung mức độ vi khuẩn trong tai giữa và không thể giảm bớt áp lực, đau hoặc nhiễm trùng. [2]
  • Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng ngày càng nghiêm trọng, không thuyên giảm trong vòng 3 ngày sau khi uống thuốc kháng sinh, phát ban, nổi mề đay, sưng họng, môi/lưỡi hoặc khó thở sau khi dùng kháng sinh.[16]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]