Chữa bệnh viêm tai do nấm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Còn có tên là bệnh nấm ống tai ngoài (otomycosis) hoặc “tai đi bơi”, bệnh viêm tai do nấm chủ yếu ảnh hưởng đến ống tai. Bệnh nấm ống tai ngoài chiếm đến 7% các trường hợp được chẩn đoán viêm tai ngoài (otitis externa), tức là viêm và nhiễm trùng ống tai. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh này là do nhiễm nấm Candida Aspergillus. Bệnh viêm tai do nấm thường bị nhầm với viêm tai do vi khuẩn. Bác sĩ thường kê toa thuốc kháng sinh, nhưng thuốc kháng sinh không trị được nấm, do đó bệnh không biến chuyển. Sau đó bác sĩ có thể hướng dẫn bạn một số cách điều trị tại nhà và kê toa một số thuốc chống nấm.[1]

Các bước[sửa]

Nhận biết các triệu chứng của bệnh viêm tai do nấm[sửa]

  1. Nhận biết hiện tượng ngứa bất thường (pruritis). Hiện tượng tai bị ngứa cũng khá thường xảy ra. Hàng trăm chiếc lông nhỏ li ti trên tai và bên trong tai có thể dễ dàng bị kích thích. Tuy nhiên nếu bị ngứa liên tục và không đỡ khi gãi hoặc chà xát, có lẽ bạn đã bị viêm tai do nấm. Đây là triệu chứng chủ yếu của bệnh nấm tai.[2]
  2. Nhận biết hiện tượng đau tai (otalgia). Hầu như bạn sẽ có cảm giác đau ở một bên tai – không ở cả hai tai, vì nấm thường bị nhiễm cục bộ. Đôi khi người bệnh mô tả có cảm giác “tức” hoặc “đầy”. Cơn đau có thể nhẹ hoặc dữ dội, và thường tăng cường độ khi chạm vào.[1]
  3. Kiểm tra dịch tiết của tai (otorrhea). Dịch chảy ra từ tai bị viêm do nấm thường đặc, có thể trong hoặc có màu trắng, vàng và đôi khi có lẫn máu/mùi hôi. Bạn đừng nhầm với ráy tai. Lấy tăm bông và quệt bên trong tai (cẩn thận đừng chọc đầu tăm bông vào ống tai). Ráy tai thường tích tụ bên trong, tuy nhiên nếu số lượng và màu sắc có vẻ bất thường, có lẽ bạn đã bị nhiễm nấm trong tai.[1]
  4. Kiểm tra hiện tượng giảm thính lực. Bệnh viêm tai do nấm có thể biểu hiện qua việc nghe những âm thanh hoặc tiếng nói như bị nghẹt, khó hiểu lời người khác nói và khó nghe được các phụ âm. Đôi khi người ta nhận ra tình trạng mất thính lực qua sự thay đổi trong hành vi. Sự thất vọng triền miên là kết quả của việc giảm khả năng nghe, khiến người bệnh rút lui khỏi các cuộc trò chuyện và giao tiếp xã hội.[3]

Sử dụng thuốc[sửa]

  1. Biết khi nào cần đến bác sĩ khám bệnh. Khi bị viêm tai, tốt nhất là bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và tìm phương pháp điều trị tối ưu. Nếu bị đau nhiều, mất khả năng nghe hoặc có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác, bạn nên tìm sự giúp đỡ chuyên khoa.[4]
    • Bác sĩ có thể giúp bạn làm sạch ống tai bằng thiết bị hút và kê toa thuốc chữa bệnh viêm tai.
    • Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn mua thuốc giảm đau không kê toa hoặc kê toa thuốc giảm đau nếu bạn bị đau nặng.[5]
  2. Sử dụng clotrimazole để điều trị nhiễm nấm trong tai. Dung dịch clotrimazole 1% là thuốc chống nấm thông dụng nhất mà bác sĩ thường kê toa để trị bệnh viêm tai do nấm. Thuốc này diệt cả hai loại nấm Candida Aspergillus. Clotrimazole hoạt động bằng cách ức chế các enzyme có tác dụng chuyển đổi ergosterol. Ergosterol là chất cần thiết cho việc duy trì nguyên vẹn màng tế bào nấm. Sự sinh trưởng của nấm sẽ bị ức chế do thiếu hụt ergosterol.[6]
    • Lưu ý tác dụng phụ của clotrimazole. Các tác dụng phụ này bao gồm kích ứng, bỏng rát hoặc khó chịu.[7] Tuy nhiên, thuốc clomatrizole dạng bôi không có nhiều khả năng gây tác dụng phụ như dạng uống.
    • Để sử dụng clotrimazole, bạn cần rửa tay dưới vòi nước chảy với xà phòng nhẹ. Rửa tai bằng nước ấm đến khi sạch hết chất dịch nhìn thấy được trong tai. Nhẹ nhàng thấm khô tai bằng khăn sạch. Không lau quá mạnh vì làm như vậy có thể khiến tình trạng xấu hơn.[7]
    • Nằm xuống hoặc nghiêng đầu sang bên để lộ ống tai. Chỉnh ống tai thẳng bằng cách kéo dái tai xuống, sau đó kéo ra sau. Nhỏ hai hoặc ba giọt clotrimazole vào tai. Nghiêng tai trong 2-3 phút để dung dịch chảy vào vùng tổn thương. Sau đó nghiêng đầu cho thuốc chảy ra khăn.[7]
    • Đậy nắp lọ thuốc và cất nơi ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nơi khô và mát. Tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao.[7]
    • Nếu clotrimazole không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc chống nấm khác như miconazole.[8]
  3. Dùng thuốc fluconazole (Diflucan) do bác sĩ kê toa. Nếu tình trạng nhiễm nấm nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê toa thuốc fluconazole. Thuốc này cũng hoạt động tương tự như clotrimazole. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi khẩu vị, đi tiêu phân lỏng, đau bụng, phát ban ngoài da và tăng men gan.[9]
    • Fluconazole có dạng viên nén. Bác sĩ thường chỉ định một liều 200 mg trong một ngày, sau đó 100 mg mỗi ngày trong 3 đến 5 ngày.[9]
  4. Tránh thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị viêm nhiễm do vi khuẩn, do đó nó không có hiệu quá chống nấm.
    • Thuốc kháng sinh thậm chí có thể làm trầm trọng thêm bệnh viêm tai do nấm vì chúng có thể giết các vi khuẩn có lợi trong tai hoặc các bộ phận khác trong cơ thể - các vi khuẩn giúp bạn chống lại tình trạng nhiễm nấm.[10]
  5. Đi tái khám. Bạn sẽ phải đến bác sĩ để khám lại trong khoảng 1 tuần để xem việc điều trị có hiệu quả không. Nếu không, bác sĩ có thể thử một lựa chọn khác.
    • Ngoài ra, bạn cần đảm bảo liên lạc với bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh biến chuyển nặng hơn hoặc không thuyên giảm.

Sử dụng các liệu pháp tại nhà[sửa]

  1. Dùng ô-xy già. Dùng ống nhỏ giọt y tế nhỏ 2-3 giọt ô-xy già vào tai bị viêm. Để nguyên trong ống tai 5-10 phút, sau dó nghiêng đầu cho chảy ra ngoài. Liệu pháp này sẽ giúp làm mềm các vảy hoặc chất cặn bã đóng cứng trong ống tai, từ đó giúp rửa trôi các cụm nấm ra khỏi tai.[11]
  2. Dùng máy sấy tóc. Bật máy sấy tóc ở mức thấp nhất và đặt cách xa tai bị viêm ít nhất 25 cm. Phương pháp này giúp làm khô độ ẩm trong ống tai, cản trở sự sinh trưởng của nấm.[11]
    • Cẩn thận kẻo bỏng tai.
  3. Chườm gạc ấm lên tai bị viêm. Dùng khăn sạch và nhúng vào nước ấm. Đảm bảo khăn không quá nóng. Đắp khăn ấm lên tai bị viêm và chờ cho đến khi nguội hẳn. Phương pháp này giúp giảm đau mà không phải dùng thuốc giảm đau, đồng thời kích thích máu lưu thông đến vùng bị tổn thương, giúp bệnh mau lành.[12]
  4. Dùng cồn xoa bóp và giấm táo. Pha hỗn hợp với tỷ lệ 1:1. Dùng ống nhỏ giọt y tế nhỏ vài giọt vào tai bị viêm. Để dung dịch trong tai 10 phút, sau đó nghiêng đầu cho chảy ra. Bạn có thể sử dụng liệu pháp này cách mỗi 4 tiếng, tối đa trong 2 tuần.
    • Cồn xoa bóp là chất bay hơi, có thể giúp loại bỏ độ ấm trong ống tai vốn là nguyên nhân gây nhiễm nấm. Cồn cũng có tác dụng sát trùng da trong ống tai. Chất a-xít của giấm làm chậm lại quá trình sinh trưởng của nấm, vì cả hai loại nấm Candida Aspergillus đều sinh trưởng tốt hơn trong môi trường "kiềm".[11]
    • Hỗn hợp này có tác dụng sát trùng và làm khô tai, giảm thời gian bị nhiễm trùng.[13]
  5. Ăn thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa các mô tổn thương vì nhiễm nấm. Vitamin C còn giúp cơ thể sản xuất collagen, một loại protein tạo nên các mô như da, sụn và các mạch máu. Các bác sĩ khuyến nghị uống thực phẩm bổ sung vitamin C với liều lượng 500 đến 1.000 mg mỗi ngày cùng với thức ăn.
    • Các nguồn thực phẩm dồi dào vitamin gồm có hoa quả họ cam quýt (cam, chanh, chanh vàng), quả mọng (việt quất, nam việt quất, dâu tây, mâm xôi), dứa, dưa hấu, đu đủ, bông cải xanh, rau bina, bắp cải tí hon (Brussel sprouts), bắp cải, và súp lơ.[14]
  6. Dùng dầu tỏi. Lấy một viên dầu tỏi, chọc thủng và nhỏ vào tai bị viêm. Để 10 phút, sau đó nghiêng đầu cho chảy ra ngoài. Liệu pháp này có thể dùng hàng ngày cho đến 2 tuần. Các nghiên cứu cho thấy dầu tỏi có tác dụng chống nấm Aspergillus (một trong hai loại nấm chính gây viêm tai).
    • Hơn nữa, dầu tỏi cũng được cho là có tác dụng ngang bằng hoặc tốt hơn so với các thuốc kê toa để điều trị bệnh viêm tai do nấm.[15]
  7. Dùng dầu ô liu làm sạch tai. Nếu bị nhiễm nấm, trong tai sẽ có dịch tiết màu trắng hoặc vàng. Ngoài ra ráy tai sẽ hình thành nhiều hơn. Những yếu tố đó có thể làm nghẹt vòi nhĩ. Dầu ô liu là một chất làm mềm ráy tai hoàn hảo.
    • Dùng ống nhỏ giọt y tế nhỏ 3 giọt vào tai bị viêm. Để nguyên từ 5-10 phút, sau đó nghiêng đầu cho dầu chảy ra ngoài. Dầu ô liu sẽ làm mềm ráy tai (cerumen) và các chất cặn bã rắn khác, giúp bạn lấy ra dễ dàng (tương tự như ô-xy già). Dầu ô liu còn có tác dụng giảm viêm tai có liên quan đến nhiễm nấm. Đặc tính kháng viêm của dầu ô-liu là nhờ hàm lượng cao polyphenol trong dầu.[16]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]