10 đột phá khoa học trong năm 2006
Đột phá khoa học lớn nhất năm 2006: Perelman chứng minh được Phỏng đoán Poincare[1].
Cuối cùng thì nhà toán học người Nga Perelman đã giải quyết được bài toán tồn tại hơn 100 năm, từng “đã đánh bại rất nhiều bộ óc vĩ đại”. Tầm quan trọng của sự kiện này, theo Tổng biên tập tạp chí Science Donald Kennedy, không những là đột phá của năm mà là “ít nhất của thập kỷ”. Sau chứng minh của Perelman, tạp chí Science còn thống kê 9 sự kiện khoa học đột phá khác, không xếp theo thứ tự nào:
- DNA hóa thạch: Dùng công nghệ mới để phân tích và giải mã DNA, các nhà nghiên cứu đã có được thông tin gene từ hóa thạch của người Neanderthan và voi ma-mút.
- Băng tan: Công bố của các nhà nghiên cứu gây nhiều lo ngại: Băng ở Nam Cực và Greenland vẫn đang tan, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.
- Bước đầu tiên của cá: Phát hiện loài cá hóa thạch có xương sống cứng, chân có màng đã gây chú ý lớn trong năm 2006. Loài cá giống cá sấu này cho chúng ta hình dung cuộc sống của loài động vật rời đại dương lên đất liền sống như thế nào.
- Thiết bị "áo tàng hình": Nó không giống áo tàng hình của Harry Potter chút nào. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học khiến vi sóng tới "nhảy khỏi" vật thể mà không tạo ra phản xạ hay bóng.
- Hy vọng cho mắt lão hóa: Các nhà nghiên cứu chứng đốm thị giác do lão hóa đã chứng minh thuốc Lucentis có thể cải thiện được điều này.
- Cơ chế tiến hóa: Từ loài chuột biển, ruồi dấm, bướm... các nhà khoa học đã khám phá những thay đổi về gene dẫn đến sự tiến hóa thành loài mới.
- Tầm mới cho kính hiển vi: Năm ngoái, với kỹ thuật kính hiển vi mới, các nhà sinh học có thể nhìn các chi tiết tới 200 nanometer, thấy rõ được cấu trúc của tế bào và protein.
- Sự hình thành ký ức: Vài khám phá trong năm 2006 khiến các nhà thần kinh học gần thêm một bước tới khám phá cơ chế lưu giữ ký ức của não. Một tiến trình được gọi là “tiềm năng dài hạn” (long-term potentiation) củng cố kết nối của các nơ-ron thần kinh có vẻ là nền tảng của trí nhớ.
- Loại RNA mới: Các nhà khoa học đã khám phá một loại phân tử RNA nhỏ mới (PiRNA), được gọi là “RNA tương tác Piwi”, có thể đóng quá trình biểu hiện gene.
Các nhà khoa học của tờ Science cũng xem vụ giả mạo của nhà nghiên cứu Hàn Quốc Woo-Suk Hwang và đồng nghiệp là “Tàn phá của năm” 2006 (“Breakdown of the Year”, trái với “Breakthough of the Year”). Sau vụ Hwang, ban biên tập tạp chí Science phải thay đổi cách tiếp nhận và công bố các công trình nghiên cứu.
Cuối cùng, ban biên tập tạp chí Science cũng nêu ra 6 lĩnh vực nghiên cứu triển vọng trong năm 2007.
- Thám hiểm các hành tinh khác: Vệ tinh Thám hiểm sao hỏa của Mỹ và tinh Tốc hành sao Kim sẽ tìm kiếm các hành tinh khác quanh 2 sao này. Phi thuyền Chân trời Mới của NASA đã khám phá rìa của sao Diêm Vương sẽ bay tới sao Mộc vào tháng 2 này.
- Việc khai quật được sọ và xương người nguyên thủy ở CH Georgia, Kenya và Trung Quốc có thể cho thêm thông tin về tổ tiên xa xưa nhất của loài người.
- Hệ gene của loài linh trưởng có thể cho thấy nhánh tiến hóa hàng triệu năm trước.
- Vấn đề thay đổi khí hậu có thể sẽ được hâm nóng vào tháng 2 tới, khi Hội thảo Liên chính phủ về thay đổi khí hậu toàn cầu sẽ đưa ra báo cáo cuối cùng.
- Việc nghiên cứu so sánh toàn bộ hệ gene của những người khỏe mạnh và bệnh tật có thể sẽ là chiến lược mới để chống lại bệnh tật.
- Lưới quang học (optical lattices) được chế tạo từ nguyên tử siêu lạnh và tia laser có thể giúp các nhà khoa học giải quyết vấn đề nhiệt độ của siêu dẫn.
Chú thích[sửa]
- ↑ Henry Poincare (1854 - 1912), nhà toán học người Pháp sáng lập môn hình học tô-pô (topology). Hình học tô-pô, còn gọi là “hình học tấm cao su” (ruber-sheet geometry) tập trung vào đặc tính bảo tồn bề mặt, bất kể nó bị kéo dãn hay chọc ra như thế nào. Trong mắt các nhà hình học tô pô, không có gì khác biệt giữa một chiếc “bánh vòng” (bagel) với một tách cà phê bởi cả hai đều có một lỗ thủng trên bề mặt. Song lại có sự khác biệt lớn giữa một trái bóng (không có lỗ) với một chiếc lốp xe bơm căng (có một lỗ). Poincare phỏng đoán không có cách nào thay đổi bề mặt không có lỗ (no-hole surface) sang bề mặt có một lỗ (on-hole surface) mà không xé rách nó, và bất kỳ bề mặt không có lỗ nào cũng có thể kéo căng thành khối cầu. Trước Perelman, các nhà toán học đã có thể chứng minh phỏng đoán của Poincare đúng với mọi chiều – ngoại trừ chiều thứ ba.
Nguồn[sửa]
- 10 đột phá khoa học năm 2006, Anh Việt (Theo MSNBC, Science), Tạp chí Tia Sáng (Ngày 8 tháng 1, 2007)