Bình phục khi bị sốt chikungunya

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sốt chikungunya là một căn bệnh nhiễm virus, lây truyền cho người qua vật trung gian là muỗi bị nhiễm virus. Muỗi nhiễm loại virus này cũng có thể mang các mầm bệnh khác như sốt dengue và sốt vàng da. Bệnh sốt chikungunya lưu hành trên toàn thế giới, trong đó có vùng Ca- ri- bê, các vùng nhiệt đới của châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Hiện giờ chưa có cách chữa trị hay vắc-xin tiêm phòng cho căn bệnh này, mà việc điều trị chủ yếu tập trung làm giảm các triệu chứng.[1] Điều quan trọng là cần xác định các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng.

Các bước[sửa]

Xác định các Dấu hiệu và Triệu chứng[sửa]

  1. Quan sát triệu chứng trong giai đoạn cấp tính. Giai đoạn cấp tính của bệnh xảy ra nhanh và trong thời gian ngắn khi người bị lây nhiễm có các triệu chứng của bệnh.[2] Người bệnh có thể chưa có triệu chứng sau khi bị muỗi đốt từ 2 -12 ngày. Thông thường các triệu chứng vẫn chưa xuất hiện trong 3 -7 ngày đầu. Khi các triệu chứng xuất hiện, người bệnh có thể trải qua khoảng 10 ngày với các triệu chứng sốt chikungunya trước khi thuyên giảm.[3] Bạn có thể có các triệu chứng sau đây trong giai đoạn cấp tính:
    • Sốt: Thông thường sốt từ 39 đến 40.5 °C và kéo dài từ ba ngày đến một tuần.[4][1] Người bệnh có thể biểu hiện kiểu sốt hai pha (cơn sốt biến mất trong vài ngày, tiếp theo là vài ngày sốt nhẹ trở lại (38–39 °C). Trong thời gian này, virus sinh sôi trong máu của người bệnh, lan đến các bộ phận khác trong cơ thể.
    • Viêm khớp (đau khớp): Người bệnh thường thấy đau các khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay, mắt cá và các khớp lớn hơn như đầu gối và vai, nhưng không đau ở hông.[4] Có đến 70% số người bệnh đau lan truyền từ khớp này sang khớp khác (khi các khớp trước bắt đầu thuyên giảm thì các khớp khác bắt đầu đau).[5] Người bệnh thường bị đau nhiều nhất vào buổi sáng, nhưng sẽ bớt đau hơn với bài tập nhẹ. Các khớp cũng có thể sưng hoặc sờ vào thấy mềm và người bệnh có thể bị viêm bao gân (tenosynovitis).[4] Tình trạng đau khớp có thể chấm dứt trong vòng 1-3 tuần, và cơn đau dữ dội sẽ đỡ hơn sau tuần đầu tiên. Tuy nhiên trong vài trường hợp, tình trạng đau khớp có thể tiếp diễn cho đến một năm.
    • Phát ban: Khoảng 40% đến 50% bệnh nhân có biểu hiện phát ban. Kiểu phát ban phổ biến nhất là dạng sần (maculopapular). Đó là những nốt phát ban đỏ với những mảng sưng bên trên, xuất hiện 3-5 ngày sau khi sốt và giảm trong vòng 3 - 4 ngày. Hiện tượng phát ban thường bắt đầu trên hai tay, sau đó là mặt và thân mình.[6] Cởi áo và nhìn vào gương, lưu ý những nơi sưng đỏ trên diện tích rộng và ngứa. Nhớ nhìn vào lưng, gáy và giơ tay lên để kiểm tra vùng dưới nách.
  2. Biết về các triệu chứng trong giai đoạn bán cấp tính. Giai đoạn bán cấp tính của bệnh sốt chikungunya xảy ra 1 đến 3 tháng sau khi giai đoạn cấp tính kết thúc. Trong giai đoạn bán cấp tính, triệu chứng chủ yếu là viêm khớp. Bên cạnh đó còn có thể xảy ra tình trạng rối loạn mạch máu, như hiện tượng Raynaud.
    • Hiện tượng Raynaud là tình trạng giảm lưu thông máu đến bàn tay và bàn chân khi phản ứng với nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng trong cơ thể. Quan sát các đầu ngón tay xem có lạnh và bầm tím không.
  3. Nhận biết các triệu chứng trong giai đoạn mạn tính. Giai đoạn này bắt đầu sau ba tháng kể từ khi bệnh khởi phát. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là các triệu chứng đau khớp liên tục, với 33% bệnh nhân có biểu hiện đau khớp (arthralgia) trong 4 tháng, 15% đau trong 20 tháng, và 12% đau từ 3 -5 năm.[4] Một nghiên cứu đã cho thấy 64% số người bệnh có biểu hiện cứng và/ hoặc đau khớp trong hơn một năm sau khi nhiễm bệnh.[7] Người bệnh cũng có thể tái phát tình trạng sốt, suy nhược (yếu bất thường về thể chất và/hoặc thiếu năng lượng), sưng viêm ở nhiều khớp (asthenia), và viêm bao gân (tenosynovitis).
    • Nếu bạn có các bệnh tiềm ẩn về khớp như thấp khớp thì bạn sẽ dễ đi đến giai đoạn mạn tính hơn khi mắc bệnh sốt chikungunya.[4]
    • Tuy hiếm xảy ra, nhưng cũng có ghi nhận về bệnh thấp khớp xuất hiện sau khi mắc bệnh chikungunya. Thời gian trung bình khởi phát bệnh là khoảng 10 tháng.[8]
  4. Quan sát các triệu chứng khác. Mặc dù sốt, phát ban và đau khớp là các triệu chứng phổ biến và rõ rệt nhất, nhiều bệnh nhân có thể còn có các biểu hiện khác, bao gồm:[4]
    • Đau cơ (đau ở các cơ bắp /lưng)
    • Đau đầu
    • Đau rát họng
    • Đau bụng
    • Táo bón
    • Sưng hạch ở cổ
  5. Phân biệt bệnh sốt chikungunya với các bệnh tương tự. Nhiều triệu chứng của bệnh sốt chikungunya giống với các bệnh khác lây truyền qua muỗi, do đó điều quan trọng là phải biết sự khác nhau giữa các căn bệnh. Các bệnh gần giống với bệnh sốt chikungunya gồm có:
    • Bệnh leptospirosis: Để ý thấy đau ở bắp chân (cơ bắp bên trong cẳng chân dưới đầu gối) khi đi lại. Bạn cũng nên soi gương xem lòng trắng trong mắt có màu đỏ tươi không (xuất huyết dưới kết mạc). Hiện tượng này là do sự xuất huyết của các mạch máu nhỏ li ti. Nhớ lại xem bạn có từng ở gần gia súc hoặc gần nguồn nước của gia súc không, vì loài vật bị nhiễm bệnh có thể lây truyền căn bệnh này qua nước và đất.
    • Sốt dengue: Lưu ý nếu bạn từng tiếp xúc với muỗi, hay bị muỗi đốt ở vùng khí hậu nhiệt đới như châu Phi, Nam Mỹ, Trung Mỹ, vùng Ca-ri-bê, Ấn Độ và phía Nam khu vực Bắc Mỹ. Bệnh sốt dengue thường lưu hành nhiều hơn ở các vùng này. Nhìn vào gương xem có vết bầm tím trên da, chảy máu hoặc đỏ ở lòng trắng trong mắt, chảy máu lợi và chảy máu cam nhiều lần không. Xuất huyết là khác biệt lớn nhất giữa bệnh sốt dengue và sốt chikungunya.
    • Sốt rét: Lưu ý nếu bạn từng tiếp xúc với muỗi, hay bị muỗi đốt ở các vùng được coi là nguồn bệnh như Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á. Chú ý hiện tượng lạnh và run, tiếp đó là sốt và đổ mồ hôi. Hiện tượng này có thể kéo dài từ 6 đến 10 tiếng. Các giai đoạn này có thể tái phát.
    • Viêm màng não: Chú ý sự bùng phát dịch trong khu vực đông dân cư. Nếu sống trong khu vực có dịch, bạn có thể mắc phải căn bệnh này. Đo thân nhiệt và lưu ý nếu cổ bị cứng hoặc đau/khó chịu khi cử động. Kèm theo đó có thể là triệu chứng đau đầu dữ dội và cảm giác mệt mỏi/ lú lẫn. Bạn cũng có thể bị phát ban dưới dạng các nốt nhỏ màu đỏ, nâu hoặc tím, có thể lớn dần thành các vết phồng rộp. Phát ban thường ở trên thân mình, chân, trong lòng bàn tay và lòng bàn chân.
    • Sốt thấp khớp: Sốt thấp khớp thường xảy ra sau khi bị nhiễm khuẩn streptococcal như bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. Bệnh này không lây truyền do muỗi đốt, thường xảy ra ở trẻ em từ 5- 15 tuổi. Kiểm tra xem liệu trẻ có bị đau ở nhiều khớp với cơn đau di chuyển (khớp này đỡ thì khớp khác lại đau), đồng thời sốt giống như bệnh chikungunya không. Tuy nhiên, khác biệt rõ rệt nhất là xuất hiện các cử động giật hoặc không tự chủ (múa giật); các cục u nhỏ, không đau ở dưới da, và hiện tượng phát ban. Vùng phát ban có thể phẳng hoặc hơi nổi lên với các gờ lởm chởm (hồng ban vòng), có dạng vòng tròn với viền bên ngoài màu hồng đậm và bên trong màu nhạt hơn.[9]

Điều trị các Triệu chứng của Bệnh Sốt Chikungunya[sửa]

  1. Biết khi nào cần được chăm sóc y tế. Bác sĩ có thể lấy mẫu máu để xét nghiệm bệnh sốt chikungunya và các bệnh lây truyền qua muỗi khác. Bạn nên đến bác sĩ nếu có các triệu chứng sau đây:[9]
    • Sốt quá năm ngày hoặc trên 39°C
    • Chóng mặt (có thể là do vấn đề về thần kinh hoặc mất nước)
    • Ngón tay hoặc ngón chân lạnh (hiện tượng raynaud)
    • Chảy máu miệng hoặc xuất huyết dưới da (hiện tượng này có thể là bệnh sốt dengue)
    • Phát ban
    • Đau, đỏ, cứng hoặc sưng khớp
    • Nước tiểu ít (có thể là do mất nước dẫn đến tổn thương thận)
  2. Biết về các xét nghiệm tìm bệnh sốt chikungunya. Bác sĩ có thể lấy mẫu máu của bạn để gửi đến phòng xét nghiệm. Sẽ có nhiều xét nghiệm và phương pháp được thực hiện để chẩn đoán bệnh. Phương pháp ELISA (enzyme linked immunoassay) được sử dụng để tìm các kháng thể đặc biệt chống virus. Thông thường các kháng thể này phát triển sau tuần đầu tiên khi nhiễm bệnh, đạt mức cao nhất sau ba tuần và kéo dài đến 2 tháng. Nếu kết quả âm tính, bác sĩ có thể làm lại xét nghiệm máu để biết các kháng thể này có tăng cao không.[10][11]
    • Xét nghiệm nuôi cấy virus để tìm sự phát triển của virus. Phương pháp này thường được sử dụng trong vòng 3 ngày đầu của bệnh, khi virus phát triển nhanh chóng.[10][11]
    • Các phương pháp RT-PCR (phản ứng chuỗi trùng hợp – phiên mã ngược) sử dụng gen mã hóa các protein đặc thù của virus để nhân lên các gen đặc thù của chikungunya. Nếu đó là bệnh chikungunya, xét nghiệm sẽ cho thấy mức gen chikungunya cao hơn bình thường trên đồ thị vi tính hóa.[10][11]
  3. Nghỉ ngơi. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào được kiểm chứng và cũng chưa có vắc-xin tiêm phòng. Các phương pháp điều trị chỉ đơn thuần là kiểm soát triệu chứng. Tổ chức Sức khỏe Thế giới khuyến nghị rằng người bệnh nên bắt đầu chăm sóc tại nhà bằng cách nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian bình phục. Nghỉ ngơi trong môi trường không ẩm ướt và không quá nóng có thể giúp giảm triệu chứng đau khớp.[9]
    • Đắp gạc lạnh để giảm đau và sưng viêm. Bạn có thể dùng túi rau củ hay thịt đông lạnh, hoặc túi đá. Dùng khăn quấn bên ngoài các túi đông lạnh và đặt lên vùng bị đau. Tránh đắp các gói đông lạnh hoặc đá lạnh trực tiếp lên da vì có thể gây tổn thương mô.
  4. Uống thuốc giảm đau. Nếu bị sốt và đau khớp, bạn hãy uống paracetamol hoặc acetaminophen. Uống tối đa 2 viên 500mg với nước đến 4 lần một ngày. Đảm bảo uống nhều nước suốt ngày. Sốt có thể dẫn đến tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải, do đó hãy uống mỗi ngày ít nhất 2 lít nước có thêm muối (giống như sodium điện giải).
    • Nếu trước đó có các vấn đề về gan hoặc thận, bạn cần tham khảo bác sĩ trước khi uống paracetamol/acetaminophen. Tham khảo bác sĩ nhi khoa hoặc dược sĩ về liều lượng dùng cho trẻ em.
    • Không uống aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không có steroid (NSAIDS) như ibuprofen, naproxen, v.v…. Bệnh sốt chikungunya có biểu hiện khá giống các bệnh lây truyền do muỗi đốt khác như sốt dengue có thể gây xuất huyết. Aspirin và NSAIDS có thể làm loãng máu và gia tăng tình trạng xuất huyết. Bác sĩ cần loại trừ bệnh sốt dengue trước, sau đó có thể đề nghị dùng thuốc NSAIDS để giảm triệu chứng đau khớp nếu đã xác định không phải bệnh sốt dengue.
    • Nếu bạn đau khớp dữ dội hoặc không thuyên giảm sau khi đã uống NSAIDS, bác sĩ có thể kê toa thuốc hydroxychloroquine 200 mg uống mỗi ngày một lần hoặc chloroquine phosphate 300 mg mỗi ngày một lần, tối đa đến 4 tuần.
  5. Tập thể dục. Chỉ nên tập các bài tập nhẹ để các cơ bắp hoặc các khớp khỏi đau thêm. Nếu có thể, bạn nên sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ vật lý trị liệu để điều trị. Phương pháp này có thể giúp làm khỏe các cơ xung quanh các khớp, nhờ đó có thể giam đau và cứng khớp. Cố gắng tập vào buổi sáng, khi các khớp có lẽ đang bị cứng nhất. Hãy thử tập các động tác đơn giản sau:
    • Ngồi trên ghế dựa. Duỗi một chân song song với sàn nhà trong 10 giây trước khi hạ chân xuống, lòng bàn chân sát xuống mặt sàn. Thực hiện với chân kia. Lặp lại động tác này nhiều lần trong ngày, thực hiện 2 hoặc 3 lần, lặp lại mỗi chân 10 lần.
    • Thử đứng nhón chân, hai bàn chân sát vào nhau, gót chân chuyển động lên xuống.
    • Nằm nghiêng người sang bên. Giơ một chân lên cao trong khoảng 1 giây, sau đó hạ xuống và đặt lên chân kia. Thực hiện như vậy 10 lần. Sau đó quay người sang bên kia và lặp lại động tác đó. Thực hiện 10 lần mỗi chân và nhiều lần trong ngày.
    • Bạn cũng có thể tập những bài tập nhẹ của riêng bạn. Chú ý không vận động mạnh hoặc dùng tạ.
  6. Dùng kem hoặc dầu để giảm ngứa. Bạn có thể bị khô da bong vảy (xerosis) hoặc ngứa do phát ban (morbilliform rash). Tình trạng này không cần điều trị, nhưng bạn có thể xử lý cảm giác ngứa và lấy trạng thái tự nhiên và độ ẩm cho làn da. Bôi dầu khoáng, kem dưỡng ẩm hoặc calamine lotion.[6] Nếu bị ngứa do phát ban, bạn có thể uống các thuốc kháng histamine, như diphenhydramine, theo hướng dẫn trên vỏ hộp thuốc. Thuốc này có thể khiến các tế bào sưng viêm giảm tiết protein gây ngứa.
    • Cẩn thận khi dùng thuốc kháng histamine, vì các loại thuốc này có thể gây buồn ngủ. Không lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi uống thuốc.
    • Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm với keo bột yến mạch có thể giúp xoa dịu da.
    • Các đốm sạm màu dai dẳng trên da có thể được điều trị bằng các sản phẩm hydroquinone. Các sản phẩm này có thể giúp làm nhạt màu các đốm đen.[6]
    • Có rất nhiều loại dung dịch và kem để điều trị da kích ứng, do đó có lẽ bạn nên tham khảo bác sĩ để biết nên dùng loại nào.
  7. Thử các liệu pháp thảo dược. Sự kết hợp thảo mộc và cây cỏ được cho là có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh sốt chikungunya. Tuy có thể mua được dễ dàng ở hầu hết các cửa hàng dược phẩm, nhưng bạn cũng luôn cần sự tư vấn của bác sĩ trước khi thử dùng các liệu pháp hoặc thực phẩm bổ sung thảo dược. Các liệu pháp thảo dược này gồm có:[12]
    • Eupatorium perfoliatum 200C: Đây là liệu pháp vi lượng đồng căn hàng đầu trong việc điều trị bệnh sốt chikungunya, là chiết xuất từ thực vật mà bạn nên dùng khi xuất hiện các triệu chứng bệnh. Nó có thể giảm các triệu chứng và hiện tượng đau khớp. Uống đủ 6 giọt trong một tháng khi đang có các triệu chứng.
    • Cúc dại: Đây là một chiết xuất từ hoa dùng để chữa các triệu chứng của bệnh sốt chikungunya nhờ cải thiện hiệu quả của hệ miễn dịch. Uống 40 giọt mỗi ngày, chia làm ba liều.

Lưu ý các Biến chứng và Ngăn ngừa Bệnh Sốt Chikungunya[sửa]

  1. Lưu ý biến chứng về tim. Đặc biệt chú ý nhịp tim bất thường (arrhythmias) có khả năng gây tử vong.[13] Để kiểm tra, dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt lên cổ tay bên dưới vùng ngón tay cái. Nếu bạn sờ thấy mạch, thì đó là động mạch quay. Đếm xem bao nhiêu nhịp đập trong một phút. 60 -100 nhịp trong một phút được coi là bình thường. Bạn cũng nên lưu ý nhịp đập có liên tục không; nếu có thêm nhịp hoặc những khoảng dừng bất thường thì điều đó có thể báo hiệu nhịp tim bất thường. Bạn cũng có thể nhận thấy các nhịp đập nhanh hoặc nhiều nhịp đập hơn dưới dạng trống ngực đập nhanh. Đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu nhịp tim bất thường. Bác sĩ có thể đo điện tâm đồ cho bạn với các điện cực gắn vào ngực để kiểm tra nhịp tim.
    • Virus chikungunya có thể xâm nhập vào cơ tim và gây viêm cơ tim (myocarditis), khiến tim đập bất thường.
  2. Lưu ý biến chứng thần kinh. Để ý hiện tượng sốt, mệt mỏi và tâm trí lú lẫn là dấu hiệu viêm não. Lạc hướng và mất phương hướng cũng là một biểu hiện của biến chứng này. Nếu ngoài các triệu chứng viêm não bạn còn nhận thấy đau đầu dữ dội, cứng /đau cổ, nhạy cảm với ánh sáng, sốt, co giật, nhìn một hóa hai, buồn nôn và nôn, có thể bạn đã bị viêm não - màng não. Đây là bệnh kết hợp giữa viêm màng não và viêm não (viêm mô trong tủy sống kết nối với não).[14]
    • Nếu bị tổn thương thần kinh bắt đầu từ chân hoặc tay, có thể bạn đã mắc hội chứng Guillain Barre. Lưu ý sự suy giảm về cảm giác, phản ứng và vận động ở cả hai bên cơ thể. Cũng cần chú ý cảm giác đau nhói, bỏng rát, tê hoặc kim châm ở cả hai bên người. Hiện tượng này có thể tiến dần lên phần trên của cơ thể và có khả năng gây khó thở từ các dây thần kinh cung cấp cho các cơ của hệ hô hấp.[15]
    • Nếu bạn bị khó thở hoặc bất cứ triệu chứng nào kể trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.[15]
  3. Chú ý biến chứng về mắt. Để ý hiện tượng đau mắt, chảy nước mắt và đỏ mắt. Đó có thể là tất cả triệu chứng của bệnh viêm lớp lót trong mắt do viêm màng kết, viêm màng cứng mắt, và viêm màng bồ đào. Bạn cũng có thể nhận thấy mắt bị mờ và nhạy cảm với ánh sáng với bệnh viêm màng bồ đào. Đến gặp bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
    • Nếu bạn khó nhìn thấy các vật thẳng phía trước (trung tâm tầm nhìn) hoặc màu sắc của các vật có vẻ mờ xỉn hơn ngày thường, có thể bạn bị viêm thần kinh thị giác.[4]
  4. Quan sát da để tìm dấu hiệu viêm gan. Nhìn vào gương xem có hiện tượng vàng da và vàng trong lòng trắng của mắt không (jaundice). Đó có thể là những dấu hiệu của bệnh viêm gan. Gan bị viêm khiến sản phẩm của gan (bilirubin) lan tràn, dẫn đến vàng da và ngứa. Hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
    • Nếu không được điều trị, bệnh viêm gan có thể dẫn đến suy gan.
  5. Xem xét hiện tượng mất nước báo hiệu suy thận. Bệnh sốt chikungunya có thể dẫn đến mất nước vì thận có thể không nhận được đủ lượng máu lưu thông đến để hoạt động đúng chức năng. Điều này có thể dẫn đến suy thận, do đó cần theo dõi lượng nước tiểu. Nếu nhận thấy lượng nước tiểu giảm mạnh, nước tiểu cô đặc và sẫm màu, bạn cần tìm ngay chuyên gia y tế.
    • Bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm và đo lường chính xác để kiểm tra chức năng thận và có thể truyền dịch tĩnh mạch cho bạn nếu bạn bị mất nước.
  6. Ngăn ngừa bệnh sốt chikungunya khi di chuyển. Tìm trên website của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh để biết bản đồ cập nhật nơi bệnh sốt chikungunya đang lưu hành.[16] Nếu đi đến bất cứ nơi nào trong số các khu vực đó, bạn cần thực hiện một số biện pháp để đề phòng bị nhiễm bệnh. Các biện pháp ngăn ngừa bao gồm:[17]
    • Đi bộ hoặc ở ngoài trời khi trời đã tối. Mặc dù muỗi có thể đốt và bất cứ thời gian nào, nhưng đỉnh điểm hoạt động của muỗi lây truyền bệnh sốt chikungunya là vào ban ngày.
    • Mặc quần dài và áo dài tay để bảo vệ tối đa cho cơ thể khỏi bị muỗi đốt. Thử mặc trang phục sáng màu để dễ phát hiện muỗi và các loại bọ khác trên quần áo.
    • Ngủ trong màn để tránh muỗi.
    • Sử dụng thuốc chống muỗi có hàm lượng DEET trên 20%. Bạn cũng có thể dùng các hoạt chất khác như dầu khuynh diệp, picaridin và IR3535. Nói chung các hoạt chất có hàm lượng càng cao thì càng có tác dụng lâu.

Lời khuyên[sửa]

  • Hydroxychloroquine và Chloroquine phosphate là các loại thuốc chống thấp khớp nhưng cũng có thể có hiệu quả trong trường hợp bị đau khớp nặng khi bị sốt chikungunya. Chụp X-quang có thể xác định tổn thương hoặc thay đổi ở sụn khớp.[9]

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh dùng aspirin vì có thể gây xuất huyết dạ dày hoặc đường ruột và hội chứng Reye ở trẻ em dưới 18 tuổi. Hội chứng Reye là một bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ em từ 4 đến 12 tuổi, khi đó xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng về gan và não và có thể gây tử vong.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 Staples J, Hills S, Powers A. Chikungunya. Chapter 3 Infectious Diseases Related to Travel. CDC. May 2, 2014. http://wwwnc.cdc.gov/travel/yellowbook/2014/chapter-3-infectious-diseases-related-to-travel/chikungunya
  2. http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=2133
  3. Chikungunya Virus Clinical Fact Sheet. Armed Forces Pest Management Board. June 20, 2014. http://www.afpmb.org/sites/default/files/contingency/chikungunya/Chikungunya%20Virus%20Fact%20Sheet%20Clinical.pdf
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 4,6 Mohan A. et al. EPIDEMIOLOGY, CLINICAL MANIFESTATIONS, AND DIAGNOSIS OF CHIKUNGUNYA FEVER: LESSONS LEARNED FROM THE RE-EMERGING EPIDEMIC. Indian Journal of Dermatology. 2010 Jan-Mar; 55(1): 54–63.
  5. Information for Healthcare providers. Chikungunya fever. Pan American Health Organization. Jan 2014.
  6. 6,0 6,1 6,2 Bandyopadhyay D, Ghosh S. MUCOCUTANEOUS MANIFESTATIONS OF CHIKUNGUNYA FEVER. Indian Journal of Dermatology. 2010 Jan-Mar; 55(1): 64–67.
  7. Staples J, Breiman R, Powers A. Chikungunya Fever: An Epidemiological Review of a Re-Emerging Infectious Disease. Emerging Infections. 2009:49 (15 September).
  8. Bouquillard E, Combe B. A report of 21 cases of rheumatoid arthritis following Chikungunya fever. A mean follow-up of two years. Joint, Bone, & Spine Journal. 76 (2009) 654–657.
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 Guidelines on clinical management of chikungunya fever. World Health Organization. October 2008.
  10. 10,0 10,1 10,2 Chikungunya Fact Sheet. World Health Organization. May 2015. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs327/en/
  11. 11,0 11,1 11,2 Chikungunya virus Diagnostic testing. CDC. June 25, 2014. http://www.cdc.gov/chikungunya/hc/diagnostic.html
  12. http://www.newsday.co.tt/features/0,203399.html
  13. Mendoza I. et al. ChIkungunya Myocarditis: An emergIng threAt to AmerIcA. American College of Cardiology-Heart Failure and Cardiomyopathies - Presentation Number: 1184-222. March 17, 2015 Volume 65, Issue 10S
  14. Kalita J, Kumar P, Misra U.K. Stimulus-sensitive myoclonus and cerebellar ataxia following chikungunya meningoencephalitis. A Journal of Infectious Disease. June 2013, Volume 41, Issue 3, pp 727-729.
  15. 15,0 15,1 Lebrun G. et al. Guillain-Barré Syndrome after Chikungunya Infection. Journal of Emerging Infectious Diseases. 2009 Mar; 15(3): 495–496.
  16. http://www.cdc.gov/chikungunya/geo/index.html
  17. Nasci R, Gutierrez E, Wirtz R, Brogdon W. Protection against Mosquitoes, Ticks, & Other Insects & Arthropods. Chapter 2 Pre Travel Consultation. CDC. http://wwwnc.cdc.gov/travel/yellowbook/2014/chapter-2-the-pre-travel-consultation/protection-against-mosquitoes-ticks-and-other-insects-and-arthropods

Liên kết đến đây