Bệnh đốm vằn (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh đốm vằn (hại bắp) được gây ra do nấm Rhizoctonia solani.

Bệnh có tên tiếng Anh là banded disease, hoặc banded leaf and sheath spot.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh hiện diện ở châu Âu, Phi và Á. Bệnh gây hại chủ yếu ở những vùng nhiệt đới cận nhiệt đới. Đặc biệt nghiêm trọng trên bắp trồng ở các thung lũng có độ sâu 1.100-1.500 m của Ấn Độ. Ở Việt Nam, bệnh khá phổ biến.

Bệnh nặng có thể làm giảm 40% năng suất. Bệnh thường phát triển mạnh khi có mưa nhiều, ẩm độ cao (100%), nhiệt độ cao khoảng 25-30°C, ruộng được gieo trồng với mật độ dày. Bệnh thường gây hại nặng khi cây bắp ở giai đoạn từ trổ cờ đến phun râu.

Triệu chứng bệnh[sửa]

Các vết bệnh to, ướt, bất dạng, vằn vện xuất hiện trên thân, bẹ lá, phiến lá và cả trên lá bi. Bệnh cũng tấn công vào hạt, làm hạt phát triển kém, hạt nhăn nhúm lại. Ở giai đoạn sau của bệnh, trong điều kiện ẩm ướt, trên vết bệnh có nhiều sợi nấm trắng và các hạch nấm nâu tròn. Bệnh xuất hiện sớm, thường làm cây con héo rủ.

Nấm bệnh có trong đất, rơm rạ, xác cây bệnh. Mầm bệnh có phổ ký chủ rất rộng, gồm nhiều loại cây trồng và cỏ dại.

Nấm được lưu tồn và lây lan ở hai dạng: sợi nấm hạch nấm. Từ đất, sợi nấm bám vào mặt ngoài của thân cây, phát triển lên trên. Mặc dù bệnh có gây nhiễm vào hạt trên cây nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng bệnh sẽ được truyền từ hạt vào cây. Nấm bệnh có tính biến động rất cao.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Vệ sinh đồng ruộng, chú ý diệt cỏ dại. Trồng với mật độ cây thích hợp cho từng giống và từng mùa vụ, nên trồng thưa vào đầu mùa mưa. Đối với giống Ganga 5, trồng 50.000-55.000 cây/ha thì bệnh ít xảy ra.

Chọn trồng giống ít nhiễm bệnh, như Ganga 5, Western yellow, Phát ngân, Răng ngựa. Các giống dễ nhiễm bệnh là: Taiwan II, Nù trắng, Mehico 4, Mehico 7. Cũng có khả năng tìm ra các giống kháng được bệnh này. Với 218 giống được trắc nghiệm giống kháng bệnh ngoài đồng, có 51 giống kháng, 132 giống nhiễm trung bình và 35 giống nhiễm nặng.

Phun thuốc phòng trị bệnh vào gốc cây bắp và đất quanh gốc, với các thuốc như Kitazin, Dinasin, Benlate, Validacin hoặc Copper B.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/