Bệnh đốm nâu (hại bắp)
Bệnh đốm nâu hại bắp được gây ra do nấm Physoderma maydis.
Mục lục
Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]
Bệnh có mặt ở châu Á, Phi, Úc, Bắc và Trung Mỹ. Đây là bệnh quan trọng ở vùng có mưa nhiều và nhiệt độ cao.
Ở Ấn Độ, bệnh đã làm giảm 20% năng suất. Ở Mỹ, bệnh không gây hại đáng kể: chỉ làm giảm 6-10% ở Bắc Carolina vào năm 1919, và 1,9% ở Mississippi vào năm 1957; tuy nhiên, vào năm 1971, một trận dịch lớn đã làm đổ ngã 80% cây bắp của một số ruộng ở Illinois.
Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]
Phiến lá có những đốm nhỏ hơn 1 mm, lúc đầu có màu hơi vàng, sau đó chuyển sang màu nâu và thường tập trung thành đám. Trên bẹ lá, thân và lá bi có những đốm to hơn 1-2 cm, có màu nâu sậm và nhô lên. Biểu bì nơi đốm bệnh có thể bị nứt ra để phóng thích các bào tử của nấm bệnh có màu nâu. Màu sắc của đốm bệnh này dễ nhầm lẫn với bệnh rỉ.
Nấm Physoderma maydis không có khuẩn ty; bào tử động (zoospores) xâm nhập vào tế bào ký chủ, nảy mầm cho ra một ít thể dạng sợi để liên lạc giữa các tế bào ký chủ. Nấm phát triển và thành lập hàng chục bào tử túi (sporangia) trong một tế bào của cây. Bào tử túi có kích thước 18-24 x 20-30 μm, màu nâu và tạo ra màu cho đốm bệnh. Mỗi túi bào tử chứa 20-50 bào tử động, bào tử động có kích thước 3-4 x 5-7 μm, trong suốt và có một chiên mao. Bào tử động có thể sống trong đất và ở xác cây bệnh trên ba năm. Nấm bệnh phát triển thích hợp ở 26-28°C và ẩm độ cao.
Mặc dù bệnh được liệt vào nhóm có mầm bệnh trên hạt nhưng chưa thấy có sự lan truyền bệnh từ hạt bệnh vào cây con.
Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]
Dùng giống kháng bệnh.
Vệ sinh đồng ruộng và luân canh.
Phun thuốc Captan, Benomyl, Fermate hoặc Oxycarboxin, định kỳ 7 ngày/lần để ngừa và trị bệnh.
Ghi chú[sửa]
Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.