Rhopalosiphum maidis (Rầy mềm hại bắp)
Rầy mềm (hại bắp) (còn gọi là rệp bắp, có tên khoa học là Rhopalosiphum maidis (Fitch)), là một loài côn trùng thuộc họ Aphididae (Rầy Mềm), bộ Homoptera (Cánh Đều).
Mục lục
Phân bố và ký chủ[sửa]
Loài này có phân bố rộng ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, rệp bắp xuất hiện ở hầu hết các nơi trồng bắp. Ngoài bắp, rệp bắp còn tấn công trên cây lúa, lúa miến, mía, một số loài cỏ làm thức ăn gia súc.
Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]
Thành trùng thân to, có hai dạng, dạng không cánh và dạng có cánh:
- Dạng không cánh màu vàng xanh hơi xám, dài từ 1,46-1,8 mm và chiều ngang cơ thể từ 0,5-0,8 mm. Đầu có 2 sọc dọc màu đậm, nhiều lông. Mỗi bên hông bụng có 2 đốm đen. Ấu trùng tuổi nhỏ màu xanh lá cây nhạt, chuyển dần sang xanh đậm và tím khi thành thành trùng. Phần cuối hai ống sáp màu đậm.
- Dạng có cánh thân màu xanh lục, đầu, ngực và ống bụng màu đậm. Cơ thể dài từ 1,30-1,50 mm và rộng từ 0,48-0,70 mm.
Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]
Rệp bắp thường sống thành quần thể trên các bộ phận non như bẹ, lá non, bao cờ, có chỗ lẻ tẻ từ 5-7 con, có chỗ thành từng đám dày đặc. Rệp bắp thích nhất bắp ở giai đoạn trổ cờ vì có nhiều chất dinh dưỡng. Cây còn non bị rệp bắp tấn công sẽ còi cọc, phát triển kém và đôi khi không cho trái. Nếu cây cho trái được thì trái sẽ nhỏ, chất lượng kém.
Ngoài cách gây hại trực tiếp như trên, rệp bắp còn là môi giới truyền bệnh khảm cho cây bắp làm lá bị quăn queo, cây không phát triển bình thường và chết.
Biện pháp phòng trị[sửa]
- Trước khi gieo trồng nên làm sạch cỏ chung quanh và ngay trong ruộng bắp để tránh rệp từ các ký chủ phụ bay sang.
- Không nên trồng bắp với mật độ dày tạo ẩm độ thích hợp cho rệp phát triển.
- Nếu mật số rệp bắp ít, không nên áp dụng thuốc vì rệp có nhiều thiên địch.
Ghi chú[sửa]
Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, có thể nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.
Thư viện ảnh[sửa]
-
Rhopalosiphum1maidis-1.jpg
-
Rhopalosiphum-maidis-2.jpg
-
Rhopalosiphum-maidis-3.jpg