Bệnh rỉ (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh rỉ hại bắp được gây ra do nấm Puccinia spp.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng trồng bắp trên thế giới với mức độ gây hại quan trọng. Nấm gây bệnh có nhiều giai đoạn sinh sản, các giai đoạn này thường xảy ra theo điều kiện khí hậu của vùng canh tác, như giai đoạn sinh sản bào tử hạ bào tử đông xảy ra phổ biến ở nhiều nước của châu Mỹ, châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Úc. Trong khi giai đoạn sinh sản bào tử tú thì chỉ xảy ra ở châu Âu, Hoa Kỳ, Mexico, Nam Phi và Nepal. Ở Việt Nam, bệnh phổ biến ở đồng bằng sông Hồng đồng bằng sông Cửu Long.

Bệnh gây hại trầm trọng ở nhiều nơi. Bệnh xuất hiện sớm có thể làm giảm 20% năng suất. Năng suất bị thất thu có thể lên đến 32% ở vùng nhiệt đới. Ở Minnesota, trung bình có 51% cây bị nhiễm bệnh vào năm 1977, nhưng năng suất bắp ở đây đã bị giảm đi 50%. Tuy nhiên, bệnh ít gây hại nặng ở những vùng ôn đới.

Các giống bắp ngọt thì thường bị nhiễm bệnh nặng và bị mất khoảng 18% năng suất ở Minnesota.

Triệu chứng và tác nhân gây bệnh[sửa]

Cả hai mặt lá có nhiều đốm tròn nhỏ hoặc hơi dài, nhô lên, màu nâu vàng hoặc hơi đỏ (do tập hợp của các bào tử hạ), hoặc có màu nâu đen (do tập hợp của các bào tử đông); xung quanh đốm có vành màu vàng; các đốm rỉ thường tập hợp thành từng đám dày. Khi bị nhiễm bệnh sớm, cây con lùn, lá rụng sớm; khi bị nhiễm bệnh trễ, từ tượng trái trở về sau, thì bệnh không gây hại đáng kể. Bệnh thường thấy vào giai đoạn trổ cờ.

Đây là nấm ký sinh bắt buộc. Có ba loài được ghi nhận đã gây ra bệnh rỉ trên bắp là: Puccinia sorghi, Puccinia polysora, Puccinia purpurea. Nấm Puccinia polysora thường gặp ở những vùng trồng bắp có nhiệt độ cao, như ở ĐBSCL, trong khi ở Miền Bắc VN, bệnh rỉ trên bắp có thể do loài Puccinia sorghi.

Đốm rỉ thường là các bào quần hạ của nấm bệnh. Nấm bệnh được lan truyền qua hạt và xác cây bệnh.

Ở vùng nhiệt đới, loài Puccinia polysora có thể tấn công liên tục cây bắp và một số ký chủ phụ bằng bào tử hạ. Trái lại, loài Puccinia sorghi cần có giai đoạn trải qua đông trên cây ký chủ phụ, ở dạng bào tử đảm; và đến mùa xuân sẽ phóng thích ra dạng bào tử tú, còn gọi là bào tử xuân, rồi tiếp tục xâm nhiễm vào cây bắp.

Bào tử hạ có màu nâu vàng, hình cầu hoặc hình trứng, kích thước 21-30 x 24-33 μm. Bào tử đông gồm hai tế bào, màu nâu vàng, hình trứng dài hơi thắt lại ở vách ngăn giữa hai tế bào, kích thước 14-25 x 28-46 μm.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Cày phơi đất và vệ sinh đồng ruộng. Chọn giống ngắn ngày và nên gieo sớm.

Dùng giống kháng bệnh: hiện nay, các giống bắp ngọt lai có khả năng kháng được bệnh; giống Ganga 5 được ghi nhận là tương đối chống bệnh. Tính kháng hàng ngang (đa gen) ở các giống bắp là một đặc tính tốt giúp bắp kháng được bệnh trong nhiều năm. Các nghiên cứu về dịch bệnh cũng được chú ý nhằm bảo vệ tính kháng bệnh của cây bắp.

Khử hạt rất hiệu quả, như ngâm hạt trong nước nóng 52-54°C trong 5-10 phút trước khi gieo hoặc trộn hạt với thuốc khử hạt trong khi tồn trữ và ngay trước khi gieo.

Phun thuốc bảo vệ lá non, như Dithane, Zineb, Mancozeb, Tilt, Benlate hoặc Copper Zinc.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/

Liên kết đến đây