Bệnh bạch tạng (hại bắp)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh bạch tạng hại bắp được gây ra do nấm Sclerospora maydis.

Lịch sử, phân bố, thiệt hại[sửa]

Bệnh đã được ghi nhận phổ biến ở Úc, Cuba, Congo, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.

Bệnh được phát hiện đầu tiên ở Ý vào năm 1874. Đây là bệnh hại chủ yếu trên bắp ở Indonesia, thiệt hại lên đến 80-90% ở vài nơi, vào năm 1964 và 1968. Bệnh mới được phát hiện ở Úc. Ở Việt Nam, bắp trồng ở vùng núi và đồng bằng đều bị nhiễm bệnh, có ruộng có tỉ lệ cây bệnh lên đến 70-80%, gây chết cây, phải gieo trồng lại và trễ thời vụ.

Triệu chứng bệnh[sửa]

Cây bắp thường bị nhiễm bệnh này từ khi mới có 2-3 lá, nhưng cũng có thể kéo dài đến giai đoạn cây trổ cờ. Cây phát triển kém, lá hẹp lại và có màu vàng hay vàng xanh. Sau đó, cả lá bị vàng, khô héo, cây chết. Nếu bệnh xâm nhập khi cây đã lớn, trên lá có những vết bệnh màu trắng hay vàng trắng và phát triển từ chân lá trở lên, tạo thành vệt sọc dài. Ở mặt dưới lá, trên vết bệnh, đôi khi có lớp mốc màu trắng xám. Bệnh nặng, làm cả lá có màu trắng bạc, cây lùn và bất thụ, cây khô và chết dần.

Tác nhân gây bệnh[sửa]

Bệnh do nấm Sclerospora maydis gây ra. Đính bào đài phân nhánh đôi. Nhánh dài 150-550 μm, với tế bào chân nhánh dài khoảng 60-180 μm. Đính bào tử có dạng hình cầu hoặc hình bán cầu, kích thước: 27-39 x 17-23 μm.

Các bào đài đính phát triển ra khỏi các khí khẩu trên bề mặt lá, lộ ra ngoài, tạo thành một lớp mốc trắng như sương phủ trên vết bệnh. Bào tử đính được sinh ra nhiều ở nhiệt độ thấp (10-27°C), ẩm độ cao, trời âm u, nhiều sương, ít nắng gắt; đến giai đoạn nẩy mầm, đính bào tử sẽ tạo ống mầm để xâm nhập vào lá; như vậy, đính bào tử là nguồn lây lan bệnh chủ yếu trong ruộng bắp đang phát triển trong điều kiện thời tiết vừa nêu trên.

Ở giai đoạn sinh sản hữu tính, bào tử noãn được thành lập bên trong mô lá bệnh khô rụng trong ruộng. Noãn bào tử có màu vàng nhạt, hình cầu, vỏ dày, có khả năng lưu tồn lâu trong đất.

Sợi nấm bệnh được tìm thấy ở hạt chưa trưởng thành, nhưng không thấy ở hạt đã khô.

Sợi nấm, bào tử noãn được lưu tồn trong xác cây bệnh và trong đất sẽ là nguồn bệnh đầu tiên trong ruộng bắp. Đính bào tử từ ruộng bắp bệnh trong mùa khô cũng sẽ là nguồn lan truyền bệnh cho vụ sớm trong mùa mưa.

Mầm bệnh được lan truyền sang cây con khi trồng từ hạt giống còn tươi bị nhiễm bệnh, còn trồng bằng hạt giống đã khô thì cây con sẽ không mang bệnh.

Biện pháp phòng trị bệnh[sửa]

Trong một vùng, nên gieo trồng đồng loạt cùng thời gian và đúng mùa vụ, cây bắp sẽ tránh được thiệt hại do bệnh gây ra (thoát bệnh, né bệnh).

Dùng giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm bệnh. Chọn hạt giống tốt: nảy mầm mạnh, đầy đặn, khô.

Vệ sinh đồng ruộng: thu dọn và thiêu đốt hoặc chôn vùi xác cây bệnh sau khi thu hoạch. cần phát hiện bệnh sớm và loại trừ các cây bệnh ra khỏi ruộng.

Luân canh bắp với lúa, cây họ Cà, rau; tránh luân canh với lúa miến, .

Khử hạt trước khi gieo bằng một trong các thuốc như Falizan, Ceresan, Agronan ở 0,5%, sau khi trộn với thuốc, hạt được ủ từ 7-10 ngày trước khi mang ra gieo.

Phun ngừa và trị bệnh bằng Maneb, Chloroneb, Bordeaux hoặc Copper oxychloride.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về bệnh hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ giáo trình Bệnh chuyên khoa (tác giả: Võ Thanh Hoàng, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: không rõ).[1] Từ khi lên trang, có thể nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://www.ctu.edu.vn/colleges/agri/gtrinh/