Bổ sung lợi khuẩn acidophilus

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Acidophilus, hay Lactobacillus acidophilus hoặc L. acidophilus được xếp vào nhóm probiotic. Probiotic là một loại lợi khuẩn có tự nhiên trong cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể không thể cung cấp đủ probiotic để chống lại tất cả vi khuẩn có hại.[1] Mặc dù cơ thể sản sinh lợi khuẩn một cách tự nhiên nhưng cũng có nhiều cách để bạn có thể tăng cường Acidophilus trong chế độ ăn, nhờ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và đẩy vi khuẩn gây hại ra ngoài.

Các bước[sửa]

Hiểu về Acidophilus[sửa]

  1. Tìm hiểu về Acidophilus. Acidophilus là vi khuẩn có lợi giúp phân giải thức ăn trong ruột và bảo vệ ruột khỏi vi khuẩn có hại. Nghiên cứu lâm sàng nhận thấy Acidophilus ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh như vi khuẩn có hại, hay các chất có thể gây bệnh trong đường tiêu hóa. Acidophilus là một lợi khuẩn có thể dùng để kiểm soát các bệnh đường tiêu hóa, giảm tiêu chảy do sử dụng kháng sinh, hỗ trợ tiêu hóa và hỗ trợ điều trị các bệnh khác như viêm phổi hay vấn đề về da. Ngoài ruột non, Acidophilus còn có tự nhiên trong vùng âm đạo và có thể giúp ích trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn và nhiễm trùng nấm men. Bên cạnh Acidophilus còn có nhiều lợi khuẩn probiotic khác, một số lợi khuẩn trong loài Lactobacillus.
    • Tuy nhiên, Lactobacillus acidophilus là probiotic được sử dụng phổ biến nhất.[1]
    • Nhiều nghiên cứu khác đang được tiến hành để xem liệu probiotic có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị chứng không dung nạp lactose, hỗ trợ miễn dịch và các điều trị các bệnh khác hay không. [2]
  2. Nhận biết tác dụng phụ và phản ứng của probiotic. Acidophilus gây ra rất ít tác dụng phụ, trong đó thường gặp nhất là chứng đầy hơi. Acidophilus tương đối an toàn nếu sử dụng đúng cách. Một vài tác dụng khác của Acidophilus là gây tiêu chảy và buồn nôn. Những tác dụng phụ này thường khỏi sau vài ngày đầu, khi cơ thể đã thích nghi với probiotic.[3]
    • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu tác dụng phụ kéo dài hơn vài ngày.
  3. Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về liều dùng. Liều dùng Acidophilus sẽ khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Ngoài ra, một số sản phẩm thực phẩm chức năng được tạo từ nhiều hơn một chủng Lactobacillus có thể không tương thích. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết sản phẩm thực phẩm chức năng đã được chứng minh nào là hiệu quả nhất cho bạn. Tốt nhất nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi uống thực phẩm chức năng.
    • Người có hệ miễn dịch yếu, phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc có vấn đề về đường tiêu hóa cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng probiotic.
    • Trao đổi với bác sĩ để tìm ra cách tốt nhất để bổ sung Acidophilus nếu bạn hoặc trẻ bị viêm loét đại tràng, tiêu chảy do Rotavirus, viêm ruột hoại tử, hội chứng Colic và bệnh phổi.
    • Không uống Acidophilus nếu đang uống Sulfasalazine để điều trị viêm loét đại tràng. Nghiên cứu cho thấy sử dụng như vậy có thể gây phản ứng bất lợi. [1]

Chọn đúng loại Acidophilus[sửa]

  1. Mua probiotic từ nhà cung cấp nổi tiếng. Nếu muốn tìm đúng loại probiotic, bạn cần chú ý đến nhà sản xuất của sản phẩm. Nên mua thực phẩm chức năng bổ sung probiotic từ nhà cung cấp nổi tiếng có đảm bảo về sản phẩm. Nhà cung cấp có thể nhờ các tổ chức độc lập kiểm tra chất lượng sản phẩm (ví dụ ở Mỹ có các tổ chức như U.S. Pharmacopeia, NSF International hay Consumerlab.com). Mặc dù tem chấp thuận không đảm bảo độ an toàn hay tính hiệu quả nhưng các tổ chức này chắc chắn đã kiểm tra sản phẩm để đảm bảo đúng thành phần nguyên liệu và đảm bảo sản phẩm không nhiễm bẩn.
    • Bạn cần cẩn thận vì mặc dù được xem là thực phẩm chức năng nhưng probiotic không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. FDA quản lý những sản phẩm này không chặt chẽ. Vì vậy, mặc dù có những tiêu chuẩn đặt ra trong việc sản xuất và FDA có thể kiểm tra cơ sở sản xuất định kỳ nhưng vẫn có khả năng sản phẩm thực phẩm chức năng không thực sự chứa thành phần nguyên liệu như trên bao bì hoặc đã bị nhiễm bẩn. [4]
    • Mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung Acidophilus phải được tính ở đơn vị CFU (lượng đơn vị hình thành khuẩn lạc), dựa trên số lượng tại thời điểm sản xuất. Hầu hết thực phẩm chức năng bổ sung Acidophilus chứa từ 1-2 tỉ CFU. Không mua sản phẩm không ghi rõ đơn vị CFU.[1]
    • Nếu thương hiệu probiotic bạn mua được bán khi bày trong tủ lạnh, phải đảm bảo rằng chai probiotic đã được và tiếp tục giữ lạnh.
  2. Mua Acidophilus với một số thành phần nguyên liệu nhất định. Đọc kỹ nguyên liệu trong sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung Acidophilus. Một số nhà sản xuất sẽ kết hợp Acidophilus phát triển chậm với các vi khuẩn phát triển nhanh khác để tăng lượng CFU và khiến người tiêu dùng cảm thấy sản phẩm trông có vẻ hiệu quả hơn. Bạn không nên mua những sản phẩm này vì các vi khuẩn khác được thêm vào không phải là loại khuẩn bạn cần.
    • Để đạt kết quả tốt nhất, nên tìm mua thực phẩm chức năng bổ sung Acidophilus chỉ chứa Acidophilus. Probiotic có thể được liệt kê ở dạng Acidophilus, Lactobacillus hoặc L.acidophilus.[1]
  3. Xác định loại thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng có ở nhiều dạng bào chế khác nhau như viên nang, viên nén và bột. Những dạng này được dùng để điều trị một số bệnh như chàm (viêm da) và viêm loét đại tràng. Bạn nên hỏi bác sĩ để biết dùng loại nào là tốt nhất để điều trị bệnh.
    • Nếu một chủng khuẩn probiotic có vẻ không hiệu quả, bạn nên cân nhắc việc dùng sản phẩm chức năng nhiều chủng khuẩn. Giống như kháng sinh, trong một số trường hợp, một loại probiotic này có thể phát huy hiệu quả tốt hơn các loại probiotic khác.
    • Dạng viên nang và viên nén thường chứa probiotic sấy đông khô. Vì vậy, bạn cần kiểm tra hộp đựng để xem hướng dẫn bảo quản đúng cách. Có một số dạng thực phẩm chức năng bổ sung probiotic cần bảo quản trong tủ lạnh.
    • Dạng bột có thể dễ bị nhiễm bẩn vì thường tiếp xúc với không khí, thìa,…và trở nên kém hiệu quả hơn.[1][5]
  4. Uống sữa Acidophilus. Để bổ sung thêm nhiều Acidophilus, bạn có thể cân nhắc uống sữa Acidophilus. Sản phẩm có bán ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Sữa có vị hơi gắt và hơi đặc hơn sữa bò. Không như sản phẩm viên nang, viên nén và bột có ghi rõ đơn vị CFU, số lượng lợi khuẩn trong sữa không được xác minh.
    • Vì vậy, bạn sẽ khó biết được mình đang uống bao nhiêu lợi khuẩn Acidophilus.[1]
  5. Ăn thực phẩm giàu Acidophilus. Nếu không muốn uống sữa, bạn có thể thử ăn sữa chua và chế phẩm từ đậu nành có chứa Acidophilus dạng tự nhiên. Khi chọn mua sữa chua để bổ sung probiotic, bạn nên chọn loại chứa khuẩn L. acidophilus còn sống và không chứa đường phụ gia. Một số loại rau củ quả tươi như cà rốt cũng chứa Acidophilus.
    • Nên nhớ rằng mặc dù việc tiêu thụ thực phẩm giàu probiotic là một cách tuyệt vời nhưng chúng ta không thể bổ sung đủ chỉ từ thực phẩm. Vì vậy sử dụng thực phẩm chức năng là cách tốt nhất.
  6. Bổ sung Acidophilus đúng cách. Để bổ sung Acidophilus mang lại hiệu quả, bạn cần đảm bảo thực phẩm chức năng không quá hạn sử dụng và được bảo quản đúng cách. Sản phẩm hết hạn hoặc cần được bảo quản trong tủ lạnh nhưng không được bảo quản đúng cách có thể giảm hiệu quả. Ngoài ra, nếu đang uống các thuốc khác, đặc biệt là kháng sinh, bạn nên bổ sung probiotic hai tiếng trước hoặc sau khi uống thuốc.[1]
    • Thông thường, thời điểm bổ sung probiotic không quan trọng, nhưng bạn cần bổ sung đều đặn. Ví dụ, nhà sản xuất có thể khuyến nghị bổ sung probiotic cùng thức ăn hoặc trước bữa sáng. Bạn nên tham khảo thêm hướng dẫn trên trang web của nhà sản xuất hoặc nhãn sản phẩm.

Điều trị bệnh bằng Acidophilus[sửa]

  1. Điều trị Hội chứng Ruột Kích thích (IBS). Để điều trị IBS, bạn cần bổ sung Acidophilus khoảng 6 tuần. Chọn thực phẩm chức năng bổ sung probiotic, ví dụ như Proviva hoặc Lacteol Fort, có chứa khuẩn có thể đông khô như Lactobacillus, Bifidobacteria hoặc Streptococcus. Thực phẩm chức năng có thể ở dạng thức uống hoặc viên nang. Nên đảm bảo mua sản phẩm chứa 10 tỉ CFU Lactobacillus acidophilus. Uống thực phẩm chức năng bổ sung probiotic hai lần mỗi ngày.
    • Một số trường hợp có thể chữa lành tổn thương trong ruột và hỗ trợ tiêu hóa nếu uống men tiêu hóa cùng probiotic.
    • Khuẩn Acidophilus sinh sống trong đại tràng. Vi khuẩn giúp hồi phục thương tổn do IBS và kiểm soát chứng tiêu chảy, táo bón.
    • Bổ sung Acidophilus có thể gây đầy hơi hoặc tiêu chảy trong vài ngày đầu. Triệu chứng tiêu chảy phải biến mất và chứng đầy hơi phải thuyên giảm sau khi cơ thể đã thích nghi. Đi khám bác sĩ ngay nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày và ngưng bổ sung probiotic.[1]
  2. Chuẩn bị cho việc điều trị bằng kháng sinh. Bạn có thể bổ sung Acidophilus để chuẩn bị cho cơ thể đối phó với những vấn đề khi uống kháng sinh. Để chống tác dụng phụ do kháng sinh, bạn nên dùng thực phẩm chức năng Acidophilus chứa Lactobacillus. Bước này rất cần thiết vì kháng sinh có thể tiêu diệt cả lợi khuẩn và vi khuẩn có hại. Bạn có thể tăng cường lượng lợi khuẩn bằng cách dùng bổ sung ít nhất 20 tỉ lợi khuẩn mỗi ngày, ví dụ như dùng sản phẩm Culturelle.
    • Bổ sung Acidophilus hai tiếng trước hoặc sau khi uống kháng sinh. Kháng sinh làm giảm hiệu quả của khuẩn sống nên bạn cần uống cách xa nhau. [1]
  3. Bổ sung Acidophilus để điều trị chứng tiêu chảy ở khách du lịch. Đôi khi bạn có thể mắc chứng tiêu chảy khi đi du lịch. Để ngăn ngừa tiêu chảy, bạn nên chọn mua sản phẩm bổ sung Acidophilus không bị phân giải dưới nhiệt độ thường như hầu hết các sản phẩm Acidophilus và không cần bảo quản trong tủ lạnh. Như vậy, bạn có thể dễ dàng mang theo probiotic khi đi du lịch.
    • Sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung 2 tỉ CFU lợi khuẩn Lactobacillus GG, ví dụ như Culturelle mỗi ngày để ngăn ngừa chứng tiêu chảy khi đi du lịch. Mua sản phẩm dạng viên nang có thể dễ dàng mang theo cùng túi hành lý.[1]
  4. Chống lại nhiễm nấm men. Vì âm đạo có chứa Acidophilus tự nhiên nên bạn có thể dùng một loại thực phẩm chức năng để điều trị một số vấn đề ở âm đạo do vi khuẩn. Đối với tình trạng nhiễm nấm âm đạo, bạn có thể bổ sung Acidophilus qua đường uống hoặc cùng với thuốc đạn. Uống 1-2 viên nén (ví dụ như thuốc Gynoflor). Viên nén phải chứa ít nhất 10 triệu CFU lợi khuẩn và 0,3 mg estriol. Uống thuốc với liều khuyến nghị trong vòng 6 ngày hoặc theo hướng dẫn trên bao bì.
    • Bạn cũng có thể dùng thuốc đạn đặt vào âm đạo, ví dụ như Vivag, có chứa 100 triệu đến 1 tỉ CFU lợi khuẩn. Sử dụng hai lần mỗi ngày, trong vòng 6 ngày.
    • Nếu dùng thuốc đạn đặt vào âm đạo, bạn có thể thấy âm đạo tăng tiết dịch.[1]

Lời khuyên[sửa]

  • Chú ý đến hạn sử dụng của tất cả các sản phẩm bổ sung Acidophilus. Nếu quá hạn sử dụng, khuẩn sống sẽ chết và giảm hiệu quả.
  • Bạn có thể cần thử nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng khác nhau để tìm ra loại hiệu quả nhất.
  • Nên phân biệt rõ giữa probiotic và prebiotic - thường là nguồn chất xơ hòa tan cũng có khả năng hỗ trợ tiêu hóa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây