Biến rủi thành may trong cuộc sống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi cuộc đời chỉ ban cho bạn quả chanh, bạn hãy pha một ly nước chanh. Câu ngạn ngữ mà chúng ta thường nghe có ý muốn khuyên bạn tạo nên điều tốt nhất từ những tình huống không may trong cuộc sống. Nếu nhận được một thứ chua như quả chanh, bạn hãy cố gắng tìm ra vị ngọt mà nó có thể đem lại. Quả thực nói thì dễ hơn làm, tuy nhiên học cách sống lạc quan hơn khi đối mặt với nghịch cảnh là điều mà bạn có thể làm được.

Các bước[sửa]

Tạo nên điều tốt nhất từ những tình huống không may[sửa]

  1. Tìm ra những bài học. Bạn có thể lướt qua những tình huống không may trong cuộc sống dễ dàng hơn khi biến chúng thành những bài học trong ký ức. Gần như bất cứ sự việc nào mà bạn gặp phải trong cuộc sống cũng đều có điều gì đó để bạn học hỏi. Điều này sẽ giúp bạn đối phó với các tình huống tiêu cực với một thái độ tích cực. Hãy tìm ra bài học và áp dụng những gì bạn học được cho tương lai.
    • Khi đối mặt với một vấn đề khó khăn, bạn hãy nghĩ đó là một thách thức giúp bạn tôi luyện để trở nên mạnh mẽ hơn trong những tình huống sắp tới. Khi tự hỏi bản thân, “Mình có thể học được gì từ sự việc này?”, bạn có thể tự tin bỏ lại nó sau lưng vì biết rằng bạn sẽ có quyết định khôn ngoan hơn, tìm hiểu kỹ lưỡng hơn trên hành trình sắp tới.[1]
  2. Kiểm soát những điều trong tầm tay của bạn. Người ta thường tự nhiên có cảm giác lạc quan về tình huống không may trong cuộc sống khi kiểm soát được sự việc. Đúng là cuộc đời này có nhiều thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta - thời tiết và giá xăng chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng ta nên tập trung vào những thứ nằm trong quyền kiểm soát của mình để có cái nhìn tốt đẹp hơn về cuộc sống.
    • Thực vậy, nghiên cứu đã cho thấy trong những tình huống không may, những đối tượng có quyền kiểm soát tương đối cao thường có thái độ lạc quan hơn nhiều, ví dụ như tài xế trong tai nạn xe hơi hoặc người bị ung thư da, so với những người có rất ít quyền kiểm soát như hành khách trong tai nạn xe hơi hoặc người đeo máy trợ thính.[2]
  3. Tìm sự hỗ trợ từ xã hội.[3] Cho dù phải đương đầu với điều gì, bạn vẫn sẽ tìm được cảm giác yên tâm hơn khi biết rằng bên cạnh mình còn có những người khác. Bất kể bạn đang gặp rắc rối về tài chính, đau khổ vì vừa chia tay cuộc tình hay đang đối phó với một căn bệnh - ở đâu đó vẫn có những người cảm thông và thấu hiểu bạn. Sự kết nối với họ có thể giúp bạn bớt cảm giác cô đơn.
    • Bạn luôn luôn có thể trông cậy bạn bè hay người thân trong những lúc khó khăn. Tuy nhiên bạn cũng đừng ngần ngại tìm đến những lãnh tụ tôn giáo hoặc chuyên gia tư vấn. Thậm chí bạn còn có thể kết nối với những người đồng cảnh ngộ như mình ở các hội nhóm hoặc diễn đàn online.
  4. Thay đổi ngôn từ. Phần đông mọi người thường không nghĩ về ý nghĩa thực sự của những lời mình nói ra. Chúng ta chỉ tùy tiện thốt ra những lời nói và những ý nghĩ u ám cứ thế kéo đến. Nghiên cứu đã cho thấy chỉ một từ tiêu cực cũng có thể kích thích các hóa chất gây stress trong não.[4][5] Sau đây là những từ ngữ bạn cần loại ra khỏi kho từ vựng của mình để nâng cao tính lạc quan.[6]
    • Loại bỏ "phải" và thay vào đó là "sẽ" - "Hôm nay mình sẽ đến phòng gym để tập luyện."
    • Đổi "rắc rối" thành "tình huống" - "Chúng ta cần thảo luận về tình huống này."
    • Thay "sai lầm" bằng "bài học quý giá" – Chúng ta đều học được từ bài học quý giá của mình.
    • Chuyển "tồi tệ" sang "không khôn ngoan" - "Hôm nay mình có lựa chọn không được khôn ngoan."

Học cách đối phó[sửa]

  1. Phát triển các kỹ năng đối phó tích cực. Có lẽ bạn đã từng nghe nói, trong đa số trường hợp, bản thân tình huống không quan trọng bằng cách bạn phản ứng với nó. Người lạc quan thường có thái độ tích cực trong hành động phản ứng cũng như trong lối suy nghĩ. Chìa khóa để duy trì sự lạc quan là trang bị những kỹ năng tốt để áp dụng vào những thời điểm căng thẳng và khó khăn. Các kỹ năng đó có thể bao gồm:[7]
    • Nuôi dưỡng những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp
    • Tích cực vận động thể chất
    • Dùng sự hài hước để nâng cao tâm trạng
    • Dựa vào tinh thần của bản thân
    • Tập thiền
    • Thoát khỏi thực tại qua việc đọc sách
    • Theo đuổi những quan tâm và sở thích
    • Chơi với thú cưng
  2. Duy trì sự bận rộn. Đừng cố đi tìm hạnh phúc, vì điều đó có thể gây tác dụng ngược. Thay vì cố gắng tìm niềm vui, bạn hãy tìm sự bận rộn. Những khoảnh khắc hạnh phúc trọn vẹn sẽ tự nhiên đến với bạn. Và những khi cảm thấy có ý nghĩ tiêu cực xuất hiện, bạn hãy chọn một kỹ năng đối phó để toàn tâm thực hiện và đưa tâm trí mình thoát khỏi những ý nghĩ khiến bạn nản lòng. Tìm sự bận rộn trong đời sống là một cách để đối phó với tính bi quan.[8]
  3. Tập thói quen biết ơn. Có một cách chắc chắn để cảm thấy lạc quan hơn về cuộc sống và hóa rủi thành lành là vun đắp lòng biết ơn. Khoa học cho thấy lòng biết ơn được thể hiện hàng ngày đem đến nhiều lợi ích, đó là có thêm hạnh phúc và công việc, bớt cô đơn và xa cách, nâng cao khả năng miễn dịch, và những vòng quay không dứt của những cử chỉ nhân ái truyền từ người này sang người khác.[9]
    • Đem thái độ biết ơn vào đời sống hàng ngày bằng cách để tâm đến những điều tuy nhỏ bé nhưng tuyệt vời xảy ra mỗi ngày. Vui cùng tiếng cười của trẻ thơ, rúc trong chăn ấm và đọc một quyển sách hay, thưởng thức một bữa ăn ngon hoặc ôm một người thân yêu.[10]
    • Tô đậm lòng biết ơn không chỉ bằng việc nhận ra mà còn ghi lại những điều diệu kỳ nho nhỏ đó. Hãy bắt đầu viết “nhật ký biết ơn”, mô tả những điều tốt đẹp nhỏ bé diễn ra trước mắt bạn mỗi ngày và đi sâu vào những sự kiện hoặc tình huống cụ thể mà bạn biết ơn.[11]
  4. Sống lành mạnh. Khi bạn chăm sóc tốt cho hạnh phúc tinh thần và thể chất của mình, bạn sẽ nhìn chiếc cốc của bạn đầy một nửa mà không phải là vơi một nửa. Một lối sống lành mạnh bao gồm:[12]
    • Tập thể dục đều đặn – mỗi tuần tập 5 buổi trong thời gian 30 phút
    • Áp dụng một chế độ ăn lành mạnh với những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng – 3-5 bữa mỗi ngày
    • Ngủ đủ giấc - 7-9 tiếng mỗi đêm
    • Kiểm soát stress bằng những kỹ năng đối phó
    • Vui đùa – làm những việc khiến bạn vui cười
  5. Giữ sự cân bằng. Không ai có một cuộc sống hoàn toàn tốt hoặc xấu. Sống thực tế cũng là một phần quan trọng của tinh thần lạc quan đích thực. Sự lạc quan mù quáng khi bạn nhìn mọi việc dưới lăng kính màu hồng có thể nhanh chóng làm bạn thất vọng. Và nếu không thường xuyên nhìn lại các mục tiêu để đảm bảo tính thực tế, có lẽ bạn chỉ đi đến kết cục tương tự ngày này qua tháng khác.[13]
  6. Kiềm chế những ý nghĩ so sánh. Việc so sánh cuộc sống và những thành quả của mình với những người khác là một thói quen xấu mà bạn cần từ bỏ. Sự so sánh khiến bạn cảm thấy buồn bực về bản thân, vì ngoài kia luôn có ai đó hấp dẫn hơn bạn, giàu có hơn bạn hoặc thành đạt hơn bạn. Bạn cần tập từ bỏ những ý nghĩ lý tưởng hóa và bắt đầu thực tế hơn.
    • Thay vì từ bên ngoài nhìn vào và lý tưởng hóa cuộc sống của người khác, bạn nên có ý nghĩ thực tế hơn rằng người đó cũng có khuyết điểm và những ngày tồi tệ. Con người chúng ta không ai là hoàn hảo.
    • Chấp nhận rằng con người còn có những điều mà bạn không thể nhìn thấy, và rồi bạn sẽ không còn thấy buồn vì những nhược điểm của chính mình nữa.[14]
  7. Giữ mối quan hệ với những người tích cực. Có một cách đảm bảo cho bạn đi đúng hướng khi đi tìm cái nhìn tươi sáng hơn – đó là dành hàng giờ, hàng ngày trong cuộc đời bạn để ở bên cạnh những người khiến bạn cảm thấy mình có giá trị và xứng đáng.
    • Môi trường xung quanh có ảnh hưởng to lớn đến những suy nghĩ, cảm giác và hành vi của bạn.[15] Khi có sự ủng hộ của bạn bè và người thân, bạn sẽ có cơ hội tốt nhất để phát triển.

Thay đổi lối suy nghĩ[sửa]

  1. Thấy được những lợi ích khi trở thành người lạc quan. Người lạc quan – người luôn nhìn vào mặt tích cực của sự việc – thường thành công hơn về mọi mặt trong cuộc sống, từ những nhiệm vụ ở trường học, nơi làm việc đến các mối quan hệ. Họ không chỉ sống một cuộc sống thành công hơn mà còn sống lâu hơn.[8] May mắn thay, bạn không cần phải là người có sẵn tố chất lạc quan mới có thể gặt hái được những lợi ích đó. Tính lạc quan hoàn toàn có thể học được.
    • Các nhà nghiên cứu tin rằng tính lạc quan có thể học được qua một chuỗi các hành vi, bằng việc thể hiện những cử chỉ trìu mến, bằng những lần mạo hiểm và thất bại, và bằng việc quan sát những người lạc quan.[16]
  2. Vượt qua những nếp suy nghĩ tiêu cực. Bước đầu tiên để biến rủi thành may là nhận thức được sự tiêu cực của mình. Nếu không biết mình có xu hướng chỉ nhìn thấy mặt xấu của sự việc, bạn sẽ không thể thay đổi thói quen này. Hàng ngày bạn hãy theo dõi những ý nghĩ của mình, nhận thức được những giả định tiêu cực mà bạn thường đặt ra.[17]
    • Khi nhận ra một kiểu suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy lướt qua nó bằng cách nghĩ ra và nói lên một điều gì đó tích cực hơn. Ví dụ khi bạn làm hỏng bài kiểm tra ở trường và tự đi đến kết luận “mình chẳng giỏi việc gì!”, bạn hãy chuyển ý nghĩ đó thành “Môn toán đúng là khó, nhưng mình thực sự giỏi môn văn và sử”.
    • Nếu bạn có tính bi quan cố hữu, việc vượt qua lối suy nghĩ tiêu cực tự nhiên đó có vẻ không thành thực. Bạn hãy chống lại cảm giác giả tạo đó; dần dần mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
  3. Mường tượng trước kết quả tốt nhất có thể đạt được. Những người thành công trong nhiều lĩnh vực thường tập hình dung để tìm được thành công – trong đó có các vận động viên chuyên nghiệp và giám đốc điều hành.[18] Phương pháp hình dung nhằm bốn mục đích: nảy ra những ý tưởng sáng tạo giúp bạn vươn tới mục tiêu mơ ước, lập trình cho não tìm kiếm và nhận biết các nguồn lực bạn cần để đi tới thành công, thu hút những con người và tình huống tích cực về phía bạn (nghĩa là kích thích luật hấp dẫn), và cho bạn động lực cần thiết để bắt tay vào hành động một cách thích hợp.[19]
    • Phương pháp hình dung là một kỹ thuật mà bạn có thể nắm vững dễ dàng. Dành thời gian mỗi ngày vài phút yên tĩnh. Nhắm mắt lại và tưởng tượng cuộc sống của mình khi đã đạt được những mục tiêu. Hình dung mọi sự việc xảy ra với những chi tiết thật sống động, kích thích các giác quan của bạn sao cho hình ảnh đó càng thêm chân thực.
  4. Lường trước điều xấu nhất. Trở thành người lạc quan có thể thật thoải mái và hạnh phúc, nhưng nếu tính bi quan sâu thẳm trong tâm trí bạn đang vật lộn với điều đó, bạn cần dự liệu trước. Có một câu ngạn ngữ rất hay ở đây, “Tôi là người lạc quan, nhưng là người lạc quan có đem theo áo mưa”. Bạn hãy cứ mong chờ điều tốt nhất, nhưng cũng nên dự tính cho trường hợp xấu nhất xảy ra.[20]
    • Chiến thuật này giúp bạn cân bằng giữa tính lạc quan mới nảy nở và tính bi quan thái quá. Bạn dồn tâm sức của mình cho kết quả tốt, nhưng cũng nên chuẩn bị kế hoạch thay thế để đối phó với tình huống xấu nhất nếu nó thực sự xảy ra.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://thinksimplenow.com/happiness/6-ways-to-be-positive-in-any-situation/
  2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11675801
  3. http://www.mentalhealthamerica.net/conditions/social-support-getting-and-staying-connected
  4. http://psychcentral.com/blog/archives/2013/11/30/words-can-change-your-brain/
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/words-can-change-your-brain/201208/the-most-dangerous-word-in-the-world
  6. http://www.wcupa.edu/hr/training/Documents/Lesson13-a_magic_words.pdf
  7. http://www.mhww.org/strategies.html
  8. 8,0 8,1 http://www.prevention.com/mind-body/emotional-health/pessimists-guide-being-optimistic
  9. http://greatergood.berkeley.edu/expandinggratitude
  10. https://www.psychologytoday.com/blog/happiness-purpose/201411/happiness-life-3-practice-gratitude
  11. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/tips_for_keeping_a_gratitude_journal
  12. http://www.webmd.com/balance/features/healthy-living-8-steps-to-take-today
  13. https://www.psychologytoday.com/articles/200704/the-optimism-revolution
  14. https://www.psychologytoday.com/blog/communication-success/201409/how-stop-comparing-yourself-others-and-feel-happier
  15. https://www.psychologytoday.com/blog/the-power-prime/201201/personal-growth-four-obstacles-positive-life-change
  16. http://greatergood.berkeley.edu/raising_happiness/post/the_benefits_of_optimism
  17. https://www.psychologytoday.com/blog/dont-worry-mom/201204/becoming-optimist
  18. http://www.entrepreneur.com/article/242373
  19. http://jackcanfield.com/visualize-and-affirm-your-desired-outcomes-a-step-by-step-guide/
  20. https://www.linkedin.com/pulse/expect-best-prepared-worst-ca-manoj-dembla
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này