Biết bạn có phải là người vô cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự vô cảm có thể ảnh hưởng đến khả năng bạn giao tiếp với người khác, dẫn đến sự lạc lõng và cô đơn. Thật khó có thể đánh giá bản thân một cách khách quan, hoặc xác định liệu bạn có vô cảm hay không. Tuy vậy, chú ý kỹ đến phản ứng về cảm xúc của bản thân và cách mọi người đối xử với bạn sẽ rất hữu ích. Bạn cũng nên xem liệu bạn có bị chứng rối loạn tâm lý làm ảnh hưởng đến khả năng thấu cảm của bạn.

Các bước[sửa]

Đánh giá cách cư xử của bản thân[sửa]

  1. Tự hỏi chính mình, "Liệu mình có thực sự quan tâm?" Một trong những đặc điểm chính của người vô cảm là thiếu sự cảm thông. Mặc dù sự cảm thông thể hiện ở những mức độ khác nhau, một số người dễ thấu cảm hơn người khác, song ít cảm thông có thể khiến bạn trở thành người lạnh lùng và không có lòng trắc ẩn.
    • Có hai kiểu thấu cảm: thấu cảm theo lý trí và thấu cảm theo cảm xúc. Thấu cảm theo lý trí liên quan đến khả năng hiểu được suy nghĩ của người khác một cách lô-gic bằng cách nhìn nhận mọi vật từ quan điểm của họ. Có thể bạn không có phản ứng về cảm xúc mạnh mẽ đối với quan điểm của người khác nhưng trong chừng mực nào đó, ít nhất bạn hiểu được. Thấu cảm theo cảm xúc là khả năng nắm bắt được cảm xúc của người khác. Ví dụ, nếu ai đó nhận được tin xấu, bạn sẽ cảm thấy buồn.[1]
    • Xem liệu bạn có một trong hai kiểu thấu cảm đó không. Bạn có cố gắng hiểu được quan điểm của người khác khi họ giải thích điều gì đó với bạn? Bạn có tìm cách đặt câu hỏi, nắm bắt thông tin và lắng nghe? Khi người khác buồn hoặc đau khổ, bạn có chung cảm xúc như vậy không? Bạn có dễ dàng hiểu được người khác cảm giác ra sao không? Nếu bạn bè hoặc đồng nghiệp trông có vẻ buồn bã, bạn có cảm thấy thôi thúc phải hỏi han xem có chuyện gì không?[1]
    • Thông thường, những người vô cảm không cảm nhận được nhu cầu và cảm xúc của người khác. Hãy để ý bạn có thường xuyên chủ động tìm hiểu suy nghĩ của người khác hay không. Nếu bạn dành phần lớn thời gian nghĩ về bản thân thì có thể bạn là người vô cảm.
  2. Để ý cách mọi người đối xử với bạn. Mọi người có xu hướng né tránh những người vô cảm. Bạn có thể biết mình có phải là người vô cảm không bằng cách quan sát cách người khác đối xử với bạn.
    • Mọi người có bắt chuyện với bạn không khi bạn tham gia sự kiện xã hội? Nếu bạn thường là người bắt đầu câu chuyện, có thể mọi người ngại nói chuyện với bạn vì cách bạn thể hiện. Mọi người có muốn tiếp tục câu chuyện với bạn không hay có chiều hướng lấy cớ để bỏ đi?
    • Mọi người có cười khi bạn pha trò? Thường thì những người vô cảm đùa theo cách không giống ai. Nếu mọi người không cười, hoặc im lặng và cười gượng gạo, có thể bạn là người vô cảm.
    • Mọi người có tìm đến bạn khi họ cần? Nếu bạn là người vô cảm, mọi người sẽ ngại nhờ bạn giúp đỡ hay trải lòng với bạn về vấn đề của họ. Nếu bạn luôn là người cuối cùng trong nhóm biết, chẳng hạn, về việc bạn mình ly hôn hoặc một thành viên trong gia đình bị thất nghiệp, có thể vì bạn thường nói điều không hay trong những trường hợp đó. Đây là dấu hiệu của sự vô cảm.
    • Đã có ai nói thẳng rằng bạn vô cảm hay chưa? Mặc dù điều đó có vẻ là hiển nhiên, nhưng nhiều người tránh chỉ trích như vậy vì tính nhạy cảm đối với người khác. Tuy vậy, nếu ai đó hoặc nhiều người thẳng thừng nói về cách ứng xử của bạn thì có lẽ bạn là người vô cảm.
  3. Cân nhắc cách ứng xử. Những hành vi vô cảm thể hiện ở mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên, có những hành vi cụ thể, nhất định bị coi là thô lỗ hoặc thô thiển. Bạn có thể là người vô cảm nếu có một trong những hành vi dưới đây:
    • Nói về chủ đề khiến người khác khó chịu hoặc không hiểu. Ví dụ, nói mãi về chương trình học Tiến sĩ của bạn dù biết không ai trong phòng hiểu gì về chủ đề này.[1]
    • Chia sẻ quan điểm không đúng lúc, chẳng hạn như chỉ trích gay gắt tình trạng béo phì trước một đồng nghiệp mà bạn biết anh ấy đang phải vật lộn với vấn đề cân nặng.[1]
    • Đưa ra chủ đề không phù hợp, như nói về việc sử dụng chất gây nghiện để giải trí trước mặt bố mẹ người yêu mình.[1]
    • Khó chịu khi ai đó không hiểu về vấn đề bạn đang trình bày.[1]
    • Phê phán người khác về lỗi lầm hoặc hoàn cảnh của họ mà không xem xét trình độ hay nỗ lực cá nhân của họ.[1]
    • Tỏ ra thô lỗ và đòi hỏi đối với nhân viên nhà hàng.[1]
    • Thiếu tế nhị hoặc chê bai người khác. Ví dụ, nếu bạn không thích trang phục của người nào đó, có thể bạn sẽ nói: "Chị mặc bộ này béo lắm" thay vì tránh bình luận như vậy hoặc đưa ra lời khuyên tế nhị hơn như: "Em nghĩ màu khác sẽ làm tôn dáng chị hơn."[1]

Học cách tự nhận thức và đồng cảm[sửa]

  1. Luyện đọc cảm xúc của người khác. Có thể bạn khó nhận biết được biểu hiện cơ thể là dấu hiệu của những cảm xúc khác nhau nhưng bẩm sinh ai cũng có khả năng đó. Giống như các kỹ năng khác, nếu bạn dành thời gian luyện đọc cảm xúc của mọi người, bạn sẽ tiến bộ hơn.[1]
    • Quan sát mọi người ở những nơi đông đúc (như trung tâm mua sắm, khu giải trí hay công viên). Cố gắng sử dụng bối cảnh, ngôn ngữ cơ thể và cách biểu cảm để nhận biết ai đang cảm thấy ngượng ngùng, căng thẳng hay phấn khích, v.v...[1]
    • Tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là biểu cảm khuôn mặt, cũng như cách chúng thể hiện các cảm xúc khác nhau. Ví dụ sự buồn bã được biểu hiện ở mí mắt cụp xuống, khóe miệng hơi trễ và đầu lông mày nhướn lên.[2]
    • Xem kịch truyền hình và cố gắng hiểu cảm xúc mà diễn viên thể hiện. Sử dụng bối cảnh, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể. Tắt tiếng vô tuyến để bạn không nắm được mạch câu chuyện thông qua lời thoại. Khi bạn cảm thấy đã nắm bắt được vấn đề, hãy chuyển sang những vở kịch nhẹ nhàng hơn, trong đó diễn viên sử dụng những biểu cảm đa sắc thái hơn để truyền tải cảm xúc.[1]
  2. Học cách thể hiện sự quan tâm. Có thể bạn là người vô cảm vì thấy không thoải mái và kỳ cục khi thể hiện cảm xúc. Thay vì nói điều gì đó dù gượng gạo hoặc không thật lòng khi thấy ai đó buồn, bạn lại im lặng. Phải thừa nhận rằng có vẻ như khiên cưỡng khi chia sẻ với bạn bè bằng cách nói: "Mình lấy làm tiếc khi biết rằng...", nhưng bạn biết đấy, mọi việc sẽ trở nên tự nhiên hơn khi bạn cố gắng và thử làm nhiều lần.[1]
  3. Hiểu được sự cần thiết của cảm xúc. Với bạn, nỗi buồn có thể là vô nghĩa, phi lý và yếu đuối. Có thể bạn phân vân vì sao mọi người không xem xét kỹ vấn đề và tìm cách giải quyết. Nhưng cảm xúc là một phần không thể thiếu trong quá trình ra quyết định, cũng giống như lô-gic. Cảm xúc có thể là động lực để bạn thay đổi cuộc sống, cảm giác khó chịu thường là đòn bẩy để thoát ra tình trạng bế tắc.[1]
    • Cảm xúc là cần thiết để kết nối và giao tiếp xã hội lành mạnh, thành công.[1]
    • Nhớ rằng cảm xúc đơn giản chỉ là một phần của con người. Dù bạn không hiểu được chúng hoặc nghĩ là vô nghĩa thì bạn cần biết rằng hầu hết mọi người không nghĩ như bạn.[1]
    • Đôi khi giả vờ cũng không sao. Có thể bạn không hiểu vì sao ai đó buồn hoặc quá phấn chấn nhưng thể hiện sự quan tâm một chút cũng là điều nhạy cảm nhất bạn có thể làm. Bạn không nhất thiết phải cảm thấy vui vì đồng nghiệp của mình sắp có cháu gọi bằng dì nhưng bạn cũng chẳng mất gì khi mỉm cười chúc mừng cô ấy.[1]
  4. Chú ý hơn về cảm xúc của bản thân. Những cảm xúc khiến bạn không thoải mái, lúng túng, hoặc có thể bạn được dạy phải che giấu hoặc kìm nén cảm xúc, hoặc bạn chỉ nghe theo lý trí. Dù vì bất kỳ lí do nào, bạn cần giảm bớt những cảm xúc cá nhân, những thứ có thể khiến bạn khó thấu cảm.[1]
    • Nếu bạn phải kìm nén cảm xúc để đương đầu với những tổn thương hoặc có xu hướng chống chọi lại nỗi lo lắng, bạn cần có chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia trị liệu để giúp bạn vượt qua những cảm giác đó.[1]
    • Tự vấn bản thân mỗi ngày: "Mình đang cảm thấy thế nào?". Dừng lại và kiểm tra có thể giúp bạn bắt đầu nhận biết được các cảm xúc khi chúng vừa xuất hiện.[1]
    • Xác định các biện pháp nào bạn sử dụng để lảng tránh cảm xúc như: chơi game hoặc xem vô tuyến, tập trung vào công việc, uống rượu bia hoặc dùng các chất gây nghiện khác, cường điệu hóa tình huống, hoặc đùa cợt về chuyện đó.[1]
    • Cho phép bản thân cảm nhận cảm xúc. Đừng kìm nén cảm xúc khi bạn đã ở một nơi riêng tư, an toàn. Hãy để cảm xúc đến và cố gắng quan sát cách cơ thể bạn phản ứng lại. Ghi chép những thay đổi về cơ thể (như lông mày nhíu lại và miệng mím chặt khi tức giận) có thể giúp bạn nhận biết cảm xúc khi chúng xuất hiện ở trong bạn cũng như ở người khác.[1]

Xem xét những nguyên nhân về tâm lý[sửa]

  1. Tìm hiểu những triệu chứng của bệnh ái kỷ. Rối loạn nhân cách ái kỷ là một dạng rối loạn tâm thần ở những người coi trọng bản thân quá mức và có xu hướng thiếu sự cảm thông. Căn bệnh này khá hiếm gặp với tỷ lệ mắc từ 0% đến 6,2%/mẫu điều tra cộng đồng.[3] Trong số những người được chẩn đoán mắc chứng rối loại nhân cách ái kỷ có 50-75% là nam giới.[3]
    • Triệu chứng của căn bệnh nói trên bao gồm coi trọng bản thân, có nhu cầu được công nhận hoặc ca tụng, nhu cầu khoe khoang về thành công hoặc khả năng của mình, ghen tỵ với người khác hoặc tin rằng người khác ghen tỵ với mình, và mong đợi mọi người xung quanh dành cho mình đối xử đặc biệt. Những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ có xu hướng nghĩ bản thân họ và nhu cầu của chính họ là trung tâm vũ trụ.[4]
    • Những lời phê bình hoặc thất bại thông thường có thể gây ra các đợt căng thẳng nặng nề đối với người bị bệnh này. Đây thường là điều đầu tiên thúc đẩy họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, bạn không cần phải đợi lâu như vậy. Nếu lo ngại mình có triệu chứng của bệnh ái kỷ, hãy hẹn gặp chuyên gia trị liệu.[4]
  2. Cân nhắc bệnh tự kỷ, bao gồm cả hội chứng Asperger. Những người bị tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu được những dấu hiệu giao tiếp xã hội và cách để phản hồi. Họ có xu hướng nói thẳng và thành thật, dễ bị cho là vô cảm.
    • Bạn có thể mắc chứng tự kỷ nếu quá để ý đến cảm xúc của người khác và không muốn nhìn thấy mọi người bị buồn, đó cũng bị coi là vô cảm. Sự "vô cảm" ở nhiều người mắc chứng tự kỷ có thể biểu hiện ở tình trạng thiểu năng, choáng ngợp và hiểu nhầm chứ không phải là thiếu sự quan tâm.[5][6]
    • Các triệu chứng tự kỷ khác bao gồm cảm xúc mạnh, tự kích (bồn chồn lo lắng không bình thường), ngại giao tiếp bằng mắt, chậm chạp, sở thích đặc biệt thái quá, nhu cầu làm những việc lặp lại,[7] và nói chung là chậm hiểu.[7]
    • Mặc dù tự kỷ thường được xác định ở trẻ em nhưng các triệu chứng có thể bị bỏ qua hoặc tiềm ẩn, một số người không được phát hiện cho đến lứa tuổi thanh thếu niên hoặc trưởng thành. Hãy nói chuyện với chuyên gia trị liệu nếu bạn nghĩ rằng mình có các triệu chứng của bệnh tự kỷ.[7]
  3. Tìm hiểu về các chứng rối loạn nhân cách khác nhau. Nhiều chứng rối loạn nhân cách gây ra sự vô cảm đối với người khác. Triệu chứng này là một nhóm các bệnh về tâm thần gây ra kiểu suy nghĩ và hành xử thiếu lành mạnh lâu dài. Mặc dù tất cả các chứng rối loạn nhân cách có thể gây ra tình trạng vô cảm ở mức độ nào đó, những trường hợp dưới đây thường gắn nhiều nhất với việc thiếu sự thấu cảm:[8]
    • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội liên quan đến thiếu khả năng phân biệt đúng sai, có thái độ hằn học, gây gổ, bạo lực, thiếu các mối quan hệ lâu dài, có hành vi mạo hiểm không cần thiết và tự cao tự đại.[9]
    • Rối loạn nhân cách ranh giới là khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc hoặc suy nghĩ, thường xuyên có những hành vi mạo hiểm hoặc bốc đồng, khó duy trì được các mối quan hệ ổn định, lâu dài.[10]
    • Rối loạn nhân cách phân liệt là tình trạng thiếu các mối quan hệ xã hội, suy nghĩ hoang tưởng và lo lắng thái quá.[10]
  4. Hãy gặp chuyên gia trị liệu nếu thấy cần. Nếu bạn cảm thấy mình có thể mắc một trong các chứng rối loạn trên, hãy trao đổi lo ngại đó với chuyên gia trị liệu hoặc bác sỹ tâm lý. Mặc dù nhiều bảng câu hỏi trực tuyến có thể cho biết liệu bạn có bị các triệu chứng rối loạn nào đó nhưng chỉ có chuyên gia mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Bạn có thể tìm chuyên gia trị liệu bằng cách tra bảo hiểm để biết bác sỹ hoặc bệnh viện nào được bảo hiểm trang trải. Bạn cũng có thể nhờ bác sỹ chuyên khám cho bạn giới thiệu. Nếu bạn là sinh viên, trường học có thể cung cấp tư vấn miễn phí.

Lời khuyên[sửa]

  • Hỏi người mà bạn tin cậy xem liệu bạn có phải là người vô cảm.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn tin rằng mình có thể mắc chứng rối loạn tâm thần, hãy tìm hiểu kỹ trước khi tự chẩn đoán cho mình. Tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sỹ để được chẩn đoán chính thức, thay vì tự mày mò tìm hiểu. Đừng bao giờ tự kê thuốc điều trị cho bản thân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]