Biết thời điểm tiêm phòng uốn ván

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dù quen thuộc nhưng bạn có biết thời điểm cần tiêm vắc-xin uốn ván không? Ở Mỹ, cũng như các nước phát triển khác, uốn ván rất hiếm gặp nhờ tỉ lệ tiêm phòng cao. Việc tiêm phòng có vai trò vô cùng quan trọng bởi đến nay, uốn ván vẫn chưa có cách chữa trị và nó bắt nguồn từ độc tố của vi khuẩn được tìm thấy trong đất, bụi bẩn và chất thải động vật. Vi khuẩn độc hại này ở dạng bào tử rất khó tiêu diệt vì chúng có khả năng chịu nhiệt và kháng nhiều loại thuốc cũng như hóa chất. Vi khuẩn uốn ván tấn công hệ thần kinh và gây đau đớn với những cơn co thắt cơ, đặc biệt ở hàm và cổ. Nó cũng có thể gây nghẹt thở và dẫn đến tử vong. Với những lí do trên, nhận biết thời điểm cần tiêm vắc-xin uốn ván là vô cùng quan trọng.

Các bước[sửa]

Biết Thời điểm cần Tiêm phòng Uốn ván[sửa]

  1. Tiêm mũi tăng cường khi bị một số chấn thương nhất định. Thông thường, độc tố vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết da rách tạo nên bởi vật chứa vi khuẩn uốn ván. Nếu có một hoặc nhiều chấn thương hay vết thương dễ dẫn đến uốn ván, bạn nên tiêm một mũi tăng cường. Chúng gồm:
    • Mọi vết thương nhiễm bẩn bởi đất, bụi hoặc phân ngựa.
    • Vết đâm. Vật gây ra loại vết thương này bao gồm mảnh gỗ vụn, móng tay, kim, kính và vết cắn của người hay động vật.[1]
    • Bỏng da. Bỏng độ hai (bỏng dày cục bộ hoặc bỏng rộp) và độ ba (bỏng dày toàn bộ) có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn bỏng độ một (bề mặt).[2]
    • Chấn thương do va chạm dẫn đến tổn thương mô do bị chèn ép giữa hai vật nặng. Chúng cũng có thể xảy ra khi một bộ phận cơ thể bị vật nặng rơi trúng.[3][4]
    • Vết thương liên quan đến mô hoại tử hay chết. Không có máu nuôi dưỡng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (cùng với sự tổn thương nghiêm trọng) của những mô này. Chẳng hạn như, vùng ngoại tử (mô chết) sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.[1]
    • Vết thương có chứa ngoại vật. Vết thương có chứa ngoại vật như mảnh vụn, mảnh thủy tinh, sỏi hoặc những vật thể khác có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.[5]
  2. Nhận biết nếu đó là thời điểm cần tiêm uốn ván. Trong trường hợp chưa từng tiêm loạt mũi uốn ván (loạt tiêm phòng đầu) hoặc không chắc thời điểm của mũi cuối cùng, bạn nên tiêm một mũi uốn ván. Nếu bị thương, có thể bạn sẽ phân vân liệu mũi uốn ván tăng cường có cần thiết hay không. Bạn sẽ cần đến nó nếu:[6]
    • Vết thương gây bởi vật thể “sạch” nhưng mũi uốn ván cuối cùng của bạn đã cách đó hơn 10 năm.
    • Vết thương gây bởi vật thể “bẩn” và mũi uốn ván cuối cùng cách đó hơn 5 năm.
    • Bạn không chắc vật thể làm bị thương là “sạch” hay “bẩn” và mũi uốn ván cuối cùng cách đó hơn 5 năm.
  3. Tiêm khi mang thai. Để truyền kháng thể uốn ván cho thai nhĩ, bạn nên tiêm vắc-xin khi mang thai từ 27-36 tuần.[7]
    • Bác sĩ có thể sẽ đề nghị vắc-xin chủng ngừa Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà) ở tam cá nguyệt thứ ba của thời kỳ mang thai của bạn.[8]
    • Nếu chưa tiêm vắc-xin Tdap từ trước và không tiêm trong thời kỳ mang thai, bạn nên tiến hành ngay khi sinh xong.[9]
    • Nếu có một vết cắt hay vết thương bẩn trong lúc mang thai, bạn nên tiêm mũi uốn ván tăng cường.
  4. Trở nên miễn dịch. Cách tốt nhất để "trị" uốn ván là ngăn ngừa ngay từ đầu. Dù phản ứng ở mức trung bình khá phổ biến sau khi tiêm nhưng hiếm có trường hợp nào nghiêm trọng. Phản ứng trung bình bao gồm sưng, đau và đỏ tại chỗ tiêm. Tuy vậy, chúng thường biến mất trong vòng 1-2 ngày.[10] Đừng lo lắng về việc tiêm thêm mũi tăng cường. Thường thì sẽ chẳng có vấn đề gì khi bạn không đợi đủ 10 năm để tiêm mũi tiếp theo. Một số loại vắc-xin chống uốn ván gồm:[11]
    • DTaP. Vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván và ho gà (ho lâu ngày) thường được tiêm cho trẻ ở 2, 4, 6 tháng tuổi và tiêm nhắc vào 15 đến 18 tháng tuổi. DTap đặc biệt hiệu quả với trẻ nhỏ. Trẻ thường cần mũi tăng cường ở từ 4 đến 6 tuổi.
    • Tdap. Qua thời gian, khả năng miễn dịch uốn ván suy giảm. Do đó, trẻ lớn hơn cần tiêm mũi tăng cường. Mũi tăng cường chứa đủ liều vắc-xin uốn ván và giảm liều lượng của bạch hầu và ho gà. Bất kỳ ai từ 11 đến 18 tuổi đều được khuyên tiêm mũi tăng cường, trong đó, độ tuổi tốt nhất là 11 hoặc 12 tuổi.
    • Td. Nếu đã trưởng thành, hãy tiêm mũi tăng cường Td (uốn ván và bạch hầu) mỗi mười năm để duy trì miễn dịch. Bởi mức kháng thể suy giảm sau 5 năm, mũi tăng cường được khuyên dùng nếu bạn có vết thương sâu, nhiễm trùng và không tiêm phòng trong thời gian nhiều hơn 5 năm.[10]

Biết và Nhận diện Uốn ván[sửa]

  1. Tìm hiểu những đối tượng dễ bị uốn ván và cách lây lan của nó. Gần như mọi trường hợp uốn ván đều chỉ xuất hiện ở những người chưa từng tiêm phòng uốn ván hoặc những người trưởng thành không tuân theo lịch tiêm tăng cường mỗi 10 năm của họ.[1] Dù vậy, khác với những bệnh chủng ngừa bằng vắc-xin khác, uốn ván không truyền từ người sang người.[12] Thay vào đó, nó lan truyền bởi bào tử vi khuẩn - thường xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở. Chúng tạo độc chất neurotoxin cực mạnh gây co thắt và cứng cơ.
    • Biến chứng từ uốn ván đạt tỉ lệ cao nhất ở những người chưa được chủng ngừa hoặc ở những người lớn không được miễn dịch đủ tại các quốc gia công nghiệp hóa.[13]
    • Bạn cũng có thể có nguy cơ uốn ván sau thiên tai, đặc biệt là khi sống ở quốc gia đang phát triển.[14]
  2. Giảm rủi ro uốn ván. Ngay khi bị thương hoặc chấn thương, hãy rửa sạch và khử trùng. Trì hoãn việc khử trùng vết thương mới hơn 4 giờ sẽ làm tăng nguy cơ uốn ván.[15] Điều này thậm chí còn quan trọng hơn trong trường hợp vết thương gây ra do vật thể đâm thủng da, đưa vi khuẩn và mảnh vụn xâm nhập sâu vào trong vết thương, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn uốn ván.
    • Lưu ý độ sạch của vật gây thương tích để quyết định sự cần thiết của mũi tăng cường. Vật thể bẩn hoặc nhiễm độc sẽ dính bụi bẩn/đất, nước bọt hoặc phân/chất thải còn vật sạch thì không. Nhớ rằng không nhất thiết là bạn có thể biết chính xác liệu vật đó có vi khuẩn hay không.
  3. Chú ý các triệu chứng. Thời gian ủ bệnh của uốn ván không đồng nhất, nằm trong khoảng từ 3 đến 21 ngày và thời gian ủ bệnh trung bình là 8 ngày. Mức độ trầm trọng của uốn ván được xác định theo thang từ I đến IV. Thời gian ủ bệnh càng lâu, bệnh thường càng nhẹ hơn.[16] Triệu chứng uốn ván thông thường (theo thứ tự xuất hiện) bao gồm:[12]
    • Co thắt cơ hàm (thường được gọi là “khóa hàm”)
    • Cứng cổ
    • Khó nuốt (chứng khó nuốt)
    • Cơ bụng co cứng như ván
  4. Nhận biết những triệu chứng uốn ván khác. Triệu chứng là cơ sở duy nhất để chẩn đoán uốn ván. Không xét nghiệm máu nào có thể chẩn đoán uốn ván, do đó, việc nhận biết mọi triệu chứng là rất quan trọng. Bạn cũng có thể có dấu hiệu sốt, đổ mồ hơi, tăng huyết áp hoặc tim đập nhanh (chứng tim đập nhanh).[13] Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm:[12][1]
    • Co thắt thanh quản hoặc co thắt dây thanh âm dẫn đến khó thở
    • Gãy xương
    • Động kinh/co giật
    • Nhịp tim bất thường
    • Nhiễm trùng thứ cấp như viêm phổi do bệnh kéo dài
    • Nghẽn mạch phổi hay cục máu đông trong phổi
    • Tử vong (chiếm 10% trường hợp được ghi nhận)

Điều trị Uốn ván[sửa]

  1. Chăm sóc y tế. Nếu nhận định hay thậm chí nghi ngờ bị uốn ván, hãy tìm đến chăm sóc y tế ngay lập tức. Đó là tình huống y tế khẩn cấp và bạn cần nhập viện bởi đây là bệnh có số người chết hay tỉ lệ tử vong cao (10%). Ở bệnh viện, bạn sẽ được cấp huyết thanh chống uốn ván như globulin miễn dịch chống uốn ván. Nó giúp trung hòa mọi độc tố chưa tấn công tế bào thần kinh của bạn. Vết thương được làm sạch hoàn toàn và bạn sẽ được tiêm vắc-xin uốn ván để ngăn ngừa nhiễm bệnh trong tương lai.[12][13][1]
    • Nhiễm uốn ván không có nghĩa rằng về sau, bạn miễn nhiễm. Trên thực tế, để không tái nhiễm, bạn cần vắc-xin uốn ván.
  2. Để bác sĩ quyết định cách chữa trị dành cho bạn. Không xét nghiệm máu nào có thể chẩn đoán uốn ván. Do đó, kiểm tra ở phòng thí nghiệm là vô dụng trong việc đánh giá bệnh này. Bởi vậy, hầu hết bác sĩ không thể chờ đợi và theo dõi mà đều chọn biện pháp chữa trị chủ động khi nghi ngờ nhiễm bệnh.
    • Bác sĩ chẩn đoán chủ yếu dựa trên triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng hiện tại. Triệu chứng càng nặng, công tác điều trị càng gấp rút.
  3. Điều trị triệu chứng uốn ván. Bởi vẫn chưa có thuốc trị uốn ván, triệu chứng và biến chứng liên quan là đối tượng của việc chữa trị. Bạn sẽ được cho uống, tiêm hoặc tiêm tĩnh mạch kháng sinh và thuốc kiểm soát co thắt cơ.
    • Một số thuốc kiểm soát co thắt cơ bao gồm thuốc giảm đau thuộc nhóm benzodiazepine (như diazepam (Valium), lorazepam (Ativan), alprazolam (Xanax) và midazolam (Versed). [12][13][1]
    • Kháng sinh thường không hiệu quả với uốn ván nhưng chúng có thể được kê đơn để ức chế sự tự sinh sản của vi khuẩn Clostridium tetani. Điều này có thể làm chậm sự sản xuất độc tố. [17]

Lời khuyên[sửa]

  • Có loại vắc-xin đồng thời cũng phòng bạch hầu và ho gà (Tdap) và loại chỉ phòng thêm bạch hầu (Td). Cả hai loại đều có tác dụng 10 năm.
  • Ngày tiêm tăng cường cuối cùng có ở hồ sơ chủng ngừa tại văn phòng bác sĩ. Thẻ cá nhân thể hiện thông tin ngày tiêm có thể xin từ bác sĩ.
  • Nếu có nguy cơ nhiễm trùng, hãy chắc rằng bạn hiểu rõ dấu hiệu và biến chứng của uốn ván. Co thắt có thể trở nên trầm trọng đến mức gây ảnh hưởng đến hoạt động hít thở thông thường. Co giật có thể trầm trọng đến mức dẫn đến gãy cột sống hoặc xương dài.
  • Cẩn tắc vô áy náy, nếu đặc biệt lo lắng nhiễm trùng uốn ván, hãy tiêm phòng.
  • Một vài bệnh hiếm gặp có thể có triệu chứng tương tự uốn ván. Tăng thân nhiệt ác tính là bệnh di truyền gây sốt nhanh và co thắt cơ trầm trọng khi gây mê.[18] Hội chứng người cứng đơ là bệnh cực hiếm liên quan đến hệ thống thần kinh, gây ra co rút cơ theo chu kỳ. Triệu chứng bệnh thường bắt đầu ở khoảng 45 tuổi.[19]

Cảnh báo[sửa]

  • Tìm đến cấp cứu khi có bất kì chấn thương hay vết thương nghiêm trọng nào. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng uốn ván, đừng chờ triệu chứng xuất hiện để được điều trị thích hợp. Uốn ván không chữa được, hiện chúng ta chỉ có thể đối phó với triệu chứng cho đến khi hết bệnh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 http://www.cdc.gov/tetanus/about/index.html
  2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK6970/
  3. http://www.emsworld.com/article/10331311/soft-tissue-injuries-crush-injury-and-compartment-syndrome
  4. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000024.htm
  5. http://www.aafp.org/afp/2007/0901/p683.html
  6. http://www.emedicinehealth.com/preventing_tetanus_infections-health/article_em.htm
  7. http://www.cdc.gov/vaccines/pubs/preg-guide.htm
  8. http://www.cdc.gov/pertussis/pregnant/mom/get-vaccinated.html
  9. CDC. Updated recommendations for use of tetanus toxoid, reduced diphtheria toxoid, and acellular pertussis vaccine (Tdap) in pregnant women - Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP), 2012. MMWR 2013; 62 (07):131-5.
  10. 10,0 10,1 http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=47225&page=2
  11. http://www.cdc.gov/features/tetanus/
  12. 12,0 12,1 12,2 12,3 12,4 http://www.immunize.org/catg.d/p4220.pdf
  13. 13,0 13,1 13,2 13,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tetanus/basics/definition/con-20021956
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21357910
  15. http://www.rch.org.au/clinicalguide/guideline_index/Management_of_tetanusprone_wounds/
  16. http://www.scielo.br/pdf/bjmbr/v39n10/6200.pdf
  17. http://emedicine.medscape.com/article/229594-medication
  18. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001315.htm
  19. http://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/neuroimmunology_and_neurological_infections/conditions/stiff_person_syndrome.html

Liên kết đến đây