Cư xử với người bị rối loạn đa nhân cách

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rối loạn Nhân cách Phân ly (Dissociative Identity Disorder - DID), trước đây được gọi là bệnh Rối loạn Đa nhân cách, là một loại bệnh đem lại sự mệt mỏi và sợ hãi cho cả người mắc bệnh lẫn những người thân quen của họ. Bệnh DID có đặc trưng là sự phát triển của nhiều bản thể hoặc nhân cách riêng biệt. Đây là một chứng bệnh gây nhiều tranh cãi, vì thế, người mắc bệnh có thể phải chịu đựng nhiều sự kì thị từ người khác.[1] Hãy cư xử với người mắc bệnh DID bằng lòng trắc ẩn để giúp họ cảm thấy khá hơn.

Các bước[sửa]

Hiểu về Bệnh Rối loạn Nhân cách Phân ly[sửa]

  1. Hiểu được triệu chứng của bệnh. Đặc trưng của bệnh DID là sự hiện diện của nhiều nhân cách riêng biệt, thường được gọi là các nhân cách thay thế. Những nhân cách này thường phức tạp, sở hữu quá khứ, thể chất và hành vi khác nhau. Ví dụ: một người trưởng thành có thể có nhân cách thay thế thuộc về một đứa trẻ. Bạn có thể nhận ra những sự thay đổi trong giọng nói, cử chỉ - ngoài những thay đổi về thái độ và sở thích. Khi các nhân cách thay thế xuất hiện, người bệnh có thể mất khả năng nhớ lại một phần kí ức hoặc một khoảng thời gian nào đó. Vì thế, họ không nhận ra sự hiện diện của những nhân cách thay thế. Sự chuyển đổi giữa các nhân cách còn được gọi là “switch” trong tiếng Anh.[2]
    • Những người bị Rối loạn Nhân cách Phân ly thường bị lo âu, trầm cảm, tự làm hại bản thân, rối loạn giấc ngủ và/hoặc lạm dụng đồ uống có cồn.
    • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đối với mỗi cá nhân là khác nhau.
  2. Không phán xét. Những người bị mắc bệnh tâm lý thường không tự tìm tới bác sĩ hoặc hợp tác điều trị do những sự kì thị liên quan tới việc mắc bệnh tâm lý.[3] Điều này có thể rất đúng với những người bị mắc DID do DID chưa được coi là một chứng bệnh rối loạn một cách rộng rãi, dù các tiêu chuẩn chẩn đoán đã được ghi trong DSM-5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các chứng rối loạn tâm thần). Tránh làm người mắc DID thêm xấu hổ và ngại ngùng về tình trạng của mình.
    • Luôn ghi nhớ rằng việc kiểm soát phản ứng của người khác là rất khó. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được sự phức tạp của việc sống cùng một người mắc bệnh tâm lý.
  3. Hãy hỏi han nếu bạn quen thân với người bệnh. Nếu người đó là bạn bè hoặc người thân trong gia đình, hãy hỏi về những trải nghiệm của họ để thể hiện sự quan tâm của mình.[4] Những người lạ có thể cảm thấy khó chịu với những câu hỏi về tâm lý của họ, vì thế, bạn nên tránh đề cập.
    • Hỏi về cảm giác của họ trước và sau khi sự chuyển đổi giữa các nhân cách diễn ra. Như vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn về trải nghiệm của họ.
    • Thể hiện sự thông cảm bằng cách thấu hiểu sự sợ hãi, bối rối và hoang mang của họ.

Hỗ trợ Người bị Mắc bệnh Rối loạn Nhân cách Phân ly[sửa]

  1. Ở bên họ. Sự xấu hổ và kì thị thường khiến người mắc bệnh tâm lý cảm thấy bị cô lập. Hãy giúp đỡ họ duy trì một mối quan hệ lành mạnh bằng cách chủ động trò chuyện với họ. Bạn không cần phải bàn luận về bệnh DID. Thực tế, sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn có thể ở bên họ mà không nhắc gì tới chứng bệnh đó. Việc này sẽ giúp họ cảm thấy “bình thường”.
    • Lên kế hoạch gặp gỡ hàng tuần để duy trì mối quan hệ.
    • Tìm một hoạt động nào đó mà hai bạn có thể cùng tham gia để hướng sự chú ý ra khỏi bệnh DID.
  2. Tham gia một nhóm hỗ trợ. Tham gia những nhóm hỗ trợ là một cách tuyệt vời để tìm thấy những người có cùng hoàn cảnh.[5] Hãy đề nghị cùng tham gia một nhóm với họ để thể hiện sự ủng hộ.
    • DID là một chứng bệnh không phổ biến nên bạn có thể khó tìm được một nhóm hỗ trợ riêng biệt tại nơi bạn ở. Các thành phố lớn có thể có những nhóm dành riêng cho các chứng bệnh Rối loạn Phân ly, nhưng ở các thành phố nhỏ hơn, bạn có thể phải tìm kiếm những nhóm hỗ trợ các bệnh tâm lý nói chung.
    • Nếu bạn không thể tìm được một nhóm hỗ trợ tại nơi mình sống, bạn có thể tham gia một nhóm hỗ trợ trực tuyến.
  3. Luôn ủng hộ. Hãy thể hiện cho người bệnh thấy rằng bạn quan tâm và hỗ trợ họ bằng cách tham gia các nhóm ủng hộ. Việc này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và cơ hội để trở thành người có ích.[6]
    • Động viên người đó tham gia cùng bạn. Tham gia vào một nhóm ủng hộ sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về những trải nghiệm xã hội và vượt qua sự kì thị.

Kiểm soát Sự chuyển đổi Giữa các Nhân cách[sửa]

  1. Giúp người mắc DID tránh các yếu tố kích thích. Chấn thương là yếu tố thường thấy ở những người mắc DID, và sự phân ly nhân cách thường liên quan tới sự căng thẳng cảm xúc nghiêm trọng. Như vậy nghĩa là những cảm xúc căng thẳng có thể gây ra sự chuyển đổi nhân cách.[7] Đối với người mắc DID, tránh được các yếu tố kích thích sẽ giúp họ nhận ra và kiểm soát được những tình huống căng thẳng. Nếu bạn thấy một sự việc nào đó có nguy cơ kích thích cảm xúc, hãy thay đổi chủ đề nói chuyện hoặc đề nghị người đó cùng tham gia những hoạt động không liên quan khác.
    • Thuốc và rượu bia có thể kích thích sự chuyển đổi, vì vậy, không khuyến khích họ sử dụng.
  2. Tự giới thiệu bản thân. Nếu một nhân cách thay thế xuất hiện lúc bạn đang ở đó, nhân cách đó có thể không hề biết bạn là ai. Trong trường hợp nhân cách đó không biết bạn, họ có thể trở nên bối rối hoặc sợ hãi. Hãy giúp họ bình tĩnh lại bằng cách tự giới thiệu bản thân và giải thích vì sao bạn quen họ.[8]
    • Nếu người mắc DID là vợ/chồng của bạn, có thể bạn nên tránh việc tự giới thiệu mình là chồng/vợ của họ. Ví dụ: một nhân cách trẻ con có thể sẽ cảm thấy rất bối rối, một nhân cách thuộc giới tính khác có thể sẽ rất khó chịu với sự tác động của việc phân định giới tính này.
  3. Động viên người bệnh hợp tác điều trị. Việc điều trị bệnh DID thường bao gồm việc thường xuyên gặp gỡ nhà trị liệu và thay đổi lối sống. Những người bị trầm cảm và/hoặc lo âu có thể sẽ phải dùng thuốc điều trị.[9] Việc điều trị phải được tuân thủ nghiêm ngặt để có hiệu quả tốt nhất, vì thế, hãy khuyến khích họ hợp tác điều trị.
    • Động viên người bệnh đi gặp bác sĩ trị liệu bằng cách đi cùng họ.
    • Những thay đổi vể lối sống thường bao gồm việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tránh dùng thuốc/rượu bia. Bạn có thể khuyến khích họ thay đổi lối sống bằng cách áp dụng những thay đổi đó với chính mình, ít nhất là khi bạn đang ở cạnh người đang được điều trị.
    • Gợi ý cho người đó đặt chuông nhắc nhở để uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Nếu người đó cho biết họ không thể hợp tác hoặc đang nghĩ tới việc trở nên bất hợp tác, hãy đề nghị họ gặp bác sĩ để biết các hướng điều trị phù hợp.

Lời khuyên[sửa]

  • Sức khỏe thể chất có liên quan tới sức khỏe tinh thần, vì vậy, hãy luôn ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn sợ rằng người đó có thể tự gây hại cho bản thân hoặc những người khác, hãy tìm sự trợ giúp ngay lập tức.
  • Ngừng dùng thuốc đột ngột có thể rất nguy hiểm. Động viên người bệnh đi gặp bác sĩ ngay khi họ định ngừng dùng thuốc.
  • Các loại thuốc dùng để tiêu khiển và rượu bia có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, vì thế, phải tránh sử dụng chúng.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây